LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠN CHẾ OVERTHINKING?
Làm sao để hạn chế thói suy nghĩ quá mức, hay ít nhất giúp cho việc đó trở nên có giá trị và thú vị hơn đôi chút?
Hi mọi người, câu chuyện vẫn là đã lâu rồi mình mới mò tới chiếc blog cũ kỹ này, mang theo một chủ đề, hay nói cách khác, một vấn đề mà không ít bạn gặp phải, trong đó có mình luôn. Nhìn tiêu đề thì sẽ đoán được ngay là mình muốn chia sẻ với các bạn về Overthinking (dịch tiếng việt: suy nghĩ quá độ), kèm theo một số cách mà mình nghĩ có thể giúp hạn chế được việc suy nghĩ quá nhiều.
Overthinking có thể là một biểu hiện của chứng lo âu quá độ (theo Betterhelp, 2021), cũng có thể là một thói quen, một phần tính cách của bạn. Mình sẽ lấy một số ví dụ từ bản thân mình cho cái thói nghĩ ngợi quá nhiều này luôn nha!
+ Mình sợ bị đánh giá lắm và hay ''run rẩy'' (một em đồng nghiệp gọi mình như thế đấy). Mình thường dành hàng tiếng đồng hồ suy nghĩ về ấn tượng của người khác đối với mình: ''mình nói thế này có vô duyên/có nhu nhược/có đanh đá quá không?'', ''đáng lẽ mình không nên làm cái này, cái kia'', ''chắc người ta sẽ nghĩ thế nọ, thế chai về mình'', v.v. Những suy nghĩ miên man, không hồi kết diễn ra tự nhiên, và thường xuyên đến mức khiến mình cảm thấy bản thân dần trở nên rụt dè, sợ sệt, và thiếu chắc chắn.
+ Mình hay vô tình xem được profile của một ai đó vô cùng tài năng, thu hút, kỷ luật và đầy quyết tâm trên mạng xã hội. Mình mong là mình đã cảm thấy được truyền nhiều năng lượng, nhiệt huyết để lao vào học tập, làm việc. Nhưng câu chuyện dừng lại ở việc mình nằm dài trên giường, nhìn chằm chằm, một cách trống rỗng, lên trần nhà. Nghĩ, và thở dài (nghĩ gì thì mình cũng chịu, chỉ biết là lan man, vô tận các bạn ạ).
+ Mình suy nghĩ về những chuyện không hay xảy đến với mình trong ngày, và càng nghĩ càng khiến cảm xúc trở nên tiêu cực. Mà tiêu cực thì nào có tốt đẹp gì? Nó khiến chỉ khiến mình trông thật tối tăm, và thảm hại.
Nếu kể hết ra thì không biết bao nhiêu cho vừa những câu chuyện bé xé ra to, bao nhiêu thời giờ đã bị phí phạm cho cái thói quen thiếu lành mạnh và ít giá trị này.
Phải nói rằng, sau kha khá kinh nghiệm về việc giảm tần suất của Overthinking, mình vẫn không thật sự có một giải pháp nào giúp đặc trị cái vấn đề kinh niên như này, nhưng cũng nghiệm ra được một số cách có thể hạn chế hoặc ít nhất cũng giúp cho cái thói suy nghĩ quá độ bớt nhàm chán hơn chút xíu.
1. Thu âm hoặc viết lại những gì bạn đang nghĩ
Việc thu âm lại hay viết xuống những suy nghĩ, cảm xúc của bạn không chỉ đơn giản là giúp bạn nhìn hay nghe lại những câu chuyện, sự việc đã xảy ra đâu nhé, nó sẽ giúp bạn rèn luyện khả năng diễn đạt, bộc lộ cảm xúc qua ngôn từ, hay giúp bạn phát triển mạch suy nghĩ một cách liên kết và logic hơn. Ngoài ra, đây cũng là cách để bạn luyện viết và trở nên thoải mái hơn trong việc sử dụng từ ngữ.
2. Làm bất cứ việc gì bạn muốn
Trừ việc nằm ườn ra và nghĩ ngợi mông lung.
Mình nói thật đó. Bạn hãy làm bất kỳ việc gì khiến bạn cảm thấy thoải mái và thư giãn. Bạn xem phim cũng được, bạn chơi game, trang điểm, quay Tiktok, thử quần áo, nấu ăn, đi tắm, dọn nhà, hay bạn đi đánh một giấc ngon lành cũng ổn luôn. Và đừng cảm thấy rằng mình đang tốn thời gian làm những việc không đâu, vì những việc đó tốt hơn gấp ngàn lần so với việc bạn nằm dài trên giường và chẳng làm gì ngoài suy nghĩ hoài về một vấn đề mà không thể chỉ giải quyết được bằng việc nghĩ.
3. Dành thời gian nói chuyện với gia đình, bạn bè
Học tập, làm việc, hay những mối quan hệ ngoài xã hội khiến bản thân vô tình dành ít thời gian cho gia đình, cho bạn bè thân thiết hơn. Vì thế, bạn có thể nghĩ đến việc gọi điện, nhắn tin hay hẹn những buổi cafe thân mật (khi đã hết giãn cách Covid) với gia đình, bạn bè thân thiết của mình thay cho việc suy nghĩ mãi về những chuyện đẩu đâu ý nha.
4. Tìm kiếm những nội dung mang tính ''chữa lành''
Bạn có thể tìm kiếm những nội dung dạng video trên Youtube, ảnh trên Instagram, dạng chữ trên các trang blog, hay dạng audio podcasts trên Spotify, Google Play, v.v, chia sẻ về những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Bạn có thể sẽ không bớt suy nghĩ lại đâu, nhưng biết đâu lại có thêm được những góc nhìn mới mẻ cho những điều mà bạn đang băn khoăn?
5. Chuyển hướng suy nghĩ sang những vấn đề có giải pháp
Đừng nghĩ về việc người ta có thích bạn không, sao bạn không giỏi thế này, đẹp như thế kia, v.v nữa, nghĩ về việc tối nay ăn gì, mai mặc đồ thế nào, hôm nay bạn muốn hoàn thành những việc gì, việc trong 05 phút nữa bạn muốn làm xong là gì hay bạn muốn uống trà sữa loại gì, hiệu nào, bla bla bla. Nghĩ về những vấn đề mà bạn có thể nghĩ được hướng giải quyết trong vòng vài giây sẽ giúp bạn dần thoát khỏi cảnh chết chìm trong mớ suy nghĩ mông lung của bản thân hơn đó.
Dù những đúc kết trên chỉ được rút ra từ những trải nghiệm cá nhân, mình mong những gợi ý đó có thể giúp bạn hạn chế thói quen suy nghĩ quá mức, hoặc ít nhất thì cũng tạo thêm chút giá trị với thói quen đó.
Bài viết đến đây thôi. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài tới nha!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất