Đây là phóng sự do mình và một người bạn thực hiện vào tháng 9 năm 2018, nhưng vì nhiều lý do mà đến hôm nay, mình mới xin mạn phép những ai có liên quan đăng lần đầu tiên lên mạng. Hiện tại Vietnam Pro-wrestling vẫn hoạt động sôi nổi, nên mình nghĩ bài viết này vẫn relevant. 
Mặc dù đã xuất hiện ở Việt Nam hơn 10 năm, nhưng vị thế của đấu vật biểu diễn (professional wrestling) trong văn hóa cộng đồng vẫn khá khiêm tốn. Giữa lúc ấy, có những chàng trai tin rằng bộ môn trình diễn này có thể phát triển được ở Việt Nam, và chính họ đã lập nên câu lạc bộ đầu tiên ở Sài Gòn với tên gọi Saigon Pro-Wrestling Club (nay đã đổi tên thành Vietnam Pro-Wrestling).
Nói đến đấu vật biểu diễn, người ta sẽ nghĩ ngay đến WWE, công ty hàng đầu thế giới về loại hình này. Ngay từ khoảng năm 2006, người Việt Nam đã bắt đầu xem các chương trình truyền hình và chơi những video game do WWE sản xuất.
Tuy vậy, nhiều người vẫn không biết về môn này. Còn những người từng nghe đến nhưng chưa hiểu rõ thì cũng thường hiểu nhầm rằng nó là một môn thể thao bạo lực. Phản hồi lại điều này, Rocky Huỳnh - thành viên sáng lập Saigon Pro-Wrestling Club - chỉ rõ đấu vật biểu diễn không phải là thể thao mà là một bộ môn trình diễn, tương tự như xiếc. Việc thắng thua đã được quyết định từ trước và những màn giao đấu trông có vẻ bạo lực lại đã được tính toán và luyện tập kỹ lưỡng sao cho không gây ra chấn thương cho người trình diễn. Cái mà đấu vật biểu diễn chú trọng không phải là kết quả, mà là câu chuyện và nhân vật.
Rocky Huỳnh bắt đầu yêu thích đấu vật biểu diễn từ năm 8 tuổi, và anh thừa nhận rằng cả tuổi thơ của mình gắn liền với nó. Cuối năm 2015, giữa lúc  đấu vật biểu diễn ở Việt Nam còn đang bị che phủ bởi một bức màn của hoài nghi và định kiến, Rocky Huỳnh đã tập hợp những người anh em có cùng niềm yêu thích môn này để lập thành một nhóm thực hành lấy tên là Saigon Pro-Wrestling Club. 

Vượt qua khó khăn và định kiến, kiên trì theo đuổi đam mê

Thời gian đầu lập ra câu lạc bộ, nhóm Rocky Huỳnh đã đối mặt với không ít khó khăn. Khó khăn trước hết là việc tìm phòng tập. Rocky Huỳnh kể là anh đã phải đi hầu như khắp thành phố để tìm một cái sàn tập mà khi ngã có thể giảm thiểu chấn thương. 
“TP.HCM không có sàn chuyên dụng cho đấu vật như mọi người biết, mà chỉ có sàn boxing hoặc MMA. Kết cấu của những sàn này rất ít đàn hồi và không giảm chấn nên khi ngã, người tập sẽ thấy rất đau", Rocky cho biết. 
Cuối cùng nhóm quyết định chọn một sàn đấu MMA ở khá xa trung tâm thành phố để tập đấu vật biểu diễn. Tính đến nay sau khoảng hai năm rưỡi, nhóm đã chuyển địa điểm tập hai lần, nhưng hiện vẫn đang tập ở một phòng dành cho Aikido.



Còn về phương pháp luyện tập thì hầu như các thành viên đều tự mày mò qua những đoạn phim trên YouTube. May mắn là, một thời gian sau, nhóm gặp được hai đấu vật người Nhật là Mitsu Yoshida, Fugofugo Yumeji và được họ hướng dẫn tận tình những kỹ thuật cơ bản. Nhưng sau đó, khi hai người thầy này trở về Nhật, nhóm vẫn phải tự mày mò qua những đoạn video, những hướng dẫn trên mạng.
Xin giấy phép biểu diễn cũng là một khó khăn khác. Vì bộ môn này còn quá mới ở Việt Nam, người ta không thể xếp nó vào một loại hình thể thao hay một loại hình nghệ thuật trình diễn nào sẵn có, nên rất khó để xin giấy phép tổ chức một buổi biểu diễn của câu lạc bộ.
Khi được hỏi mình nghĩ gì về chặng đường đã qua, Rocky chia sẻ: "Luôn có những ý kiến tiêu cực về chúng tôi, cho rằng chúng tôi chẳng đi đến đâu từ những ngày đầu thành lập. Luôn có những khó khăn cho một loại hình trình diễn còn mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng chưa bao giờ mình nghĩ đến việc từ bỏ. Nếu có, chỉ là nghĩ nên đi hướng nào hoặc nên làm cách nào cho phù hợp thôi."

Những thành tựu đầu tiên

Ngẫm lại thì trong đấu vật biểu diễn, bản thân nhóm đã có những tiến bộ đáng kể. Việc luyện tập với hai thầy người Nhật đã giúp nhóm hiểu rõ hơn đặc điểm của từng đòn thế, và phải diễn như nào để nó là một phần trình diễn chứ không phải là một động tác làm cho xong.
Âm thầm luyện tập suốt hơn hai năm, người ta không có nhiều thông tin về mình lắm. Cho đến gần đây, ý định muốn tổ chức một buổi biểu diễn cho người xem miễn phí của nhóm đã thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu thích đấu vật biểu diễn. Sau đó nhóm được một số anh chị từ báo chí trong nước lẫn nước ngoài tìm viết bài.
Cho đến ngày 14/3/2018, chương trình Bản tin Thế hệ số của VTV6, Đài truyền hình Việt Nam đã có một đoạn phim phóng sự về nhóm. Ngay lập tức trong hôm đó, trên fanpage của câu lạc bộ, một dòng trạng thái của các thành viên được chia sẻ rất nhiều: “Chúng tôi mất hơn hai năm rưỡi để chứng tỏ cho tất cả mọi người thấy chúng tôi nghiêm túc với đam mê của bản thân như thế nào. Thành quả ngày hôm nay có được đến từ rất nhiều sự giúp đỡ của các anh chị phóng viên, của các bạn hâm mộ. Chúng tôi chỉ biết nói rằng từ tận đáy lòng, chúng tôi xin cảm ơn.”
"Đó cũng là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, mẹ mình khen mình và khoe với bạn bè rằng con trai mình xuất hiện trên VTV", Rocky chia sẻ.

“Đừng từ bỏ đam mê!”

Trong một tương lai gần, Rocky kì vọng rằng mọi người ở Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn về những gì mà nhóm Saigon Pro-Wrestling đang làm, rằng sẽ có một nơi tập luyện chuyên dụng hơn cho đấu vật và một lực lượng những người tham gia chín chắn và hiểu rõ về thực tế vị thế của môn này cũng như hiểu rõ về bản thân.
Khi được hỏi "nếu phải nói một điều với những người trẻ cũng đang loay hoay tìm kiếm con đường để biến đam mê thành hiện thực, các bạn sẽ nói gì", Rocky Huỳnh không ngần ngại mà trả lời rằng "Đừng từ bỏ đam mê, vì chính những kiên trì theo đuổi đam mê sẽ làm nên con người bạn."

Ảnh: Trịnh Đức Anh
Bài: Huyền Vũ