Douglas Jeffreys là nhà hùng biện, thuyết trình nổi tiếng, ông cho rằng kỹ năng cần thiết đặc biệt là kỹ năng thuyết trình. Douglas Jeffreys đã giúp đỡ rất nhiều người vượt qua nỗi sợ khi nói chuyện trước đám đông và tự tin thể hiện mình trên bục diễn thuyết, ông còn là khách mời thường xuyên của tờ báo nổi tiếng Wall Street Journal. 
Dưới đây là những kinh nghiệm quý giá của ông về thuyết trình.

Nỗi sợ hãi trước đám đông

Hầu hết chúng ta sẽ phải đối mặt với những nỗi sợ hãi ít nhất một lần trong đời. Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 1993, theo đó các nhà nghiên cứu đã hỏi 3000 người Mỹ câu hỏi “Bạn sợ điều gì nhất?” Kết quả nỗi sợ hãi lớn nhất của con người là nói trước đám đông với 41%, đứng thứ hai là cái chết với 19%. Có thể thấy, nỗi sợ hãi khi nói trước đám đông là vô cùng lớn, lớn hơn cả cái chết. 
Việc đứng trước đám đông với sự chú ý của hàng chục, hàng trăm ánh mắt rất dễ làm chúng ta trở nên lo lắng và đánh mất đi sự tự tin của mình, đây cũng là nguyên nhân khiến chúng ta thất bại trên sân khấu thuyết trình. Việc chúng ta cần phải làm là đối diện với nỗi sợ bằng cách luyện tập nhiều lần, đây là một quá trình rèn luyện lâu dài đòi hỏi người nói phải có sự kiên trì tới cùng. Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK đã khẳng định rằng “Đọc 100 cuốn sách hay có thể thành chuyên gia trong ngành, nhưng riêng thuyết trình thì cần rèn luyện”. Khi thực hành nhiều lần chúng ta sẽ rút ra được kinh nghiệm và đi tiếp con đường chinh phục sân khấu thuyết trình.

Kỹ năng trình bày một bài thuyết trình 

Chúng ta sẽ gặp nhiều đối tượng người nghe khác nhau trong quá trình làm việc, điều đó yêu cầu bản thân mỗi người phải có sự linh hoạt trong kỹ năng trình bày đồng thời phải có một lượng kiến thức sâu rộng. Chúng ta không thể nói chung một phong cách cho tất cả các đối tượng nghe vì mỗi người đều có một mục tiêu nghe khác nhau.
Để bài nói trở nên chuyên nghiệp đầu tiên chúng ta phải xác định được đối tượng khán giả là ai từ đó thiết kế nội dung bài nói cho phù hợp để truyền đạt đến người nghe. Trước đó chúng ta cần xây dựng dàn ý cho bài thuyết trình một cách logic nhất và sắp xếp thời lượng cho từng phần. Ngoài ra chúng ta nên kết hợp sử dụng công cụ Powerpoint trình chiếu những nội dung chính một cách ngắn gọn để người nghe có thể dễ dàng dõi theo bài thuyết trình. 

Kỹ năng truyền tải thông tin khi thuyết trình 

Công đoạn cuối cùng cần làm là truyền tải đến người nghe những gì mà chúng ta cần nói. Điều này rất khó khăn vì hầu hết người nghe không tiếp nhận được tất cả các thông tin trong cùng một lúc. Do đó chúng ta cần tập trung thời gian vào những vấn đề trọng tâm để giải quyết mục đích của bài nói đồng thời tránh sự lan man, mở rộng vấn đề làm bài thuyết trình bị “loãng”.
Hơn nữa khi nói chúng ta cần đảm bảo có những khoảng ngắt nghỉ phù hợp trong toàn bộ bài thuyết trình. Việc này cũng giống như chức năng của dấu phẩy trong một đoạn văn, có tác dụng ngắt quãng, chia các vế trong một câu. Việc ngắt nghỉ tạo ra một khoảng trống cho phép người nghe có đủ thời gian để tiếp nhận thông tin từ người nói. Bill Clinton, ông được biết đến không chỉ là một chính trị gia nổi tiếng mà còn là một diễn giả vô cùng xuất sắc, ông được coi là bậc thầy về sử dụng kỹ năng ngắt nghỉ trong thuyết trình. Trung bình cứ nói khoảng ba đến năm câu ông sẽ dừng lại để quan sát mức độ nhận biết thông tin của người nghe, từ đó đưa ra các phương hướng thuyết trình tiếp theo.    
Những chia sẻ trên xuất phát từ kinh nghiệm thực hành thực tế của Douglas Jeffreys, các kỹ năng này sẽ định hướng và giúp chúng ta trong quá trình khắc phục nỗi sợ đám đông và trở nên chuyên nghiệp hơn trước sân khấu thuyết trình.