Với một cái nhìn khái quát, hoạt động giáo dục học sinh diễn ra trong phạm vi nhà trường vẫn được thực hiện dựa trên hình thức kỷ luật trừng phạt. Sự thay đổi của bản thân học sinh, bối cảnh thời đại – xã hội và yêu cầu cấp thiết phải đổi mới cách giáo dục học sinh theo hướng lấy học sinh làm trung tâm khiến chúng ta không thể duy trì việc sử dụng hình thức kỉ luật trừng phạt đối với học sinh. Đó là chưa kể hoạt động giáo dục ở Việt Nam đã đi chậm hơn so với các nền giáo dục tiên tiến khác trên thế giới. Như vậy chúng ta phải có một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện từ sử dụng hình thức kỉ luật trừng phạt sang hình thức kỉ luật tích cực. Bài viết chắc chắn sẽ không thể nào đề cập một cách sâu rộng về hình thức kỉ luật tích cực bởi vì hình thức kỉ luật nói chung có một vị trí quan trọng trong hoạt động giáo dục học sinh nhằm hướng đến hoàn thiện nhân cách của học sinh mà ở đây chúng ta sẽ nhấn mạnh vào phương diện phẩm chất của các em. Từ đó, chúng ta sẽ đồng ý với nhay rằng đây phải là một vấn đề cần được nghiên cứu ở quy mô rộng lớn hơn như cấp cơ sở hay thậm chí là cấp bộ. Tóm lại, bài viết này chủ yếu là sự ghi nhận cách hiểu cũng như những suy nghĩ của chính người viết về hình thức kỉ luật tích cực – một hình thức kỉ luật phù hợp với xu thế chung của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
          Kỉ luật tích cực trong tiếng Anh chính là “positive discipline”. Trong cuốn Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày, tác giả Joan E. Durrant đã liệt kế một số cách hiểu về kỷ luật tích cực nhưng ở đây người viết chỉ dẫn cách định nghĩa tiêu biểu nhất (theo quan điểm cá nhân người viết): “Kỷ luật tích cực là sự dạy dỗ dựa trên nguyên tắc lịch thiệp, không bạo lực, thấu cảm, tự tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác” (1). Ngoài ra, theo tác giả Jane Nelsen trong cuốn sách tên Kỷ luật tích cực do Bình Max dịch, kỷ luật tích cực là một trong những phương pháp trong việc tương tác giữa người lớn và trẻ với các đặc điểm: “tự do có trật tự” và “những lựa chọn được giới hạn”(2). Bên cạnh đó, chính tác giả này cùng với Lynn Lott và H. Stephen Glenn viết trong cuốn Kỷ luật tích cực trong lớp học có nêu: “Kỷ luật tích cực bao gồm các phương pháp yêu cầu học sinh tập trung vào các giải pháp thay vì là những người được nhận phần thưởng và hình phạt”(3). Như vậy, xâu chuỗi các câu trích dẫn trên, người viết tự rút ra cách hiểu của bản thân về kỷ luật tích cực rằng nó chính là một hình thức kỉ luật mà ở đó học sinh được khuyến khích, tạo điều kiện để một cách chủ động để nhận ra lỗi sai của mình và khắc phục nó bằng giải pháp tích cực.
          Trong quá trình học tập, chắc chắn học sinh sẽ mắc những sai lầm không đáng có. Lúc này, giáo viên không thể làm nào làm ngơ trước những sai lầm đó của các em mà phải có những biện pháp để khắc phục, sửa đổi nhằm hướng đến mục đích cao nhất chi phối toàn bộ hoạt động giáo dục: hoàn thiện nhân cách của học sinh. Tuy nhiên biện pháp nào phù hợp để giáo viên và các lực lượng giáo dục nói chung áp dụng? Ngày nay, giáo viên vẫn áp dụng hình thức kỉ luật trừng phạt. Điều này có nghĩa là học sinh làm sai so với các nguyên tắc, quy định được nhà trường và lớp học đặt ra thì ắt hẳn phải chịu một hình phạt đích đáng. Nếu phân tích kĩ thì hình phạt mà học sinh ngày nay phải chịu có hai loại: thân thể và tinh thần. Ví dụ, học sinh làm dơ tập hay chép bài không được không đúng quy cách chẳng hạn như về ô chữ thì có thể bị giáo viên lấy cây thước bảng rồi đánh vào tay. Học sinh vì vi phạm kỉ luật mà có thể bị giáo viên tát như trong hình minh họa ở dưới. Học sinh cũng thể bị phê bình trước lớp mà dễ rơi vào sự mặc cảm, tự ti và thậm chí các em cũng thể bị trầm cảm. Giáo viên lựa chọn hình thức kỉ luật tiêu cực bởi rất nhiều nguyên nhân: đó là hình thức kỉ luật được sử dụng bao lâu nay và cũng như nó có thể chấm dứt hành vi sai của học sinh ngay lập tức. Mặc vậy, chấm dứt hành vi sai của học sinh ngay lúc đó chắc chắn không đồng nghĩa với việc giáo viên có thể chấm dứt hành vi đó của học sinh mãi về sau. Thậm chí hình thức kỉ luật trừng phạt còn có thể để lại những hậu quả khó để khắc phục trong quá trình hình thành nhân cách cho học sinh. Theo sự phân tích của tác giả Jane Nelsen trong cuốn Kỷ luật tích cực, có bốn hệ quả có thể xảy ra: “tức giận (resentment), trả thù (revenge), nổi loạn (rebellion), rút lui (retreat)”(4). Vậy cho nên chúng ta càng có những lí do để ngừng sử dụng hình thức kỉ luật này để chuyển sang sử dụng hình thức kỉ luật tích cực trong hoạt động giáo dục.
          Trước hết, kỉ luật tích cực đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại ý nghĩa của từ “kỉ luật”. Hiện nay, đa số chúng ta vẫn hiểu kỉ luật đồng nghĩa với việc dùng các biện pháp trừng phạt để áp đặt lên học sinh tùy thuộc vào mức độ sai phạm của hành vi. Tuy nhiên, hình thức kỉ luật tích cực được xây dựng dựa trên quan điểm mới và sâu sắc hơn về ý nghĩa của từ kỉ luật: “Kỷ luật bắt nguồn từ một từ trong tiếng Latinh discipulus hay disciplini, có nghĩa là người làm theo sự thật, nguyên tắc hoặc một người lãnh đạo được tôn kính”(5). Từ đây, chúng ta có thể hiểu “kỷ luật” trong hình thức kỷ luật trừng phạt có nghĩa là học sinh phải chịu sự tác động, thậm chí là bị chi phối từ các lực lượng giáo dục bên ngoài mà tiêu biểu là giáo viên. Còn “kỷ luật” trong hình thức kỷ luật tích cực lại nhấn mạnh vào sự tự giác bên trong cá nhân mỗi học sinh. Các em tự mình hành động và ứng xử theo kỉ luật và điều đó chắc chắn không làm cho học sinh cảm thấy bị gò bó, áp đặt. Vì thế giáo viên sử dụng các biện pháp kỉ luật tích cực cũng chính là lúc giáo viên tôn trọng nhân cách của các em hơn bao giờ hết. Bởi lẽ giáo viên không áp dụng các biện pháp trừng phạt lên thân thể cũng như tinh thần của học sinh. Nói một cách khác, đối tượng bị phê bình ở đây chỉ là hành vi của học sinh chứ không phải chính bản thân học sinh đó. Thay vào đó giáo viên sẽ là người hướng dẫn và đồng hành trong quá trình hoàn thiện nhân cách của học sinh. Giáo viên sẽ giúp cho học sinh nhận thức một cách thấu đáo, trung thực và khác quan về hành vi hay sai lầm của mình. Đồng thời, giáo viên là người sẽ mở ra con đường để học sinh tự mình sửa đổi, khắc phục và rèn luyện để không mắc những lỗi sai trước đây nữa. Cho nên kết quả nhận được khi giáo viên áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực không chỉ làm cho hành vi sai của học sinh chấm dứt tại thời điểm đó mà còn là một nhân cách hoàn thiện luôn có ý thức chủ động và tự giác làm theo kỉ luật, mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh ngày càng gắn bó sâu sắc và bền chặt.
          Có lẽ điều quan trọng hơn cả mà bài viết này muốn trình bày chính là làm thế nào để có thể áp dụng hình thức kỉ luật tích cực trong hoạt động giáo dục. Thật ra việc này đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn bộ lực lượng giáo dục cả trong và ngoài nhà trường cũng như là trên mọi cấp độ  của một nền giáo dục. Bởi vì từ quá khứ cho đến ngày này, hình thức kỉ luật trừng phạt vẫn chiếm một vị trí trọng yếu mà trong khi thực ra, nó càng ngày càng bộc lộ nhiều khuyết điểm hơn bao giờ hết. Tuy vậy, sự thay đổi với hình thức kỉ luật học sinh có tính chất đột phá này vẫn là chặng hành trình dài. Vì vậy thiết nghĩ bản thân mỗi giáo viên, hơn ai hết, phải là những người tiên phong trong việc sử dụng hình thức kỉ luật tích cực. Trong hai cuốn sách Kỷ luật tích cực và Kỷ luật tích cực trong lớp học lần lượt của Jane Nelsen và cũng của chính tác giả này với sự tham gia của Lynn Lott và H. Stephen Glenn đã đều trình bày rất sâu sắc cách thức để áp dụng hình thức kỉ luật tích cực qua các chương trong quyển sách. Ở đây vì quy mô của bài viết nên người viết chủ yếu sẽ trình bày những điều mà bản thân cảm thấy tâm đắc nhất.
          Điều đầu tiên chính là giáo viên chỉ có thể thực hiện tốt các biện pháp kỉ luật tích cực khi giáo viên và học sinh thực sự giao tiếp và lắng nghe tích cực lẫn nhau trong một quá trình đối thoại dân chủ. Cuộc đối thoại ấy hoàn toàn không có sự áp đặt một chiều từ giáo viên như trong hình thức kỉ luật trừng phạt. Giáo viên cần phải thận trọng đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu hành vi sai lầm mà học sinh mắc phải trên các phương diện chẳng hạn như nguyên nhân, động cơ...Ngoài ra, giáo viên phải luôn chăm chú lắng nghe lời chia sẻ, tỏ bày của học sinh để rồi đưa ra những hướng dẫn, lời khuyên nhằm giúp cho học sinh ấy có thể nhận thức rõ về hành vi, sai lầm của mình. Từ đó, em học sinh ấy có thể tự mình chủ động sửa đổi và hoàn thiện mình hơn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tạo điều kiện để cho học sinh có thể khắc phục và sửa đổi hành vi sai của các em. Đây chính là một điểm khiếm khuyết mà hình thức kỉ luật trừng phạt không thể nào khắc phục. Vì sau khi xem xét hành vi của học sinh, giáo viên chỉ đưa ra những hình thức xử phạt thậm chí các hình thức xử phạt nhiều lúc trở nên rất tiêu cực, để lại hậu quả khôn lường cản trở bước đường hoàn thiện nhân cách của học sinh. Hơn thế, điều này có thể làm cho các em mang tâm thế của một người có nhân cách không tốt và không thể sửa đổi được. Nhưng thực ra đối tượng cần phải phê bình ở đây chỉ là hành vi của các em chứ không phải bản thân các em. Vấn đề này sẽ được khắc phục bởi hình thức kỉ luật tích cực thông qua các em đều có cơ hội để sửa lỗi của mình bằng việc làm đúng khác. Các em sẽ cảm thấy mình vẫn có thể tạo ra những điều tích cực, có cơ hội để thể hiện giá trị cá nhân và hơn hết, các em vẫn sẽ cảm thấy vai trò có ý nghĩa quyết định trong quá trình hoàn thiện nhân cách của chính bản thân mình. Ví dụ như trường hợp một học sinh đi vào lớp trễ. Nếu áp dụng hình thức kỉ luật trừng phạt thì giáo viên sẽ ít khi để học sinh trình bày lí do hoặc thậm chí nếu có thì giáo viên cũng không quan tâm nhiều đến lí do mà học sinh đã trình bày. Sau đó giáo viên sẽ áp đặt một số hình thức trách phạt như: phê bình em ấy trước mặt của tất cả các thành viên trong lớp, ghi tên vào sổ đầu bài...Học sinh, với cách xử lí như trên của giáo viên, có thể cảm thấy vô cùng mặc cảm và thất vọng vào chính bản thân mình. Tuy vậy, khi giáo viên áp dụng hình thức kỉ luật tích cực thì mọi chuyện sẽ khác. Trước hết, giáo viên có thể ân cần hỏi học sinh nguyên nhân đi trễ, cũng như điềm đạm nhận xét rằng em ấy đã đi trễ so với giờ học được quy định một cách chính thức và hành vi đó là sai. Hơn thế nữa, giáo viên cũng cần tạo điều kiền cho học sinh ấy sửa sai như thực hiện trực nhật lớp trong vòng hai ngày, hay cho em học sinh đó hát tặng lớp một bài chẳng hạn. Kết quả em học sinh ấy chủ động thay đổi, không tâm lí nặng nề và hơn hết là chủ động thu nhận để rồi hành động và ứng xử theo kỉ luật.
          Điều thứ ba là giáo viên có thể cho học sinh cùng tham gia vào quá trình xây dựng các nguyên tắc làm nên kỉ luật. Ở đây, thông thường các nguyên tắc đều do giáo viên nói riêng và nhà trường nói chung đặt ra và quy định một cách chặt chẽ. Từ đó mà học sinh bị áp đặt phải tuân theo các nguyên tắc hay chuẩn mực đã được quy định chính thức, nếu không tuân thủ thì học sinh ấy ắt hẳn sẽ bị áp đặt các hình thức trách phạt. Nói một cách khái quát, học sinh tuân thủ kỉ luật dưới sự tác động và chi phối từ yếu tố bên ngoài, cụ thể là các lực lượng giáo dục mà tiêu biểu là giáo viên. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn trái với tinh thần của hình thức kỉ luật tích cực. Bởi vì kỉ luật ở đây phải chính là sự tự chủ động và tự giác của cá nhân học sinh. Các nguyên tắc sinh ra đúng thực để các em tuân thủ theo nhưng hoàn toàn không có nghĩa các em phải phục tùng một cách thụ động. Khi các em học sinh được tham gia vào quá trình xây dựng các nguyên tắc, quy định thì các em sẽ chủ động tuân thủ hơn. Lí do giải thích ở đây chính là các quy định ấy được xây dựng dựa trên tinh thần dân chủ, sự tôn trọng đến từ cả hai phía: giáo viên và học sinh. Ví dụ như thay vì các quy định trong lớp học chỉ được quyết định bởi giáo viên thì giáo viên cũng có thể tham khảo thêm các ý kiến của học sinh. Một nguyên tắc nào đề ra thì giáo viên có thể xem xét dựa trên số lượng học sinh đồng ý. Ngoài ra, theo cá nhân người viết, giáo viên thậm chí tổ chức một cuộc tranh luận dân chủ và bình đẳng giữa các em học sinh về các quy định trong lớp học. Qua đó, các em cũng được rèn luyện thêm kĩ năng tranh biện, ý thức trách nhiệm xây dựng tập thể bằng sự đóng góp tích cực của mỗi cá nhân với tư cách là thành viên của tập thể lớp.
          Đến đây, chắc chắn bài viết này chưa thể trình bày một cách sâu rộng về kỷ luật tích cực (positive discipline). Tuy vậy người viết cũng xin đúc kết một số điều mà bản thân cảm thấy quan trọng. Kỉ luật tích cực ở đây không được hiểu là cách biện pháp trừng phạt học sinh, sử dụng những lực tác động từ các yêu tố bên ngoài để áp đặt học sinh. Ngược lại, kỉ luật tích cực là các biện pháp phải giúp học sinh nhận thức thấu đáo về hành vi sai của mình. Hơn hết, giáo viên cũng phải tạo điều kiện để học sinh khắc phục lỗi sai của mình dựa trên tinh thần luôn tôn trọng nhân cách của học sinh. Từ đó, hoạt động giáo dục có thể tiến đến mục đích cao cả nhất của sự nghiệp giáo dục: tạo ra những con người luôn luôn chủ động sống một cách có kỉ luật, có ý thức khai phóng cá nhân dựa trên các giá trị vì con người và sống đúng với bản chất của mình.
Tài liệu tham khảo và trích dẫn
Joan E. Durrant (2016), Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày, 6,https://positivedisciplineeveryday.com/wp-content/uploads/2020/09/Vi-Parent-book-FIN.pdf.
Jane Nelsen (2020), Kỷ luật tích cực, NXB Phụ nữ Việt Nam, tr. 38.
Jane Nelsen, Lynn Lott, H. Stephen Glenn, Kỷ luật tích cực trong lớp học, NXB Phụ nữ Việt Nam, tr. 11, 12.
Xem thêm Jane Nelsen (2020), Kỷ luật tích cực, NXB Phụ nữ Việt Nam, tr. 45.
Jane Nelsen (2020), Kỷ luật tích cực, NXB Phụ nữ Việt Nam, tr. 47.