Kỳ Đồng là ai?
Kỳ Đồng nghĩa là “đứa trẻ kỳ lạ”, là biệt hiệu gắn với Nguyễn Văn Cẩm, người sinh năm 1875 ở vùng đất mà ngày nay là tỉnh Thái Bình....
Kỳ Đồng nghĩa là “đứa trẻ kỳ lạ”, là biệt hiệu gắn với Nguyễn Văn Cẩm, người sinh năm 1875 ở vùng đất mà ngày nay là tỉnh Thái Bình. Lên 6 tuổi, Kỳ Đồng đã học chữ nho và biết làm thơ. Lên 8 tuổi, ông dự kỳ khảo khóa để thi hương trường Nam Định thì đạt loại ưu. Nhà vua hay tin này, xuống dụ cấp tiền gạo, áo quần để nuôi đứa trẻ này ăn học nên người để sau, khi lớn lên, nhà nước còn dùng.
Từ đó, ngày càng nhiều người dân ở các tỉnh phía Bắc kéo về làng của Kỳ Đồng để xem mặt đứa trẻ kỳ lạ. Giữa lúc Cần Vương đang thoái trào, sự xuất hiện của một huyền thoại Kỳ Đồng như thế thắp lên một ngọn lửa mới của niềm tin chống Pháp trong lòng người dân lúc bấy giờ hãy còn nhiều mê tín. Một nhóm các sĩ phu yêu nước đã thêu dệt, đồn đãi Kỳ Đồng là hậu thân của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhằm tạo ra biểu tượng để gây dựng một phong trào kháng Pháp ở đất Thái Bình và Nam Định. Người Pháp đoán biết được tin này, nên đã gửi Kỳ Đồng sang Algeria với danh nghĩa “cho đi du học”. Họ muốn một mặt tách Kỳ Đồng khỏi phong trào kháng Pháp, mặt khác muốn biến Kỳ Đồng thành tay sai đắc lực sau này. Thế là năm 12 tuổi (1887), Kỳ Đồng đến Algeria và học tập trong suốt 9 năm trước khi về nước năm 1896.
Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm không phải là người duy nhất bị thực dân Pháp cho phát vãng hoặc đẩy ra nước ngoài. Nửa sau thế kỷ 19, người Pháp từng đày nhiều vị vua và chí sĩ yêu nước của Việt Nam, trong đó có vua Hàm Nghi, vua Thành Thái và vua Duy Tân. Chính vì vậy mà ở các khu vực này, cụ thể là ở Algeria, đã có nhiều cuộc gặp gỡ đáng kể. Chẳng hạn như cuộc gặp của Hàm Nghi với Bùi Quang Chiêu, thủ lĩnh của đảng Lập hiến Đông Dương. Ngoài lề: Em gái của Bùi Quang Chiêu là vợ của tổng đốc Nam Định Trần Văn Thông; hai người là ông bà nội của Madame Nhu Trần Lệ Xuân. Và cũng chính ở Algeria, Kỳ Đồng đã gặp gỡ giao thiệp với vua Hàm Nghi.
Những người bị lưu đày này, khi sự kiện 1945 xảy ra, nhiều người trong số họ đã trở lại Việt Nam vì nhận thấy đó là một thời cơ tạo ra cục diện chính trị mới. Có thể kể đến Đồng Sỹ Hứa, em ruột của Đồng Sỹ Bình và anh ruột của Đồng Sỹ Hiền, và vua Duy Tân Nguyễn Phúc Vĩnh San. Cao Văn Luận trong hồi ký của mình có kể về việc vua Duy Tân đến gặp để nhờ giúp đỡ một số việc chính trị. Nhưng chuyến bay về nước năm 1945 để giành vương vị của Duy Tân gặp tai nạn, và nhà vua tử nạn.
Kỳ Đồng về nước năm 1896. Ban đầu, thực dân Pháp muốn ông làm một chức thư ký văn phòng, thông ngôn, hoặc đốc học gì đó, nhưng ông lại từ chối và xin đi lập đồn điền khai hoang tại Yên Thế, ngày nay là Bắc Giang. Một năm sau, việc tuyển mộ người lên Yên Thế của Kỳ Đồng biến thành một cuộc di dân lên đến hàng ngàn người. Nhiều người dân, nhất là những người từng theo Cần Vương, đã mang cả gia sản, lương thực, dụng cụ lao động và gia súc, theo chân Kỳ Đồng lên Yên Thế.
Cái đồn điền mang tên “chợ Kỳ” mà Kỳ Đồng xây dựng thực chất là một căn cứ chống thực dân, với hầm hào phòng thủ sâu trong thôn xóm. Bất cứ ai ra vào đều được kiểm soát rất chặt chẽ. Việc tập luyện thể dục thể thao của người dân xem như là bắt buộc. Kỳ Đồng đã xây dựng lực lượng ở khu vực Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, cùng với Mạc Đĩnh Phúc và Nguyễn Bá Ôn. Tôn chỉ của lực lượng Kỳ Đồng là “bình Tây diệt Nguyễn”, tức đuổi Pháp và lật triều Tự Đức.
Cũng thời gian này, Kỳ Đồng đã móc nối với “hùm thiêng Yên Thế” Hoàng Hoa Thám để giúp đỡ cho nghĩa quân của ông.
Tuy nhiên, người Pháp nhanh chóng thu được những bằng chứng về thực chất của đồn điền chợ Kỳ và mối liên hệ giữa Kỳ Đồng và Hoàng Hoa Thám, nên đã bố trí bắt Kỳ Đồng và những người theo ông vào tháng 9-1897. Kỳ Đồng bị giải ra Hải Phòng rồi đưa vào Sài Gòn bằng đường biển. Vụ bắt Kỳ Đồng kích hoạt cuộc biểu tình của hàng trăm người trên phố tại Hải Phòng, Hải Dương và Thái Bình. Tuy các cuộc biểu tình này bị dẹp yên dễ dàng, nhưng người Pháp thấy rằng thanh thế của Kỳ Đồng quá lớn, không thể để ông sống ở Việt Nam nữa. Thế là đầu năm 1898, Kỳ Đồng bị đày biệt xứ ở đảo Tahiti thuộc quần đảo Polynesia.
Tháng 9-1901, khi danh họa Paul Gauguin, lúc này 53 tuổi, đến Polynesia, thì ông gặp một người Việt Nam trẻ tuổi đến chào ông bằng một giọng Pháp rất chuẩn, dẫn đi vòng quanh ngôi làng. Người đó chính là Kỳ Đồng. Hai người dần trở thành bạn vong niên. Đến cuối đời, khi Gauguin bị trầm cảm và suy nhược do bệnh giang mai, Kỳ Đồng là người lui tới chăm sóc ông.
Một ngày nọ, để mua vui cho người họa sĩ, Kỳ Đồng bắt đầu vẽ chân dung Gauguin. Tò mò, Gauguin đến bên cạnh để xem và quyết định rằng ông sẽ tự vẽ tiếp với một chiếc gương. Ông tặng bức chân dung tự họa này cho Kỳ Đồng cũng như ông đã tặng một bức khác cho Van Gogh nhiều năm trước. Ngày nay nó được treo ở bảo tàng Basel, Thụy Sĩ.
Kỳ Đồng mất ở đây ngày 17-7-1929 khi đang sống lưu vong ở Polynesia.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất