Ảnh bởi
Marco Oriolesi
trên
Unsplash
Khi xã hội con người dần đạt được những mức phức tạp nhất định, sẽ có những câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ cai trị? Người cai trị có quyền và trách nhiệm gì? Những cá nhân trong xã hội sẽ phải vận hành ra sao? Những câu hỏi này đã xuất hiện hàng ngàn năm, đặt đề bài cho rất nhiều tư tưởng triết học và chính trị nền tảng của thế giới bây giờ. Qua cuốn The Politics Book (tiếng việt là Khái lược những tư tưởng lớn - Chính trị), có thể thấy được cách mà xã hội vận hành đã tiến hoá thế nào trong lịch sử. Phần 1 này sẽ đi qua những tư tưởng chủ đạo từ thời cổ đại đến hết thời kỳ Khai sáng.

1. Thời cổ đại

Những tư tưởng và học thuyết chính trị sơ khai đã bắt đầu nhen nhóm từ thời cổ đại, tập trung ở hai cực đông - tây: nền văn minh Trung Hoa và nền văn minh Hy Lạp - La Mã. Ở cả hai nơi, các nhà tư tưởng xuất hiện với những thắc mắc và suy ngẫm về cách mà thế giới xung quanh họ vận hành, hay gọi nôm na là triết học. Những tư tưởng triết học về cách tổ chức, quản lý và vận hành xã hội được đút rút thành những tư tưởng chính trị sơ khai. Mục đích của những tư tưởng này là làm ra một hệ thống đảm bảo được sự sinh tồn của người dân và an ninh của quốc gia.
Ở Trung Quốc, vào khoảng những năm 770 TCN, là thời Xuân Thu. Lúc này nhà Chu cai trị Trung Hoa bằng cách chia đất nước thành hàng trăm nước chư hầu, thời kỳ này còn được gọi là Bách Gia Chu Tử, trăm nhà đua tiếng. Học vấn và tri thức thời kỳ này được đề cao, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật, văn học và triết học. Các triết gia và học giả được tín nhiệm trong hàng ngũ quan lại, thúc đẩy sự áp dụng tri thức và triết lý trong việc tổ chức xã hội.
Các nước cuối thời Xuân Thu (nguồn: Wiki)
Các nước cuối thời Xuân Thu (nguồn: Wiki)
Nổi lên trong thời kỳ này là Khổng Tử, với hệ tư tưởng là Nho Giáo. Nho Giáo quan niệm rằng một nhà cầm quyền tốt là người có phẩm hạnh xuất sắc, có thể làm gương cho bá tính noi theo. Vua là người có trách nhiệm làm gương cho dân chúng, người dân phải hành xử theo kỳ vọng của vua, và quan lại là người đứng giữa, có trách nhiệm trung thành với cả hai bên. Nho Giáo còn phân biệt rạch ròi các mối quan hệ giữa các tầng lớp trong xã hội, và đặt vào đó những quy tắc, chuẩn mực và trách nhiệm giữa những tầng lớp này. Nói ngắn gọn, Nho Giáo chú trọng vào việc định hình một xã hội có tôn ti trật tự, với các tầng lớp trung thành, tôn trọng và phục tùng nhau.
Cùng thời với Khổng Tử có Tôn Tử, cha đẻ của những học thuyết ngoại giao và quân sự mang màu sắc chủ nghĩa hiện thực. Tôn Tử đề cao vai trò của quân sự trong sự tồn vong của quốc gia. Với tác phẩm Binh Pháp Tôn Tử vô cùng nổi tiếng, ông nêu ra những tác nhân quan trọng của nghiệp binh đao, như là các chiến thuật quân sự, sự thức thời và thực dụng trong hành động, và sự quan trọng của tình báo quân đội. Bạn có thể mang tiếng là một tên gián điệp tiểu nhân, chơi bẩn, nhưng bạn sẽ dễ dàng thắng cuộc hơn. Tôn Tử chủ trương chính sách duy trì một hệ thống quốc phòng mạnh mẽ đi kèm với thiết lập ngoại giao hảo hữu với các nước lân bang, nhằm thúc đẩy hòa bình, do chiến tranh sẽ gây thiệt hại nhiều hơn là lợi ích. Về cơ bản, Tôn Tử tin rằng quân sự là để bảo vệ quốc gia, và trong trường hợp có xung đột, thì ông luôn đề cao việc tối ưu hoá lợi ích đạt được một cách thực dụng.
Còn ở nền văn minh Hy Lạp - La Mã, thời kỳ này nổi lên những nhà hiền triết đặt nền móng cho nền triết học và chính trị tới tận bây giờ: Socrates, Plato, Aristotle.
SocratesPlato, bộ đôi thầy trò này đã cho ra đời những tư tưởng về triết học làm điên đầu cư dân thành Athens. Trong tác phẩm Cộng Hoà, Plato đã nêu ra quan điểm rằng những người xứng đáng làm vua là các nhà hiền triết, hay còn gọi là philosopher-king. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo dân chúng có được một đời sống tốt đẹp, bằng năng lực trí tuệ, đạo đức và luân lí xuất chúng của họ. Đời sống tốt đẹp ở đây, ngoài việc được đảm bảo về sinh tồn như cơm ăn áo mặc, còn là được sống theo những giá trị về đức hạnh, trí tuệ và công lý. Và Plato chỉ ra rằng chế độ dân chủ của Athens thời đó có xu hướng cai trị vì lợi ích của nhà cầm quyền thay vì của nhân dân. Và giải pháp mà Plato đưa ra là những nhà hiền triết: họ không quan tâm tới danh vọng và tiền bạc, mà họ đam mê kiến thức và đức hạnh. Do đó, những kẻ không ham danh lợi sẽ xứng đáng được có cho mình danh lợi lớn nhất, đó là làm vua. Trách nhiệm của các triết gia - vua là dẫn dắt xã hội thay vì mưu cầu quyền lực.
Nửa thế kỷ sau thời Plato là Aristotle, với tư tưởng đặt trọng tâm vào bản chất con người. Ông quan niệm rằng con người là một sinh vật chính trị: con người có thiên hướng xã hội, họ tập hợp thành những tập thể như bộ tộc, làng xã, thành thị, và họ nghĩ ra những phương pháp tổ chức xã hội khác nhau để đảm bảo một cuộc sống tốt. Việc sống trong một xã hội có tổ chức đã đưa con người ra khỏi trạng thái hoang dã tự nhiên. Aristotle đã đưa ra sáu loại hình chính quyền, với hai biến thể chân chính và suy đồi:
Các loại hình chính quyền (nguồn: forum.mennonet.com)
Các loại hình chính quyền (nguồn: forum.mennonet.com)
Với việc đưa ra các lựa chọn, Aristotle đã khái quát hoá các hình thái chính trị, đặt nền móng cho nhiều tư tưởng sau này.

2. Thời trung cổ

Thời Trung Cổ bắt đầu từ khi đế quốc Tây La Mã diệt vong, và kết thúc là bình minh của thời  Phục Hưng vào những năm 1500. Thời kỳ này đánh dấu sự thống trị của Cơ Đốc Giáo trên toàn châu Âu, sự ra đời của Hồi Giáo, và những nhà nước thần quyền.
Ở bán đảo Ả Rập, một người đàn ông là Muhammad đã soạn thảo Hiến Chương Medina, đánh dấu sự ra đời của truyền thống chính trị Hồi Giáo. Hiến Chương này nói đến những quyền và nghĩa vụ của mọi người trong cộng đồng, các nguyên tắc pháp trị (quản lý bằng pháp luật), và nhu cầu chiến tranh. Muhammad tin vào sự chính nghĩa của chiến tranh khi cộng đồng bị đe doạ, và trách nhiệm của các thành viên là phải đồng lòng chiến đấu cho đức tin và cho cộng đồng, việc này được gọi là Jihad (thánh chiến). Những điều kiện làm nên tính chính nghĩa của chiến tranh gồm có động cơ chính nghĩa, ý định đúng đắn, thẩm quyền thích đáng, và chiến tranh phải là biện pháp sau cùng.
Ở Anh đầu thế kỳ 13, với việc vua John đối mặt với nhiều bất mãn của nhân dân do sự chuyên quyền, các nam tước đã đưa cho nhà vua một bản yêu sách, yêu cầu những đảm bảo về tài sản, quyền lợi và nghĩa vụ của họ, song song với việc đặt vua vào sự kiểm soát của pháp luật. Điều này đánh dấu cho sự ra đời của Magna Carta (Đại Hiến Chương).
Đại Hiến Chương ra đời (nguồn: tramsach.com)
Đại Hiến Chương ra đời (nguồn: tramsach.com)
Cùng với đó là sự ra đời của một quốc hội do những người nổi loạn lập nên, tạo tiền đề cho một thể chế đại nghị trong nền chính trị Anh quốc. Sự kiện này đã giới hạn quyền lực nhà vua bằng luật pháp và quốc hội, mở ra nhiều sự tự do cho tầng lớp bị trị.
Tại Ý thế kỷ 13, xuất hiện một tu sĩ Cơ Đốc là Thomas Aquinas. Ông đã bắt đầu tìm cách hòa hợp tư tưởng Cơ Đốc mang tính thần học với tư tưởng thế tục của Aristotle. Aquinas tin rằng khái niệm công lý có ba loại luật: luật vĩnh cửu, luật tự nhiên và luật con người. Vũ trụ được chi phối bởi luật vũ trụ vĩnh cửu, do Chúa trực tiếp ban bố. Từ lý trí mà Chúa ban cho con người, con người luận ra luật tự nhiên, liên quan đến các vấn đề lý trí và đạo đức. Từ luật tự nhiên, con người đưa ra luật con người để kiểm soát các hoạt động thường nhật. Do chịu nhiều ảnh hưởng từ Aristotle, Aquinas tin rằng đa số người dân không đủ khả năng cai trị, nhưng đồng thời một cá nhân cai trị sẽ dễ bị chuyên quyền và suy đồi. Vậy nên, Aquinas ủng hộ một thể chế hỗn hợp nhằm giảm thiểu khả năng giới cầm quyền bị suy đồi. Điều này có phần nào đó giống thể chế đại nghị của Anh.
Cuối thời Trung Cổ tại Ý, nhiều thành phố thành lập những nước cộng hoà, chẳng hạn như Cộng hòa Florence. Và nhà ngoại giao của Cộng hoà Florence, Niccolo Machiavelli, nổi lên với những tư tưởng mới lạ về thuật trị nước. Qua tác phẩm nổi tiếng nhất của mình là The Prince (Quân Vương), ông không đề cao việc nhà nước nuôi dưỡng đạo đức cho nhân dân, thay vào đó là đảm bảo sự sống và an ninh cho họ. Với việc đặt lợi ích lên trên đạo đức, ông quan niệm rằng một nhà cai trị giỏi là người thực dụng và khôn ngoan, tập trung vào tính hiệu quả và việc đạt được mục đích cuối cùng. Ông tin rằng bản chất con người là ích kỷ, thiển cận, cả tin, và dễ bị lừa gạt. Từ đó, nhà cai trị có thể lợi dụng những tính cách này để đạt được lợi ích cho cộng đồng. Machiavelli tin rằng nhà cai trị khôn ngoan không thể, không nên và không bao giờ giữ lời hứa. Người cai trị tài ba, theo tư tưởng của Machiavelli, cần lừa gạt, thao túng, phản bội, lợi dụng, tất cả vì mục tiêu và lợi ích của quốc gia. Còn các chuẩn mực đạo đức, các khái niệm về chữ tín, về sự fairplay, có hay không, không quan trọng.

3. Lý tính và khai sáng

Sau thời Trung Cổ là thời đại của Lý tính và Khai sáng. Vào thời này, những tư tưởng mang tính thế tục và nhân quyền mang tính nền tảng lần lượt ra đời, định hình nền móng thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay.
Triết gia Anh quốc Thomas Hobbes, qua tác phẩm nổi tiếng Leviathan, đã đưa ra những quan niệm mang đầy tính hiện thực về bản chất con người. Ông tin rằng trạng thái tự nhiên của con người là chiến tranh: con người là những sinh vật có lý trí luôn tìm cách tối đa hoá lợi ích cá nhân, dẫn đến xung đột và giết chóc. Trong trạng thái tự nhiên, con người không có luật pháp, và ai cũng có quyền và lực để tranh đấu vì bản thân, gây ra sự hỗn loạn. Do đó, cần có một quyền lực chung, đủ sức làm con người kính sợ. Giải pháp mà Hobbes đưa ra là Khế ước xã hội. Khế ước xã hội là một hợp đồng ràng buộc giữa con người với nhau, trong đó con người trao lại quyền lực không giới hạn cho nhà nước, đổi lại là trạng thái an toàn và sự bảo hộ của nhà nước. Thần dân có nghĩa vụ tuân phục người cai trị, còn người cai trị có nghĩa vụ bảo vệ người dân.
Thực thể Leviathan được tạo ra bởi người dân, nằm trong tay vũ khí, tượng trưng cho quyền lực, nhằm đảm bảo sự ổn định xã hội (nguồn: politico.eu)
Thực thể Leviathan được tạo ra bởi người dân, nằm trong tay vũ khí, tượng trưng cho quyền lực, nhằm đảm bảo sự ổn định xã hội (nguồn: politico.eu)
Nửa thế kỳ sau thời của Hobbes là sự xuất hiện của John Locke, một triết gia người Anh. Quan điểm của John Locke tập trung vào sự quan trọng của một chính quyền pháp trị (được cai trị bởi luật pháp). Không như Hobbes, người tin vào quyền lực không giới hạn của nhà nước, John Locke tin rằng chức năng của chính quyền cần được kiểm soát. Với Locke, mục đích pháp luật là để giữ gìn và khuếch trương tự do. Tự do ở đây không phải là việc con người có thể làm mọi thứ tùy thích, mà là tự do được định đoạt bản thân, hành động và tài sản trong một khuôn khổ pháp luật. Nếu không có pháp luật, con người có thể làm mọi điều họ muốn, nhưng sự hỗn loạn đó sẽ ngăn chặn sự tự do này. Vì vậy, chiếu theo một hệ quy tắc và pháp luật, nếu con người tuân thủ theo, thì họ sẽ có được sự tự do đúng nghĩa.
John đồng ý với Hobbes về khái niệm Khế ước xã hội, nhưng khác ở chỗ là John tin rằng khi người dân đưa cho nhà nước quyền cai trị, thì họ có cả quyền lấy lại những đặc quyền này. Chính quyền sẽ chỉ được cai trị nếu có sự đồng thuận của người dân. Trong đó, chức năng của nhà nước là đề ra luật pháp đúng đắn (lập pháp) và thi hành chúng (hành pháp).
Khế ước xã hội in a nutshell (nguồn: Pinterest)
Khế ước xã hội in a nutshell (nguồn: Pinterest)
Mô hình nhà nước có lập pháp và hành pháp của John Locke đã không được Montesquieu, một triết gia Pháp, ủng hộ. Ông cho rằng việc nhà nước có thể sinh ra và thi hành luật pháp hoàn toàn có thể bị lạm dụng và dẫn đến sự mục nát từ bên trong. Từ quan điểm đó, ông đề xuất mô hình tam quyền phân lập, bao gồm: hành pháp (thi hành luật pháp), lập pháp (ban hành và sửa đổi luật pháp), và tư pháp (diễn giải và bảo vệ pháp luật). Ba nhánh quyền lực này nên được tách biệt và phụ thuộc lẫn nhau, nên sẽ không có việc một bên lấn át những bên còn lại. Tam quyền phân lập vẫn được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng ngày nay.
Ví dụ điển hình của tam quyền phân lập (nguồn: aie-internship.com)
Ví dụ điển hình của tam quyền phân lập (nguồn: aie-internship.com)
Ở nước Mỹ thời kỳ mới lập quốc, Benjamin Franklin, một trong những người khai sinh nước Mỹ, đã có những tư tưởng mà vẫn còn thấy được trong xã hội Mỹ ngày nay. Ông quan niệm rằng những người có tinh thần làm chủ và cần cù lao động mới là những người công dân tốt, tạo nên sự thịnh vượng của quốc gia, chứ không phải là phẩm chất người cai trị. Franklin tin vào sức mạnh của những thương nhân và nhà khoa học trong việc thúc đẩy xã hội phát triển. Niềm tin này đã định hình giấc mơ Mỹ trong hàng trăm năm, thúc đẩy người dân cố gắng có làm thì sẽ có ăn, làm càng nhiều và càng tốt thì ăn càng nhiều.
Có thể thấy rằng những tư tưởng chính trị đã luôn đứng trên vai của những người khổng lồ. Từ những tư tưởng đi trước, các triết gia đã nghiên cứu, phân tích và sửa đổi sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của họ. Thời kỳ Khai sáng đã sản sinh ra những khái niệm cốt lõi của chủ nghĩa tự do nói riêng và nền khoa học chính trị thế giới hiện tại nói chung. Những khái niệm về luật pháp, khế ước xã hội, tam quyền phân lập vẫn còn giá trị rất lớn tới giờ. Phần 2 sẽ nói về những tư tưởng chính trị từ sau thời Khai sáng tới hiện tại.
Referrences:
1. The Politics Book
2. Lược Sử Triết Học - Nigel Warburton
3. Leviathan & kẻ mọi rợ - Oddly Normal

Phần 2: