Câu chuyện bắt đầu từ năm 2004 trên 2chan, có thể coi là một reddit của Nhật Bản khi ấy. Một tài khoản có tên “Hasumi” đã đăng một bài viết có nội dung như sau: “Có lẽ đây là tưởng tượng của tôi, nhưng tôi hy vọng có thể chia sẻ vài điều với các bạn. Tôi nghĩ là mình đang bị lạc ở một nơi nào đó không thuộc về thế giới của chúng ta”. Và những câu chuyện rùng rợn sau đó đã trở thành một huyền thoại của cộng đồng 2chan, mà cho tới ngày nay, đại chúng vẫn nói về nó bằng cái tên “Nhà ga Kisaragi”. Ngày 03/06/2022, các nhà làm phim Nhật Bản đã khai thác truyền thuyết đô thị này để tạo nên bộ phim “Kisaragi Eki”. Bộ phim chính thức được ra mắt các cụm rạp tại Việt Nam ngày 10/09 vừa rồi với tựa đề “Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng”. Liệu bộ phim này có thể đưa câu chuyện về một nhà ga không tồn tại trên bản đồ lên màn ảnh một cách hoàn hảo nhất hay không? 
Bài viết này sẽ đề cập tới nội dung của bộ phim, để có thể có trải nghiệm tốt nhất, tôi vẫn khuyến khích các bạn ra rạp và xem bộ phim này một lần. Nếu các bạn không ngại bị Spoil, thì chúng ta bắt đầu thôi. 
Tôi tìm xem “Kisaragi Station” bất chấp các Review tiêu cực ở trên mạng do tôi cũng đã biết tới truyền thuyết đô thị này từ trước. Từ câu chuyện của Hasumi trên 2chan, nghe bài hát không tên bí ẩn trên Youtube, hay là chơi những tựa Game kinh dị do “Chilla’s Art” phát hành, bao gồm trò chơi “The Ghost Train” và “Inunaki Tunnel”. Tự tin là mình có khá nhiều hiểu biết xung quanh câu chuyện về nhà ga Kisaragi, nên tôi ngay lập tức nhận ra truyền thuyết đô thị này khi xem được Trailer của phim một cách tình cờ tại CGV. Một vé “Kisaragi Station” cho suất chiếu sớm ngay lập tức đã được đặt trước và cảm xúc của tôi sau khi bước ra khỏi rạp lạ lắm, phấn khích 5 phần, mà thất vọng cũng 5 phần. 
Tôi sẽ tóm lược đơn giản câu chuyện gốc để các bạn có thể hình dung. Vào năm 2004, tài khoản “Hasumi” đã đăng trên diễn đàn 2chan, thuật lại trực tiếp sự cố kỳ lạ thông qua những bài đăng liên tục theo thời gian thực. Hasumi chuyến tàu cuối ngày, xuất phát từ ga Shin Hamamatsu. Nhà ga Shin Hamamatsu là một địa điểm có thật tại Nhật Bản. Việc Hasumi lên sai tuyến để rồi bị lạc gần như là một điều không thể, bởi nơi đây là ga cuối nên chỉ có duy nhất một tuyến tàu Enshu, đi đến điểm cuối là ga Nishi-Kajima. Hasumi thuật lại rằng điều kì lạ chuyến tàu mà cô lên lại đi qua một đường hầm, trong khi tuyến Enshu lại không hề đi qua bất cứ một đường hầm nào cả. Để rồi gần một giờ sau, chuyến tàu chậm lại và đưa cô gái đến một nhà ga không hề tồn tại ở bất cứ đâu trên bản đồ Nhật Bản, tên là Kisaragi. Hoang mang vì đã đi sai tuyến, cô gái trẻ đã dọc theo đường ray để đi bộ trở lại với bến trước đó. Hasumi đề cập rằng xung quanh khu vực ấy chỉ toàn là đồi núi và rừng cây hiểm trở. Trên đường, cô gặp phải một người đàn ông già kỳ lạ. Người đàn ông này bị mất một chân và phải chống bằng một cây gậy gỗ. Gã hét lên với cô gái rồi biến mất và không để lại dấu vết. Đi thêm một quãng đường dài nữa, cô gái tới được đường hầm “Isanuki”, cũng là một đường hầm không rõ sự tồn tại. Rất nhiều thành viên của diễn đàn 2chan tin rằng nếu đi xuyên đường hầm Isanuki thì Hasumi sẽ  trở lại được với thế giới thực. Sau khi cô gái vượt qua được đường hầm ấy, Hasumi gặp một người lạ mặt đề nghị đưa cô tới với nhà ga gần nhất bằng xe hơi của anh ta. Người đó cũng đề cập rằng cô đang ở Hina, cách đích đến ban đầu tận 133km. Và đây là bài đăng cuối cùng mà Hasumi đăng tải lên 2chan. 
7 năm trôi qua, Hasumi một lần nữa xuất hiện và đăng bài thông báo tới cộng đồng 2chan. Đối với cô gái, thời gian vẫn trôi bình thường. Củng cố thêm giả thuyết rằng nhà ga Kisaragi tồn tại nằm ngoài không thời gian. Sau khi chiếc ô tô chở Hasumi dừng lại, người lái xe bị một thứ ánh sáng gì đó hút đi. Còn Hasumi thì nghe được một giọng nói thúc giục cô phải chạy, cô gái trẻ gồng hết sức để tới được nhà ga gần nhất. Khi tới nơi, cô đã trở lại thế giới thực và 7 năm đã trôi qua. 
Bộ phim “Kisaragi Station” giữ nguyên chính xác tất cả các sự kiện mà tôi vừa kể. Bạn không nghe nhầm đâu. Bộ phim không thiếu bất cứ một yếu tố nào trong câu chuyện mà tài khoản “Hasumi” đã thuật lại vào năm 2004 và 2011. Thậm chí, bộ phim còn bổ sung một vài chi tiết bên ngoài, bao gồm cả một vài yếu tố được đề cập trong lời của một bài hát không tên bí ẩn nói về nhà ga Kisaragi được đăng tải trên Youtube. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy phấn khích hơn nữa là bộ phim đã tạo ra thêm một câu chuyện lớn hơn để bao trùm lên những sự kiện diễn ra trong truyền thuyết đô thị về nhà ga Kisaragi, tạo nên sự đồng nhất và mới lạ khiến khán giả có lý do để ngồi lại trong rạp tới hết thời lượng của bộ phim. Nhân vật chính Tsutsumi Haruna là một sinh viên đang thực hiện đề tài về những sự kiện bí ẩn. Cô tìm đến Hayama Junko, là người đã từng trải qua sự kiện nhà ga Kisaragi và sống sót trở về. Nói cách khác, Junko chính là “Hasumi” của bộ phim này. Nửa thời lượng đầu tiên của “Kisaragi Station” là thuật lại tất cả các sự kiện mà Junko đã trải qua. Nửa thời lượng sau là cuộc hành trình tìm tới nhà ga Kisaragi của nhân vật chính Tsutsumi và nỗ lực giải cứu tất cả các nhân vật khác dựa trên những gì nghe được từ Junko. 
Bối cảnh của phim được đặt tại những địa điểm mà theo tôi là như trong tưởng tượng khi tôi lần đầu đọc được về truyền thuyết đô thị này. Nếu một lần được sang Nhật du lịch, tôi cũng sẽ muốn tới thăm những địa điểm được sử dụng để thực hiện bộ phim, kể cả cho dù đó có là nhà ga Shin Hamamatsu, nhà ga Kisaragi, hay là đường hầm Isanuki đi nữa. Những shot quay tập trung mạnh vào phong cảnh đều là một trải nghiệm thị giác rất tuyệt vời, hơn hẳn so với những gì mà tôi kỳ vọng. Âm thanh của phim cũng được trau chuốt tương đối kĩ càng, nhưng thật tiếc rằng thế mạnh những này đã không được giữ vững cho tới nửa cuối của bộ phim. 
Điều chỉnh đáng kể nhất của bộ phim là đã thêm vào một vài nhân vật đồng hành với cuộc hành trình của những người vô tình hoặc cố ý lạc tới thế giới của Kisaragi. Đây là những nhân vật không hề được nhắc đến ở trong truyền thuyết đô thị, nhưng vẫn là một điều chỉnh hợp lý để triển khai cốt truyện tổng thể. Tuy nhiên, các nhân vật này được khắc họa khá một màu và không có biến chuyển tâm lý nào rõ rệt. Họ chỉ đơn thuần là những công cụ để đẩy câu chuyện đi lên phía trước và không tạo ra ấn tượng đáng kể. Nhưng dù sao, các nhân vật này cũng đã phục vụ tốt cho mục tiêu tạo nên cú plot twist tài tình về cuối phim. Tôi sẽ không tiết lộ thêm về cú bẻ lái này, vì chắc chắn đây sẽ là điểm cộng lớn của “Kisaragi Station”. 
Mặc dù có điểm cộng rất lớn về cách triển khai ý tưởng và cốt truyện, nhưng điều đáng tiếc của phim đối với tôi là càng về cuối, “Kisaragi Station” dần mất đi sức hút ban đầu. Trong nửa đầu phim, các sự kiện được kể thông qua góc nhìn của nhân vật Junko, bộ phim được thể hiện thông qua góc nhìn thứ nhất, giống như các bộ phim thuộc thể loại “found footage”, hay là những trò chơi kinh dị của “Chilla’s Art”. Yếu tố kinh dị, giật gân được đẩy lên tới tột đỉnh cũng nhờ cách thể hiện này, thể hiện đúng tinh thần của một bộ phim tới từ Nhật Bản. Các màn jumpscare cũng được triển khai một cách hoàn hảo. Nhưng sau khi tới hồi thứ 2, bộ phim mất hẳn đi sự lôi cuốn mà hồi đầu đã làm được. Một phần vì khán giả đã nắm rõ được quy luật hoạt động của thế giới khác, một phần vì cách thể hiện đã không còn đi theo thể loại kinh dị nữa, mà nó bắt đầu giống thể loại phiêu lưu kì ảo nhiều hơn, thậm chí là phần nào đó giống với “Phù thủy xứ Oz” nổi tiếng. Có nhiều phân đoạn hài hước rất lệch tông với bầu không khí rùng rợn mà phim đã xây dựng từ đầu. Đạo diễn kiêm biên kịch Jiro Nagae đã có thể lợi dụng việc khán giả biết rõ những sự kiện sẽ xảy ra, bẻ gãy kỳ vọng của họ bằng những màn hù dọa mới, và thậm chí còn có thể gây hiệu quả đáng kể hơn hẳn hồi đầu tiên. Cũng vì lý do này mà cú twist dù rất tài tình nhưng không đủ sức nặng để khán giả có thể há hốc mồm trong sự kinh ngạc. Chưa kể là càng về cuối, thủ thuật slow-motion bị lạm dụng quá nhiều, đến mức bản thân tôi còn tưởng mình đang xem phim truyền hình dài tập do Ấn Độ sản xuất. Còn những phân đoạn yêu cầu phải sử dụng đến kỹ xảo CGI, tôi còn suýt phải bật cười thay vì phải hoảng sợ vì CGI của phim tệ quá. Tôi không biết lượng tiền được đổ vào phim là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là nó không cao. Có rất nhiều bộ phim tới từ Nhật Bản khác mà phần kỹ xảo còn ổn áp hơn phim này. Thậm chí, tôi mạnh dạn tuyên bố rằng Editor của Spiderum có khi làm CGI còn tốt hơn “Kisaragi Station”. 
Một vấn đề nghiêm trọng khác là diễn xuất của diễn viên Tsunematsu Yuri thủ vai nữ chính Tsutsumi Haruna. Nhật Bản vốn có một phong cách diễn xuất khá đặc trưng, mà nói thẳng tuột ra là bị diễn lố. Và nhân vật chính, đáng buồn thay, lại là trung tâm hội tụ của đặc trưng diễn lố này. Từ đầu tới cuối, tôi đã rất cố gắng để có thể đồng cảm được với nhân vật này, nhưng đồng cảm sao được với một khuôn mặt từ đầu tới cuối phim chỉ có một biểu cảm mở to mắt và nhìn trừng trừng vào máy quay như vậy. Đến mức hết phim, tôi còn phải vỗ đùi mà hô “đáng lắm” với nhân vật này. Nhưng ngược lại, các diễn viên khác trong dàn cast thực hiện khá tròn vai trò của mình, trong đó nổi bật nhất là diễn viên Sato Eriko trong vai Junko, và Honda Miyu trong vai Miyazaki Asuka. Nhưng những nỗ lực ấy cũng không thể đưa Kisaragi Station trở thành một bộ phim tuyệt hảo được. 
Đối với một người yêu thích các câu chuyện truyền thuyết đô thị như tôi, khoảng thời gian theo dõi “Kisaragi Station” không phải là một sự phí phạm hoàn toàn, vì ít nhất bộ phim đã cho tôi thỏa mãn được ham muốn được chứng kiến câu chuyện này được thể hiện như thế nào bằng một câu chuyện hấp dẫn kèm theo hình ảnh và âm thanh. Nhưng đối với khán giả đại chúng nói chung, họ sẽ mong muốn một trải nghiệm kinh dị đầy sợ hãi khi tìm tới “Kisaragi Station”. Nên tôi không bất ngờ khi mọi người đánh giá bộ phim thuộc hàng trung bình kém, chẳng thể đặt nổi được một ngón chân lên bàn cân nếu mang lên so sánh với các huyền thoại kinh dị Nhật Bản khác như Ju-On, The Ring, Dark Water, The Suicide Club… Đối với tôi, ý tưởng và câu chuyện được truyền tải là xương sống của cả một bộ phim, “Kisaragi Station” đã hoàn thành tốt yếu tố ấy. Nhưng những vấn đề quá nghiêm trọng trong cách thể hiện đã phá huỷ trải nghiệm của khán giả. Bởi vậy, 6 là số điểm tôi có thể rộng rãi chấm cho “Kisaragi Station” bởi những tiềm năng mà nó đã bỏ lỡ bằng một cách không thể ngoạn mục hơn.