[Kinh tế học] Bàn về tiền tệ (P1): Tổng hợp những nguyên nhân khiến Bitcoin trở nên hot
Nhân vừa cày xong cuốn Narrative Economics của giáo sư Robert Shiller của Yale Uni, mình muốn note lại phần tổng hợp của ông về...
Nhân vừa cày xong cuốn Narrative Economics của giáo sư Robert Shiller của Yale Uni, mình muốn note lại phần tổng hợp của ông về những nguyên nhân chính khiến Bitcoin trở nên hot đến vậy và chia sẻ với các Nhện. Mình nghĩ có lẽ ít ai thực sự tìm hiểu về nguyên nhân cho sự phổ biến của Bitcoin, ngay cả với những người đang là đại gia tiền ảo và thực sự nghiêm túc với thị trường này. Đây cũng là một điều không khó hiểu, vì cũng như chứng khoán, không phải là bạn biết bao nhiêu lý thuyết, mà là cách bạn nhìn nhận thị trường và cái nhạy bén của việc đoán biết thị trường sẽ đâm theo hướng nào mới là yếu tố tạo nên thành công của một nhà đầu tư. Tuy nhiên, mình nghĩ việc nắm được những nguyên nhân này có thể sẽ khiến bạn hiểu thêm về những nhu cầu và xu hướng của xã hội, những kiến thức chắc chắn sẽ không thừa trong việc phát triển khả năng suy nghĩ và nhận định trong cuộc sống.
Về nguồn gốc, Bitcoin bắt đầu xuất hiện năm 2008, với bài báo: "Bitcoin: A Peer-to-peer Electronic Cash System" được đăng tải bởi cha đẻ của Bitcoin là Satoshi Nakamoto. Đồng Bitcoin đầu tiên ra đời 1 năm sau đó dựa trên ý tưởng từ bài báo này. Từ đó Bitcoin đã ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và những giao dịch trên thị trường giờ đây đã vô cùng sôi động. Theo anh Google thì giá của 1 Bitcoin ngày hôm qua (01/07/2020) là 7376,78 bảng Anh, tương đương với tầm 215 triệu VND.
Vậy, đâu là những nguyên nhân đằng sau sự phổ biến của Bitcoin?
1. Về bản chất, Bitcoin là sản phẩm kết tinh của chủ nghĩa vô chính phủ
Chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism) xuất hiện ở các nước phương Tây từ thế kỷ 19. Tư tưởng khởi xướng của nó có thể được tìm lại trong tác phẩm của triết gia Pierre-Joseph Proudhon:
To be governed is to be watched, inspected, spied upon, directed, law-driven, numbered, regulated, enrolled, indoctrinated, preached at, controlled, checked, estimated, valued, censured, commanded, by creatures who have neither the right nor the wisdom nor the virtue to do so.Dịch: Bị quản lý bởi chính quyền là bị theo dõi, kiểm tra, gián điệp, định hướng, áp luật lệ, kiểm toán sổ sách, bị truyền bá các tư tưởng bắt buộc phải tuân theo, bị thuyết giáo, bị kiểm soát, bị đánh giá, bị yêu cầu đòi hỏi, … bởi những người không hề có quyền hay sự thông thái hay phẩm cách để làm những điều đó.
Tư tưởng hằn học ấy đã trở thành tôn chỉ cho những người bị áp bức bởi chính quyền và cho rằng chính quyền là nguyên nhân khiến họ không thể thành công và hạnh phúc.
Thực tế, trang bitcoin.org dẫn lời của một nhân vật theo chủ nghĩa vô chính phủ - Sterlin Lujan năm 2016:
Bitcoin is the catalyst for peaceful anarchy and freedom. It was built as a reaction against corrupt governments and financial institutions. It was not solely created for the sake of improving financial technology. But some people adulterate this truth. In reality, Bitcoin was meant to function as a monetary weapon, as a cryptocurrency poised to undermine authorityDịch: Bitcoin là chất xúc tác cho một chế độ vô chính phủ thái bình và tự do. Nó được tạo ra từ phản ứng với sự suy thoái mục nát của chính phủ đương thời và hệ thống tài chính. Nó không chỉ được tạo ra để cải thiện tài chính điện tử như cách nhiều người vẫn đơn giản hóa vấn đề. Thực tế, Bitcoin được tạo ra như một vũ khí kinh tế nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của chính quyền.
Và thật dễ hiểu tại sao sau khủng hoảng tài chính 2007-2009, khi mà chính chính phủ và hệ thống tài chính cho thấy sự yếu kém của mình, Bitcoin lại lên ngôi.
2. Bitcoin đại diện cho nền kinh tế không biên giới trong tương lai
Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự phổ biến của Bitcoin.
Một trong những tiền đề lớn khác khiến Bitcoin thu hút được nhiều sự chú ý là thị trường toàn cầu, thứ chỉ có thể được hiện thực hóa sau những phát triển công nghệ thông tin, Internet và cả đi lại giao thương trên thế giới trong khoảng 10-15 năm trở lại đây. Với việc cụm từ toàn cầu hóa - Globalisation ngày càng phổ biến trên tất cả các diễn đàn và hội nghị mang tầm thế giới, các nhà đầu tư có cơ sở để đặt hy vọng vào một thị trường hay một đồng tiền chung, thứ có thể sẽ rất thuận tiện trong việc giao dịch và tránh được các chi phí cũng như rủi ro về tỷ giá. Vậy nên tâm lý trở thành một công dân toàn cầu cũng khiến cho Bitcoin trở nên thu hút hơn.
Bên cạnh đó, hai yếu tố bất ổn kinh tế khác đang được nhắc đến khá nhiều hiện nay: (1) với việc bất bình đẳng kinh tế (inequality) đang có xu hướng leo thang trong các nước phát triển, rất nhiều người dần cảm thấy bất lực và lo sợ về những ảnh hưởng của bất bình đẳng đến đời sống của bản thân và gia đình họ. (2) là sự hoang mang về khả năng thất nghiệp leo thang, một phần do máy móc AI thay thế con người, một phần do suy thoái kinh tế sau khủng hoảng tài chính 2007-2009 vẫn còn chưa được khắc phục hoàn toàn. Chính những lo sợ ấy khiến mọi người mong muốn tìm kiếm một biện pháp có thể đảm bảo kinh tế trong tương lai. Khi đó, với sự mới mẻ và triển vọng của mình, không khó hiểu khi thị trường Bitcoin trở nên thu hút với những người mong muốn được trải nghiệm nó.
Một điểm đáng chú ý nữa là về tâm lý. Bitcoin được xây dựng trên câu chuyện về Satoshi Nakamoto - người mà chả ai biết hắn là ai. Con người vốn luôn tò mò và hứng khởi với những câu chuyện mang màu sắc bí ẩn, và những câu chuyện như thế rất dễ được lan truyền.
Kết: Với sở thích nắm bắt những thứ đằng sau bức màn sân khấu hơn là có tiền (sao viết ra mà chả thấy ngượng ngùng gì thế này nhỉ), mình viết bài này với tâm thế của người chưa bỏ một đồng nào bít. Nhưng với cái đà thất nghiệp gần như chắc chắn sẽ tăng cao ở các nước phát triển trong ít nhất 1 2 năm tới, mình bắt đầu cảm thấy hơi lo lo về số lượng những người xung quanh (không chỉ những người trẻ mà còn cả những anh chị trung niên) đang nắm giữ và đầu tư vào bitcoin. Và hiển nhiên, khi số lượng người tham gia thị trường tăng, cầu tăng (gần như chắc chắn cao hơn lượng cung tăng), thì giá cũng sẽ theo xu hướng tăng.
Ấy là mình nói thế, nhưng nếu bán nhà đừng tìm mình nhé.
A Dreamer
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất