TỪ SALES CHUYỂN SANG KIỂM TOÁN - MỘT MƠ ƯỚC VIỂN VÔNG?
Khi mà bạn đã đi làm 2 năm ở ngành Sales và mơ ước kiểm toán Big4
Đây là câu chuyện về An, câu chuyện về một bạn đã đi làm 2 năm ở ngành Sales và muốn chuyển sang Kiểm toán. Mới đầu tháng 1 năm nay, An vẫn còn là một "kẻ ngoại đạo" đối với ngành nghề Kế toán, kiểm toán, những khái niệm đơn giản có đầy trên CafeF, Vneconomy...vẫn còn là một điều xa lạ. Vậy mà tháng 11 tới đây, cô bạn chuẩn bị bước chân vào quá trình Thực tập sinh tại 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, Deloitte.
Theo sát An trong quá trình này, mình xin phép được kể lại một cách đầy đủ để mọi người cùng cảm nhận được sự quyết tâm và thành quả tương xứng mà An nhận được.
Bắt đầu
Sau đó như các bạn cũng thấy trao đổi của mình và An trên blog, mình cũng tư vấn và động viên An tự tin về con đường lựa chọn của mình. Sau khi trao đổi, mình và An có tiếp tục trao đổi qua email cũng như Zalo. Trong mọi câu chuyện, An đều thể hiện ra rất thích về nghề kiểm toán khi văn phòng ngay cạnh 1 công ty kiểm toán cũng lớn cũng như thi ACCA.
Cho đến lúc này, mình vẫn muốn thử xem bạn ấy có phải là một người thực sự quyết tâm hay chỉ là 1 dự định, 1 sở thích chốc lát. Mình có thử nhờ An dịch giúp mình 2 bài báo, 1 bài trên trang web của ACCA, 1 bài báo về đầu tư trên trang web vir.com.vn, sau đó An có dịch và gửi lại khá đúng giờ, tuy nhiên những từ chuyên ngành khá yếu vì chưa quen. Mình và An hẹn nhau 1 buổi ở quán cafe để trao đổi rõ hướng đi. Trong đó mình cũng vạch ra với lịch trình công việc hiện tại, An sẽ thi những môn ACCA nào, và kế hoạch chuẩn bị (dần) cho quá trình apply vào kỳ thực tập sinh. Sau đó, An về nhà và suy nghĩ khoảng mấy ngày rồi nhắn cho mình:
- Anh ơi em nghĩ là em nghĩ kĩ (lắm rồi), em muốn bắt đầu luôn được không ạ
- Sẽ là 1 con đường đầy vất vả nhưng xứng đáng đó em
- Just do it ạ
- Một lần chơi lớn để xem mọi người có trầm trồ không em
Khởi động
Mình định hướng cho An bắt đầu với môn học Management Accounting (F2) của ACCA. Đây là một môn học khá là hay, logic và dễ hiểu, lại không mang nặng tính chuyên ngành như Financial Accounting (F3). Nó thực sự phù hợp với những ai ở ngoài ngành, hoặc là sinh viên năm nhất, hoặc ai đã đi làm. Đây cũng là môn mình đã giảng dạy từ mấy năm rồi nên thực sự hiểu người học cần gì, hay thích thú hay vướng mắc ở đâu. Cũng chính vì việc dạy quen rồi nên mình định hướng học trong vòng 6-7 buổi, mỗi buổi 2 tiếng, tức là ít bằng 1/3 so với lịch thông thường ở một trung tâm. Lịch này vừa phù hợp với công việc của An, giúp cho bạn ấy không bị ảnh hưởng bởi công việc riêng, và cũng có thời gian để ôn tập và đọc thêm sách ở nhà. Trong quá trình học của An, mọi câu hỏi, vướng mắc mình sẽ trả lời trong vòng 30'-1h, nên kết hợp với học khá nhiều kiến thức trong 1 buổi đi học, An có thể tự học, tự làm bài, và hoàn thành 2-3 chapters trong vòng 1 tuần. Lưu ý rằng đây vẫn là thời kỳ bắt đầu việc học ACCA của An, thế nhưng vẫn "nuốt trọn" giáo án mà mình đề ra mà không có khó khăn gì. Trong quá trình học, mình vẫn cho An làm test, không khác gì khi mình đi dạy cả, và thường xuyên kiểm tra xem nắm được bài không.
Đôi khi chính mình cũng bị bạn ấy nhắc nhở: "Mà anh ạ, em nghĩ anh cứ đẩy nhanh tốc độ lúc dạy em lên. Em sẽ cố gắng đọc tài liệu ở nhà nhiều hơn nữa. Vì em thấy nhiều lúc có thể em đọc tài liệu thấy hiểu hiểu nhưng khi làm bài tập thì vẫn mắc hoặc tốc độ load chậm. Thì lúc anh em mình gặp nhau trực tiếp, anh kiểm tra xem em hiểu đến đâu rồi bằng cách cho em làm bài tập với em cũng sẽ hỏi thêm anh là phần này em không hiểu vì sao lại thế, anh giải thích cho em như ở buổi vừa rồi mấy công thức phần material ấy ạ.". Chính vì thế mà mình rất tự tin vào việc bạn ấy có nắm được kiến thức mới push ngược lại như vậy.
Ban đầu, 2 anh em dự tính đến 20/3 (tức là sau 8 tuần kể từ khi học) là có thể thi được ngay môn F2 luôn (F1,F2,F3 được thi quanh năm tại các địa điểm ở Hà Nội và TP HCM). Tuy nhiên do không sắp được lịch thi với trung tâm, và lại vướng lịch cá nhân của bạn ấy nên đến ngày 16/4 bạn ấy mới có thể thi được. Mình cũng khá lo lắng, vì đây là lần đầu tiên một học sinh của mình - người ngoài ngành, lại còn học dưới dạng mentoring, thi ACCA.
Bụp phát có message trên Zalo khoe ảnh 76 điểm của An. Thật nhẹ nhõm khi công lao của 2 anh em cũng được đền đáp. Một số điểm tương đối cao. Nhớ lại ngày xưa môn học đầu tiên, mình đi học hẳn hoi, mà được có 72 điểm.
Thẳng tiến tới F3 nào
Vượt chướng ngại vật
Chướng ngại vật tiếp theo là môn học Kế toán tài chính (F3). Nếu như F2 quen thuộc, tư duy logic theo hướng người ngoại đạo học cũng được, thì F3 lại khác hơn khi nhiều thuật ngữ chuyên ngành hơn, nhiều cách xử lý "chuẩn mực, mang tính nguyên tắc" hơn là F2. Một vấn đề nữa, đó là khi dự tính vào đầu tháng 1, mình đã dự tính tháng 3 thi xong F2 sẽ bắt đầu học F3 luôn để hết tháng 4 là thi xong F3. Trên cơ sở đó là nền cho việc thi Financial Reporting (F7) ở kỳ tháng 6/2021 (F7 là môn advanced hơn của F3). Với việc tháng 4 mới thi xong F2, không thể nào học được trong vòng 2 tuần xong F3 được, nhất là đối với người còn đi làm như An.
Sau một hồi suy nghĩ, mình và An đi đến quyết định sẽ thi F7 kỳ tháng 6/2021 (để kịp cho việc tuyển dụng thực tập sinh tháng 8,9). Với môn F3, ACCA cho phép được hoãn, thi sau khi thi F7 xong. Vậy là vướng 1 chướng ngại vật siêu to. Tức là còn chưa học môn cơ bản (F3) đã phải học môn nâng cao (F7) rồi. Giống như học và thi toán lớp 12 trước rồi mới quay lại thi định lý Viet về phương trình bậc 2 của toán 9.
Để làm như vậy, mình chia ra 2 chặng để vượt chướng ngại vật:
- 15 ngày còn lại của tháng 4: học những phần cơ bản, nền tảng của F3 mà F7 cũng học
- Bắt đầu học F7 từ đầu tháng 5. Ngày thi là khoảng 10/6, tức là 40 ngày "sinh tử".
Tuy nhiên đen cái là đúng vào đợt dịch nên tháng 5 mình k đi đâu đc, chỉ loanh quanh ở nhà. Việc học cũng không sắp xếp dạy trực tiếp mà call online. May sao An vẫn tiếp tục đi đúng lộ trình. F7 tuy có khó hơn nhưng việc có được kiến thức nền tảng (dù chỉ 1 ít ở F3) nên An cũng giải quyết được kha khá bài tập. Một lần nữa phải rất ghi nhận là An cực kỳ chăm chỉ làm bài tập, mình phải tìm thêm sách để bạn ấy làm và đối chiếu giữa các sách với nhau. Đấy là điểm cốt lõi để hiểu được bài tập và cả kiến thức. Tuy nhiên không phải là không có những lúc nản chí:
Vù phát cũng đã đến ngày thi. Ngoài việc chỉ cho An những kỹ năng làm bài tập thì mình cũng chỉ biết hồi hộp đợi :)). Môn này thi xong không có điểm ngay mà phải chờ 6-7 tuần. Nhưng mình cũng khá là giãn cơ mặt 1 chút khi An nhắn là ổn, vẫn có 1 số câu chưa cân nhưng nói chung là tự tin. Tối còn thấy khoe xả hơi xem phim :))
Vậy là F7 đã xong, giờ là lúc quay lại "trả thù" F3 =)). Với việc đã học toán lớp 12 rồi thì toán lớp 9 dễ ẹc đúng không. Mình bảo An tự học xem có gì khó, rồi 30/6 thi luôn cho lành.
Đùng 1 cái, 12h ngày 25/6 nhận được quả tin nhắn, em thi F3 rồi, 81 điểm, quên không in tờ giấy thông báo điểm mang về khoe anh.
Đến ngày 19/7, lại 1 tin vui nữa khi F7 có kết quả và An được 64 điểm, 1 con số thậm chí còn cao hơn nhiều người đi học ở trung tâm.
Chướng ngại vật đã vượt qua.
Tăng tốc
Sang tháng 7, mình và An lại bắt đầu với môn học tiếp theo. Do tháng 8 là thời điểm apply vào các công ty kiểm toán, nên mình định hướng An thi môn F8 - audit and assurance cho kỳ thi tiếp theo, tiện có kiến thức để cho việc apply luôn.
Môn này là môn đọc và làm bài tập khá nhiều, nên mình định hướng để An tự học, mình chỉ guide những mốc chính và kiến thức cần nắm thôi. Đúng 1 buổi ban đầu và tất nhiên vẫn là những support kịp thời, gỡ rối nếu thấy vướng ở đâu.
Sang đến tháng 8 cũng là thời điểm các công ty Big4 (EY/Deloitte/KPMG/PwC) mở đơn đăng ký. Mình lại giúp An review CV, Cover letter...để apply. EY và PwC không phản hồi (cái này cũng có thể hiểu được khi EY có vẻ như thích những bạn là sinh viên hơn là người đã đi làm, còn PwC thì trước giờ vẫn khó rồi). KPMG và Deloitte An đều qua bài test. Mình có đưa ra 1 số lời khuyên của An khi tham gia phỏng vấn nhóm (Group interview) của KPMG, và thực tế thì An cũng khá tự tin khi phỏng vấn, nhưng cuối cùng thì KPMG đưa An vào vòng waiting list, tức là sẽ đỗ vé vớt vào vòng sau nếu như các ứng viên đỗ chính thức có ai bỏ.
"We have completed scoring and selected the first batch of Candidates for Audit and Tax Function to join our Final Interview. By this email, we would like to inform that your result is now under review for the next batch (early next month). Please remain calm and stay tuned to receive our latest update!"
Gạt qua nỗi buồn này, mình và An lại chuẩn bị cho vòng Final Interview của Deloitte (bên này không có Group Interview mà phỏng vấn luôn cùng Manager). Mình cũng thuộc dạng đi phỏng vấn nhiều nên có kinh nghiệm, nên lại cùng An phân tích kỹ lưỡng, đưa ra chiến lược cụ thể. Đợt này lại song song cùng ngày thi F8 nữa. Mình nhớ là thứ 2 thi, tối hôm đó 2 anh em luyện phỏng vấn. Thứ 3 lại luyện thêm và đến thứ 4 thì thi chính thức. Nói chung cũng không có tips gì, mình ở EY nên biết Big4 cần gì. Cái gì mạnh thì nói ra, cái gì chưa có thì thừa nhận và tìm cách khắc phục.
Thi xong được 1 hôm đến thứ 5 thì nhận được tin nhắn của An:
Mình tức tốc đi hỏi ngay mấy học sinh cũ của mình đang làm Deloitte, và cả cậu bạn trước học cùng ĐH giờ đang làm Manager thì bảo không có chuyện đó đâu, cũng phải 2,3 ngày cơ. Mình quay lại động viên nhưng cũng vẫn hơi lo. Cơ hội cuối cùng mà đá lệch pen như John Terry trong trận chung kết C1 năm nào thì cũng buồn phết.
Ngày thứ 6 bận cho đến hết cả sáng, cũng k thấy An nhắn gì, nghĩ tạch lô rồi chăng. 3h kém, mình thử hỏi thêm lần nữa, thì như này:
Mình nghĩ sau quả tăng tốc này, bạn ấy sẽ cứ tủm tỉm cười lâu phết khi nghĩ về những ngày siêu sốt ruột mà lần đầu trải qua.
Về đích
Ơ từ đã
Làm gì đã đến đích đâu bạn ơi.
Còn chưa có kết quả F8. Mà nếu đỗ, vẫn còn 7 môn ACCA nữa cơ.
Mới bắt đầu vào Deloitte. Cũng như mới vào đại học, reset game về = 0 hết. Cố gắng từ đầu, nỗ lực từ đầu. Chứ đích còn xa lắm.
Nhưng mình tin, nếu cứ duy trì sự chăm chỉ, nhiệt tình và ham học như này, An sẽ làm tốt thôi, ở cả 2 mục tiêu lớn này.
Chưa đến 30 tuổi, An vẫn có thể trở thành 1 Audit Manager, 1 ACCA member, nếu vẫn đi tiếp được với vận tốc hiện tại. Mình đã thử tính, điều đó có thể đạt được thôi.
Không gì là không thể.
Thay lời kết
Mình kể câu chuyện này chỉ để chia sẻ với mọi người rằng, nhiều khi chúng ta nhìn vào những đam mê của mình và bảo là khó. Nhưng cứ thử bắt tay vào đi, tìm cho mình 1 lộ trình phù hợp, 1 người thầy phù hợp, thì mọi thứ đều có thể xảy ra. Trên quá trình ấy, hãy giữ cho mình 1 ngọn lửa ấm trong tìm và một niềm nhiệt thành lớn lao.
It always seems impossible until it's done - Nelson Mandela
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất