1. Học tiến sĩ là làm gì?

Tiến sĩ là bậc học cao nhất trong giáo dục. Để đăng ký học tiến sĩ, học sinh cần có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ trước đó. Tùy theo quy định từng quốc gia, ví dụ như ở Pháp (Châu Âu nói chung), để học tiến sĩ thì cần phải hoàn thành bậc học thạc sĩ trước, còn ở một số nước khác ví dụ như Mỹ, Úc, thì có thể học tiến sĩ ngay lập tức (tuy vậy vẫn cần có vài năm học lý thuyết tương tự như học thạc sĩ). Thời gian học tiến sĩ thì cũng tùy quốc gia, ví dụ như ~3 năm ở Pháp, 4-6 năm ở Mỹ… Thường những nơi yêu cầu học viên tiến sĩ cần học lý thuyết thì thời gian sẽ dài hơn.
Tuy gọi là « học » tiến sĩ, đăng ký học tiến sĩ bao gồm cả việc hợp đồng lao động làm việc (cũng tùy theo từng quốc gia mà có ký hợp đồng lao động hay điều khoản làm việc đã bao gồm trong việc đăng ký học). Ví dụ ở Pháp, học tiến sĩ bao gồm đăng ký học với trường đại học (nghĩa là có thẻ sinh viên như 1 sinh viên cử nhân) và ký hợp đồng lao động toàn thời gian với nơi làm thực hành nghiên cứu (nghĩa là đi làm 8h/ngày, nhận lương, đóng thuế, có ngày nghỉ phép v.v.. như 1 người đi làm). Cơ quan thuê sinh viên tiến sĩ có thể là trường đại học (nếu sinh viên tiến sĩ làm ở 1 phòng thí nghiệm trực thuộc trường đại học), có thể là 1 viện/tổ chức nghiên cứu hoặc 1 công ty tư nhân (nếu công ty tư nhân đó có dự án hợp tác nghiên cứu với 1 phòng thí nghiệm công lập). Mặc dù sinh viên tiến sĩ vẫn cần tham gia các khóa học, thời gian học thường khá ngắn (80h trong cả 3 năm học) và ít môn bắt buộc (chỉ khoảng vài tiếng học về đạo đức nghiên cứu). Do đó, mặc dù sinh viên tiến sĩ là sinh viên, sẽ nhận bằng tiến sĩ của trường đại học sau khi tốt nghiệp, học tiến sĩ là một công việc toàn thời gian trong một phòng thí nghiệm nghiên cứu.
Mặc dù “học” tiến sĩ có thể gọi là “làm” tiến sĩ, đây là một công việc với nhiều đặc thù. Một “khóa học” tiến sĩ là một đề tài nghiên cứu kéo dài suốt quá trình làm tiến sĩ. Đề tài nghiên cứu này thường mang tính học thuật, với mục đích tìm ra tri thức mới trong một lĩnh vực nào đó. Đề tài nghiên cứu cũng có thể là một ứng dụng, giải pháp có tính mới cho một vấn đề nào đó. Đề tài này có thể do sinh viên tiến sĩ tự nghĩ ra, tự tìm nguồn kinh phí và tự tìm đến phòng thí nghiệm và giáo sư hướng dẫn để thực hiện. Đề tài cũng có thể do một giáo sư nghĩ ra, đã có nguồn tài trợ và dùng tiền tài trợ đó để tuyển học sinh tiến sĩ để thực hiện đề tài. Trong trường hợp nào đi nữa, một sinh viên tiến sĩ làm trong một phòng thí nghiệm sẽ có một giáo sư hướng dẫn, hay nói cách khác là sếp trực tiếp trong công việc.
Do đề tài tiến sĩ yêu cầu tính mới, học sinh tiến sĩ cần có hiểu biết sâu về lĩnh vực nghiên cứu và biết được giới hạn hiện tại của lĩnh vực đó. Công việc hàng ngày của tiến sĩ là đọc các nghiên cứu khoa học trong ngành để cập nhật kiến thức, thực hiện các thí nghiệm, kỹ thuật khác nhau để tìm ra số liệu cho đề tài của mình và ghi chép, báo cáo lại kết quả của mình. Sản phẩm của công việc nghiên cứu học thuật này là các bài báo khoa học chuyên ngành đăng trên các tạp chí khoa học (để công bố, chia sẻ kết quả của mình với đồng nghiệp cùng ngành), các bằng sáng chế và cuối cùng là 1 quyển luận án tiến sĩ. Công việc này cũng chính là công việc nghiên cứu học thuật trong các viện nghiên cứu, với mục đích tìm ra tri thức mới.
Hình 1 dưới đây mô tả rất hay về việc học tiến sĩ là làm gì (nguồn https://matt.might.net/articles/phd-school-in-pictures/ ; bản dịch tiếng Việt có link trong nguồn trên: https://sites.google.com/site/tiensilathenao/)
Hình 1. Mô tả việc học tiến sĩ
Hình 1. Mô tả việc học tiến sĩ
Nhìn chung, công việc của một học sinh tiến sĩ bao gồm tìm kiếm, đọc và phân tích thông tin mới (có thể nói giống công việc phân tích thị trường), làm các kỹ thuật chuyên môn (giống những nghề kỹ thuật như kỹ sư, kỹ thuật viên), ghi chép, viết, tổng hợp và báo cáo kết quả tới những người khác trong ngành và công chúng (giống nghề quảng cáo, viết báo).
Môi trường làm việc của học sinh tiến sĩ cũng giống như làm việc trong 1 công ty khởi nghiệp (giáo sư là CEO, học sinh là người làm thuê). Công ty này bắt đầu bằng việc xin vốn từ các quỹ đầu tư nghiên cứu, học sinh có thể đóng góp vào quá trình xin tiền này. Học sinh làm ở công ty này 3-4 năm, với mức lương thấp, công việc mới mẻ sáng tạo nhưng nặng nhọc. Do startup không có bộ phận nhân sự nên mọi việc nhân sự đều qua tay giáo (CEO), dẫn đến tình trạng dễ mâu thuẫn bất đồng. Đồng nghiệp làm cùng (các bạn sinh viên tiến sĩ khác hoặc các bạn sau tiến sĩ) thì cũng trẻ, ít kinh nghiệm và cũng có đề tài của riêng họ. Do vậy, sinh viên tiến sĩ đa phần là tự học, tự ôm mọi việc làm một mình. Đôi khi kiêm thêm việc hướng dẫn các bạn sinh viên thực tập bậc thạc sĩ, cử nhân.
Có thể thấy, không chỉ phải làm các công việc kỹ thuật yêu cầu kiến thức chuyên môn sâu, học sinh tiến sĩ còn làm nhiều tác vụ khác ngoài chuyên môn kỹ thuật (giảng dạy, viết báo, v.v). Đầu vào của học sinh tiến sĩ cũng khá khó, thường yêu cầu điểm tổng kết cử nhân, thạc sĩ cao, đồng thời bài luận, thuyết trình xin tiền tài trợ cũng cần phải tốt. Tuy vậy, mức lương của học sinh tiến sĩ khá thấp. Ví dụ ở Pháp, lương học sinh tiến sĩ được quy định là ~2300 euros brut/tháng, chỉ cao hơn 1 chút so với mức lương thấp nhất theo quy định pháp luật (~1700 euros brut/tháng, thường là mức lương những công việc không yêu cầu trình độ như bồi bàn, dọn dẹp vệ sinh). Ở Mỹ (số liệu theo Glassdoor), mức lương học sinh tiến sĩ không có quy định như ở EU, trung bình tầm khoảng 30000-50000 USD/năm, cũng chỉ cao hơn 1 chút so mức trung bình của công việc bồi bàn (~32000 USD/năm).

2. Học tiến sĩ để làm gì? – giới thiệu qua về ngành nghiên cứu học thuật

Kết thúc chương trình tiến sĩ thì sinh viên tiến sĩ sẽ có một tấm bằng tiến sĩ, và có thể thêm Dr. vào trước tên mình cho oai. Ở nhiều nước thì việc có danh tiến sĩ sẽ làm tăng độ tín nhiệm của người đó (mặc dù chưa chắc đã đúng). Ngoài ra, học tiến sĩ cũng giúp người học cập nhật được kiến thức của mình lên mức hiểu biết sâu ở một lĩnh vực hẹp nhất định. Tuy nhiên do lĩnh vực này quá hẹp, nên cũng khó mà tìm được một công việc y hệt lĩnh vực này ở một nơi làm việc khác. Ngoài các công việc nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm tư nhân, đa phần các công việc khác không yêu cầu bằng cấp tiến sĩ (kể cả các công việc kỹ thuật trong các bộ phận R&D của các công ty lớn). Việc học tiến sĩ thực ra là một bước giới thiệu vào ngành nghiên cứu học thuật, bước chân đầu tiên vào tháp ngà và là điều kiện bắt buộc cần có để có thể làm việc trong ngành nghiên cứu học thuật.
Ngành nghiên cứu học thuật là ngành nghiên cứu không tạo ra sản phẩm thương mại, thường diễn ra ở các trường đại học, viện nghiên cứu công lập, với mục đích tạo ra kiến thức mới. Một kiến thức được coi là mới khi nó chưa được báo cáo công khai bao giờ và không phải kiến thức hiển nhiên. Nghiên cứu học thuật có thể bao gồm cả những nghiên cứu định hướng ứng dụng, với mục đích tạo ra sản phẩm để giải quyết 1 vấn đề thực tế nào đó. Tuy vậy, sản phẩm đó dừng ở bước chứng minh ý tưởng và sản xuất quy mô phòng thí nghiệm. Các bước sau đó thường được đảm nhận bởi 1 công ty mua lại sản phẩm, hoặc bởi công ty khởi nghiệp do chính nhóm nghiên cứu thành lập.
Sản phẩm chính của ngành nghiên cứu học thuật là các bài báo khoa học và các bằng sáng chế. Các bài báo khoa học không giống như các bài báo bình thường. Chúng báo cáo về thành tích, kết quả nghiên cứu của nhà khoa học, với mục đích chia sẻ kiến thức mới phát hiện ra cho cộng đồng nghiên cứu. Những kiến thức này và bài báo này thường rất chuyên sâu về kiến thức chuyên môn, do đó sẽ khó hiểu với người ngoài ngành. Các bài báo khoa học này được đăng tải trên các tạp chí khoa học, để đọc thường phải mất tiền đăng ký và không được quảng cáo rộng rãi ra đại chúng. Các nhà khoa học không được trả tiền nhuận bút mà ngược lại, thường phải cần trả tiền để được đăng. Các bài báo này trước khi được đăng sẽ được kiểm duyệt và phản biện bởi những nhà khoa học khác trong ngành. Những người phản biện này là do tạp chí mời, và tạp chí thường cũng không trả tiền cho họ.
Các bài báo khoa học này là 1 tiêu chí chính để đánh giá định lượng khả năng của 1 nhà khoa học bây giờ. Giới học thuật có câu “đăng báo hoặc chết” để nhấn mạnh sự quan trọng của việc đăng báo khoa học. Dù 1 nhà khoa học có thông minh đến đâu, nếu không đăng được báo khoa học thì sẽ không được coi là thành công. Một bài báo khoa học cũng cần có chất lượng. Chất lượng của bài báo khoa học là khả năng ảnh hưởng của nó đến nền khoa học, được định lượng bằng số nghiên cứu khác trích dẫn kết quả của nó. Nếu 1 bài báo có đột phá đến đâu, mà không ai trong ngành quan tâm, trích dẫn và nói về nó, thì nó cũng được coi là tầm thường. Một nhà khoa học thành công là một nhà khoa học đăng được nhiều báo, và những bài báo đó được trích dẫn nhiều trong các bài báo của những nhà khoa học khác.
Tiền hoạt động của các nghiên cứu khoa học đến từ các quỹ nghiên cứu khác nhau, tuy nhiên đa phần là công lập. Để xin tiền này thì các nhà khoa học cần nộp 1 bộ hồ sơ đề xuất nghiên cứu, với mục đích trình bày là tại sao nghiên cứu của họ lại có ích cho xã hội. Thường thì các nhà khoa học thành công sẽ có cơ hội xin được tiền cao hơn. Các khoản tiền này được sử dụng để chi trả cho chi phí hoạt động nghiên cứu (mua hóa chất vật tư, máy móc v.v.), nhân sự (tuyển sinh viên tiến sĩ, kỹ thuật viên v.v..) và các hoạt động khác liên quan (tham dự hội nghị, công tác v.v). Tiền lương của các nhà khoa học không bao gồm trong tiền hoạt động nghiên cứu, mà các nhà khoa học nhận lương từ nơi tuyển dụng họ (trường đại học, viện nghiên cứu…).
Nhân sự trong ngành này bao gồm những nhà khoa học với vị trí biên chế vĩnh viễn (giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu v.v..), những kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm (biên chế vĩnh viễn), học sinh tiến sĩ (hợp đồng có thời hạn), nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (hợp đồng có thời hạn) và những nhân sự hành chính. Do những nhà khoa học chủ chốt (biên chế vĩnh viễn) có nhiều nhiệm vụ quan trọng ngoài nghiên cứu (giảng dạy, tham gia hội thảo, hội nghị, các công việc quản lý hành chính), thời gian họ dành cho công việc nghiên cứu khá ít. Nhiệm vụ quan trọng của họ là viết hồ sơ xin tiền tài trợ nghiên cứu. Họ thường dành ít thời gian thực hành nghiên cứu, làm thí nghiệm, viết báo khoa học… mà các nhiệm vụ này dành cho sinh viên tiến sĩ và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Các nhà khoa học cơ hữu đóng vai trò giáo sư hướng dẫn và kiểm tra chất lượng của kết quả, sản phẩm, bài báo khoa học của sinh viên tiến sĩ và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Do đó, có thể nói sinh viên tiến sĩ và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ là nhân lực chính của ngành nghiên cứu học thuật.
Con đường sự nghiệp và thăng tiến trong ngành nghiên cứu học thuật cũng khá gian nan. Bước chân đầu tiên chính là làm sinh viên tiến sĩ. Sau khi xong tiến sĩ thì sinh viên đã có một cái nhìn tổng quan về ngành nghiên cứu của mình và cách hoạt động của ngành nghiên cứu. Việc có vị trí cơ hữu luôn sau khi tốt nghiệp tiến sĩ là rất hiếm, trừ khi ứng tuyển vào những trường đại học mới thành lập. Đa phần các tân tiến sĩ phải trải qua những hợp đồng ngắn hạn ở vị trí nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Nhiệm vụ của những nghiên cứu sinh sau tiến sĩ này là làm việc cho 1 đề tài của 1 nhà khoa học cơ hữu nào đó. Mục đich của việc làm vị trí này là tích lũy số lượng bài báo khoa học và tạo mối quan hệ với những nhà khoa học nổi tiếng trong ngành. Thường 1 nhà khoa học có vị trí biên chế cơ hữu cần trải qua 5-6 năm làm vị trí nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (tương đương 3-4 lần chuyển công việc, do 1 hợp đồng sau tiến sĩ chỉ thường khoảng 1-2 năm). Kinh nghiệm quốc tế thường được đánh giá cao trong ngành nghiên cứu học thuật do xu hướng toàn cầu hóa. Vì thế, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ thường sẽ cố gắng đi làm ở nhiều nơi, nhiều quốc gia nhất có thể, đồng thời cũng để mở rộng mạng lưới quan hệ rộng nhất có thể. Sau khoảng 5-6 năm hoặc nhiều hơn, bôn ba ở nhiều viện nghiên cứu khác nhau, tích lũy đủ các bài báo khoa học, thì một nhà khoa học mới đủ khả năng cạnh tranh cho 1 vị trí biên chế cơ hữu. Sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, mỗi quốc gia lại có 1 mô hình thăng tiến khác nhau. Có quốc gia thì có thể đăng ký xin vị trí cơ hữu luôn, có những nơi cần làm vị trí có thời hạn trong viện/trường đại học vài năm trước khi được nâng bậc lên vị trí cơ hữu.

3. Tân tiến sĩ ra trường làm nghề gì?

Do học tiến sĩ là một công việc đa năng, các lựa nghề nghiệp của tân tiến sĩ sau khi ra trường cũng rất đa dạng. Có những người cảm thấy mình phù hợp với môi trường học thuật, muốn tiếp tục dấn thân lên các vị trí cao hơn thì có thể xin tiếp các hợp đồng nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Cũng có một số bộ phận nhận ra mình thích khoa học, nhưng không thích môi trường nghiên cứu học thuật hoặc môi trường công lập, thì họ sẽ tham gia vào các công việc kỹ thuật hoặc nghiên cứu ứng dụng, sản phẩm như kỹ sư, nhân viên phân tích v.v.. ở các công ty tư nhân. Ngoài ra, cũng có một số bộ phận tân tiến sĩ nhận ra mình không phù hợp với việc làm những công việc nghiên cứu, họ tìm những công việc khác, yêu cầu kiến thức khoa học và liên quan đến khoa học nhưng không làm trực tiếp nghiên cứu, ví dụ như thiết kế các đoạn phim, hình ảnh minh họa khoa học, viết các bài báo đại chúng để giải thích, đơn giản hóa các khái niệm khoa học hoặc làm bán hàng, quảng cáo về những sản phẩm khoa học. Hình 2 ở dưới đây là thống kê về phân bổ công việc của tân tiến sĩ tại Anh (tổng hợp tất cả các ngành nghề).
Hình 2. Phân bổ công việc của tân tiến sĩ tại Anh
Hình 2. Phân bổ công việc của tân tiến sĩ tại Anh
Nguồn https://royalsociety.org/~/media/Royal_Society_Content/policy/publications/2010/4294970126.pdf
Hình 2 được tổng hợp từ số liệu tất cả các ngành, do đó từng ngành khác nhau thì phân bổ sẽ khác. Ví dụ trong những ngành công nghệ thông tin hoặc công nghệ y sinh, tỷ lệ số tân tiến sĩ theo nghiên cứu ở tư nhân có thể cao hơn. Nhìn chung, từ hình 2, có thể thấy được chỉ có khoảng 1 nửa tân tiến sĩ theo con đường khoa học, còn lại thì họ làm những công việc ngoài khoa học. Điểm đáng lưu ý ở hình 2, là chỉ có 3.5% tân tiến sĩ có thể chạm đến vị trí biên chế cơ hữu, và 0.45% tân tiến sĩ có thể chạm đến vị trí giáo sư. Để làm rõ thì ở Anh, vị trí giáo sư có thể được coi là vị trí cao nhất về mặt học thuật (tương tự nhưng không hoàn toàn giống ở VN), chứ không như 1 số nước có các vị trí thấp hơn cũng được gọi là giáo sư. Có thể thấy được rằng, có 1 phần trăm không nhỏ tân tiến sĩ theo con đường nghiên cứu học thuật đã không thành công và phải chuyển hướng theo các công việc khác. Có vị trí cơ hữu trong ngành nghiên cứu học thuật là một điều rất khó khăn và cần nhiều năm phấn đấu nỗ lực.
Nhiều người vẫn nói kết quả không quan trọng bằng quá trình, vậy với những tân tiến sĩ theo nghiên cứu học thuật nhưng đứt gánh và chuyển hướng sang ngành khác thì con đường của họ như nào ? Mức lương của vị trí nghiên cứu sinh sau tiến sĩ nhìn chung cũng khá thấp. Theo Glassdoor, lương trung bình cho vị trí nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Mỹ là 60000 USD/năm, tất nhiên đây là mức trung bình, các ngành khác nhau có thể sẽ khác. Để so sánh, cũng theo Glassdoor, vị trí kỹ sư y sinh 4-6 năm kinh nghiệm ở Mỹ (1 người học xong thạc sĩ và đi làm 4-6 năm sẽ tương đương thời gian 1 người học tiến sĩ) có mức lương trung bình 83000 USD/năm. Ngoài ra, nếu sau 4-6 năm, nếu lên được vị trí kỳ cựu (senior, 4-6 năm thì hoàn toàn có khả năng lên) thì mức lương trung bình là 100000 USD/năm, gần gấp 2 vị trí nghiên cứu sinh sau tiến sĩ với thời gian làm việc tương đương. Do đó có thể thấy, việc làm việc ở trong môi trường học thuật không phải nơi để kiếm tiền. Hơn nữa, quá trình làm ở vị trí nghiên cứu sinh sau tiến sĩ này sẽ gây ảnh hưởng tới mức lương ở các công việc ngoài học thuật sau này. Hình 3 dưới đây là 1 mô phỏng về mức lương của tân tiến sĩ và tân tiến sĩ đã trải qua vị trí nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (ex-postdoc) sau 15 năm ở các ngành ngoài học thuật. Dù ngành nào đi nữa, cần đến khoảng 15 năm để mức lương của 1 nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đổi ngành có thể đuổi kịp 1 tân tiến sĩ bắt đầu đi làm trong ngành luôn. Điều này có thể giải thích bằng khó khăn của việc chuyển đổi ngành nhìn chung và đổi ngành từ học thuật sang các ngành khác nói riêng. Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng kinh nghiệm học thuật là quá hàn lâm hoặc chuyên sâu, không phù hợp với môi trường làm việc khác. Không chỉ nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, với nhiều tân tiến sĩ khi tìm việc, nhiều nhà tuyển dụng không coi kinh nghiệm làm việc của tân tiến sĩ trong phòng thí nghiệm là kinh nghiệm, mà chỉ coi tiến sĩ là 1 tấm bằng. Mặc dù thời gian học tiến sĩ (và làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ) bao gồm nhiều kỹ năng, hoạt động khác không chỉ là làm các công việc kỹ thuật, những kỹ năng này thường bị bỏ qua trong quá trình tuyển dụng, một phần do nhà tuyển dụng và một phần do chính các tân tiến sĩ không nhận ra và làm nổi bật những kỹ năng đó trong quá trình xin việc.
Hình 3. Mô phỏng dự đoán lương của tân tiến sĩ và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ nếu đổi ngành sang các ngành ngoài nghiên cứu học thuật
Hình 3. Mô phỏng dự đoán lương của tân tiến sĩ và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ nếu đổi ngành sang các ngành ngoài nghiên cứu học thuật
Nguồn: Kahn, S., Ginther, D. The impact of postdoctoral training on early careers in biomedicine. Nat Biotechnol 35, 90–94 (2017). https://doi.org/10.1038/nbt.3766
Những số liệu trên đề xuất rằng tân tiến sĩ không nên theo con đường nghiên cứu học thuật. Con đường để lên tới vị trí biên chế cơ hữu rất gian nan, với mức lương thấp, hợp đồng ngắn hạn, bấp bênh. Ngay cả khi cố gắng để theo thì cũng chưa chắc đã có được vị trí biên chế cơ hữu do tỷ lệ khá thấp. Khi chán nản, nhận ra rằng con đường học thuật khó khăn và chuyển sang ngành khác thì sẽ thua kém, bị bất lợi, lương thấp hơn so với những người cùng thâm niên ở ngành đó. Tuy vậy, toàn bộ số liệu trên là số liệu chung của tất cả các ngành khoa học, hoặc chỉ cho 1 số ngành riêng biệt (hình 3 là cho ngành y sinh). Những ngành khác nhau như kinh tế, công nghệ thông tin v.v.. có thể sẽ có những số liệu khác đi, tích cực hơn. Mỗi quốc gia cũng sẽ có hệ thống nghiên cứu học thuật khác nhau, cơ chế thăng tiến khác nhau, nên những số liệu trên không nói thay cho tất cả.

4. Kết luận

Bài viết này tổng hợp thông tin về việc học tiến sĩ và ngành nghiên cứu học thuật với mục đích cho người đọc một cái nhìn tổng quan nhất. Mình xin kết luận bằng 1 phần câu hỏi – trả lời.
1. Có nên học tiến sĩ hay không?
Nếu bạn đang là cử nhân hoặc thạc sĩ, mình nghĩ bạn có thể thử thực tập vài tháng trong 1 viện nghiên cứu công. Ở VN thì có lẽ thường là không lương, còn không thì ký hợp đồng lao động (lương cũng không cao lắm do là làm nhà nước). Sau khi trải nghiệm 1 thời gian, nếu thấy thích công việc nghiên cứu, cảm thấy thoải mái với môi trường học thuật, thì hãy học tiến sĩ. Học tiến sĩ không phải 1 bước để giúp bạn kiếm tiền, mà chủ yếu để thỏa mãn sở thích, đam mê làm khoa học. Ngoài ra có thêm cái bằng cũng đem đi lòe thiên hạ được.
2. Đang học tiến sĩ, có nên làm tiếp nghiên cứu sinh sau tiến sĩ sau khi tốt nghiệp không?
- Nếu bạn thích hướng nghiên cứu của bạn, và hướng nghiên cứu này chỉ có thể làm trong các viện nghiên cứu công (thường là các nghiên cứu sâu về lý thuyết), thì bạn chỉ có thể tiếp tục bằng các làm nghiên cứu học thuật. Hãy chuẩn bị sẵn các nơi có thể làm sau tiến sĩ để nộp hồ sơ xin tiền tài trợ ngay khi đang học tiến sĩ.
- Nếu bạn thích nghiên cứu, nhưng nghiên cứu có tính ứng dụng cao (ví dụ như công nghệ thông tin, y sinh, dược v.v..), thì không nên theo các vị trí nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, mà mình khuyên các bạn nên tìm đến những công ty tư nhân có làm nghiên cứu. Việc này khó vì thường chỉ các công ty lớn mới có bộ phận nghiên cứu (mà làm công việc thực sự là nghiên cứu), còn lại đa phần là chỉ phát triển sản phẩm. Ngoài ra có các công ty khởi nghiệp cũng có thể làm nghiên cứu trong ngành dược (ví dụ các công ty biotech).
- Nếu bạn nhận ra mình có kiến thức khoa học nhưng không hẳn thích môi trường học thuật, thì bạn hãy tìm những công việc sử dụng kiến thức học thuật để làm việc. Như số liệu trên thì khoảng 1 nửa tân tiến sĩ không làm công việc liên quan đến nghiên cứu khoa học sau tốt nghiệp, chuyện đổi ngành là chuyện bình thường. Có nhiều công việc có thể tận dụng lợi thế của việc học tiến sĩ như những công việc yêu cầu kỹ năng viết, kỹ năng phân tích, độ tín nhiệm (nhiều khi đi bán hàng khoa học hay cung cấp giải pháp, khách hàng thích và tin tưởng người bán hàng có bằng tiến sĩ hơn), kỹ năng thuyết trình, giảng dạy. Ví dụ các công việc như: bán hàng, marketing cho các công ty khoa học, tư vấn khoa học, viết khoa học (ví dụ viết báo phổ thông, viết hồ sơ xin tài trợ), phân tích số liệu, phân tích tài chính v.v… Bây giờ các tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho tân tiến sĩ khá nhiều, vì xã hội đang dần nhận ra tân tiến sĩ là nguồn tài nguyên chất lượng cao, mà lại rẻ (và ngây thơ, dễ bóc lột).
3. Có bằng tiến sĩ thì có giàu không?
Mình nghĩ học tiến sĩ không phải là một đầu tư (về thời gian, công sức) tốt để làm giàu. Việc học tiến sĩ chính là để bước chân vào nghiên cứu học thuật. Các công việc ngoài nghiên cứu học thuật đa phần không yêu cầu bằng tiến sĩ. Về ngắn hạn, nếu so sánh mức lương, khả năng có việc làm của 1 bạn thạc sĩ đã đi làm 4-6 năm và 1 bạn vừa tốt nghiệp tiến sĩ (giả dụ học mất 4-6 năm, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ) thì thường mức lương của bạn thạc sĩ đã đi làm 4-6 năm cao hơn. Về dài hạn, trong các công ty tư nhân, các vị trí cấp cao cũng chỉ yêu cầu đến bằng thạc sĩ, trừ các vị trí quản lý trong các bộ phân nghiên cứu và phát triển của các công ty lớn. Tuy vậy, khi đã đi làm khoảng 10-15 năm để có thể vươn tới vị trí quản lý cấp cao, lúc này khả năng làm việc quan trọng hơn bằng cấp (có lẽ vậy, mình chưa làm quản lý cấp cao bao giờ…). Ngoài ra, cũng đã trình bày ở trên, làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ sẽ gây giảm lương khi chuyển đổi ngành.
4. Có bằng tiến sĩ thì dễ tìm việc hơn không?
Tùy văn hóa của từng nơi và từng quốc gia mà bằng tiến sĩ được đánh giá cao hay không, ví dụ như ở Pháp, tỷ lệ thất nghiệp của tân tiến sĩ là thấp nhất (ngang với sinh viên trường kỹ sư, thường là chương trình học được đánh giá cao nhất Pháp; nguồn: https://cache.media.enseignementsup-recherche.gouv.fr/file/2017/20/7/NI_17.03_-_Docteurs_sur_le_marche_du_travail_716207.pdf ). Tuy vậy, lương của tân tiến sĩ ở Pháp thì không cao bằng lương của tân kỹ sư, tuy vậy, cao hơn lương của tân thạc sĩ (tức là người trẻ hơn, do tân thạc sĩ thì chưa đi làm, trong khi tân tiến sĩ là đã có bằng thạc sĩ rồi). Do đó, nếu ở Pháp, học tiến sĩ có giúp đỡ cho quá trình tìm việc.
Nhiều nhà tuyển dụng sẽ có những lý do khác nhau để không tuyển tân tiến sĩ, hoặc dùng như những luận điểm để hạ lương tân tiến sĩ khi thỏa thuận lương. Ví dụ:
- Tân tiến sĩ là sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm làm việc (cần đào tạo thêm, do đó lương thấp đi).
- Tân tiến sĩ có trình độ cao quá, không phù hợp với vị trí công việc (do đó chỉ trả lương như tân thạc sĩ).
- Tân tiến sĩ có kiến thức nền sâu nhưng không rộng do chỉ tập trung vào 1 đề tài nghiên cứu trong suốt 3 năm.
- Tân tiến sĩ do có học vị cao nên có cái tôi cao, khó đào tạo, khó hòa nhập vào môi trường công ty.
- Tân tiến sĩ chỉ tập trung vào kỹ năng cứng, không có các kỹ năng mềm. Kỹ năng giao tiếp kém do làm việc trong môi trường tháp ngà.
Mỗi công việc, mỗi buổi phỏng vấn, mỗi hồ sơ đều khác biệt, và cách ứng xử, đối đáp những câu nói kiểu này để có lợi cho tân tiến sĩ nhất là nằm ở chính bản thân họ.