“Thiên tài, tỷ phú, tay chơi, nhà từ thiện.” Đó là những từ để mô tả Tony Stark, Iron Man, một trong số những nhân vật hư cấu nổi tiếng bậc nhất thế giới. Nhưng mấy ai biết Tony Stark của MCU được tạo nên từ hình mẫu của một nhân vật có thật trong thế giới của chúng ta, cũng với tính cách ngạo nghễ như vậy. Đó là Elon Musk. Ông là người sáng lập, sở hữu những cái tên mà tôi nghĩ chắc chắn rằng các bạn đã từng nghe qua. OpenAI, NeuraLink, The Boring Company, SpaceX, Tesla, Twitter. Với khối tài sản lên tới 146 tỷ USD, ông hiện tại đang là người giàu có thứ 2 của toàn thế giới. 
Vậy để đạt được vị trí ấy, Elon  Musk đã phải đánh đổi những gì? Và tại sao tính cách của ông lại gây tranh cãi lớn trong cộng đồng tới thế? 
Tuổi thơ giông bão
Elon Musk là kết quả của một cuộc hôn nhân không mấy bền vững. Sinh ngày 28/6/1971, chỉ 9 năm sau thì cha mẹ ly hôn. Errol Musk, cha ông còn có 2 đứa con ngoài giá thú khác, có lẽ cũng vì nguyên nhân này mà cuộc sống hôn nhân đổ vỡ. Elon chọn sống cùng cha tại vùng ngoại ô Pretoria thuộc Nam Phi. Nhưng ngay lập tức ông đã phải hối hận vì bị cha ghẻ lạnh. Có lẽ cuộc đời của Elon sẽ khác đi rất nhiều nếu ông về Canada sống cùng bà Maye Musk. Đã có thời gian ông bị bạo lực thể chất tệ tới mức phải nhập viện 2 tuần. Cha ông cay nghiệt tới mức đến khi trưởng thành, trong một bài phỏng vấn với tờ Rolling Stone, Elon đã gọi cha mình là “một trong những con người khủng khiếp và tồi tệ nhất ông từng biết”. Elon nói thêm, “Bạn sẽ không thể tưởng tượng được rằng ông ấy tệ tới mức nào, tất cả những tội ác mà bạn có thể nghĩ ra, chắc chắn ông ta đã phạm phải nó. Không có cách nào có thể hàn gắn được mối quan hệ giữa chúng tôi, vì tôi đã thử tất cả mọi thứ. Từ đe dọa, tưởng thưởng, tranh luận cả về lý trí lẫn cảm xúc, tất cả mọi thứ để ông ta trở thành một con người tốt hơn. Nhưng nó chỉ càng tệ đi.” Còn về phía ông Errol Musk, trong một bài phỏng vấn trên Daily Mail, ông chỉ bảo Elon “Cần phải trưởng thành hơn và vượt qua cái tôi của chính mình. Tôi sẽ không phản bác lại, mà sẽ chờ thằng bé có nhận thức tốt hơn. Nó đang nổi cơn thịnh nộ như một đứa trẻ hư đốn. Nó sẽ nhận ra rằng nó không thể có tất cả những gì mà nó muốn, còn tôi sẽ tự nguyện nhận phần trở thành một con quái vật độc ác”. 
Không chỉ có vấn đề với quan hệ trong gia đình, Elon Musk cũng có vấn đề nghiêm trọng với các mối quan hệ xã hội bên ngoài, cụ thể là với bạn học của mình. Điều này đến phần lớn do ng uyên nhân khách quan. Thời kỳ đó, Nam Phi vẫn ở trong chế độ Apartheid, nạn phân biệt chủng tộc vẫn xảy ra ở khắp mọi nơi, vấn nạn này chỉ kết thúc vào tận năm 1994. Là một đứa trẻ da trắng có cha người Nam Phi còn mẹ gốc Canada, cuộc sống tại Nam Phi của Elon Musk vào những năm 1980 không hề thuận lợi. Có thể nói rằng ông bị phân biệt chủng tộc bởi tất cả những đứa trẻ da màu đang muốn trả đũa cho hiện trạng xã hội đang diễn ra. Nhưng mặt khác, Elon vẫn đứng về phía lẽ phải và bảo vệ những người yếu thế hơn. Anh trai của một người bạn của Elon Musk, Nyadzani Ranwashe, một người da màu kể lại
“Một lần trong giờ nghỉ trưa ở trường, một học sinh da trắng đã sử dụng từ miệt thị người da màu, Elon là người đứng lên và chỉ trích học sinh da trắng ấy. Nhưng xong chính Elon lại là người bị bắt nạt hội đồng bởi những hành động của mình. Cha tôi mất vào năm 1987 vì tai nạn, và Elon Musk là một trong số hiếm những người da trắng đã xuất hiện để tưởng niệm cái chết của ông.” 
Tình huống tệ nhất xảy ra khi Elon Musk bị bạn học của mình ném xuống cầu thang, khiến ông phải nhập viện một khoảng thời gian dài. Có lẽ đây là một trong những lý do mà Elon Musk quyết tâm chống đối việc nhập học đại học ở một trường tại địa phương theo ý muốn của cha ông, mà chuyển tới Hoa Kỳ. Sau đó ông có được hộ chiếu Canada thông qua người mẹ gốc Canada của mình, từ đó mà có cơ hội định cư ở phía bên kia bán cầu.
Tuy tuổi thơ khó khăn là vậy, nhưng Elon Musk vẫn thừa nhận một trong số ít ỏi những điều ông cảm thấy trân trọng khi được thừa hưởng từ cha mình, là tài năng cơ khí của ông ấy. 10 tuổi có hứng thú với máy tính và bắt đầu học lập trình, 12 tuổi bán mã nguồn của một Video Game tự làm với giá 500 đô. Đến khi sang được Canada thì hoàn thành bằng cử nhân vật lý và cử nhân khoa học, con đường sự nghiệp gần như mở rộng trước mắt Elon Musk. 
Khởi nghiệp và tiến tới thành công cùng X.com và PayPal
Những bước đi đầu tiên của Elon Musk là Zip2. Có thể hiểu nôm na, Zip2 là công ty cung cấp và cấp phép trực tuyến phần mềm hướng dẫn thăm quan thành phố với đầy đủ bản đồ, công cụ chỉ đường cũng như công cấp các thông tin cần thiết liên quan tới địa điểm đó. Công ty được thành lập bởi Elon Musk, người em trai Kimbal Musk và Greg Kouri tại California dưới cái tên Global Link Information Network. Để dự án có thể hoạt động, Elon Musk cùng em trai phải nhờ tới khoản tiền “đầu tư” của người cha trị giá 28.000 đô. Số tiền này nhanh chóng bốc hơi sau khi được sử dụng để chi trả các trang thiết bị, thuê một văn phòng nhỏ tại Palo Alto, cùng với các phần mềm lập trình cần thiết. Trong khoảng thời gian này, Elon Musk dồn tất cả mọi thứ cho công việc. Ông ăn tại văn phòng, tắm tại công ty và ngủ gục trên bàn phím sau cả đêm code Website. 
May mắn thay, nỗ lực của Elon Musk không trở thành vô nghĩa khi Zip2 nhận được hợp đồng từ The New York Times và Chicago Tribune. Anh em nhà Musk cố gắng thuyết phục ban giám đốc phản đối ý định sáp nhập từ nền tảng cạnh tranh CitySearch. Nhưng sau cùng, Compaq cũng đã có được quyền sở hữu Zip2 vào tháng 2/1999 với cái giá 307 triệu đô. Elon Musk ra đi với 22 triệu đô tương đương 7% số cổ phần của ông trong đó.
Không thỏa mãn với những gì mình nhận được, ngay sau đó vào khoảng cuối năm 1999, Elon Musk đồng sáng lập X.com, một nền tảng dịch vụ tài chính trực tuyến. X.com đi tiên phong trong dịch vụ ngân hàng điện tử, bởi vậy nó trở thành một thành công rất lớn khi thu về 200.000 khách hàng sử dụng chỉ ngay trong tháng đầu tiên ra mắt. Mặc dù là người đồng sáng lập, nhưng các nhà đầu tư cho rằng Elon Musk là một kẻ thiếu kinh nghiệm nên trao quyền CEO cho Bill Harris. Điều này đương nhiên khiến Elon Musk không mấy hài lòng, nhưng ông đã không phải chờ lâu.
Sau một khoảng thời gian nắm quyền không mấy hiệu quả, bằng chứng là dịch vụ PayPal của đối thủ cạnh tranh Confinity phổ biến hơn hẳn X.com, một vụ sáp nhập đã diễn ra giữa 2 nền tảng lớn này vào năm 2000. Elon Musk trở lại làm CEO cho công ty mới. Nhưng quyết định sử dụng hoạt động dựa trên phần mềm của Microsoft thay vì Unix đã gây ra mâu thuẫn lớn trong nội bộ công ty. Lớn tới mức khiến cho Peter Thiel, người sáng lập Confinity phải từ chức. Việc chuyển đổi phần mềm khiến công ty gặp khó khăn lớn, kèm theo sự chia rẽ nội bộ vốn có từ trước, ban lãnh đạo quyết định hất cẳng Elon Musk ra khỏi chiếc ghế CEO để rồi một lần nữa trao nó về tay của Peter Thiel. Với sự lãnh đạo của vị CEO mới, công ty chính thức đổi tên thành PayPal và liên tục phát triển, cho tới năm 2002 thì được mua lại bởi eBay với mức giá khổng lồ 1.5 tỷ Đô. Còn về phần của Elon Musk, ông một lần nữa lại ra đi với số tiền khổng lồ, 175.8 triệu đô cho 11.72% số cổ phần tại PayPal.
SpaceX Giai đoạn đen tối nhất sự nghiệp
Đầu năm 2001, Musk có hứng thú với dự án phi lợi nhuận nhằm xây dựng một nhà kính nuôi trồng thực vật trên sao Hỏa. Ông tới Nga 2 lần nhằm mua được một chiếc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhằm thực hiện ý định của mình. Nhưng những nỗ lực này đều thất bại bởi các công ty hàng không của Nga coi Elon Musk là tay mơ trong lĩnh vực này. Một phần nào đó có lẽ là do cay cú, phần khác do đang sở hữu khoản tiền lớn sau thương vụ từ Zip2 và PayPal, Elon Musk chi mạnh phần lớn gia sản của mình, 100 triệu đô, để thành lập một công ty có thể tự chế tạo tên lửa cho riêng mình. SpaceX từ đó mà ra đời vào tháng 5/2002, và Elon Musk trở thành CEO và kỹ sư trưởng của công ty.
Tuy nhiên, con đường tiến tới vũ trụ của Elon Musk không thuận lợi như tất cả những dự án trước đó. SpaceX phóng tên lửa đầu tiên, Falcon 1, vào năm 2006. Lần phóng này là một sự thất bại bởi nó chẳng thể vượt qua nổi quỹ đạo của Trái Đất. Quá tam ba bận, 2 lần phóng sau đó cũng là những sự thất bại, đẩy SpaceX vào bờ vực phá sản.
“Khi phải nhận liên tiếp 3 lần phóng thất bại, anh có bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ chưa?”“Không bao giờ”“Tại sao?” “Tôi không bỏ cuộc. Tôi sẽ chỉ dừng lại nếu tôi nằm yên dưới 3 tấc đất, hoặc khi đầu không còn trên cổ”.
Trong nỗ lực cố gắng cứu sống công ty, Elon cắm đầu vào công việc. “Tôi làm việc 120 tiếng mỗi tuần để cứu lấy nó”. Liên tục trong vòng gần 2 tháng trời. Thời khắc quyết định tất cả tới vào 28/8/2008, lần phóng Falcon 1 thứ 4 được bắt đầu. 
Falcon 1 chính thức được phóng thành công vào quỹ đạo. Nhờ thành công này mà SpaceX nhận được hợp đồng dịch vụ tiếp tế thương mại từ NASA với giá trị lên đến 1.6 tỷ đô cho 12 chuyến bay của chiếc tên lửa Falcon 9 và con tàu vũ trụ Dragon để thay thế chiếc Space Shuttle đã quá cũ kĩ và lỗi thời so với hiện tại. Tới nay, dòng tên lửa Falcon 9 đã thực hiện 196 lần phóng thành công trong 13 năm, 99% trong số đó hoàn thành nhiệm vụ. 
Tới thời điểm này, tham vọng của Elon Musk cùng SpaceX là có thể sản xuất tên lửa có thể sử dụng lại, Falcon Heavy là cái tên tiên phong, là tên lửa có tải trọng lớn nhất vào thời điểm đó. Năm 2018 là một năm lịch sử khi chiếc Falcon Heavy đầu tiên được phóng và hạ cánh thành công. Elon Musk như phát điên, cắm đầu chạy ra ngoài và chứng kiến điều vĩ đại mình vừa làm được. Từ đó mà SpaceX có cơ sở để phát triển những công nghệ vũ trụ tân tiến hơn như Starlink để cụ thể hoá tương lai thám hiểm vũ trụ của loài người. 
Starlink
2015, SpaceX bắt đầu phát triển Starlink, một tổ hợp vệ tinh viễn thông, hiện nay đã cung cấp Internet cho 45 quốc gia khác nhau. Tính tới năm 2022, tổ hợp Starlink đã có 3.300 vệ tinh nhỏ khác nhau ở tầng thấp của quỹ đạo Trái Đất. Dù dự án được thầu bởi chính SpaceX, chi phí cần thiết để thiết kế, xây dựng và triển khai dự án cũng lên đến khoảng 10 tỷ Đô. Theo tạp chí PC Magazine, dịch vụ mạng Starlink hoạt động trơn tru và ổn định nhất trên thị trường, không bị giới hạn bằng thông, dễ tiếp cận, lắp đặt và thanh toán. Nhưng đi kèm theo đó là giá thiết bị trả trước tương đối cao, một vài khu vực chưa được phủ sóng sẽ không thể tiếp cận dịch vụ mạng của Starlink.  
Trong năm vừa rồi, khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine diễn ra, Elon Musk tuyên bố chặn Nga khỏi tầm hoạt động của Starlink và cung cấp dịch vụ cho Ukraine miễn phí. Gói dịch vụ này tiêu tốn của SpaceX 80 triệu đô, nhưng vì lý tưởng cá nhân, chi phí không phải là vấn đề đối với Elon Musk. Mục tiêu của Starlink nhắm tới nhắm đến số lượng 12.000 vệ tinh, để phục vụ cho tham vọng cung cấp dịch vụ viễn thông trên phạm vi toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, số lượng người dùng tăng 70% chỉ tính trong quý đầu của năm 2022, các chuyên gia cho rằng các mục tiêu của Starlink là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, theo các nhà vũ trụ học, lượng vệ tinh quá lớn sẽ ảnh hưởng tới môi trường quỹ đạo vốn đang bắt đầu trở nên chật chội, cũng như gia tăng khả năng cản trở và gây tại nạn cho các tàu vũ trụ khác. 
Tesla Chấp nhận rủi ro để gặt hái thành quả
Không chỉ dừng lại với những thành công to lớn cùng SpaceX, Elon Musk mở rộng phạm vi của mình, thoát khỏi vòng an toàn và tìm kiếm các thử thách mới cùng với Tesla Motor và Twitter.
Đối với Tesla, Elon chỉ đầu tư vỏn vẹn 6.5 triệu đô từ năm 2004 để trở thành một trong những cổ đông lớn nhất, rồi chính thức điều hành công ty với tư cách CEO và thiết kế sản phẩm chính. Để rồi 18 năm sau, Tesla đi đầu trong công nghệ sản xuất xe điện đã trở thành một trong những thương hiệu xe hơi hàng đầu trên thị trường. 
Ban đầu, Tesla Motor được thành lập và dẫn dắt bởi Martin Eberhard và Marc Tarpenning, cho tới vòng gọi vốn rủi ro đầu tiên của công ty vào năm 2004. Elon Musk là người có nguồn vốn lớn nhất trong vòng gọi vốn này, đầu tư 6.5 triệu Đô, trở thành cổ đông chính và chủ tịch ban giám đốc của Tesla. Tuy nhiên, vai trò của Elon Musk tại Tesla không quá đáng kể cho tới năm 2008. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, Tesla trải qua một đợt cắt giảm nhân lực bắt buộc ở quy mô lớn, gây hoang mang cho toàn thể nhân viên của công ty, nhưng đối với các chuyên gia tài chính, đó là nước đi cần có. Musk khi ấy buộc phải đảm nhiệm vai trò CEO. Hướng đi ban đầu của Tesla là phân khúc xe thể thao cao cấp nhằm thu lợi nhuận cho một dự án khác dài hơi hơn. Đó là cung cấp ô tô điện phổ biến cho tầng lớp bình dân để không còn bị phụ thuộc vào biến động giá cả của dầu thô nữa. Nhất là vào năm đó, cuộc khủng hoảng dầu thô cũng đang diễn ra bởi Ukraine và Nga không thể đạt được thỏa thuận trên bàn đàm phán. 
Dù không đảm nhiệm việc điều hành kinh doanh hàng ngày, nhưng những định hướng chiến lược và chỉ đạo thiết kế của Elon Musk tại Tesla chứng minh rằng ông đã đi đúng hướng. Chỉ sau 3 mẫu xe điện khác nhau được ra mắt, Tesla Motors đã có quý đầu tiên tạo ra lợi nhuận từ khi công ty bắt đầu niêm yết cổ phiếu năm 2011. Con số này không những không giảm mà còn phóng như tên lửa Falcon 9, trở thành cổ phiếu giá trị nhất trong ngành xe hơi vào hè 2020. Bên cạnh chiến lược đúng đắn, Elon Musk chia sẻ rằng xe điện đã khắc phục được hầu hết những nhược điểm mà xe hơi truyền thống đang có. Kèm thêm việc liên tục mở rộng lắp đặt mạng lưới các trạm tăng áp trên khắp Hoa Kỳ khiến độ tiện dụng của xe điện trở thành ưu điểm hàng đầu khiến người sử dụng tin tưởng lựa chọn. Khối tài sản của Elon Musk từ đó mà cũng được tăng cao, từ con số đầu tư 6.5 triệu ban đầu đã trở thành 28.9 triệu đô chỉ tính riêng tới tháng 1 năm 2016. 
Bay cao là vậy, nhưng Elon Musk cũng không tránh khỏi được một vài lùm xùm cùng với Tesla. Ủy ban Chứng Khoán và sàn giao dịch Mỹ SEC khởi kiện Elon Musk vào tháng 9/2018 vì hành vi gian lận và thao túng thị trường. Nguyên do bởi vị tỷ phú đăng post nửa đùa nửa thật về việc sẽ mua đứt Tesla và biến nó thành một công ty tư nhân. Hành động này khiến Elon phải trả giá bằng tiền mặt với mức phạt lên tới 20 triệu đô. Nhưng có lẽ vị tỷ phú lắm tài nhiều tật này cũng chưa rút ra được bài học gì sau pha này. Vì nó đã lặp lại 1 lần nữa, với công ty tiếp theo mà ông sở hữu.. 
Twitter Tìm kiếm thử thách mới hay chỉ là một pha chơi ngông để đời?
Năm 2017, Elon Musk đã bày tỏ nguyện vọng được mua lại nền tảng mạng xã hội Twitter. Ông đã từng phàn nàn về quyền tự do ngôn luận của nền tảng, cũng là một phần nguyên do chính khiến Elon Musk muốn tất tay thầu trọn con chim xanh. 13/4/2022, Elon ra giá 43 tỷ đô, mặc kệ sự phản đối của ban lãnh đạo Twitter. Theo họ, đây là một “nỗ lực thù địch để tiếp quản công ty”. Sau cùng, thương vụ chính thức hoàn tất cuối tháng 11 sau hàng loạt các kiện cáo về quyền sở hữu độc quyền của Twitter đối với Elon Musk. 
Ngay sau khi nắm quyền, Elon cho rằng đội ngũ nhân sự của Twitter làm việc chưa đủ hiệu quả. Vậy nên ông thẳng tay sa thải vô số các thành viên chủ chốt của công ty, trong đó đáng kể nhất là CEO Parag Agrawal cùng 7.500 nhân viên khác. Kèm theo đó là gần 24 người công khai chống đối cách điều hành của ông. Ngoài ra, còn có 2.900 người tự thôi việc vì bức xúc với vị CEO mới. Vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh việc Elon Musk sở hữu Twitter, chủ yếu đến từ các chính sách mới của ông trong cách vận hành nền tảng. Như là thắt chặt nội dung đăng tải, âm thầm khóa các tài khoản có chủ đích, công bố dịch vụ trả tiền theo tháng để nhận lại một vài quyền lợi, trong đó vốn là những quyền lợi người dùng miễn phí có thể sử dụng trong quá khứ như chỉnh sửa tweet. Theo dự báo của tờ “The Guardian”, Twitter sẽ mất 30 triệu người dùng nếu cứ theo đà này. Một vài người nổi tiếng trong ngành giải trí cũng đã tuyên bố từ bỏ Twitter, bao gồm Elton John, Jim Carrey, Gigi Hadid, …
18/12, ông post một cuộc bầu chọn trên trang Twitter cá nhân rằng mình có nên từ bỏ vị trí CEO hay không. Kết quả 57.5% trên tổng số 17.5 triệu tài khoản vote có. Ngay sau đó, Elon phát biểu “tôi sẽ từ bỏ vị trí này ngay khi tìm được ai đủ ngu xuẩn để thay thế”. Với những phát ngôn gây tranh cãi như vậy, tương lai của Twitter ngày càng ảm đạm. 
Chơi ngông mãi sao chưa phải trả giá đắt? 
Sau rất nhiều pha chơi ngông lấy tiếng như thế mà Elon Musk chưa một lần rơi vào cảnh khốn đốn, một phần công rất lớn nằm ở Jared Birchall, cánh tay phải đắc lực của vị tỷ phú. Tiền thân là phó chủ tịch của tập đoàn đầu tư và tài chính Morgan Stanley, sau được thuê bởi Elon Musk vào năm 2016. Đây là một trong những quyết định đúng đắn nhất của vị tỷ phú khi Birchall ngay lập tức chứng tỏ được năng lực của mình và trở thành một trong số ít nhân sự chủ chốt của Elon Musk. Anh này có khả năng giải quyết bất cứ rắc rối nào hộ ông sếp tổng, cho dù rắc rối ấy có bắt nguồn từ chính vị sếp đáng kính của mình hay không. 
Gia sản của Elon lớn tới mức ông phải thành lập một công ty riêng để quản lý tiền của mình, có tên là Excession, và người lãnh đạo chính của công ty ấy chính là không ai khác, ngoài Jared Birchall. Không chỉ như vậy, ông còn nắm vai trò quan trọng trong một vài công ty khổng lồ khác thuộc quyền sở hữu của Elon Musk hoặc do vị tỷ phú này sáng lập, trong đó bao gồm là CEO của công ty công nghệ thần kinh Neuralink, giám đốc điều hành của công ty xây dựng hạ tầng The Boring Company. Birchall cũng là người đứng sau kế hoạch tất tay bắt trọn con chim xanh của Elon Musk. Ông thu xếp gọn gàng khoản vay 12.5 tỷ đô từ Morgan Stanley, và các khoản vay khác thế chấp cổ phần mà Elon Musk sở hữu nhằm có đủ số tiền khổng lồ nhằm hoàn tất thương vụ này. Chính bởi sự thu xếp kín đáo của Birchall khiến ông trở thành người mà Elon Musk tin tưởng nhất. 
Với tính cách mạnh mẽ, nỗ lực không ngừng tới mức không biết khi nào cần phải bỏ cuộc, có phần nào đó ngạo nghễ, lại còn có thêm sự sát cánh của Jared Birchall, chẳng lạ lắm khi Elon Musk thành công ở trong mọi lĩnh vực mà ông chạm vào. Và có lẽ sẽ còn tiếp tục bùng nổ ở trong những lĩnh vực khác trong tương lai. Liệu các bạn có nghĩ như vậy không? Hãy để lại ý kiến của mình dưới phần bình luận nhé.