Vậy là đã gần sắp Tết nhưng cái không khí vui vẻ, sum vậy của nó lại đến từ khoảng thời gian trước đó, cái khung cảnh mà cả nhà phụ nhau dọn dẹp xen lẫn tiếng cười và chửi bới sẽ chẳng mấy khi lặp lại vào những ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết. Tôi vẫn thường hỏi đùa mẹ tôi vào dịp này: “Năm nay nhà mình có gói bánh chưng không mẹ?” không biết mẹ có nhớ vào những câu nói đùa các năm trước hay không mà chỉ thường đáp lại: “Giờ vườn còn đâu mà nấu.” Cái nồi thì vẫn còn đó, thật lòng mà nói thì tôi với nó trông xa cách đến là kì, tuy nó vẫn được trọng dụng vào những ngày giỗ nhưng rồi khi bố mẹ tôi quyết định đập bỏ đi căn nhà cũ xây mới lại tất cả thì cái nồi cũng bị vứt xó.
          Thuở ấy, cái bếp củi nằm ở tít tận cùng khu vườn, đường lúc ấy vẫn là con đường đất lầy lỗi mỗi khi mưa đổ xuống, bóng cây thì luôn phủ rợp cả một mảng sau nhà. Vào những ngày gần Tết, mẹ lại mang ra bàn nào nếp, đậu xanh, lá chuối rồi khéo léo gói chúng lại trong khuôn, đến giờ tôi vẫn chẳng làm sao gói được cái bánh chưng như mẹ mà chắc cũng chẳng còn cơ hội để thử nữa. Tôi ngồi chơi ở ghế đối diện, với một đứa trẻ thì nhìn mẹ gói trông vừa cực vừa chán ấy thế mà mùi nếp đã giữ tôi lại, nếp ấy là gì tôi không rõ, chỉ biết rằng đó là một mùi hương đơn giản, thân thuộc, giờ ngồi ngẫm lại liệu có phải hương thơm ấy đánh thức linh hồn thôn quê bị lãng quên trong tôi, câu hỏi này tôi không chắc sau này mình trả lời được. Dưới ánh đèn vàng, có thể do buồn ngủ mà tôi nhìn bàn tay mẹ đã bóng mỡ gói những chiếc bánh lại óng ánh đến lạ, có phải đó là lúc mẹ cho vào chiếc bánh những phép lạ khiến tôi xơi ngon lành thế, sau này nhà tôi quyết định mua bánh chưng ở ngoài, cảm giác cũng chẳng còn.
          Khi việc gói đã xong, hàng xóm đã ngủ vào khuya, giờ chỉ còn mỗi việc là cho bánh vào nồi và ngồi canh là hoàn thành, tôi thường xin bố mẹ cho mình được thực hiện cái nghĩa vụ đấy. Nhưng tất nhiên là bố mẹ sao có thể tin tưởng một thằng nhóc miệng còn hôi sữa và thú thật tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài thêm củi để giữ lửa cháy. Tôi gần như không ngủ được, phần vì không quen nằm võng nên cơ thể cứ tê cứng lại, phần khác vì tôi nghe mẹ kể chuyện, mẹ thường kể lại tôi nghe những việc từ lúc còn nhỏ xíu, cái hồi mà tôi chẳng còn nhớ gì. Thật ra, mẹ tôi vẫn hay nhắc lại chuyện xưa nhưng tôi nghe chưa bao giờ ngán vì mẹ kể hay lắm, tôi nghe lúc nào cũng như lần đầu cả. Những lúc ấy, tôi thường mường tượng mình trong khứ như thế nào và giả định những hành động trong lời mẹ nói, tôi đã vấp té ra sao, tôi đã khóc như thế nào,… tất cả được tái hiện lại bằng trí nhớ mờ nhạt. Sáng gọi tôi dậy, cái thú của việc trông nồi bánh với tôi là cái lạnh qua đêm ám vào da thịt sẽ dần bị bóc ra bởi ngọn lửa nơi bếp, trong khoảng khắc ấy, tôi thường ví mình là một hạt cậy đang dần lột vỏ. Niềm vui bé nhỏ ngày Tết của tôi cũng chỉ ít ỏi thế thôi.
          Sau này, ngôi nhà bé nhỏ được bố mẹ đập bỏ để xây đi một căn nhà to hơn, hiện đại hơn trước nhiều, khu vườn xưa cũng bị san phẳng để dựng dãy nhà trọ, cái bếp củi đương nhiên không thoát khỏi cái số phận được định sẵn. Thật ra đó đó không phải là một điều gì xấu cả khi đời sống con người được cải thiện, tôi chỉ hơi luyến tiếc cái ngày xưa không thể mang theo đến bây giờ, hoặc ít nhất là chưa phải lúc này.