Không nói những điều không cần nói
Đó là cả một nghệ thuật tinh tế cần được trau dồi
Gần đây, tôi bị chẩn đoán mắc một căn bệnh nguy hiểm về mắt.
Từ nhỏ, tôi đã bị bệnh mắt bẩm sinh do mẹ tôi dùng thuốc điều trị u vú trong quá trình mang thai tôi mà không biết. Vì vậy, tôi luôn phải theo dõi tình trạng mắt thường xuyên.
Nhưng lần này căn bệnh được chẩn đoán có nguy cơ dẫn đến mù vĩnh viễn nếu không phát hiện kịp thời. Rất may tôi đi khám mắt định kỳ nên bác sĩ đã nhận ra chỉ số tăng cao bất thường và bắt đầu cho tôi điều trị.
Hành trình điều trị bệnh trong mấy tháng qua đã cho tôi không ít bài học thú vị.
Bản thân tôi là một người có tiền sử bị rối loạn lo âu. Khi đứng trước nguy cơ mất đi hoàn toàn thị lực, tôi biết căn bệnh lo âu của mình có thể sẽ tái phát bất cứ lúc nào. Vì vậy tôi đã rất cẩn trọng theo dõi cảm xúc và tâm trạng của bản thân.
Bác sĩ điều trị cho tôi trong mấy năm gần đây là bác sĩ A, một bác sĩ lớn tuổi, rất giỏi và cực kỳ điềm tĩnh. Chính bác sĩ đã phát hiện ra căn bệnh của tôi và định hướng điều trị. Mặc dù căn bệnh phức tạp, nhưng bác sĩ luôn giữ một thái độ kiệm lời và chỉ cho tôi những thông tin cần thiết để hiểu về bệnh của mình và tập trung điều trị.
Thời gian đầu, tôi có hoang mang lo âu nhất định. Nhưng khi được bạn bè gia đình động viên, tôi dần gạt bớt những lo lắng về tương lai và chỉ tập trung làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bản thân tôi có niềm tin lớn ở bác sĩ A nên giai đoạn đó bệnh thuyên giảm một cách tích cực.
Nhưng sau một thời gian, bác sĩ A và người nhà tôi giới thiệu cho tôi đi khám thêm một bác sĩ khác, tạm gọi là bác sĩ B. Bác sĩ B là một bác sĩ trẻ, chỉ hơn tôi 1-2 tuổi và mới tốt nghiệp thạc sĩ chuyên sâu về bệnh của tôi ở nước ngoài.
Tôi khá miễn cưỡng khi phải khám với bác sĩ mới, nhưng chính bác sĩ A (là thầy hướng dẫn tiến sĩ cho bác sĩ B) là người giới thiệu nên tôi cũng thử.
Không hiểu sao, tôi có dự cảm không lành về việc gặp bác sĩ mới. Trước khi gặp, nhìn liên hệ zalo của bác sĩ B, tôi thấy anh đăng nhiều hình ảnh và PR về bản thân một cách rất hoành tráng "Tôi là bác sĩ đầu tiên của VN tốt nghiệp ngành... tại bệnh viện ĐH... của Úc" "Hân hạnh đón người thầy của tôi là chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh ..."
Có thể tôi hơi bị cảnh giác với những người có xu hướng PR quá đà và dùng những mỹ từ to tát về chính mình như "người đầu tiên", "chuyên gia hàng đầu"... Ấn tượng ban đầu đó khiến tôi khá bất an khi tiếp xúc với vị bác sĩ trẻ này. Thậm chí đêm trước ngày hẹn bác sĩ, tôi còn mơ thấy ác mộng rằng mình bị phẫu thuật hỏng để lại sẹo lớn khắp mặt.
Nhưng tôi vẫn cố gắng đến khám để tham khảo thêm về bệnh của mình.
Nhưng tôi vẫn cố gắng đến khám để tham khảo thêm về bệnh của mình.
Ngày khám, tôi đến bệnh viện nơi bác sĩ B làm việc với tâm trạng căng thẳng. Đến nơi, bệnh viện rất đông. Khi tới lượt, tôi bị nhân viên đo thị lực ở đó quát nạt vì không mang giấy tờ đầy đủ (do bác sĩ A đang giữ hồ sơ của tôi và tôi đã gửi trước cho bác sĩ B qua zalo).
Không hiểu sao hôm đó bệnh viện còn sửa điều hoà tổng, nên nhân viên kỹ thuật ra vào với xô chậu, thiết bị rất lộn xộn. Tôi vừa khám vừa nghe tiếng hệ thống điều hoà kêu ầm ĩ và nước chảy ào ào bên cạnh. Không chỉ vậy, một em bé khoảng 4 tuổi liên tục gào khóc khản tiếng bên ngoài, khiến cả khu vực phòng khám đinh tai nhức óc.
Tôi ngồi đó, cố gắng trấn tĩnh trong một khung cảnh không thể hỗn độn hơn. Có quá nhiều dấu hiệu không ổn ở đó, cùng một lúc và ập đến từ tám hướng, khiến tôi chới với và hoang mang.
Cuối cùng, khi đã xong hết các thủ tục đo lường, tôi được gặp bác sĩ B, người đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Tôi biết bác sĩ là một người rất trẻ, tài năng và đầy nhiệt huyết. Nhưng có lẽ bác sĩ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên trong quá trình giải thích bệnh, bác sĩ khiến tôi lo âu bội phần hơn trước khi đi khám.
Bác sĩ B giải thích rất chi tiết về tình trạng bệnh của tôi, hơi chi tiết quá mức. Bác sĩ bảo "cứ thế này là gay go lắm đấy". Khi bác sĩ thốt ra từ "gay go", nó cứ vang ong ong trong đầu tôi "Gay go!", "Gay go!", "Gay go rồi!". Tôi nắm chặt hai tay dưới bàn để giữ cho mình không run rẩy.
Bác sĩ tiếp tục thông báo với rất nhiều tin xấu, rằng tình trạng của tôi không thể phẫu thuật được vì nếu phẫu thuật thì khả năng thành công "không quá 50%", vv... Kết lại, bác sĩ kê đơn nặng liều gấp đôi so với đơn cũ mà bác sĩ A đã kê và hẹn tôi khám lại sau 2 tuần.
Sau khi liên tiếp nhận những lời chỉ định như vậy, tôi bắt đầu thở ngắn và hiểu rằng tình trạng của mình thực sự rất rất tồi tệ. Tôi dần rơi vào một trạng thái đông cứng về tâm lý và không biết mình đã ra về như thế nào.
Về đến nhà tôi lập tức phát sốt 38, 9 độ và nằm gục 1 tuần không thể ra khỏi nhà. Sốt cao là cơ chế của cơ thế tôi mỗi khi gặp phải vấn đề quá sức chịu đựng, ngay từ nhỏ đã vậy. Trong tuần đó, mỗi ngày tôi còn trải qua các cơn hoảng loạn ngắn tái phát, khiến tôi liên tục thở dốc và lạnh tê chân tay đến mức phải dùng lại thuốc lo âu.
Sau 1 tuần chạm đáy đó, tôi cố gắng động viên bản thân vực dậy để chữa cả bệnh cảm và bệnh mắt. Nghe theo 2 bác sĩ và người nhà, tôi thử theo liệu trình điều trị của bác sĩ B. Nhưng trong thâm tâm, tôi biết bác sĩ B không cho tôi đủ cảm giác an toàn và tin tưởng để điều trị dù bác sĩ liên tục nói "Em mắc bệnh này gặp anh là đúng người rồi!", "Em phải nghe anh nếu muốn trị bệnh này vì anh học chuyên sâu về nó hơn bác sĩ A."
Rồi kết quả là sau 2 tuần, dù đã theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ B, khi đi khám lại tình trạng bệnh của tôi tái phát, thậm chí còn nặng hơn trước. Tôi suy sụp và vô cùng hoảng sợ. Thậm chí chen vào đó là cảm xúc tức giận. Tại sao tình trạng lại tệ đi như vậy khi ban đầu đang ổn lên cơ mà. Sau tất cả những gì bác sĩ B đã PR về năng lực của mình, tại sao bệnh của tôi lại nặng lên.
Vì vậy, sau một hồi suy nghĩ, tôi quay trở lại nói chuyện với bác sĩ A về tình trạng của mình và quyết định sẽ chỉ điều trị với bác sĩ A mà thôi.
Bác sĩ A điều chỉnh lại đơn thuốc cho tôi. Bác sĩ vẫn như trước, giữ thái độ bình thản khi thăm khám cho tôi và chỉ cung cấp cho tôi những thông tin đủ mà tôi cần và khuyên tôi bình tĩnh điều trị từng bước. Nhờ sự điềm tĩnh đó, tôi có cảm giác an tâm và thoải mái hơn khi điều trị, và lần khám lại gần đây nhất, cả chỉ số bệnh và tâm trạng của tôi có dấu hiệu ổn định trở lại.
Tôi thực sự rất biết ơn bác sĩ A và hiểu rằng một bệnh nhân bị rối loạn lo âu như tôi không chỉ cần chuyên môn của một bác sĩ, mà còn cần cả cách trò chuyện cũng như tiếp cận với bệnh nhân thật sự nhẹ nhàng và phù hợp.
Tôi không trách bác sĩ B vì hiểu rằng anh còn trẻ và thiếu kinh nghiệm thực tiễn sau khi đi học nhiều năm. Sự nhiệt tình thái quá của anh rất tiếc đã có tác dụng ngược với trường hợp của tôi, khiến hiệu quả điều trị giảm đi rõ rệt.
Nhìn bác sĩ B, tôi thấy hình ảnh của chính mình trong vai trò là một giáo viên trẻ. Những năm đầu khi mới đi dạy, tôi luôn có mức năng lượng và nhiệt huyết rất cao trong lớp. Tôi giảng bài không biết mệt, và luôn cố gắng cho sinh viên nhiều kiến thức và thông tin nhất có thể. Tôi còn dễ nổi cáu và quát mắng khi sinh viên không theo kịp bài học và yêu cầu cao của tôi.
Ngẫm lại, những nhiệt huyết tuổi trẻ đó xuất phát từ một cái tâm rất tốt và trong sáng. Nhưng trải qua quá trình làm việc lâu hơn, ta nhận ra rằng những nhiệt huyết đó cần phải được điều tiết cho phù hợp.
Không phải lúc nào nhiệt huyết cũng là tốt. Không phải lúc nào nói nhiều cũng là tốt. Cần phải biết nói những điều nên nói. Và quan trọng hơn, không nói những điều không cần nói. Đó là cả một nghệ thuật tinh tế cần được trau dồi qua thời gian và kinh nghiệm.
Trên đây là bài học sâu sắc tôi rút ra từ câu chuyện điều trị bệnh với hai vị bác sĩ - một người giàu kinh nghiệm và một người mới vào nghề. Dù sao, tôi cũng biết ơn cả hai bác sĩ vì trải nghiệm và bài học này cho chính mình trên con đường sự nghiệp của bản thân về sau.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất