Chúng ta cũng giống như những con nhím mùa đông, vì lạnh nên xích lại gần nhau, nhưng bị những cái gai của nhau đâm rướm máu, rồi lại xích ra xa nhau, xa nhau rồi lại lạnh, rồi lại xích lại... cứ thế... nhưng chẳng ai chịu bẻ đi những cái gai của mình cả.
Không biết từ lúc nào, những cái gai đó đã ăn sâu vào da thịt của mình, trở thành một phần của mình, nếu nhổ hoặc bẻ đi, cảm giác như mình không còn là mình nữa, mình trở thành một kẻ khuyết tật nào đấy.
Người ta nhắc nhở mình về những khuyết điểm đó, mình nhận là phải. Nhưng lại không thể và cũng không muốn thay đổi. Về phía mình, mình cũng chỉ ra điều ngược lại, và mình cũng muốn người ta thay đổi. Rốt cuộc, chẳng ai chịu ai. Cứ làm nhau đau như thế đấy...
Ừ thì... không chịu đau được thì chịu lạnh. Rời xa nhau.
Những cái gai của người đâm vào, ta chịu được. Cái lạnh thấm vào, ta cũng chịu được. Ta chỉ không chịu được vì gai của ta mà người phải chịu đau... thế là những cái gai đó quay vào trong... đâm chính ta.
Rốt cuộc, những con nhím mùa đông, vừa mang trên người vết thương chưa lành, vừa phải hứng chịu cơn lạnh... 
...nhưng rồi ta hỏi, làm gì có con nhím nào không có gai? Họ chịu đau sao mà giỏi thế? Sao họ bẻ gai đi giỏi thế? Sao mà ở cạnh nhau giỏi thế?
Ây dà, thật ngưỡng mộ...
Chợt nhớ tới Lâm thúc thúc hát bài này hay quá, nghe lại vậy.