Chuyện sống - chết
Dù luôn tỏ ra là một người lạc quan và vui vẻ trong đa số tình huống, tôi chưa bao giờ phủ nhận giọng văn và lối suy nghĩ của mình...
Bài viết gốc tại : https://saladdaysofjen.wordpress.com/2022/02/04/khong-biet-dat-nhu-nao/
Dù luôn tỏ ra là một người lạc quan và vui vẻ trong đa số tình huống, tôi chưa bao giờ phủ nhận giọng văn và lối suy nghĩ của mình khá là tiêu cực. Tôi vẫn nhìn cuộc sống bằng hai mặt – vì thực sự nó là thế. Sẽ luôn có những điều tốt đẹp đi kèm với vô vàn mặt tối – thứ mà luôn khắc sâu hơn đối với bản thân tôi nói riêng.
Trong con mắt tôi, con người, tình yêu, hôn nhân, Tết, bạn bè, gia đình,… là những thứ đang bị lãng mạn hoá dù nhiều khi chúng mang những bản dạng xấu xí đến cùng cực.
Làm gì có tình yêu nào có thể trường tồn, vượt lên tất cả. Yêu đương chán thì kết hôn, kết hôn xong tình yêu lại gắn liền với trách nhiệm và con cái. Tôi nghe được trong vô số những chuyện trà dư tửu lậu câu nói “Nếu không vì con thì tao ly hôn lâu rồi chứ chịu thế đ** nào được!” Luôn đi ba.
Làm gì có người nào đúng đắn khi trở thành cha mẹ – ngỡ rằng mình đã có một cuộc sống tuyệt vời, nuôi dạy con cái một cách thành công, nhưng ngờ đâu chính mình mới là người gây nên cho chúng tổn thương sâu sắc nhất.
Làm gì có cái Tết nào thật sự đủ đầy, khi người ta huyễn hoặc Tết, bóp méo nó trên cái nền chủ nghĩa dân tộc rồi bỏ quên mất thực tại nó đang ở. Rằng chúng ta vẫn bất hạnh trong ngày Tết, bằng một cách nào đó. “Ôi tự dưng lại Tết” cũng chẳng phải câu đùa vui. Tiền thì chẳng có nhưng vẫn phải sắm sửa lễ lạt. Họ hàng thì chửi nhau quanh năm đánh nhau đầu rơi máu chảy nhưng ngày Tết vẫn điểm danh gọi tắt là sum họp. Đàn ông thì vẫn bị ép rượu. Đàn bà thì vẫn bị ép rửa bát. Đàn cháu thì điểm danh xem thiếu đứa nào lôi đầu lên soi mói “Sao mày không về ăn Tết?” Ăn đắng, ăn cay, chứ đâu nào ăn Tết!
Cũng làm gì có mối tương giao nào không đi đến hồi kết, nhất là khi chúng được kết nối bởi con người – những cá thể tưởng nặng tình nhưng lắm lúc lại bạc bẽo.
Nhưng đừng hiểu lầm. Tôi không phải dạng empty-happiness. Tôi vẫn sẽ thấy ngày hôm đó thật tuyệt khi bị mắc mưa, vẫn sẽ lạc quan dù tôi lạc đường tại một thành phố tôi mới đặt chân lần đầu với cái điện thoại còn 5% pin. Tôi vẫn sẽ cười nếu ngày hôm đó tồi tệ vì dù thế nào đi chăng nữa thì ngày mai vẫn là một ngày khác.
Và vẫn có kha khá thứ tôi nhìn bằng một thái độ tích cực hơn những người khác. Ví dụ như cái chết chẳng hạn.
Tôi không kháng cự cái chết. Nó là một phần cần thiết của cuộc sống và không nên bị bài trừ theo mọi nghĩa.
Và tôi cũng luôn cho rằng kể từ những khoảng khắc đầu tiên khi chào đời, con người đã không phải một giống loài tự do.
Vì, đúng nghĩa là, ta không thể chọn lựa quyền được sinh – chúng ta sinh ra trên cuộc đời này, hiển lộ trần trụi trong con mắt của vô số người (bố mẹ, ông bà, các bác sĩ hộ sinh, y tá,…) mà không có quyền được lựa chọn, thậm chí là nhớ cái dáng vẻ rất đầu tiên của mình. Làm gì có ai hỏi ta rằng ta có muốn sống trên đời hay là không trước khi ta được sinh ra. Nên, theo lí đó mà nói, ta cũng không có tự do trong quyền chết.
Khi hết sinh, lão, bệnh, con người ta đi đến cửa tử. Chết là một việc bắt buộc phải diễn ra trong đời ta (trừ khi bạn là một giống loài siêu nhiên như ma cà rồng – loài mà tôi cũng không biết chúng tồn tại hay chăng). Đương nhiên, cũng làm gì có ông nào hỏi ta có muốn chết không. Cuộc sống sau khi chết là cái gì, ta lại càng không biết.
Đó cũng là một trong số lí do tôi không bao giờ nghĩ lại đến việc tự tử sau khi ngộ ra điều này. Khi bạn tự tử, nó chỉ như thể bạn cướp lưỡi hái từ tay Thần Chết và đặt nó vào tay một thế lực nào khác không biết mặt đặt tên. Đối với tôi thì nó lại là một quyết định mạo hiểm hơn đa số thứ tôi có thể lựa chọn còn lại.
Quay trở lại chủ đề, nếu hỏi rằng điều gì khiến kiếp người trở nên đặc biệt, không nghi ngờ rằng nhiều cá nhân sẽ trả lời bằng những điều thường nhật chúng ta gặp phải. Ví như khó khăn, hạnh phúc, tình yêu, sự hữu hạn, thăng trầm… Câu trả lời có thể biến đổi theo nhiều chiều cũng như nhiều cách diễn giải khác nhau.
Tựu chung, đa số những câu trả lời tôi nghe được có thể tổng hợp thành một loạt những lời đùa vui tôi đọc được trong “Kiếp Người” của tác giả Vũ Hoàng Long : kiếp người đặc biệt vì chúng ta sống như những con lừa – làm việc cực nhọc đến chết; con khỉ – tự mua vui cho cả mình cả người bằng những trò xiếc mang tên “cuộc sống mơ ước” và con chó – ăn cơm thừa canh cặn cùng canh giữ nhà – hình mẫu của những bậc cha mẹ tiêu chuẩn.
Và lại quay về câu hỏi tôi đặt ở trên kia, làm gì có ai hỏi rằng ta có muốn được sinh ra không? Tôi không được hỏi rằng “Ồ chào con yêu, con có muốn làm một con người nhưng sống như con lừa, chó và khỉ không thì ta sẽ cho con được sinh ra?” Hoặc phải chăng tôi đã được hỏi rồi nhưng tôi chẳng được có xíu xíu kí ức gì về cuộc hội thoại xưa lắc xưa lơ đó.
Sự sống chết đối với tôi không phải một đặc quyền. Dù tôi vẫn tìm thấy hạnh phúc và những điều đáng quý ở nhiều nơi trên đời này thì không thể phủ nhận tôi luôn là một kẻ lạc loài không theo bất cứ bầy đàn nào – hay nói đúng hơn là tôi thấy cô độc trong cõi sống.
Sự sống chết đối với tôi cũng không phải một sự ban ân của Thượng Đế hay của bất cứ một hệ thống thần minh nào trên thế gian này (nếu các Ngài có tồn tại). Nó chỉ là một lựa chọn không hỏi ý kiến của một thế lực nào đó ngoài tầm với và hiểu biết của bản thân tôi.
Và biết đâu sau khi chết, ta đi về phía ánh sáng với hy vọng mình sẽ được an nghỉ vĩnh hằng mà không vướng vào nơi trần thế lần nữa, thì nhận ra phía cuối con đường lại là nơi ta biến lại thành bào thai nằm trong bụng mẹ về lại thế tục. Và rồi ta khóc la một trận to tướng khi được sinh ra đến khi quên hết những tiền kiếp.
Ta lại phải sống. Rồi ta lại phải chết.
Your J.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất