Vừa phóng xe máy lên Hà Nội, tôi vừa khóc như một đứa trẻ. Lâu rồi tôi mới khóc như thế, lần gần nhất có lẽ là khi xem lại Eternal Sunshine of The Spotless Mind. Nhưng lần này, tôi khóc vì cá nhân tôi, vì quá tuyệt vọng, vì quá oan uổng và vì chẳng thể nào lý giải được. Vì người tôi thương nhất không chịu tin tôi- bố tôi. 
Đó là lúc tôi nhận ra, niềm tin giống như cái trò Domino vậy. Ta phải bỏ rất nhiều thời gian để đặt từng mảnh, từng mảnh. Nhưng khi mảnh đầu tiên bị đạp đổ, những cái ở đằng sau cứ thế rơi rụng theo. Niềm tin ở bố nơi tôi cũng thế. 
Một tháng trước, bố lên phòng tôi và thấy có cái bật lửa. Bố hỏi "sao phòng con hay có bật lửa thế, bố để ý thấy nhiều lần rồi, mà dạo này về nhà con cũng ít nói hơn, có phải con nghiện rồi không". Tôi cố gắng thuyết phục, bố tôi cũng tạm tin là tôi chỉ hút thuốc lá thôi. Quả thực, tôi chỉ hút thuốc lá, chưa bao giờ nghĩ đến những thức khác, chứ đừng nói đến chuyện đâm đầu vào nó. Nghiện? Không bao giờ! 
Thế nhưng, tuần trước, tôi đang ngồi cà phê với bạn, bố gọi cho tôi, bảo cuối tuần này về nhà, có chuyện quan trọng bố cần nói, nhiều chuyện quan trọng. Tôi, giữa bao nhiêu áp lực học hành, công việc, rồi đủ thức đang đau đầu, cảm thấy sống lưng tê dại, đầu óc tôi quay cuồng. Tôi nhớ vẻ mặt bố lúc ấy, trông bố như già đi vài tuổi so với gần nhất chúng tôi gặp nhau vào ba tuần trước. Tôi muốn gọi lại ngay, muốn hỏi tại sao trong bố tiều tụy thế, có chuyện gì bố nói ngay được không, rằng bố đừng lo lắng nhiều quá... Rốt cuộc, tôi không làm gì cả, và chờ đợi đến cuối tuần trong hồ nghi và lo lắng. Đầu tôi đưa ra cả ngàn giả thuyết. Nhưng chẳng có cái nào là đúng cả. 
Tôi về nhà, bố đưa tôi một cái boong hay một thứ tương tự như thế, bảo bố dọn phòng con để chuẩn bị sửa nhà, bố tìm thấy con giấu sau ảnh cưới của bố mẹ. Đầu óc tôi quay cuồng, mắt tôi mờ đi, chân tay tê dại, không cảm thấy gì cả. Tôi không biết chính xác nó là cái gì, nó từ đâu đến, tại sao nó ở đấy. Tôi chưa nhìn thấy cái này bao giờ, chắc chắn. Tôi giải thích tường tận với bố. Nhưng bố không tin tôi. Chắp nối với sự kiện bật lửa thường xuyên xuất hiện trong phòng mà bố tôi hay bắt gặp, bố tôi quyết định không tin tôi, ông cho rằng thằng con "mà bố luôn tự hào và tin tưởng" nay đã nghiện. Tôi không biết phải giải thích thế nào, chỉ bảo nếu bố không tin, con có thể đi xét nghiệm. Tôi muốn đi xét nghiệm ngay lập tức, tôi không thể chịu cảm giác oan uổng như thế được. 
Thế đ** nào cái của nợ ấy có thể ở trong phòng tôi? Tôi còn chưa nhìn thấy nó bao giờ! Tại sao? Tôi không thể tìm ra MỘT CÂU TRẢ LỜI. 
Tôi ghét nhất là bị oan, từ nhỏ đến giờ. Ngày bé, tôi là một thằng vô cùng lỳ lợm. Mẹ có mắng, có đánh tôi cũng không bao giờ khóc, chỉ đứng im, cắn chặt răng và không nói gì. Hồi bé tôi cũng nóng tính, bực bội là đồ đạc trong nhà tan tành hết, từ nồi cơm điện, bàn là cho đến cây sung cảnh. Tôi chọn cách đập phá để giải tỏa, không khóc. Tôi nhớ mẹ với chị trong nhà kể, hồi hai, ba tuổi đi tiêm phòng, khi kim tiêm đâm vào thịt, tôi chẳng kêu một tiếng nào, trong khi những người xung quanh phô ra vẻ mặt vừa bất ngờ vừa thán phục, lớn hơn chút nữa cũng vậy. 
Tôi vẫn giữ cái tính gan lì đó cho đến khi lớn lên, còn nóng nảy thì dịu dần theo từng năm học. Tối nào đi ngủ, mẹ cũng nói chuyện với tôi, mẹ dạy tôi cách kiềm chế cảm xúc, bảo tôi đừng nóng nảy như thế, sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đến bây giờ, gần 24 tuổi, tự dưng tôi lại thành một đứa con trai dịu dàng, điềm tĩnh và rất ít khi nổi cáu với ai. 
Nhưng cái gan lì thì không đổi. Đau thì tôi chịu, ốm thì tự mua thuốc, buồn thì gói vào trong. Không nói với ai cả, tôi muốn tự giải quyết mọi vấn đề của mình, và khóc lóc chắc chắn là sự lựa chọn cuối cùng. Có lẽ, tôi học điều này từ bố tôi, rằng "mạnh mẽ là thứ hành trang đầu tiên để một đứa con trai trưởng thành". 
Nhưng trên đường đi Hà Nội, tôi khóc nhòe hai mắt, khóc đến dây thần kinh hai bên thái dương giật từng nhịp rõ ràng. Tôi ghét nhất là bị oan, và khi bị oan thì tôi khóc. Chỉ khác một điều, hồi bé bị oan thì tôi khóc với bố mẹ để được tha tội, giờ tôi không khóc trước mặt hai con người đáng kính ấy được nữa. Tôi đành phải khóc một mình. 
Tôi khóc vì bố không chịu tin tôi, vì hình tượng bao năm tôi xây dựng trong mắt bố bỗng xụp đổ như domino. Tôi khóc khi nhớ ra hình ảnh bố tôi lúc đó, trông ông như già đi năm tuổi, gầy đi năm cân, và đôi mắt ấy như trùng hẳn xuống. Tôi khóc vì nhớ ra cái nụ cười méo xệch, đầy giả trân của bố khi ăn tối với cả nhà. Tôi khóc vì nghe thấy bố thở dài khi ngồi ở phòng khách, vì bố tôi ôm đầu ngao ngán khi xem TV. Tôi khóc vì một con người mạnh mẽ và bình tĩnh như thế, đang dần suy sụp, vì một thứ còn chẳng có thực. Tôi khóc vì không đủ can đảm để ngồi xuống, bảo bố: "Bố ơi, bố yên tâm đi, con không phải không biết nghĩ, không bao giờ có chuyện con nghiện thứ đó cả, bố tin con như bố vốn đã tin con đi". 
Tôi chỉ im lặng như một bóng ma trong nhà, và chờ để được trốn chạy lên Hà Nội, nơi tôi gặp những người giúp lòng tôi đỡ trĩu nặng. 
Nhưng tôi chẳng thể cười nổi, mỗi khi nhớ đến gương mặt của bố tôi lúc ấy.