Dạo gần đây tôi khá có hứng thú với những bài hát ngẫu nhiên từ Youtube. Bình thường, khi tôi vào youtube, việc tôi hay làm chỉ là xem những đoạn video về những chủ đề mà tôi hay quan tâm thường xuyên (thực tế đó cũng là cách Youtube tự động thu hút người dùng của mình bằng thuật toán đề xuất theo sở thích). Tôi xem rất nhiều thứ từ tin tức, đồ ăn, chơi game nhưng tôi hầu như chẳng cảm thấy thoả mãn hay phấn khích sau cùng. Tuy nhiên, từ một video về một bài hát cũ tôi đã từng nghe qua, tôi bắt đầu tìm lại được những bài hát khác mình đã quên tên từ xưa và vui mừng vì nó giống như tìm được kho báu vậy. Tôi thực sự nhớ lại mình đã từng như thế nào khi còn nghe những bài hát ấy vào lúc chúng mới ra mắt. Chúng mang đến cho tôi một cảm giác không thể nào lẫn đi đâu được: hoài niệm.
Thinking Out Loud
Thinking Out Loud
Cảm giác hoài niệm sinh ra từ quá trình trưởng thành. Mỗi con người có một sự trưởng thành theo những cách riêng của nhau. Bởi vì thế, quá khứ đi theo họ là một quá khứ độc nhất vô nhị mà chỉ có họ sở hữu. Trong quá trình đó, không chỉ là những trải nghiệm tích cực mà còn có cả những trải nghiệm tiêu cực. Bởi vậy sẽ có lúc ta vui, có lúc ta buồn, nhưng dần dần khi ta đã quen với những cảm xúc, ta sẽ trân quý hơn những kỉ niệm nhỏ bé đó. Bởi vì chúng đã là một phần hình thành nên con người ta.
Hoài niệm lúc vui thì hầu như rất tuyệt vời. Gặp lại người bạn thân đã lâu ngày xa cách, gặp lại khung cảnh quen thuộc đã từng là bao nhiêu cảm xúc, tìm lại được món đồ chơi đã theo mình những ngày thơ ấu,... Những kỉ niệm đẹp đó khi được nhớ lại giống như một liều thuốc bồi bổ tâm trí tự nhiên bất ngờ. Đa số chúng ta luôn nhớ về những kỉ niệm đẹp thời cũ, bởi vì đó là những điều bản thân mình mong muốn được lặp lại theo một cách tuyệt vời. Dẫu thời gian có khác đi nhiều, những cảm xúc tươi đẹp khi gặp lại dường như không có gì thay đổi, ta muốn tiếp tục được đắm chìm lại những khoảnh khắc đó thêm một lần nữa.
Còn đối với hoài niệm lúc buồn, đó hầu như là một nỗi đau, là một sự tiếc nuối về một chuyện ngoài ý muốn nào đó. Gặp lại người mà mình còn món nợ tình cảm, nghe lại lời một bài hát của một ca sĩ nào đó đã mất, hay có khi là da diết muốn tìm lại những người bạn thời sôi nổi nhưng bất lực không còn tung tích. Khi ta hoài niệm về những điều như thế, ta luôn cảm thấy thật buồn, và ta sẽ mong ngóng ước gì thật mạnh mẽ để quay trở lại làm những điều nên làm để giờ không phải nuối tiếc. So với hoài niệm vui, hoài niệm buồn cho ta một động lực mạnh mẽ hơn để ta thay đổi và hành động. Tuy nhiên, không thể nói hoài niệm buồn có tác dụng tốt hơn hoài niệm vui, vì thực tế ta cảm thấy trọn vẹn nhất về dài lâu chính là sự kết hợp giữa sự vui vẻ của tinh thần và sự quyết liệt của hành động.
Đối với tôi, tôi có nhiều hoài niệm buồn hơn là hoài niệm vui. Hoài niệm buồn của tôi phần lớn xuất phát từ việc tuổi trẻ bản thân đã không thể hiện được phần lớn những gì mình kì vọng, cũng như đến từ việc để người khác điều khiển và che mắt cách tôi hành động. Còn hoài niệm vui của tôi đa số chỉ đến từ một số ít những người cố định, hoặc là mạng internet và những bộ phim xem từ tuổi thơ. Khi tôi hoài niệm, tôi thường chỉ nhớ đến những điều người khác đã làm, tôi chỉ là người chứng kiến và không đóng góp vai trò gì. Có một thời khắc ngắn ngủi tôi từng tự hào vì đã thi tốt nghiệp môn Anh cuối cấp 3 được 9,75 điểm, nhưng rồi nhanh chóng sau đó khi tôi biết được đa số những người cùng học với mình trong lớp năm đó đều được 10, niềm tự hào của tôi đã tắt hẳn. Đối với tôi, hoài niệm buồn lớn nhất vẫn mãi là sự ra đi của Avicil, DJ tài hoa người Thụy Điển. Khi đó tôi đang quay ngoắt với cuộc sống vì học hành và những hoạt động khác, nên khi tôi chợt biết tin anh ấy ra đi đã hơn 1 năm trôi qua, tôi không khỏi thôi sốc và buồn bã giống như mất đi một mối tình. Và lần nào khi nghe lại những bài hát đã trở thành di sản của anh, những hoài niệm của tôi cứ quay trở về khiến cho nỗi buồn ấy cứ tồn tại mãi không chấm dứt. Dĩ nhiên có rất nhiều hoài niệm khác của tôi cũng mang đến cảm xúc giống như hai mối hoài niệm trên, nhưng chúng đều có màu sắc buồn và vui riêng biệt độc nhất không giống với những thứ đó. Đối với hoài niệm vui thật là kì diệu, đối với hoài niệm buồn cũng thật kì diệu, cả hai thứ đó đều mang đến cho tôi những cảm xúc tôi cảm thấy đáng trân trọng.
Như cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình". Sống hoài sống phí thật sự là một điều đáng hổ thẹn với bản thân. Dù chúng ta trân trọng những kỉ niệm buồn nhiều đến đâu, nhưng ít nhất chúng ta cũng cần sống thật mạnh mẽ để không tiếc nuối hay hổ thẹn vì những điều mình chưa làm. Nếu có thể, chúng ta nên học cách nhìn nhận bản thân và tin những điều mình nên làm, bởi vì khi thời gian trôi qua đi, những hoài niệm còn lại mãi trong chúng ta sẽ là những điều tuyệt vời nhất, những điều mà ta luôn không hối tiếc vì ta đã đưa ra quyết định của chính mình.