Tuần này mình đang đọc lại “Bài giảng cuối cùng” của Randy Pausch, vẫn là một trong những cuốn sách truyền cảm hứng nhất mà mình từng biết. Không phải chỉ vì nó là tất cả những lời tâm huyết của một người cha bị ung thư sắp phải bỏ lại vợ và 3 đứa con của mình, mà còn vì nó cho thấy cách một người lạc quan đã sống cuộc đời mình như thế nào. Có quá nhiều thứ có thể học được từ câu chuyện của Randy, nhưng có lẽ lần đọc này thứ đọng lại với mình nhiều nhất là: phải cố gắng tìm ra và sống hết mình với những thứ bản thân thực sự muốn làm, khi còn có thể làm được điều đó. Và thường thì, những thứ ấy, thực ra lại chính là những ước mơ mà chúng ta có khi còn là một đứa trẻ, còn đủ sự trong trẻo, ngây thơ, để mà nhận ra những thứ ta yêu thích bằng cả trái tim, và những cảm nhận, đánh giá của ta chưa bị lu mờ bởi những quan điểm ảnh hưởng từ bên ngoài.
Tình cờ, thứ 7 mình gặp lại người chị gái Hy Lạp, người đã quan tâm giúp đỡ mình rất nhiều trong quá trình cùng làm PhD. Chị sắp sang Mỹ để làm senior researcher cho IMF. Mình hỏi chị vì sao lại bỏ tất cả để sang Mỹ, khi đang làm cho chính phủ Anh - một công việc cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng, lương cao, mà lại hiếm khi phải làm việc quá 5 giờ chiều, cùng vị hôn thê ở London. Chị bảo, vì ngày bé mẹ có hỏi chị sau này chị thực sự muốn làm gì, chẳng hiểu sao hồi ấy chị trả lời là chị muốn làm cho hoặc là OECD hoặc là World Bank hoặc là IMF. Và mẹ chị đã ghi nó lại vào một tờ giấy nhớ. Để rồi lần gần đây nhất chị về nhà, tình cờ thu dọn đồ đạc thế nào lại tìm thấy. Chị bảo nó cứ như thể mẹ chị từ trên cao gửi lời nhắn vậy (mẹ chị mất khi chị đang làm PhD, tính đến nay đã 6 7 năm), để rồi sau khá nhiều lần nộp đơn thất bại, thì lần này chị tìm được một vị trí phù hợp với mình ở IMF.
Thực là một câu chuyện đẹp, đúng không?
Vậy nên, nhất định sau này nếu may có đứa nào, mình sẽ viết hẳn 1 nhật ký những thứ như thế này cho nó. Chắc chắn!
Tác giả Randy Pausch và những ước mơ tuổi thơ. Nguồn ảnh: Google
Tác giả Randy Pausch và những ước mơ tuổi thơ. Nguồn ảnh: Google
Về nghe, tuần trước khi chủ đề thiền được gợi lại, tình cờ thế nào mình tìm ra 1 số podcast về thiền của Andrew Huberman - một trong những kênh podcast mình thích nhất. Trong số này có một đoạn làm mình ấn tượng mãi, đó là khi Andrew nhắc về bài báo: “A wandering mind is an unhappy mind”, và cái kết quả khá bất ngờ ở thời điểm đó: đó là nếu như tâm trí ta không để tập trung vào việc ta đang làm, thì bất kể ta đang nghĩ về điều gì khác, dù là tích cực hay tiêu cực, thì ta cũng sẽ không thể nào cảm thấy hạnh phúc được. Nó đã giải ảo được hầu hết mấy cái hô hào của self-help: “nghĩ tích cực, nghĩ tích cực", khi cho thấy chúng bề mặt hời hợt đến thế nào. Và cốt lõi điểm quan trọng chỉ là ta có thể thực sự chú tâm vào việc ta đang làm hay không mà thôi.
À, đồng thời tuần này có một số podcast của Naval Ravikant làm mình khá mông lung, khi Naval và Brett Hall nhắc đến chiếc Youtube video của Brett về giả thiết/luận điểm: chúng ta sẽ không bao giờ cạn năng lượng. Đại thể thì luận điểm này dựa trên những gì đã diễn ra trong lịch sử - khi chúng ta đã bao lần tưởng các nguồn năng lượng sẽ cạn kiệt, chỉ để sau đó các kiến thức/phát kiến khoa học chỉ ra những nguồn năng lượng mới hay cách để khai thác nhiều hơn, hiệu quả hơn những nguồn năng lượng chúng ta đang có. Và vì vậy, chúng ta có cơ sở để tin rằng dù cho các nguồn năng lượng hiện tại có cạn kiệt thì những kiến thức khoa học mới sẽ giúp chúng ta lấy được năng lượng từ đá/mỏ kim loại/vv. và vì vậy mà sẽ không bao giờ hết năng lượng. Vẫn biết luận điểm này có thể sẽ góp phần bình ổn giá năng lượng, và vì vậy mà mọi người, đặc biệt những người lao động ba cọc ba đồng (như mình) đỡ lo hơn về tương lai khủng hoảng năng lượng,
nhưng nó cũng sẽ khiến cho những nỗ lực kêu gọi tiết kiệm năng lượng và bảo vệ trái đất mất rất nhiều trọng lượng.
Mà trái đất thì, rõ ràng là, đang bị con người bào mòn đến đớn đau rồi.
Nguồn ảnh: Phạm Google
Nguồn ảnh: Phạm Google
Tuần này thực ra công việc của mình có chút thay đổi. Sau khi dự một hội thảo ở London, mình chuyển việc sang làm trông trẻ full-time - đưa đón bà-cụ-non-4-tuổi nhà chị mình, chơi với nó, dạy nó học, cho nó ăn. Và bạn biết không, mình thực sự cảm thấy choáng, vì nó đúng thật là một công việc full-time luôn. Con ranh bé bỏng ấy, chỉ bằng ánh mắt, có thể chi phối luôn cả ngày của mình với những đòi hỏi của nó:
- cách nó đứng len lén nhìn vào phòng lúc mình đang làm việc, chờ cậu để chơi cùng, nhìn tội thì thôi, thế là chẳng đừng được gấp máy lại ra mần mấy con gấu bông với nó
- cách nó đưa cái buộc tóc cho cậu, để cậu lóng nga lóng ngóng buộc đến mấy lần không xong
- cách nó lon ta lon ton chạy vào thơm má cậu trước khi đi ngủ, còn dặn dò đàng hoàng: cậu ơi mấy nữa cậu về VN xong cậu lại về đây nhé, cậu nhớ nhé.
Có mấy ngày mà mình thực sự thấm việc trẻ con cần nhiều sự quan tâm và thời gian của ta như thế nào. Và mình đã phải thốt lên với bạn mình rằng chẳng thể hiểu tại sao phụ nữ giỏi đến thế được - vẫn duy trì việc full-time và chăm sóc con cái như đúng rồi. Hôm hội thảo vừa rồi cũng có 2 cô entrepreneur cực kỳ thành công, xuất khẩu sản phẩm sang 20 30 quốc gia này nọ, lại đều có con nhỏ. Lúc Q&A mình mới hỏi 2 cô có work-life balance không, cả 2 đều cười như thể: 'sao mày hỏi câu ngơ thế?' làm mình ngượng chín mặt. Hai cô bảo cái sự làm việc từ 9 10 giờ tối khi con đi ngủ đến đêm muộn là chuyện tất-nhiên-nó-phải-thế, dù đúng là khi mọi thứ đã đi vào khuôn khổ và các con sang tuổi teen rồi thì sẽ đỡ hơn.
Nhiều lúc nghĩ, phải chăng xã hội bây giờ đang đặt quá nhiều áp lực lên người phụ nữ...
...
Nguồn ảnh: Google
Nguồn ảnh: Google
P.s. Và một bài nhạc nhẹ cho ngày chủ nhật. Chúc các Nhện tuần mới nhiều năng lượng và niềm vui nhé!
A Dreamer