Hình ảnh minh hoạ thiền tại thiền đường
Hình ảnh minh hoạ thiền tại thiền đường
Sabakā maṅgala,
sabakā maṅgala,
sabakā maṅgala hoya re.
(Nguyện cho tất cả được hạnh phúc,
nguyện cho tất cả được hạnh phúc,
nguyện cho tất cả được hạnh phúc!)
Khi tôi viết những dòng này thì trong đầu tôi lại nổi lên giọng hát vang vọng của ngài S.n. Goenka, những câu từ cuối cùng của ngài trong bài đọc tụng Atanatiya Sutta bằng tiếng Pali mỗi sáng sớm đã từ lúc nào trở nên quen thuộc trong tôi. Có chút gì đó da diết, có chút gì đó cảm động và lần nào cũng vậy, các buổi sáng sớm trong suốt mười ngày vừa qua, mười ngày thiền tập thật quý giá để tôi có thể học-hiểu-hành một cách đầy đủ và thấu đáo những căn bản trong phương thức thiền vipassana niệm thọ thuần khiết để từ đó hiểu và biết cách rèn luyện tâm để sống tốt và bình thản hơn mỗi ngày.
Tôi vẫn thường nghĩ mình thật may mắn vì có duyên biết được phật pháp, tuy không nhiều lắm nhưng đã có những thay đổi tích cực trong tôi và tôi cảm nhận được điều đó qua những lần nhìn lại mình. Đến với khoá thiền 10 ngày Vipassana lại là một cái duyên tiếp đó trên con đường học đạo và tôi rất biết ơn về điều này. Vậy tại sao lại là phật pháp và tại sao lại là khoá thiền Vipassana? Đó là chữ “tâm”! Mọi thứ điều bắt nguồn từ tâm, ta hạnh phúc hay khổ đau cũng từ tâm mà ra, tâm ta quyết định rất nhiều đến cuộc sống nhưng vì vô minh trước đây tôi không biết đến điều này, đây là lý do tôi đã rất may mắn vì đã sớm nhận ra tâm của chính mình, một cái tâm rất động và bản năng và vì thế nó cần được rèn luyện để trở nên tốt hơn hay chí ít là bớt xấu đi và tôi biết đây là một quá trình dài, rất dài và may thay tôi đã đặt những bước chân đầu tiên của mình trên chặng đường đó.
Vậy khoá thiền này dành cho ai? Nếu bạn thật sự muốn tìm một con đường rèn luyện để được hạnh phúc và bình tâm trong mọi hoàn cảnh thì khoá thiền này dành cho bạn. Liệu tôi có thể hoàn thành khoá thiền này hay không? “Đối với một người có một sức khỏe vừa phải về thể xác và tinh thần, thành thật muốn và sẵn lòng gắng sức thật sự, hành thiền (gồm cả “im lặng cao quý”) không có gì là khó khăn cả” đây là trích dẫn giải đáp thắc mắc của trung tâm thiền cho câu hỏi trên. Thực tế cho thấy, tôi quan sát được không ít những cô chú lớn tuổi đã tham gia và hoàn thành được khoá thiền nên nếu bạn là một người trẻ, chỉ cần kỷ luật và cố gắng chắc chắn bạn sẽ vượt qua và nhận được nhiều lợi ích từ khoá này. Tuy vậy, 10 ngày chỉ là những bước chân đầu tiên trên hành trình rất dài tìm kiếm bình an và hạnh phúc, hãy bước những bước đầu tiên và chứng nghiệm phương pháp này, bạn sẽ có 10 ngày thật quý báu trong đời mình.
Thiền tập là một phương pháp rất hữu hiệu để rèn tâm và trong quá trình học về tâm, tôi đã thực hành thiền hơn một năm nay và nhận thấy bản thân mình có những tiến bộ đáng kể. Tôi chủ yếu thiền định và quan sát tâm mình từ đó tĩnh tại hơn hay bớt nóng giận hơn trong những tình huống khi bất như ý xảy ra từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. Thế nhưng tôi dần nhận thấy rằng mình không nên (thực ra không thể) tự thực hành thiền vì đây là một pháp môn không hề đơn giản, rất có thể mình đang đi chệch hướng mặc dù tôi cũng tham khảo khá kỹ các hướng dẫn từ các sư thầy (chủ yếu trên internet) nhưng thật sự nó không hề đủ như tôi nghĩ, rất có tôi đang thực hành chưa chính xác phương pháp, có thể càng đi càng xa rời thực tế đúng đắng và đó chắc chắn không phải là kết quả tôi mong chờ. Rồi duyên đến, tôi biết đến khoá thiền Vipassana 10 ngày từ thầy Trần Việt Quân, sau những tham khảo và sắp xếp mọi thứ, cuối cùng tôi đã đăng ký tham gia một khoá vào đầu năm nay.
Khoá thiền kéo dài 10 ngày nhưng thật chất cần 12 ngày cho cả ngày đi và ngày về. Theo truyền thống, khoá thiền hoàn toàn miễn phí kể cả thức ăn và chỗ ở cùng các tiện nghi khác, chỉ những ai hoàn thành khoá thiền thì cuối khoá mới có thể đóng góp (dana) một cách tự nguyện nếu thấy được lợi ích và mong muốn những ích lợi này sẽ lan toả đến những thiền sinh khoá tiếp theo. Khoá thiền không phân biệt tôn giáo, bất kỳ tôn giáo gì vẫn có thể tham gia thiền tập. Thiền sinh sẽ phải lưu lại nơi thiền tập trong suốt mười ngày để duy trì tính liên tục và thực hành thiền một cách xuyên suốt. Thậm chí để tâm được tập trung hết mức có thể thì trong suốt mười ngày không ai được phép nói chuyện với nhau, không được ra dấu hay nhìn vào mắt người khác, mọi tương tác từ ý, khẩu và thân đều không được phép theo luật, mỗi khi cần gì có thể nói với ban quản lý. Không điện thoại, không sách vở hay giấy viết, đó đúng chính xác là 10 ngày xa rời mọi thứ, chỉ thiền và thiền một cách liên tục. Lịch thiền được bố trí một rất dày đặc, bắt đầu từ 4h30 sáng đến 9h30 tối, một ngày sẽ ngồi thiền khoảng 10 giờ. Mọi người phải giữ năm giới: không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối (đây là một trong nguyên nhân ta ko được phép nói chuyện), không sử dụng chất gây nghiện và không sát sinh. Tất cả những luật lệ này không gì khác là để giữ tâm ý của thiền sinh được an tịnh và tập trung cao nhất cho mục đích thiền tập, ko có sự tập trung (tâm định) thì rất có thể việc thực tập sẽ không đạt được kết quả mong muốn, ta sẽ rất khó để tự mình chứng nghiệm từ đó tin tưởng và ứng dụng phương pháp này vào cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi ăn chay một ngày hai bữa, sáng và trưa, chiều có thể ăn trái cây và uống sữa, thức ăn được phục vụ bởi các bạn thiền sinh cũ của những khoá trước. Khu nhà ở nam và nữ tách biệt nhau hoàn toàn và sẽ thiền chung tại thiền đường (vẫn ngồi tách biệt) dưới sự hướng dẫn của ngài Goenka (qua loa) và sự hướng dẫn trực tiếp của hai thiền sư. Tôi ở trong khu tập thể nam gồm khoảng 30 người, mọi sinh hoạt ngủ nghĩ, tắm giặt đều sẽ diễn ra trong im lặng.
Ngày đăng ký: Tôi có mặt ở Tịnh Xá Ngọc Thành vào buổi chiều đúng khoảng giờ quy định để tiến hành thủ tục đăng ký. Ấn tượng đầu tiên của tôi về tịnh xá là một nơi trang nghiêm với khuôn viên mang cảm giác thoải mái, thoáng mát. Tôi tiến hành ghi danh và nhận phòng, đúng hơn là nhận giường trong khu tập thể, một số người đã đến trước và đang… ngủ. Tôi tranh thủ đi một vòng tham quan tịnh xá, mọi thứ trông khá ổn và tôi sau đó tôi cũng quay về phòng để… ngủ. Vâng, đây sẽ là một trong những hình ảnh quen thuộc trong suốt khoá thiền, ngủ =). Giường ngủ có đệm có chăn có gối có mùng, mọi thứ đầy đủ nhưng vì lạ chỗ và ngủ tập thể nên tối đó tôi đã không ngủ được, một khởi đầu thật đáng lo ngại!
Ngày 1: Thiền Anapana (Quan sát hơi thở)
4 giờ sáng chuông báo đã reo và mọi người có khoảng 30’ để vệ sinh cá nhân trước giờ thiền đầu tiên sẽ kéo dài hai giờ. 4:30 là lúc đầu tiên tôi được đặt chân vào thiền đường, một khu rất trang nghiêm và rộng rãi với đầy đủ tiện nghi vật dụng. Hai vị thiền sư đã ngồi sẵn phía trên, chúng tôi được hướng dẫn nhận chỗ của mình bởi các phụ tá. Không khí trang nghiêm trong buổi sớm im lặng làm tôi bừng tỉnh. Bốn phía tôi đều là các thiền sinh khác, trước mặt là hai vị thiền sư, cảm giác thật khác. Dưới ánh đèn mờ vàng vọt trong thiền đường, loa thoại của ngài Goenka được vang lên với những hướng dẫn đầu tiên. Chúng tôi bắt đầu nhắm mắt thiền tập theo hưỡng dẫn và quan sát hơi thở của mình, một điều đã khá quen thuộc đối với tôi trong một năm qua. Sự háo hức ban đầu cũng dần trôi đi sau đó, không khí vẫn im lặng tĩnh mịch. Tôi bắt đầu hơi buồn ngủ, thời gian sao trôi qua chậm quá, 30’ sau chân tôi bắt đầu đau, lưng tôi cũng vậy, cả cổ nữa, chúng bị đơ thì phải, tôi chưa bao giờ hành thiền quá 35’ mà hôm nay lại phải ngồi hai giờ đồng hồ nhưng tôi được cái định tâm hơi thở tương đối tốt vì trước đó là có thực hành một thời gian. Tôi bắt đầu nghe tiếng xột xoạt xung quanh, mọi người bắt đầu mỏi và đổi tư thế, tôi nghe tiếng thở gấp gáp, bầu không khí vẫn yên lặng mà thấy bắt đầu nặng nề rồi, phải rồi chúng tôi đã chính thức đặt chân vào “cuộc chiến” này. Những câu từ cuối cùng của ngài Goenka trong bài đọc tụng Gilana Bojjhanga bằng tiếng Pali và tiếng chuông báo vang lên kết thúc hai giờ ngồi thiền đầu tiên mà tôi thấy dài như cả ngày. Sau đó mọi người xuống ăn sáng, đó là lúc 6h30. Thức ăn đã chuẩn bị sẵn ở khu ăn tập thể nhà dưới, đồ ăn chay rất ngon, chúng tôi ăn trong im lặng, duy có một điều sau này tôi mới để ý là lúc nào xuống tôi cũng thấy một anh to béo luôn luôn đến trước và lãng vãng khu ăn từ bao giờ, phải nói là luôn luôn như vậy, nhanh chân dễ sợ =)).
Sau giờ ăn tôi đi một vòng và sau đó quay về phòng ngủ nghỉ ngơi, cảnh tượng ai ai cũng… ngủ bắt đầu tiếp diễn và trở nên quen thuộc, đuối quá mà =). Đúng 8 giờ chuông lại vang lên, chúng tôi có một phiên thiền tiếp theo kéo dài 1 giờ, lần này nghe có vẻ dễ thở hơn nhưng với tôi thời gian vẫn cứ lê thê, tôi lại định tâm, một lần nữa toàn thân tôi lại đau nhức, cơn đau lúc nãy chưa nguôi giờ tôi lại ngồi chiến đấu tiếp tiếp! Thiền sinh được nghỉ 5’ rồi đúng 9 giờ ai nấy lại tiếp tục lật đật trở về vị trí thiền của mình, lần này phiên thiền kéo dài 1h30 phút, một lần nữa tôi lại “hát” bài “đếm thời gian” của nhóm huyền thoại, tôi đang ở không gian nào thế này! 11 giờ trưa chúng tôi kết thúc phiên thiền cuối cùng vào buổi sáng và bắt đầu ăn sáng, anh chàng to béo bằng cách nào đó vẫn lãng vãn sớm nhất khu ăn uống, tôi không biết anh có tập chạy bộ không mà sao nhanh thế ko biết nhưng nếu có tập chạy anh đã không béo thế này, tôi tự nhủ và thầm cười kk, đồ ăn vẫn có đủ cho mọi người =)).
Ăn uống xong chúng tôi lại về giường và… ngủ, chuẩn bị sức cho phiên thiền tiếp theo của buổi trưa bắt đầu lúc 1h. Từ 1h đến 5h có ba phiên thiền liên tiếp, mỗi phiên kéo dài 1-2h và được nghỉ 5’ giữa các phiên, kỹ thuật được hướng dẫn vẫn là những gì đã thực hành trước đó, 5’ nghỉ tôi là tranh thủ bóp chân bóp tay đấm lưng rửa mặt nằm giường, đây đúng là nghĩa đen những gì tôi và các bạn thiền khác trải qua!
5 giờ chiều được ăn trái cây và uống sữa hạt, ko có bữa cơm chiều, nhưng với tôi cũng ko ảnh hưởng lắm vì tôi ăn không quá nhiều. Các phiên thiền buổi tối tương đối nhẹ nhàng hơn và có một buổi nghe pháp thoại tôi rất thích, nói về pháp thiền và các câu chuyện xoay quanh do chính ngày Goenka chuẩn bị. Vì có một ít vốn về tâm thức và thiền tập nên tôi hiểu và liên hệ bản thân được những gì ngài giảng, đây quả thật là một món quá cuối ngày! Ngày thiền đầu tiên kết thúc, chúng tôi quay về giường và kể từ đêm đó tôi đã rất may mắn là có thể ngủ ngon hơn, có sức thực hành thiền tập tốt hơn trong những ngày tiếp theo.
Ngày 2 + Ngày 3: Thiền Anapana (Quan sát hơi thở)
Ngày thứ hai và thứ ba đều diễn ra tương tự ngày thứ nhất, chúng tôi lại thực hành thiền Anapana (Quan sát hơi thở) và nghe pháp thoại vào cuối mỗi tối. Tôi đã từng thắc mắc rằng tại sao lại phải ngồi thiền quá nhiều thế này chỉ để làm mỗi một công việc gần như như nhau trong suốt ngần ấy thời gian và pháp thoại đã cho tôi câu trả lời, đó là sự chứng thực pháp môn. Thiền vipassana là phương pháp giúp Đức Phật giác ngộ nhưng ngài không vì thế mà bắt chúng ta phải tin tưởng pháp môn của ngài. Một cách rất công bằng, theo lời ngài nói, chúng ta chỉ nên tin và làm theo những gì chúng ta chứng thực được, đó mới là tri thức của chúng ta chứ không phải vì ngài giác ngộ mà chúng ta vội tin những gì ngài nói, hãy chứng thực những gì ngài nói rồi hãy xem xét là có phù hợp với ta hay không từ đó ta hãy quyết định có theo đuổi pháp môn này hay không? Và đó là điều tôi rất tâm đắt qua lời dạy của ngài. Để chứng thực được pháp môn niệm thọ, ta cần phải luyện tập thật chăm chỉ và cần mẫn, thật chăm chỉ và cần mẫn qua lời hướng dẫn của ngài Goenka, bắt đầu từ việc định tâm qua hơi thở. Định tâm là một bước nền tảng rất quan trọng trong pháp môn này, chính vì thế nó đòi hỏi rất nhiều thời gian để luyện tập. Một cách rất bản năng, tâm ta bình thường ko được tập luyện là tâm động, nó rất loạn động hết nắm bắt cái này tới tìm kiếm cái kia, nó như con khỉ hết chuyền cành này đến cành khác, ngay cả lúc ta ngủ nó vẫn còn nghĩ đủ điều, mơ đủ thứ. Tâm động là tâm bản năng nên để có tâm tĩnh ta không còn cách nào khác là phải rèn luyện tâm mình và đó là thứ thiền sinh phải thực hành trong suốt những ngày đầu của khoá thiền, và cả sau này chúng ta vẫn phải tiếp tục tự rèn tâm mình trong cuộc sống hàng ngày.
Ngày 4: Bắt đầu học thiền Vipassana
Hôm nay thiền sinh mới chính thức bước vào thiền vipassana sau khi đã trải qua nhiều giờ định tâm. Tôi được biết đã có một vài người bỏ về trước đó. Thế mới biết đăng ký tham gia khoá thiền là một cái duyên không nhỏ nhưng để hoàn thành khoá thiền lại là một chuyện không hề dễ, điều quan trọng nhất là nếu ta thực chứng được pháp môn và quyết tâm theo đuổi áp dụng vào cuộc sống lại càng khó khăn hơn vì chẳng còn ai ở bên mà nhắc nhở ta, mọi thứ sẽ phải tự cảm nhận và kỹ luật tu tập. Ngày hôm nay thiền sinh sẽ được dạy về cách để có được những cảm giác vi tế trên thân - thứ rất đặc biệt mà tôi chưa bao giờ được biết tới. Trước khi bước chân vào chính thức học vipassana, chúng tôi sẽ phải “thỉnh cầu pháp môn” bằng tiếng pali theo nghi thức dưới hướng dẫn của ngài Goenka. Sau đó chúng tôi cùng thực hành quan sát cảm giác trên thân. Thật kỳ diệu là sau nhiều giờ tôi đã có thể cảm nhận được những cảm giác rất lạ mà tôi chưa bao giờ biết tới, ngay trên khuôn mặt của mình. Cảm giác nó chạy khắp mặt khiến tôi không khỏi tò mò và ngỡ ngàng, tôi chăm chú quan sát và giữ thái độ buôn xả theo hướng dẫn, đó là thái độ ko thích cũng không ghét bất cứ những gì xảy ra trên thân mình, đây là cốt lõi cách rèn luyện tâm phản ứng qua thiền vipassana niệm thọ. Tâm ta luôn phản ứng theo khuôn mẫu một cách bản năng, luôn thích hay ghét một cái gì đó mà không quan sát nó như đúng sự thật đang là. Ví dụ: Nếu ai đó làm một việc gì khiến ta không thích, họ luôn miệng nói tục chửi thề chẳng hạn, như một thói quen rất có thể tâm ta sẽ tự suy nghĩ những thứ không hay về người này, tâm sân từ ý nghiệp đã khởi mà ta không hay biết chính những phản ứng này đã bồi đắp tích luỹ lên cơn sân trong mình, phiền não và đau khổ từ đây mà ra. Nói một cách khác, tâm ta thường phản ứng với bất như ý bằng tâm sân, tâm sân tích tụ là nguyên nhân của khổ đau và phiền não. Tâm tham cũng có một khuôn mẫu tương tự. Vậy nên ta sẽ tập tâm mình theo tâm buông xả (ko thích cũng không ghét mà chỉ quan sát hiện tượng như đúng nó đang là) từ đó cơn sân và tham trong ta yếu dần đi, bình an từ đây mà ra, từ chính bên trong mỗi người. Quay trở lại việc luyện tập phản ứng của tâm qua cảm giác trên thân. Trong quá trình thiền tập, nếu gặp bất cứ một cảm giác gì khiến ta rất ghét, ví dụ như cảm giác bị muỗi đốt (có thể là cảm giác thật chứ ko phải từ thiền mà ra) ta sẽ tập tâm mình không phản ứng theo một cách khuôn mẫu nữa (tất nhiên chỉ trong giới hạn nào đó, nếu muỗi thiệt đốt nhiều quá cũng không thiền được) như là bắt đầu ghét bỏ và có thể sát sinh, ta chỉ quan sát vết đốt đó, ko ghét cũng ko ham thích, tâm sân ta đã được buông bỏ một ít. Tương tự với tâm tham cho một cảm giác yêu thích nào đó, ta cũng sẽ dùng tâm buông xả chứ ko phải tâm mong cầu như một khuôn mẫu.
Ngày 5-9: Tiếp tục hành thiền Vipassana
Tôi lại tập luyện quan sát cảm giác trên thân mình theo hướng dẫn và thực hành trên tâm buông xả. Hôm nay có một hướng dẫn khác đặt biệt và thử thách hơn chính là việc chứng thực sự vô thường của cảm giác trên thân, cảm giác luôn sẽ sinh ra và diệt đi theo quy luật tự nhiên, đây cũng là một nguyên nhân củng cố cho thái độ tâm buông xả. Cảm giác sẽ luôn có ở đó, dù nó là gì thì nó sẽ luôn sinh, luôn diệt, ta chỉ nên quan sát theo đúng nó đang là, đừng đồng hoá với nó, đừng ham thích cũng như ghét bỏ nó, đừng hành xử một cách khuôn mẫu nữa vì ta đang học cách để phản ứng khác đi một cách hiểu biết hơn.
Chúng tôi được yêu cầu bắt đầu từ hôm nay, mỗi ngày sẽ có ba lần hành thiền quyết tâm không đổi tư thế trong một giờ để tự mình chứng thực sự vô thường của cảm giác và thực tập tâm buông xả, mà cụ thể là cơn đau, nó cũng là cảm giác vì thế cũng sẽ tự sinh tự diệt đi theo quy luật. Lúc này tôi vẫn chưa ý thức được cơn ác mộng thật sự đã bắt đầu. Sáng đó là buổi đầu tiên tôi ngồi thiền quyết tâm 1 giờ không đổi tư thế và cũng không được mở mắt. Tôi vẫn ổn đâu đó tầm 35-40’ thế nhưng thời gian sau đó mới chính xác là ác mộng, cơn đau bắt đầu kéo tới, từ vùng đầu gối đau âm ỉ và gia tăng cường độ dần dần. Tôi được dạy là khi cơn đau khởi lên thì đó là cơn đau của thân, tâm ta không cần phải đau theo thì khi đó cơn đau sẽ giảm đi một nữa. Nói giảm đi một nửa thật ra là bỏ mất đi một nửa không cần thiết, vì tâm ta luôn phản ứng theo khuôn mẫu nên thường sẽ cảm thấy gấp đôi cơn đau do phản ứng thái quá, thân đau + tâm đau theo = 2 x cơn đau thực tế. Nếu bạn té mà bạn phản ứng thái quá với vết trầy thì khi chú ý và so sánh với những lần té khác bạn không phản ứng mà chỉ quan sát nó, giống như đó đơn thuần là cơn đau của thân, tâm không nhất thiết phải đau theo, việc của ta là quan sát thực tế và tìm hướng giải quyết vết thương, đây mới là điều ta nên làm. Điều này tôi cũng đã tự chứng thực trước khi tham gia khoá thiền này, có một lần nọ sơ ý đứt tay và phản xạ của tôi là chỉ quan sát nó một cách bình thản, nó thực sự chẳng đau đến thế! Quay trở lại giờ hành thiền quyết tâm, dù tôi đã có thể không đồng nhất với cơn đau của mình rồi nhưng thực chất nó có giới hạn của nó, cơn đau nó vẫn âm ỉ như thế, cường độ ngày một gia tăng, cơn đau từ đầu gối lan sang vùng đùi ngoài, cả hai vùng tôi có cảm giác nó như cái nhà đang cháy lan mà tôi thì đứng đó nhìn =)). Tôi quan sát cơn đau của mình và cố gắng giữ thái độ không đồng nhất. Trong thời gian đó tôi nghe thấy những người xung quanh hình như đang chuyển đổi tư thế của mình. Những tiếng xột xoạc cứ liên tục vang lên kèm theo những tiếng kêu nhè nhẹ hoặc những tiếng kêu răng rắc từ xương khớp =)). Tôi vẫn giữ tư thế, thế nhưng cuối cùng, trước khi 1h đầu tiên kết thúc, tôi đã không giữ vững tư thế của mình, dù gì sức chịu đựng của tôi cho lần đầu này cũng rất tốt rồi so với lúc tự hành thiền ở nhà. Tôi cố gắng chuyển chân từ tư thế bán già để duỗi thẳng ra một cách chậm rãi nhất có thể, mỗi lần gỡ chân ra duỗi thẳng là một lần đau kinh khủng nhưng không dám thốt lên lời, mặt vẫn giữ bình thẫn theo hướng không đồng nhất với chúng nhưng thật sự đau lắm, ngài Goenka đã nói đây là cuộc “giải phẩu sâu”, là thử thách lớn cho những ai đủ can đảm để có thể chứng nghiệm được pháp môn, được sự vô thường của cảm giác và không phản ứng đồng nhất theo khuôn mẫu, điều không thể thiếu trong khoá thiền đặc biệt này. Sau một giờ dù đã giữ vững được tư thế hay không thì ai ai cũng đều… cà nhắc bước đi và đã có những lo ngại nhất định về sức khoẻ cho thử thách thế này. Sau lần đó tôi và hầu hết những người xung quanh đều có lẽ chưa chứng được sự vô thường nào. Chúng tôi được thiền sư gọi lên hỏi về quá trình thiền tập cũng như sẽ giải đáp thắc mắc của mình. Khi được hỏi về lo ngại sức khoẻ thì thiền sư bảo những cơn đau chân này hầu hết không có gì nguy hiểm nên đây là cách tốt để vừa chứng thực sự vô thường cơn đau và phản ứng của tâm, nếu ai cảm thấy đau quá thì vẫn có thể duỗi chân trước giờ quy định, cố gắng cải thiện dần ở những lần sau đó, có tới hơn 15 “cuộc giải phẩu” kiểu này tất cả suốt khoá thiền! Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến vài người bỏ về ở ngày thứ sáu. Về sau, tôi đã thấy được cơn đau chân đã có những lúc biến mất, khoảng 1’ thôi, rồi nó quay lại. Tôi cũng có thể có ngồi hết một giờ ở tất cả các phiên quyết tâm sau ngày thứ 6 trở đi. Một điều vô cùng quan trọng nữa là trong những lúc cơn đau đạt cực đỉnh, những bất tịnh rất sâu trong tâm tôi trồi lên, tôi trở nên vô cùng nhạy cảm và sân với những tiếng động xung quanh. Tâm trí tôi cũng hiện lên những hình ảnh mang cả nỗi sợ, dục vọng, etc. những bất tịnh cứ thế mà trồi lên và tôi biết công việc của mình đơn thuần là quan sát chúng (vô cùng khó khăn), đây là cách tôi dùng để thanh lọc tâm mình, cùng với thái độ buông xả các cảm giác trên thân.
Cả hai việc chứng thực cảm giác vô thường trên thân và rèn phản ứng của tâm tôi đã hoàn thành tương đối tốt. Về sau khi cơn đau không còn khiến tôi chú ý nhiều nữa tôi đã mở mắt và quan sát một vòng xung quanh, có một số người đã đổi chân, một số người vẫn đang chiến đấu căng thẳng với cơn đau, có một thanh niên khác khá hài hước là sắm luôn cho mình hàng tá toạ cụ để ngồi mà không bị đau =)), một lần nọ tôi thấy anh ta quyết tâm đối diện cơn đau buôn bỏ hết phụ kiện và chiến đấu, trong thời gian cơn đau kéo tới anh ta liên tục ngẫng đầu lên rồi cúi xuống, quay qua quay lại trông vừa đáng thương nhưng cũng không khỏi khiến tôi phì cười =)). Trong những ngày cuối thiền sinh sẽ khám phá thêm các cảm giác vi tế khá trên toàn thân và đồng thời thực tập hành thiền quyết tâm, rèn luyện cách thức tâm phản ứng.
Ngày 10: Sự im lặng thánh thiện được dỡ bỏ
Chúng tôi được phép nói chuyện kể từ cuối buổi sáng, có lẽ vì im lặng quá lâu nên khi được phép nói mọi người vẫn chưa quen, riêng tôi luôn ngưỡng mộ một anh ngồi trước mặt mình, anh vô cùng siêng năng rất ít khi bỏ giờ hành thiền tại thiền đường (một số phiên thiền được phép về giường tự thiền). Tôi có ngồi nói chuyện và hai anh em trò chuyện khá vui, chúng tôi trao đổi với nhau những trải nghiệm trong lúc hành thiền, những khó khăn hay những điều đạt được, cuộc nói chuyện thu hút thêm một vài anh em khác, chúng tôi đã có những buổi nói chuyện rất vui sau 9 ngày hành thiền trong im lặng, những người hoàn thành khoá thiền với tôi đều rất dễ thương và trí tuệ, chúng tôi có những quan điểm khá tương tự về tâm thức và hành thiền và tôi đã học hỏi được rất nhiều từ những người khác. Cũng có những câu chuyện rất hài hước xung quanh như câu chuyện ngủ không được vì sợ ma, vì căn phòng tâm linh, câu chuyện tự phá bỏ giới luật im lặng mà ngồi nói chuyện tới sáng khiến sư cô phải nhắc nhở, hay việc một thanh niên thích khều các bạn khác rồi tự hát một mình, câu chuyện đang ngủ trong đêm thì bỗng nhiên có người nói mớ khiến cả phòng hết hồn, những câu chuyện xung quanh việc tắm giặc vệ sinh hay việc trông mọi người im lặng bước đi chẳng khác nào zombie,…
Đây là một trong những trải nghiệm đặc biệt mà tôi khuyến khích những ai có điều kiện nên đi để hiểu hơn về cách vận hành cũng như rèn luyện tâm từ đó trở nên bớt phiền não và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Chúng ta đã dành rất nhiều thời gian để kiếm tiền thì việc dành ra mười ngày để tìm kiếm con đường hạnh phúc cũng không phải là cái giá quá xa xỉ. Thế nhưng thậm chí ngay khi cả hoàn thành hết 10 ngày thiền vipassana và chứng nghiệm được những điều cần thiết, đó chỉ mới là khởi đầu nhưng là một nền tảng khởi đầu vô cùng tốt để mình có thể từ đó mà tìm hiểu, ứng dụng thiền tập vào trong cuộc sống hàng ngày, đây mới chính là điều quan trọng. Vậy nên nếu có điều kiện, tốt hơn hết là mình nên có sự tìm hiểu và chuẩn bị trước để có một trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khoá thiền và bạn ơi, dù cuộc sống có bận rộn đến mấy, hãy dành thời gian và cho bản thân cơ hội để hiểu mình vì đó là nơi ta bắt đầu bước đi trên con đường tìm kiếm bình an và hạnh phúc.
Sabakā maṅgala,
sabakā maṅgala,
sabakā maṅgala hoya re.
(Nguyện cho tất cả được hạnh phúc,
nguyện cho tất cả được hạnh phúc,
nguyện cho tất cả được hạnh phúc!)
3/1/2024 - 14/1/2024