Hôm qua tôi mới xem phim Dương Quang Phổ Chiếu (A Sun) mà tôi từng nghe nhiều người khen hay. Có lẽ một bộ phim cũng như giống như một con người, sẽ chỉ đến vào đúng thời điểm mà ta cần họ.
Trong phim có rất nhiều cảnh ám ảnh, nhưng với tôi cảnh ấn tượng nhất là khi A Hào và bố mình gặp nhau trong tiệm tạp hoá. Dù là bố con, nhưng giữa họ có một khoảng cách rất lớn - khoảng cách của một đứa con "ngỗ nghịch" không được yêu thương và một người bố chỉ muốn chối bỏ đứa con này.
Có lẽ phân cảnh ngượng nghịu giữa hai bố con ấy chạm đến tôi là bởi vì nó gợi tôi nhớ đến cảm giác của tôi với bố mình trong thời gian gần đây.
Trước đây, giống như người anh cả trong phim, tôi luôn là niềm tự hào, là đứa con "huy chương" - the medal child của bố và gia đình. Dù không quyết liệt ép tôi học hành như mẹ, nhưng bố luôn khao khát tôi khẳng định bản thân qua các kỳ thi và giải thưởng.
Đi đâu bố cũng sẽ khoe về tôi, rằng bố có một đứa con thủ khoa, được tuyển thẳng đại học, rằng bố là bố của giảng viên Đại học. Nhiều lúc gặp người lạ, việc bố hồ hởi giới thiệu chi tiết về thành tích và công việc của tôi dù không cần thiết khiến tôi thấy rất ngượng.
Tôi hiểu có một đứa con như tôi là một trong số ít những điều bố cảm thấy tự hào về chính mình. Nhưng đồng thời, nó đặt lên tôi một áp lực rằng tôi luôn phải sống đúng theo những kỳ vọng lớn lao của bố và không được phép thất bại. Bởi vì thất bại của tôi đồng nghĩa với việc bố sẽ thất vọng, và xấu hổ về tôi. Trải nghiệm thơ ấu đã khắc sâu vào đầu tôi bài học đó.
Hồi nhỏ, tôi không nghĩ nhiều mà chỉ cắm đầu vào và cố gắng chạy cho bằng được theo những mong muốn của bố mẹ. Phải học thật giỏi, phải luôn giành giải Nhất, phải luôn đứng đầu lớp, phải thật xuất sắc và không có gì ngoài xuất sắc.
Nhưng khi lớn lên, ra ngoài và va chạm nhiều hơn, tôi dần phát hiện ra một vấn đề nghiêm trọng của bản thân - đó là việc tôi có lòng tự tôn self-esteem quá thấp, luôn mải miết chạy theo nhu cầu của người khác trong khi cực kỳ căm ghét chính mình.
Một đêm không ngủ được, tôi nằm điểm lại những ký ức tuổi thơ và nhận ra trong gia đình, mình như một người lính luôn bị đẩy lên phía trước trên mặt trận. Phải chiến đấu, phải đứng vững, phải mang vinh quang về cho gia đình và bố mẹ ở phía sau. Đêm đó, tôi khóc ướt gối.
Nhưng còn may cho tôi, tôi không có kết cục bi thảm như người anh cả trong bộ phim - đó là quăng mình xuống mấy chục tầng nhà để tìm giải thoát. Tôi đã sớm nhận ra áp lực khổng lồ mà mình phải chịu đựng (một cách bất công - tôi dám nói) và bắt đầu tìm cách tự gỡ mình khỏi nó.
Việc tôi tách bản thân ra khỏi bố mẹ, nghỉ việc và tự tìm con đường riêng cho mình không phải là quyết định mù quáng để phá phách hay phản kháng. Đó là cách tôi cho bản thân một cơ hội để sống là chính mình. Dù đúng hay sai, dù thành hay bại, tôi muốn đó là quyết định của mình, vì mình và cho mình, chứ không phải vì gia đình.
Điều đó tất nhiên đã gây ra một phản ứng mạnh từ bố mẹ tôi. Sau một thời gian dài tranh đấu với mẹ, dần dần tôi được bà tin tưởng và thấu hiểu hơn. Mẹ không còn áp đặt và chỉ trích tôi nhiều như trước. Bà học cách thả lỏng và để tôi tự quyết định mọi việc của mình. Nhưng bố tôi chưa làm được.
Ông giữ những nỗi sợ và lo âu quá lớn về tôi. Ước mơ lớn nhất của ông là tôi quay trở lại như cũ, ngoan ngoãn làm đứa con gái huy chương của ông, làm một giảng viên Đại học và yên bề gia thất để ông lại thấy an tâm và tự hào về tôi.
Nhưng khi tôi kiên quyết không đáp ứng ước mơ này của ông, bố tôi dần xa cách và tạo một bức tường chắn giữa tôi và ông. Dù không nói ra thành lời, nhưng những cử chỉ nhỏ của ông cho tôi biết ông không thoải mái và thấy khiên cưỡng mỗi khi phải chạm mặt tôi.
Giữa tôi và bố dường như có một bức tường vô hình, khiến hai bên không biết phải nói gì với nhau, không biết giao tiếp thế nào cho đúng. Ở rất gần nhau nhưng cảm giác rất xa cách, rất lạc lõng, rất khó nói nên lời. Đó chính là cảm giác khiến tôi bật khóc khi xem phân cảnh tương tự trong bộ phim hôm qua.
Tôi cũng đã ngừng cố gắng giải thích với bố về lựa chọn của mình. Tôi nghĩ tốt nhất là nên tách ra và để thời gian trả lời tất cả. Tôi sẽ quay về tự chăm sóc chính mình và cho bố thấy rằng tôi vẫn ổn khi đi trên con đường do tôi chọn. Có lẽ là đó là cách duy nhất để tôi có thể dần kết nối lại với bố mình.
Tôi không biết mình có làm được không, nhưng từ sâu thẳm bên trong, tôi mong muốn kết nối giữa tôi và bố sẽ không chỉ dựa trên những thành tích mà tôi đạt được, không phải là sự kết nối giữa một tấm huy chương và người đeo huy chương. Mà nó là sự kết nối sâu sắc và chân thật hơn như thế, giữa người bố và người con, trong cả lúc hoạn nạn và bình thường, với sự chấp nhận và yêu thương tuyệt đối.
Tôi hi vọng không phải mình đòi hỏi quá nhiều, nhưng đó là những mong mỏi thực sự của một đứa con như tôi, ít nhất là trong giai đoạn này.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất