Khoa học có phải vua của mọi nghề?
Trên thực tế, không phải học giả nào cũng là nhà khoa học, và đây chính là điểm mấu chốt để ta vạch lằn ranh giữa nhóm ngành nhân văn và các nhóm ngành khoa học.
Khi nhắc tới danh xưng “nhà nghiên cứu,” mọi người thường đánh đồng rằng đó cũng là một nhà khoa học. Trên thực tế, không phải học giả nào cũng là nhà khoa học, và đây chính là điểm mấu chốt để ta vạch lằn ranh giữa nhóm ngành nhân văn và các nhóm ngành khoa học.
Nhưng trước khi tìm hiểu sự khác nhau giữa hai nhóm ngành này, chúng ta cần phải hiểu tầm quan trọng của câu hỏi. Bởi nếu chỉ nhìn qua, ta tưởng như sự khác biệt này hiển nhiên tới mức gần như tự nhiên: rõ ràng ngành Lịch sử thì khác với Vật lý, Văn học thì khác Toán học. Nhưng đôi khi sự khác nhau không rõ ràng tới vậy, nhất là khi ta so sánh các ngành nhân văn với các môn khoa học xã hội như xã hội học hay kinh tế học.
Bên cạnh việc giải thích để phân biệt, câu hỏi trên còn muốn giải thích, định nghĩa ngành nhân văn từ một góc nhìn so sánh. Góc nhìn này quan trọng bởi việc so sánh cho ta thấy sự tương phản không chỉ về mặt lý thuyết, phương pháp luận, và những công việc chuyên môn khác, mà còn cả trong sự khác biệt giữa cách nhìn nhận thế giới của hai nhóm học giả.
Tuy nhiên, việc chỉ ra sự khác nhau không mang hàm ý phân biệt giữa một cái “đúng” với một cái “sai” hay “tốt” với “xấu”. Việc phân biệt là để hiểu rằng mỗi phương pháp, quan điểm, góc nhìn đều có thể sản sinh ra tri thức nếu nhà nghiên cứu biết mình đang làm gì, nhưng cũng góp phần đóng khung thế giới của không chỉ nhà nghiên cứu, mà cả những người tiêu thụ tri thức họ tạo ra.
Nhìn chung, cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, và nhân văn đều nhắm tới việc giải thích thế giới, giải thích các hiện tượng xung quanh con người. Sự khác nhau cơ bản giữa khoa học và nhân văn nằm ở góc nhìn về thế giới, phương pháp nghiên cứu, và thái độ của nhà nghiên cứu với đối tượng nghiên cứu và với công việc của mình.
Thế giới của khoa học
Khi nhắc tới khoa học, những thứ đầu tiên “nảy số” trong đầu nhiều người hẳn sẽ là các môn khoa học tự nhiên, những bộ môn nhắm tới việc tìm hiểu và giải thích về thế giới khách quan. Với các nhà khoa học, thế giới khách quan tách biệt với con người và có những quy luật vận động không bị chi phối bởi con người. Điều này thể hiện qua những nhận định mang tính “tự nhiên” về các hiện tượng ngàn năm vẫn vậy: mùa đông thì trời lạnh, không khí di chuyển từ nơi cao xuống nơi thấp, quỳ tím thì chuyển màu khi gặp axit,…
Ở chiều ngược lại, khi ta nói một ai đó, một điều gì đó, hay một sự việc nào đó là “không khoa học,” ý ta đang muốn nói rằng ta không thể hiểu người đó, điều đó, hay sự việc đó theo một suy luận logic mang tính hệ quả, hay không thể giải thích bằng những quy luật có tính “chung nhất” mà các ngành khoa học quan niệm.
Quả thật, nếu nhìn vào di sản của các ngành khoa học tự nhiên, ta sẽ thấy dường như các nhà khoa học hướng tới việc miêu tả một quy luật chung nhất, có tính phổ quát cho toàn nhân loại, và luôn đúng trong mọi hoàn cảnh văn hóa, mọi bối cảnh kinh tế-xã hội. Với quan niệm tương tự về một thế giới thực sự khách quan, các nhà khoa học xã hội cho rằng xã hội loài người có những quy luật vận động chung và có tính toàn cầu (universal). Bản chất của con người, theo họ, nằm ở những yếu tố như sắc tộc, giới tính, giai cấp,...
Vì thế, việc nghiên cứu của các nhà khoa học giống như đi tìm kho báu: nhà khoa học đi tìm manh mối thông qua việc quan sát, đo đạc để dò đường tới hang sâu tri thức, kiếm tìm một định luật nào đó của thế giới tự nhiên đang ở đó đợi để được tìm thấy. Khoa học coi thế giới khách quan là một thứ ở-ngoài-kia, tách bạch với con người, và có những quy luật vận động có thể chứng minh và cân, đo, đong, đếm bằng sự tri giác của con người cũng như các phương pháp khoa học. Đây là lí do vì sao mà khoa học rất thích số liệu, bởi chúng không nói dối họ. Phương pháp thực chứng và quan niệm về một thế giới có thể hiển lộ qua số liệu chính là kim chỉ nam trên chặng đường tìm kho báu.
Chính vì đang đi tìm những thứ “tự nhiên” và “khách quan”, nhà khoa học luôn coi mình khách quan với thực tại và với công việc nghiên cứu. Đối với họ, các trải nghiệm cá nhân không quan trọng, bởi những trải nghiệm đó – theo khoa học – không thấm vào đâu so với (và rồi cũng sẽ quy về) những quy luật chung nhất mà khoa học chứng minh. mục tiêu của các ngành khoa học là giải thích sự vận hành của thế giới và con người thông qua những quy luật có thể áp dụng, những hiện tượng có thể chứng minh, và những con số thống kê để bao quát và đại diện cho cái tổng thể. Nhà khoa học với lăng kính khoa học tiến vào một thực tại khách quan có sẵn ở đó, đợi họ tới, tìm hiểu, nghiên cứu, và giải thích.
Nhân văn: Multiverse of Madness
Nhìn chung, ngành nhân văn có bất đồng sâu sắc với khoa học ở gần như tất cả mọi phương diện. Không chỉ khác nhau về cách nhìn thế giới và phương pháp nghiên cứu, nhân văn còn rất bất bình với cách mà khoa học coi mình là khách quan và cứ thế phăm phăm tiến vào mà khai phá thế giới.
Nói một cách ngắn gọn, nhân văn quan niệm rằng thế giới khách quan không “khách quan” như chúng ta tưởng. Chúng ta không có cách nào để tiếp cận với thế giới khách quan một cách trực tiếp, như-nó-vốn-là, với ánh nhìn của Chúa (God like vision). Thế giới trong cách hiểu của chúng ta có nhiều phần can dự và kiến tạo của con người cũng như các thiết chế của nhân loại như ngôn ngữ, văn hóa, và thực hành sống. Thế giới khách quan mà chúng ta biết chỉ tồn tại khi có sự xuất hiện của con người, và khi con người tham gia vào quá trình xây dựng nên thực tại. Nói cách khác, nếu không có con người ở đó để tri nhận thực tại thì chẳng có điều gì được gọi là "thực tại" cả. Chính xác hơn, sự tồn tại của chúng ta thuộc về cái nội tại của thế giới, vì thế mọi tri thức con người có thể tạo ra phụ thuộc vào vị trí của họ bên trong thế giới ấy. Chúng không tồn tại độc lập đối với người diễn giải.
Có lẽ bạn đọc cũng đã dần nhận ra rằng ngành nhân văn đặt lăng kính của mình từ điểm nhìn của chủ thể người. Khác với quan điểm của khoa học, nhân văn thừa nhận sự quan trọng của trải nghiệm cá nhân trong thực tại và trong xã hội, đặc biệt là những trải nghiệm về mặt cơ thể. Với việc đặt trọng tâm vào trải nghiệm thế tục và không quan niệm về một thực tại duy nhất, thay vì tìm cách diễn giải thế giới như một thực tại có tính tự nhiên và đơn nhất như khoa học, nhân văn mô tả những thực tại có tính người, bởi với nhân văn, thực tại tới từ sự tri nhận và trải nghiệm của con người.
Rõ ràng mỗi cá nhân đều tri nhận và trải nghiệm thế giới theo những cách khác nhau, và nhiệm vụ của ngành nhân văn là thể hiện một thế giới đa hình, đa diện, và luôn vận động không ngừng với vô vàn khả thể khác nhau. Thực tại của anh không giống thực tại của tôi, tuy nhiên chúng ta lại đang cùng sống trong một “thực tại chung” với một không gian và thời gian nhất định. Việc của nhân văn không phải là nói thực tại của anh hay của tôi đúng hay sai, mà là dựa vào trải nghiệm của mỗi người diễn giải hai góc nhìn và chỉ ra cách tôi cùng anh tạo nên thực tại chung.
Việc đề cao các trải nghiệm cá nhân khiến số liệu trở nên không đáng tin trong những nghiên cứu thuộc ngành này, bởi chúng cào bằng thực tại, đánh đồng cả tôi với anh vào với nhau, và bỏ quên tính cá nhân của chính chủ thể nghiên cứu của nó. Số liệu không thể thỏa mãn mục tiêu thể hiện đa dạng thế giới quan của ngành này.
“The best of both worlds”
Việc so sánh hai ngành ắt có thể dẫn tới những phán xét mang tính đúng sai, tuy nhiên như đã khẳng định ở đầu, chúng ta không so sánh để phân biệt và phán xét. Ta làm vậy là để chỉ ra cách mà mỗi ngành sản sinh ra tri thức, và đóng góp phần việc của mình cho xã hội.
Không thể phủ nhận những đóng góp của các tri thức khoa học - chúng ta sẽ không ngồi đây ngày hôm nay nếu không có khoa học. Nhưng hành trình phát triển của kiến thức khoa học về con người, của công nghệ, công nghiệp, hay của những cách tổ chức và vận hành xã hội đã gây ra nhiều tác hại. Với tâm thế khoa học và khách quan, chúng ta tàn phá thiên nhiên, sử dụng tri thức để chống lại nhau và tuyên chiến lẫn nhau, xây nên những rào cản ngăn cách người đến với người. Tại đây, nhân văn bước vào như một sự hòa giải mối quan hệ giữa con người với thế giới, cũng như giữa con người với nhau.
Nhân văn làm việc đó trước hết bằng cách giúp con người hiểu mình qua những lăng kính mới: thay vì coi bản thân như một cơ thể sinh học với một bộ não, nhân văn giúp ta nhìn ra những tạo tác của con người trong thế giới tự nhiên, cũng như mối liên hệ giữa ta và chúng. Những tạo tác ấy là văn hóa, luật pháp, các lẽ thường (common sense), hay chi tiết hơn nữa là các thành tố như văn học, văn hóa đại chúng, âm nhạc, các sản phẩm thương mại, những vật dụng ta dùng hàng ngày,... Những tạo tác ấy phản ánh cách con người phản ánh với thế giới xung quanh, và khi tới lượt, chúng sẽ tác động ngược lại vào thực tại và kiến tạo nên thế giới của mỗi người.
Nhân văn còn giúp con người nhìn thấy sự khác nhau giữa mình và những người khác theo một cách không mang tính phân biệt. Tôi khác anh không phải vì màu da, sắc tộc, quốc tịch, hay giới tính, mà bởi mỗi chúng ta có những hành trình xã hội riêng, thuộc về những giai cấp và không gian văn hóa khác nhau nên có thế giới quan khác nhau. Sự khác nhau ấy không phải là bản chất mà là thứ được nhào nặn và liên tục thay đổi, tiến hóa để thích nghi với thế giới xung quanh.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất