Các bạn đều biết cảm giác ấy, khi có những ngày tuyệt vọng cùng cực, bạn và cuộc đời đã không dễ tha thứ cho nhau, thế nên khổ thì vẫn cứ khổ. Vậy chúng ta có thể làm được gì?

Bài viết là chút gợi mở cho những lúc như vậy.





Tác giả: Ralph Ammer
(Bài viết đã được biên dịch một phần cho thoát ý.)

************

Vào năm 1942, Albert Camus đã viết cuốn sách có tựa đề là “Thần thoại Sisyphus". Cuốn sách nói về một vấn đề triết lý thật sự quan trọng: Nếu hoàn cảnh ta bỗng dưng trở nên quá tồi tệ, liệu chúng ta có nên tự sát? Và đây là câu trả lời của ông:

Đầu tiên Camus mô tả những khoảnh khắc trong cuộc đời khi các ý tưởng của ta về thế giới bỗng dưng không còn hợp lý nữa, khi mà mọi thói quen thường nhật của ta – đi làm rồi trở về nhà – và tất cả những cố gắng của ta đều bỗng trở nên vô nghĩa và lầm đường lạc lối. Khi mà một người chợt bỗng cảm thấy lạ lẫm và tách biệt khỏi thế gian.

Khi đời ta bỗng trở nên vô nghĩa và mất phương hướng
Trong những thời khắc đáng sợ ấy của cuộc đời, ta lại cảm nhận rõ hơn sự phi lý của cuộc sống.

Lý lẽ + Thế giới không lý lẽ = Cuộc đời Phi lý

Cảm giác phi lý này là kết quả của một sự xung đột. Một mặt, chúng ta lập ra những kế hoạch hợp lý cho cuộc sống của mình, và mặt khác, chúng ta lại phải đối mặt với một thế giới không thể đoán trước, vốn chẳng như ta mong đợi.
Vậy phi lý là gì? 
Là tỏ ra hợp lý trong một thế giới bất hợp lý.


Đây là xung đột cơ bản mà chúng ta phải đối mặt thường xuyên. Một cảm giác căng mình chịu đựng khi những lý tưởng của ta về thế giới xung đột với trải nghiệm thực tế của ta qua thời gian.
Ta tin rằng người yêu sẽ không bao giờ ngoại tình hay rời bỏ ta, rằng chúng ta sẽ không bao giờ chán nhau, rằng công việc hay nền kinh tế sẽ luôn ổn định, rằng tất cả mọi người xung quanh sẽ luôn mỉm cười và nói tốt về mình... nhưng thực tế lại ít khi như vậy.
Vậy nếu lý trí tamột thế giới không lý lẽ là những thành phần quan trọng của cuộc sống, thì - Camus lập luận - chúng ta có thể “gian lận” để NÉ TRÁNH SỰ PHI LÝ bằng cách loại bỏ một trong hai cái.

1. Phủ nhận thế giới không lý lẽ

Cách thứ nhất, đó là lờ đi những thứ ta thấy trong cuộc sống của mình. Khi đối mặt với những chứng cứ rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể giả vờ rằng mọi thứ đều ổn và sống tiếp cuộc sống của chúng ta theo những mục tiêu dài hạn (nghỉ hưu, những đột phá quan trọng trong sự nghiệp, một thế giới bên kia, sự tiến bộ của nhân loại, v.v.). Camus nói, nếu chúng ta làm vậy, chúng ta sẽ không thể tự do hành động, vì tất cả hành động của ta sẽ phải mắc kẹt với những kế hoạch vĩnh cửu đó – những kế hoạch mà rất thường vỡ vụn khi rơi khỏi sườn dốc của một thế giới chẳng theo lý lẽ nào cả.

Sống bám vào niềm tin mù quáng
Tại thời điểm này, việc bám lấy các hình mẫu mà ta cho là hợp lý sẽ không còn hợp lý nữa. Chúng ta sẽ bị buộc phải sống trong sự phủ nhận; chúng ta sẽ phải sống bằng niềm tin.
(Khoảng 500 năm trước, tại châu Âu thời trung cổ, bạn bảo rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời thì bạn sẽ bị lên dàn hỏa thiêu vì vô đạo đức.
Hơn 100 năm trước, phụ nữ Trung Quốc từng sống với niềm tin rằng chồng chết thì mình cũng phải chết theo thì mới là có đức hạnh; hiện tượng này gọi là "tiết liệt".
Hiện nay, nhiều người Việt Nam vẫn còn tin rằng phụ nữ phải còn trinh trước hôn nhân thì mới là đạo đức. Đàn ông thì không cần.
Vậy bạn còn khăng khăng sống bám vô niềm tin của bạn và của xã hội không?)

2. Từ bỏ lý trí (sống bất cần đời)

Chiến lược thứ hai để tránh sự phi lý (của cuộc sống) đó là từ bỏ lý trí (lý lẽ), sống bất cần đời không biết ngày mai luôn. Camus đề cập đến các biến thể khác nhau của chiến lược này. Ông gợi ý cho ta các nhà triết học, những người tuyên bố lý luận là một công cụ vô dụng (Schestow, Jaspers), hoặc cho rằng thế giới này tuân theo một lý lẽ Thần thánh nào đó mà nhân loại đơn giản là không thể hiểu được (Kierkegaard). Thế là các triết gia này đề nghị chúng ta cứ sống tự do theo cảm xúc là được, không cần tuân thủ những quy tắc cứng nhắc và mang tính trói buộc của xã hội.

Sống bất cần đời
Cả hai cách nhằm trốn chạy sự phi lý này đều không được Camus chấp nhận. Ông gọi bất kỳ chiến lược nào nhằm phớt lờ vấn đề của sự phi lý đều là “tự sát về mặt triết học”.

Nổi loạn, Tự do và Đam mê

Vậy nếu “tự sát về mặt triết học” không phải là một lựa chọn, thế còn tự sát thực sự thì sao? Theo Camus, tự sát là không thể bào chữa về mặt triết học. Tự sát sẽ là một biểu hiện cực đoan của sự chấp nhận - chúng ta chấp nhận rằng lý trí con người ta mâu thuẫn với thế giới bất hợp lý. Và tự giết mình để bám lấy lý lẽ của ta – do vậy, là điều không thực sự hợp lý.
(Ví dụ chuyện bị bồ bỏ:
Bạn: "Tôi không thể sống thiếu anh/cô ấy được!"
Cuộc đời: "Bạn có thể sống thiếu người ấy, thậm chí hạnh phúc là khác. Ơ thế trước khi quen người ấy bạn không tồn tại à?" 
Và bạn quyết định kết liễu đời mình. 
Bạn phủ định thực tế là bạn đã từng tồn tại trên đời, từng sống hạnh phúc trước khi quen người ấy và hoàn toàn có thể hạnh phúc sau khi người ấy ra đi. Do vậy tự sát là không hợp lý tý nào.)
Thay vào đó, ông đề nghị chúng ta nên thực hiện ba việc sau:
1. Luôn nổi loạn: Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng cuộc sống là phi lý, tức chấp nhận đời sẽ không như ý ta một lúc nào đó. Vậy nên ta cần liên tục nổi dậy chống lại hoàn cảnh của ta và do đó giữ cho sự phi lý được tồn tại. Chúng ta không bao giờ nên chấp nhận sự thất bại, thậm chí không chấp nhận cái chết, mặc dù chúng ta biết rằng cái chết về dài hạn là không thể tránh khỏi. Luôn luôn nổi loạn là cách duy nhất để ta có thể tồn tại trên mặt đất này.
2. Từ chối sự tự do vĩnh hằng: Thay vì làm nô lệ cho các mô hình được cho là bền vững qua thời gian, chúng ta nên giữ lấy lý trí của mình, nhưng hãy nhận thức được những hạn chế của nó và áp dụng nó một cách linh hoạt tùy vào tình huống - hoặc đơn giản là: chúng ta nên tìm tự do ở đây và ngay bây giờ, chứ không phải trong sự vĩnh hằng.
3. Đam mê: Quan trọng nhất là chúng ta phải luôn có niềm đam mê với cuộc sống, yêu mọi thứ thuộc về nó, và cố gắng không sống tốt nhất có thể mà là sống trải nghiệm nhiều nhất có thể.
(tốt ở đây là sống có ý nghĩa, hợp với cách xã hội nghĩ ta cần phải vậy, ví dụ như da đen thì sẽ làm nô lệ ngoan, còn chúng ta thì sẽ làm công dân gương mẫu, vợ hiền, con hiếu thảo. Ở đây có thể thấy là Camus - ông đoạt giải Nobel Văn chương 1957 - đang muốn đánh sập lâu đài đạo lý của đương thời. Ông chính là nhân vật đại diện tiêu biểu cho nền triết học hiện sinh, và là người tiên phong của nền văn học phi lý. Những nền tảng triết lý này về sau đã góp công lớn cổ vũ phong trào giải phóng nhân loại, đặc biệt là cho giai cấp bị trị vào khoảng giữa thế kỷ 20.)

uyển chuyển, linh hoạt trong nhận thức

Một Người Phi lý là người hiểu cái chết của anh ta nhưng vẫn chấp nhận nó, biết sự giới hạn của lý trí mình, nhưng vẫn sống có lý trí; anh cảm nhận được niềm vui và nỗi đau của mình, mà vẫn chấp nhận trải nghiệm nhiều nhất có thể.


Nghệ thuật Phi lý - Sáng tạo không cần ngày mai


Albert Camus dành phần thứ ba của cuốn sách cho người nghệ sĩ nhận thức hoàn toàn về sự phi lý. Một người nghệ sĩ như vậy sẽ không bao giờ cố gắng giải thích hoặc củng cố các hệ tư tưởng được cho là vĩnh hằng, hoặc cố gắng xây dựng một di sản sẽ đứng vững trước thử thách của thời gian. Làm vậy chẳng khác gì phủ nhận tính cách bất hợp lý của thế giới.

người nghệ sĩ phi lý

Thay vào đó, ông ủng hộ người nghệ sĩ phi lý sống và sáng tạo trong chính hiện tại, người không chỉ trung thành với một ý tưởng mà còn là một chàng Don Juan của những ý tưởng , người sẵn sàng từ bỏ bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào chỉ để chuyển sang sự sáng tạo mang tính tình-một-đêm tiếp theo của mình. Nhìn từ bên ngoài, những nỗ lực đau đớn cho sự lụi tàn đó dường như là vô nghĩa - và "vô nghĩa" cũng chính là mục tiêu chính mà ông muốn nhấn mạnh! Biểu hiện của nghệ thuật sẽ khởi phát tại nơi mà lý trí kết thúc.

Tại sao Sisyphus là một người đàn ông hạnh phúc


Chúng ta đều biết câu chuyện Hy Lạp cổ đại về Sisyphus, người đã nổi dậy chống lại các vị thần và hậu quả là phải chịu sự trừng phạt. Anh bị kết án phải đẩy một tảng đá lên ngọn đồi, chỉ để thấy nó lăn xuống lần nữa, và cứ thế tiếp tục như vậy mãi. Camus kết thúc cuốn sách của mình bằng một tuyên bố gây ngạc nhiên và đầy táo bạo:

"Bạn phải tưởng tượng rằng Sisyphus đang hạnh phúc."


Ông cho rằng, Sisyphus chính là hình mẫu hoàn hảo cho chúng ta, vì anh ấy không ảo tưởng về tình huống hoàn toàn vô nghĩa của mình nhưng vẫn nổi loạn để chống lại hoàn cảnh. Với mỗi lần lăn xuống của tảng đá, anh lại đưa ra một quyết định có ý thức để làm lại lần nữa. Anh tiếp tục đẩy tảng đá đó và nhận ra rằng đây chính là tất cả những gì thuộc về sự tồn tại của anh: để thật sự sống, để tiếp tục đẩy tới.

(hết)
Cảm ơn mọi người đã đọc bài,
Tuệ Ngôn



Link bài gốc: (tất cả ảnh trong bài đều do tác giả Ralph Ammer vẽ)