Tôi có một người bạn ấu thơ rất thân thiết, đến nỗi người khác nhìn vào luôn bảo “chúng mày thân nhau như c*t với đ*t.” 
Ngày ấy, gần như không hôm nào là chúng tôi không cùng nhau. Nhà cách nhau có 200m, chúng tôi luôn cùng nhau học bài, đọc truyện tranh, xem phim, đạp xe rủ nhau đi học, giấu bố mẹ ăn những món chẳng béo bở gì như thịt hổ 2000 đồng, cùng nhau chia sẻ về những rung cảm thầm kín nhất của tuổi mới lớn. 
Với mối quan hệ ấy, tôi luôn cảm thấy, giá mà hai đứa thế này suốt đời, tôi chẳng cần gì khác, chỉ cần Bạn thôi. 
Bắt đầu từ lúc lên cấp 3, rồi lên đại học, chúng tôi bắt đầu bị chia cách: bị tách lớp, rồi học khác trường. Rồi Bạn có những mối gắn kết mới. Tình cảm của chúng tôi dần trở thành một điều gì đó lâu bền, nhưng không còn keo sơn nữa. Thỉnh thoảng cũng cập nhật cuộc sống của nhau, người nặng lòng hơn (có vẻ là tôi) vẫn thấy man mác buồn khi thấy nó có người yêu, nhưng tất cả đã không còn như trước...
Đôi lúc, tôi tự hỏi: Vì sao vậy? 
Thường thì trước đây, tôi chấp nhận cách lý giải rằng cả tôi và bạn đều đã thay đổi, hai đứa không còn là những đứa trẻ của ngày nào nữa. Thay đổi là tất yếu, xa cách là tất yếu. Và có lẽ, trên đời này rồi ai cũng trở nên gần như xa lạ với ta thôi.
Mãi cho đến gần đây, khi được dịp xem bộ phim “Lấy danh nghĩa người nhà,” tôi mới có thêm phần lý giải cho nguyên do tại sao những mối quan hệ từng thân nhạt dần.
Nguyên nhân căn cơ nhất có lẽ là bởi ta không còn là những người làm vườn cần mẫn, dành trọn thời gian của mình vun đắp cho hạt giống là những mối quan hệ. 
Hãy tạm coi những mối quan hệ với một hay nhiều cá nhân khác như những hạt giống, sinh ra từ sự tương tác ban đầu tình cờ nhất. Lúc này, hai trường hợp có thể xảy ra:
Hoặc là ta cho rằng hạt giống không đáng bận tâm, vậy là ta chọn bỏ qua nó. Và thường thì những hạt giống này sẽ chết, hoặc sẽ được “đóng băng” cho tới khi có sự va chạm tiếp theo.
Hoặc là ta sẽ chăm chút cho hạt giống, hy vọng nó vững vàng và lớn khỏe hơn. Khi đó, ta dồn thời gian, tiền bạc, công sức vào nó.
Đấy mới chỉ là câu chuyện đến từ phía ta. Tất nhiên, để một hạt giống phát triển cần sự chăm sóc của cả hai phía. Dưới tác động của ngoại lực, hay các yếu tố thiên thời địa lợi bên ngoài, nếu thiếu một trong hai, hoặc một trong hai bên quá mạnh và bên quá yếu, đều sẽ không đảm bảo được một cây lúa trưởng thành một cách lành mạnh nhất.
Hmm… Nhưng với sự tiến bộ của công nghệ ngày nay, ta không thiếu cách để cập nhật cuộc sống của nhau, tâm tình với nhau cơ mà. Đó không phải là một cách vun đắp ư?
Để trả lời, ta cùng quay lại quay lại câu chuyện của 3 anh em. Với nền tảng tình cảm vững bền, sau khi mỗi đứa mỗi phương trời, thì cả 3 vẫn đều trông ngóng ngày gặp lại nhau, cập nhật tình hình tin tức của nhau. Nhưng cách thức và nội dung đã không còn như hồi còn chung sống bên nhau nữa.
Tiến bộ của công nghệ, dù thu hẹp khoảng cách, nhưng vẫn không thắng nổi mối quan hệ được tiếp xúc trực tiếp hàng ngày. 
Và rồi, thời gian cùng những thứ mới mẻ và phức tạp của cuộc sống sau ghế nhà trường bắt đầu lấp đầy những nỗi nhớ, xóa nhòa và làm chúng gần như tan biến. “Ban đầu thì còn nhớ nhung, chờ đợi các anh trở về, nhưng đi lâu quá, cầu nối với nhau chỉ là những dòng chúc vào ngày lễ ngày càng ngắn dần, giờ chỉ còn nhớ là đã từng thân thiết với nhau. Mối quan hệ chỉ như những người họ hàng xa mà dịp Tết lâu lâu mới gặp. Chẳng còn mặn mà gì nữa.” Lý Tiêm Tiêm nói thế.
Khi xa cách, ta đắn đo về những trạng thái ta gửi cho bạn hơn. Những tin nhắn viết vội, vốn thể hiện cảm xúc tức thì nhất, dần được xóa xóa và thay thế bởi những dòng tin nhắn chỉn chu hơn, với suy nghĩ là bớt lòng vòng, bớt giải thích cho mất thời gian, bởi người kia cũng có hiểu được đâu.
Dần dà, ta cũng chỉ cập nhật với họ những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống, hoặc nói những câu chỉ để khiến họ an lòng. “Dạo này khỏe không?” “Vẫn khỏe.” Dù có đang gặp vấn đề đi nữa, ta cũng không muốn người ở chân trời kia lo lắng vô ích. Lo-lắng-từ-một-nơi-xa cũng đâu giúp giải quyết được vấn đề gì, mà lại còn mua thêm vấn đề. Và ta chọn không nói. Nhu cầu cần được chia sẻ với họ biến mất.
Ấy thế là ta chọn xa cách.
Cứ thế, cuộc trò chuyện chỉ rơi vào những câu trao đổi xã giao cơ bản nhất. Bạn hỏi chiếu lệ, tôi đáp chiếu lệ, với mong muốn không quá làm phiền tới cuộc sống của nhau nữa. Khi ta chọn không san sẻ cho nhau những nỗi buồn với nhau nữa, khi ấy ta chọn xa cách.
Với khoảng cách ngày càng lớn, cộng thêm những điều ưu tiên khác trong cuộc sống, như gia đình mới, sự nghiệp mới, bạn bè mới, mối quan hệ năm nào đi vào lãng quên.
***
Xem phim, lòng tôi chùng xuống rất sâu khi hồi tưởng về những mối quan hệ đã qua của mình, với tình tiết tương tự như trong bộ phim ấy. Tôi ngỡ ngàng và chợt nhận ra rằng nhiều thứ đã thực sự quá trễ… và tôi đã để nó ra đi như vậy đó. Nhưng vẫn còn những thứ tôi có thể vun trồng được, nếu tôi gắng sức, nếu tôi không muốn từ bỏ. 
Trước những mối quan hệ, tôi tự hỏi: Mình có sẵn sàng từ bỏ chúng không? Mình có yêu những người ấy không? 
Đáp án với tôi là không đối với những mối quan hệ máu mủ mà tôi vốn luôn coi như lẽ đương nhiên. Những mối quan hệ kiểu này mặc dù không thể đứt gãy được nhưng không có nghĩa là không héo tàn được. Vậy là, tôi bắt đầu nói chuyện với em trai em gái nhiều hơn, biết tặng quà cho bố mẹ vào ngày lễ, trân trọng những khoảng thời gian được cận kề bên gia đình. (Và thế là bỗng dưng những thứ từ đầy bực bội đầy bất hòa chuyển sang một trạng thái ôn hòa hơn khi ta hiểu giá trị lâu dài hơn là những vụn vặt trước mắt.)
Với những mối quan hệ ngoài gia đình, tôi chọn “cũng tùy.” Như tôi đã nói phía trên, ai rồi cũng sẽ phải sống cuộc sống của họ, và tôi sẽ chỉ chọn nuôi dưỡng mối gắn kết cùng những người quan trọng với tôi và sẵn sàng chọn tôi. 
Hơn tất cả, có một điều trong tôi đã nảy nở và bám rễ thật chặt vào cách tôi tương tác với những mối quan hệ mà tôi hy vọng là suốt đời đó: Thành tựu và sự an ổn mà ta chia sẻ với người khác có thể giúp họ an lòng, nhưng chính những trắc trở và mệt mỏi mới giúp ta được làm một con người chứ không phải siêu nhân nữa.
Biết vậy, tôi bắt đầu than phiền với Bạn của mình, lần đầu tiên trong suốt 8 năm qua. Cứ thế, tôi chọn được thấu hiểu.