Khi nào bạn biết mình đã sẵn sàng làm “chuyện ấy”?
“Mình quen nhau cũng 2 năm rồi, em… cho anh nha?” ...
“Mình quen nhau cũng 2 năm rồi, em… cho anh nha?”
“Nhưng em chưa sẵn sàng…”
“Thế khi nào em mới thấy sẵn sàng?”
Đúng, đến khi nào ta mới biết mình đã thật sự sẵn sàng cho chuyện ấy? Là khi bản thân có đủ thoải mái, tự tin về mình và tin tưởng đối phương?
Thực tế, quan hệ tình dục không đơn thuần là câu chuyện đưa mối quan hệ lên một bậc cao hơn hoặc chỉ nhằm thỏa mãn sự gần gũi, kết nối về mặt thể xác. Dù bạn đang cân nhắc cho lần đầu làm chuyện ấy hay bất kỳ lần nào sau đó, có nhiều điều để bạn và đối phương nên biết và xem xét, đặc biệt với một hoạt động đi kèm những rủi ro như mang thai ngoài ý muốn hoặc lây nhiễm bệnh tình dục.
Vậy đó là những điều gì? Hãy cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.
Danh sách câu hỏi bạn cần trả lời khi muốn biết liệu mình đã sẵn sàng cho chuyện ấy chưa (phiên bản rút gọn)
1/ Bạn và đối phương đã đủ 16 tuổi trở lên chưa?
2/ Bạn muốn mình quan hệ theo kiểu thế nào? Mong muốn ấy có giống với đối phương không?
3/ Bạn có muốn làm chuyện ấy vào lúc này, trong hoàn cảnh này, với người này không? Người đó cũng muốn làm những gì hai bạn sẽ làm bây giờ và với bạn không?
4/ Bạn hiểu rõ về những trải nghiệm, kết quả cũng như rủi ro mà chuyện quan hệ tình dục có thể dẫn đến không? Bạn thấy mình có thể chuẩn bị tốt cho những chuyện đó không? Còn người mà bạn sắp quan hệ: người đó đã biết và chuẩn bị chưa?
5/ Nếu biết được những rủi ro mà mình có thể tránh, như mang thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm bệnh, bị tổn thương…, bạn đã chuẩn bị sẵn sàng những gì mình cần làm hoặc sử dụng để phòng tránh chưa? Hay đối phương là người làm/sử dụng? Hai bạn có đồng ý với nhau về các cách hai người sẽ làm để bảo vệ chính mình không?
6/ Nếu rủi ro xảy ra (như mang thai ngoài ý muốn), hai bạn đã chuẩn bị đủ tinh thần, trách nhiệm và tài chính để giải quyết không?
7/ Bạn có cảm thấy an toàn với người này, và bạn cũng tạo cảm giác an toàn cho người đó không?
8/ Bạn có thật sự hài lòng về câu trả lời cho 7 câu hỏi trên không?
Nếu bạn trả lời “Có” ở câu thứ 8, bạn và người ấy có lẽ đã sẵn sàng để cùng nhau lên đỉnh… núi và có nhiều khả năng đem lại trải nghiệm cùng kết quả tích cực.
Nếu bạn nói “Không” ở câu thứ 8, một hoặc cả hai có thể cần dành thêm thời gian để suy nghĩ về các lựa chọn, xem mình nên thay đổi điều gì để hai bạn cùng nhau đi đến sự đồng thuận cuối cùng.
Danh sách câu hỏi phiên bản full HD
Quan hệ tình dục KHÔNG nhất thiết mang lại bất kỳ điều nào sau đây cho bạn hoặc người ấy:
+ Đảm bảo mối quan hệ trở nên gắn bó hoặc bền vững hơn hiện tại.
+ Mang lại cho bạn hoặc người ấy cảm giác sảng khoái, sướng đến rung trời lở đất.
+ Cảm thấy tuyệt vời và lãng mạn trong lần đầu tiên như trên phim.
+ Khiến bạn “người lớn” hơn, trở thành một người đàn ông hoặc phụ nữ thực thụ.
+ Khiến bạn bè nể trọng hơn.
Có nhiều điều bạn cần suy nghĩ trước khi quyết định xem chuyện quan hệ có phù hợp với bạn và người ấy không. Dưới đây là một số câu hỏi để bạn tự hỏi mình và người ấy.
Vì sao bạn muốn làm chuyện ấy?
Một trong hai người có cảm thấy mình:
+ Phải hoặc nên làm chuyện ấy xuất phát từ áp lực của đối phương hoặc bạn bè xung quanh?
+ Nghĩ tình dục sẽ giải quyết những rắc rối, mâu thuẫn trong mối quan hệ của hai người?
Nếu có, bạn hãy nhấn nút “tạm dừng”. Tình dục giữa hai người chỉ nên xảy ra khi đó là điều cả hai cùng nhiệt tình và tự nguyện mong muốn, không phải vì một bên nghĩ tình dục sẽ làm người kia hạnh phúc (hoặc khiến người đó ngừng năn nỉ ỉ ôi).
Một điều nữa có thể làm bạn nhấn nút “tạm dừng” nếu bạn đang mơ mộng về chuyện ấy sẽ như phim ảnh. Hãy nhớ lại bộ phim hoạt hình Tom và Jerry, Jerry lấy chiếc búa, to gấp 10 lần cơ thể, đập mạnh vào đầu Tom, nhưng sau đó Tom vẫn bình thường không bị thương gì. Bạn nghĩ điều đó có thể xảy ra trong thực tế không? Tương tự với nhiều cảnh làm tình trên phim truyền hình, điện ảnh hoặc pỏn; trong thực tế, tình dục không phải lúc nào cũng diễn ra trơn tru, lãng mạn và kết thúc hoàn hảo.
Mặt khác, nếu bạn đã ở bên người ấy đủ lâu (cụ thể bao nhiêu tháng thì tùy ở bạn), cảm thấy có ham muốn tình dục mạnh mẽ, cùng với kiến thức và kinh nghiệm vững chắc, mình vẫn mong bạn tự xác nhận một lần nữa. Rằng lý do bạn muốn quan hệ với người ta là thực sự vì tình dục chứ không phải vì, ví dụ như muốn kiểm soát hoặc sở hữu đối phương, lấy tình dục để níu kéo hoặc củng cố mối quan hệ hay muốn khẳng định mình.
Bạn muốn làm chuyện ấy vì ai?
Nếu bạn muốn làm chuyện ấy vì mình và đối phương; người kia cũng thế thì thật tuyệt vời.
Nhưng nếu bạn làm tình chủ yếu vì người khác, không phải cho chính bạn, hoặc CHỈ cho chính bạn, hãy nhấn nút tạm dừng.
Quan hệ với một ai đó không nên chỉ để tự thỏa mãn mình; hãy để thủ dâm làm công việc này. Mặt khác, nếu bạn bè nói rằng bạn đã từng tuổi này, nên trải nghiệm để “trưởng thành” hơn nhưng lại không hiểu về mối quan hệ của bạn hoặc nhu cầu của riêng bạn, đừng nghe họ.
Bạn mong đợi điều gì từ chuyện ấy?
Như mình đã nói ở trên, tình dục trong thực tế khác xa phim ảnh. Nó không như những gì chúng ta mong đợi, cho dù sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế là tích cực, tiêu cực hay một thứ khác.
Thông thường, với tình dục, chúng ta càng ít mong đợi thì càng nhận được nhiều hơn. Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy tình dục có tác động tích cực đối với sức khỏe, nhưng nó không phải là phương pháp chữa bệnh kỳ diệu cho bất cứ điều gì. Tình dục có thể là một lời khẳng định tuyệt vời và chân thật về mức độ thân mật, gần gũi về thể xác và cảm xúc; miễn là bạn sẵn sàng, không lãng mạn hóa hay có những kỳ vọng quá mức về tình dục.
Hơn nữa, chuyện làm tình giữa bạn và người ấy có xu hướng trở thành tấm gương phản chiếu mối quan hệ của hai người: nếu nó tồi tệ, tình dục cũng không vui vẻ là bao và chẳng cải thiện mối quan hệ.
Bạn có chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết mọi khía cạnh trong quan hệ tình dục không?
Có 4 khía cạnh bạn cần xem xét trước khi quyết định quan hệ tình dục, đó là: tình trạng mối quan hệ, thể chất, cảm xúc và vật chất.
Tình trạng mối quan hệ:
1/ Bạn có thể thoải mái bày tỏ mong muốn, nhu cầu và giới hạn của mình không?
2/ Bạn tin tưởng, tôn trọng giới hạn đối phương và đối phương cũng như vậy?
3/ Bạn thấy mình có thể tự quyết định những gì mình muốn mà không bị tác động bởi người khác không? (từ bạn bè, gia đình, người quen, người yêu)
4/ Tình dục, dưới bất kỳ hình thức nào, đều là do hai bên tự nguyện lựa chọn chứ không phải là một yêu cầu?
5/ Bạn có cảm thấy thoải mái khi thân mật với người ấy trong tình trạng không mảnh vai che thân không?
6/ Bạn quan tâm đến sức khỏe, cảm xúc và hạnh phúc của đối phương không chỉ bằng lời nói mà còn thể hiện qua hành động? Tình dục cho đến nay đều là niềm vui chung của cả hai, không chỉ một trong hai?
7/ Bạn không sử dụng tình dục để cố gắng kiểm soát hoặc thao túng đối phương theo bất kỳ hình thức nào?
8/ Bạn có cảm thấy mức độ trưởng thành về cảm xúc và kiến thức của đối phương và bạn tương đương nhau, đủ để cả hai có thể tương tác trong tình dục một cách lành mạnh và bình đẳng?
9/ Bạn có hiểu rõ thế nào là đồng thuận và không đồng thuận trong tình dục không?
Khía cạnh cảm xúc:
1/ Bạn có hoàn toàn chịu trách nhiệm về cảm xúc, mong đợi và hành động của chính mình không? Ngược lại, đối phương cũng như vậy?
2/ Cả hai có thể đối phó với việc thất vọng, bối rối hoặc khó chịu khi làm chuyện ấy không?
3/ Bạn nhận thức được tình dục và tình yêu có thể tồn tại song song nhưng chúng không giống nhau? Bạn không sử dụng tình dục để chứng minh hoặc níu kéo tình yêu?
4/ Bạn hiểu quan hệ tình dục có thể khiến mối quan hệ hiện tại trở nên tốt hơn hoặc xấu đi? Bạn thấy mình có thể đối phó với bất kỳ thay đổi nào có thể xảy ra sau khi quan hệ, dù tốt hay xấu?
5/ Bạn đã sẵn sàng đối mặt với phán xét từ xã hội hoặc văn hóa vì những lựa chọn hoạt động tình dục của mình chưa?
6/ Bạn thấy mình có thể bình tĩnh để đối phó với nỗi lo mang thai ngoài ý muốn, bệnh tật, nhiễm trùng hoặc cái lắc đầu từ chối của đối phương không?
7/ Bạn cảm thấy mình đang trong trạng thái cảm xúc lành mạnh để quan hệ tình dục với người khác một cách lành mạnh không?
Khía cạnh thể chất:
1/ Bạn hiểu những kiến thức cơ bản về giải phẫu cơ thể nam và nữ, cũng như kiến thức về giới tính, bệnh tình dục và sinh sản?
2/ Bạn hiểu rõ khi nào mình bị kích thích, khi nào thì không?
3/ Bạn biết các cơ sở y tế uy tín khi muốn kiểm tra sức khỏe tình dục?
4/ Bạn quen thuộc với cơ thể người tình và người ấy cũng vậy?
5/ Bạn có thể thư giãn khi âu yếm với nhau mà không sợ hãi, lo lắng hay xấu hổ?
6/ Bạn có thể đối phó với sự khó chịu nhẹ về mặt thể chất có thể thỉnh thoảng xảy ra? Và nếu bạn có bất cứ cơn đau nào dai dẳng, không rõ nguyên do, bạn cũng biết cách xử lý?
Khía cạnh vật chất:
1/ Bạn có thể sử dụng bao cao su nếu muốn và biết dùng đúng cách? Đối phương cũng tôn trọng mong muốn của bạn mà không ngăn cản việc dùng bao cao su?
2/ Nếu một trong hai thấy khó chịu khi dùng bao cao su, cả hai sẽ sử dụng biện pháp tránh thai thứ hai?
3/ Cả hai hiểu rõ mặt lợi, hại và mức độ hiệu quả của từng biện pháp tránh thai?
4/ Bạn hoặc đối phương có đủ tiềm lực tài chính để sử dụng trong trường hợp chi trả cho chi phí dùng biện pháp tránh thai (như bao cao su, thuốc tránh thai hàng ngày, tiêm tránh thai…), xét nghiệm bệnh tình dục, khám phụ khoa, mang thai…?
Nếu bạn chưa sẵn sàng thì sao?
Nếu bạn cảm thấy bạn hoặc đối phương không thể giải quyết ngay cả những điều cơ bản nhất trong danh sách trên, như thực hiện tình dục an toàn, sử dụng biện pháp tránh thai hoặc tạo ra và tôn trọng ranh giới của nhau, bạn nên làm gì?
Trong trường hợp này, có lẽ cách tốt nhất là bạn nên tạm dừng chuyện quan hệ ngay bây giờ. Bạn sẽ bảo vệ được sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn cũng như đối phương. Điều này cũng đảm bảo khi bạn quyết định quan hệ thì đó là lúc bạn thực sự thấy thích, muốn và cảm thấy hài lòng sau đó.
Không có nghĩa lý gì khi bạn lao vào một thứ mà nó có thể làm bạn bị tổn thương, khiến cuộc đời bạn rẽ sang một lối khác và chưa chắc cái đang đợi bạn ở đó là hạnh phúc hay đau thương.
Nguồn thông tin từ: Scarleteen.
.Ngưn.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất