"Sao có mỗi chuyện đấy mà cứ suy nghĩ nhiều xong mất thời gian linh tinh buồn vào làm gì?"
"Đi thi ai chả như con, cả phòng thi đều làm đề như thế, có những trải nghiệm như thế chứ có phải mình con đâu?"
"Tao đã dành hết những điều tốt đẹp cho mày, không tiếc mày cái gì rồi mà mày vẫn không biết ơn".
...
...
Đấy là một trong hàng nghìn vết dao bố mẹ găm vào mình kể từ khi mình còn là một đứa trẻ đến tận bây giờ. Mình đắn đo lắm khi viết những dòng này, vì mình sợ mình là đứa trẻ hư, dám nói những điều không hay về bố mẹ. Nhưng hôm nay, dù có còn một đống bài tập, mình vẫn quyết định viết hết ra vì dường như mình chỉ còn nơi đây để trút được nỗi lòng mình.
Trong cuốn "Looking after your mental health" của tác giả Alice James & Louie Stowell, mình có nhớ được một đoạn thế này (vì mình không nhớ chính xác 100% nên không cho trong ngoặc kép): Khi ai đó có những cảm xúc tiêu cực như lo âu, buồn bã, chán nản và họ tìm đến bạn để chia sẻ, nếu chưa có cách giải quyết cho họ ngay, bạn nên làm những việc sau để giúp họ phần nào nhé:
1. Lắng nghe họ nói, vì có thể lúc ấy, điều họ cần chỉ là được lắng nghe mà thôi.
2. Đừng cắt lời họ, hãy để họ được giải tỏa hết những suy nghĩ, nỗi lo và cảm xúc của bản thân ra.
3. Đừng bàn tán, xì xào, nói xấu họ sau lưng họ, vì họ thực sự phải dũng cảm lắm mới có thể chia sẻ được những điều tận sâu đáy lòng mình ra với bạn, và bạn nên tôn trọng điều đó.
3 điều tưởng chừng như đơn giản đó, cả bố mẹ mình đều không làm được một điều nào.
Xuyên suốt cuốn sách nói về việc làm thế nào để chăm sóc sức khỏe tinh thần, làm thế nào để có thể kiếm tìm sự trợ giúp khi bản thân thấy không ổn ấy, điều đầu tiên mà tác giả luôn luôn gợi ý, đó là tìm kiếm sự trợ giúp từ những người thân, những người lớn trong gia đình. Mình đọc xong mà chỉ biết cười trừ, vì 19 năm qua, tinh thần của mình có thể vững vàng được như bây giờ, đều là nhờ có những người bạn luôn ở bên giúp mình vực dậy mà thôi.
Bố mẹ mình quan tâm mình lắm, lo cho mình từ bữa ăn đến giấc ngủ, từ sức khỏe đến chuyện đi học, đi làm. Sợ mình đi làm tối tan muộn còn lái xe đi đón mình nữa. Mẹ mình là giáo viên, mẹ dạy mình học từ ngày mình còn bé đến tận năm mình học cấp 2. Có tự hào về bố mẹ không? Mình có chứ, vì nhờ có sự dạy dỗ nghiêm khắc của bố mẹ, mình mới ý thức được tầm quan trọng của việc học, để mà nhắc đến thành tích học tập của mình từ lúc đi học đến giờ, kể mãi cũng không hết.
Nhưng dường như... Mình cố gắng mãi cũng không đủ thì phải. Ngoài hàng tỉ yêu cầu và những câu nói khiến mình cảm thấy tổn thương của bố mẹ mình, có 2 khoảnh khắc mà hằn sâu vào trong mình, đến khi nhắc lại mỗi lần, mình chỉ biết khóc tức tưởi.
Khoảnh khắc đầu tiên là 2 năm trước (năm 2020), khi nhận kết quả thi Đại học, mình được 27 điểm và khỏi phải nói, với điểm đấy và kết quả xét tuyển học bạ thì mình chả lo không đỗ trường nào. Nhưng câu đầu tiên bố mình nói không phải là chúc mừng mình, không phải bảo mình đã làm tốt rồi, mà lại là "Điểm tiếng Anh được thế thì phí nhỉ?", dù mình biết tiếng Anh đáng lẽ nên là môn mình đạt điểm cao nhất.
Rồi đến tháng 2 năm nay, khi mà cả nhà ngồi nói chuyện về định hướng học tập, nghề nghiệp trong tương lai của mình, chỉ mới sau 2 ngày mình đạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp, mẹ mình nói :"Tao không biết là giờ trình độ mày ở đâu hay mày chỉ ảo tưởng. Có khi ý tưởng đấy của nhóm mày và mày chỉ việc thuyết trình thôi nên mày cứ nghĩ mày cũng giỏi với cái giải Nhất ấy".
Đau lắm ấy, vì những lời ấy thốt ra từ bố mẹ mình, chứ không phải kẻ thù, hay không phải những người ganh ghét mình. Hằng ngày, chuyện gia đình mình cứ kể mãi, kể mãi không bao giờ hết và mình đã quá quen với cái cảnh bố mẹ không bao giờ có cái nhìn hài lòng về mình rồi.
Nhưng chả sao? 19 năm qua vẫn thế, mình vẫn vượt qua được đấy thôi, mình làm bằng cách nào vậy nhỉ? Trong khi có bao nhiêu vụ việc áp lực rồi tự tử, và nhiều lúc mình cũng đã nghĩ đến việc, hay mình chết quách đi cho xong, vậy mà mình vẫn ngồi đây sau tất cả. Mình đã làm gì vậy nhỉ?
1. Khóc, khóc và khóc.
Đây là lý do vì sao mình rất hay khóc, đi đường nhớ ông nội, khóc. Nói chuyện mà tức quá, không diễn đạt nổi ý của mình, khóc. Bị mắng, khóc.
Có thể người ngoài nhìn vào và nghĩ mình yếu đuối, lãng phí nước mắt, hở ra là lấy nước mắt ra làm ích. Nhưng với mình, những giọt nước mắt là cách khiến mình có thể trút hết mọi cảm xúc tiêu cực ra. Mình không giữ lại gì hết, không nhẫn nhịn, cam chịu gì hết mà thay vào đấy mình được khóc, khóc ngon lành, khóc đến khi những năng lượng tiêu cực kia cứ thế tuôn hết ra ngoài theo dòng nước mắt.
2. Tâm sự, chia sẻ và tụ tập.
Mình may mắn lắm, vì mình có rất nhiều bạn. Ai mình cũng chơi, ai mình cũng yêu quý và mình coi tất cả mọi người là bạn của mình. Có thể người khác cho rằng mỗi người chỉ cần có cho mình 1 đến 2 người bạn thân là đủ, nhưng với mình, mình có đến 7 người bạn thân, và hàng chục người bạn khá thân, và hàng chục người bạn hơi hơi thân khác.
Mình còn nhớ hồi chưa có Covid, mình mà bực chuyện gia đình xong mà được đi học, được đi gặp bạn bè, mọi nỗi bực dọc, buồn tủi của mình dường như tan biến hết. Chỉ cần được hòa vào với mọi người xung quanh, năng lượng tích cực của mình như được căng tràn trong cả cơ thể, nên khi ra ngoài, bao giờ mình cũng cười, bao giờ mình cũng vui. Ai cũng bảo sao mày vui thế, "tăng động" thế mà không hề hay biết rằng, có những người bạn xung quanh như thế làm mình thực sự hạnh phúc.
Để rồi Covid đến, mình bị nhốt ở nhà, không được gặp bạn bè nữa. May là còn mạng xã hội, có chuyện gì là gọi điện cho hết đứa bạn này đến đứa bạn khác, nhắn tin cho hết đứa này đến đứa khác để kể lể, tâm sự. Vậy mà tất cả đều nghe, ai ai cũng kiên nhẫn nghe, rồi cùng nghiền ngẫm, suy đi tính lại rồi đưa cho mình những lời khuyên chân thành nhất.
Nên ở khía cạnh bạn bè, mình thấy mình may mắn thật ấy...
Mình biết, không chỉ có mình, còn hàng trăm, hàng nghìn người ngoài kia đang có những vấn đề riêng, không hòa hợp nổi với gia đình. Và nếu như đã được nghe tư vấn không biết bao nhiêu giải pháp rồi mà mọi chuyện vẫn không tốt lên, mọi người sẽ làm gì?
Hiện tại, là mình đang kệ rồi. Không phải mình buông xuôi, không phải mình không thèm giải quyết với bố mẹ mình nữa. Mà mình nhận ra, có những chuyện càng tìm cách giải quyết, nó sẽ càng tệ hại, trầm trọng hơn thôi. Nên hãy chấp nhận nó, rằng mình sẽ mãi không hoàn hảo trong mắt bố mẹ, rằng mình sẽ cố gắng sẽ không bao giờ là đủ. Vì với mình, dù có bao nhiêu tổn thương bố mẹ gây ra cho mình đi chăng nữa, thì mình vẫn có những chỗ dựa vững chắc khác, vực mình dậy sau mỗi khó khăn, để rồi khi vực dậy được, mình lại mạnh mẽ gấp nhiều lần để mà cố gắng tiếp dù cho bố mẹ có cho là nó không đủ đi chăng nữa. Nhưng mà, cố gắng tiếp được thay vì dừng chân lại chịu thua thì vẫn hơn nhỉ?