Tôi phải rất đắn đo khi viết ra những lời này, vì bác Trọng đã mất rồi. Một người với đức độ như vậy, và địa vị như vậy khi mất, thì người ta có thể viết được cả vạn điều về sự cống hiến của bác, cả ngàn điều về những gì bác đã làm cho dân tộc.
Thế nhưng đối với tôi, tôi không cảm thấy những điều lớn lao như vậy.
Vì thú thực, tôi chỉ là một người tầm thường, tôi đâu có hiểu được những thứ quá to lớn. Việc tăng trưởng kinh tế, liệu rằng người khác đứng đầu Đảng, thì liệu tốt hơn hay kém hơn bác, cũng chẳng ai mà biết được, vì chúng ta đều bị thiên kiến về lịch sử cả.
Nhưng đối với tôi, việc bác Trọng ra đi, để lại cả một sự chiêm nghiệm lớn lao, và từ chiêm nghiệm đó, là một khát vọng cũng rất lớn lao về cuộc đời sắp tới của tôi.
<i>Về thói sống ích kỷ vật chất</i>
Về thói sống ích kỷ vật chất

Điều thứ nhất, về cái chết

Không có khoa học nào thực sự là khoa học, khi loại bỏ sự chết khỏi sự sống, vì chính sự sống đã bao gồm sự phủ định của chính nó, là sự chết rồi.
Đã rất lâu rồi, tôi không còn đau buồn vì cái chết, vì chết là một sự hiển nhiên, đôi khi còn là cái tốt. Nhưng nỗi buồn đó đôi khi vẫn thường trực như một khái niệm lịch sử. Từ Đinh Lý Trần Lê, bao đời xây nền độc lập, từ những cha anh đã mất trong hai cuộc kháng chiến gần đây. Chúng ta tin rằng họ đã sống, sống như chính chúng ta của bây giờ. Họ, cũng như chúng ta, đều thấy được tiến trình lịch sử, nhưng không thể thấy được tương lai.
Liệu những người đã từng tham gia kháng chiến trước đây, bao nhiêu người có thể thấy được đất nước đẹp như hôm nay, bao nhiêu người thấy được đất nước có cơ đồ như hôm nay?
Nói rộng hơn, bao nhiêu người sinh từ năm 50 của thế kỷ trước còn sống đến hiện tại để mà thấy được những phát triển thần kỳ của khoa học kỹ thuật, thấy những điều kỳ diệu mà loài người có thể làm được, cũng như có chút lo lắng về những trào lưu kệch cỡm mà người ta đâm đầu vào?
Ngay cả thế hệ ngày nay thôi, khi nghĩ về lịch sử, cũng có chút gì đấy đáng tiếc. Chúng ta ở ngay hiện tại, học rõ ràng về những gì đã trải qua, nhưng chúng ta cũng tiếc cho mai sau, vì có thể ta sẽ chẳng bao giờ biết được loài người sẽ đi tới đâu. Bản thân chúng ta ở thời điểm hiện tại, cũng như cha ông ta ở những năm đầu thời Đinh vậy, hiện tại thì tốt thật đấy, nhưng ai mà ngờ được chỉ ngàn năm sau, Việt Nam lại phát triển đến bực này. Hoặc cũng có thể, chúng ta như trung bình người Phổ thời trước, ai biết đâu, một đế chế hùng mạnh lại có thể kết thúc.
Bác Trọng mất đi, lại càng làm những suy nghĩ trên của tôi trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nhưng tôi cũng được an ủi rất nhiều, vì bác mất đi trong giai đoạn đất nước đang hùng cường, bác sinh ra cùng với lịch sử, từ khi đất nước còn trong giai đoạn tro tàn của chiến tranh, đến được ngày hôm nay. Tôi cho rằng không còn gì phải hối tiếc nữa.

Điều thứ hai, về sự sống

Điều thứ hai từ sự ra đi của bác mà tôi cảm nhận được rất rõ ràng, đấy là thái độ của bác về sự sống.
Bác Trọng gói bánh cùng gia đình
Bác Trọng gói bánh cùng gia đình
Cuộc sống hiện đại, quá ích kỷ. Người ta cho rằng cuộc sống phải có nhà, phải có xe. Người ta cho rằng phải có của để đời, mà cũng chẳng buồn bận tâm đến việc của để đời đấy là cái gì?
Thanh niên, đôi khi phải tìm kiếm bộ quần áo nào đấy mặc cho ngầu, tìm kiếm cái vòng tay nào đó để đeo trông cho nam tính.
Trung niên, người ta lại bắt đầu đua xem đi xe gì, mặc vest thế nào cho thật "sa tò", đồng hồ nào mới thể hiện đẳng cấp.
Có tiền thêm một chút, lại đi theo cái gì mà "kiến thức - kinh nghiệm - trải nghiệm". Ăn bát mì thôi, nhưng là phải ăn trong cái bát "Phút Bkhẹc" cả trăm triệu.
Họ quên rằng, nam tính chính là do khí chất, đẳng cấp chính là do trình độ. Tất cả các thứ khác chỉ là những thứ ngụy tạo rẻ tiền. Ngay cả chức tước, cũng chỉ là áng phù vân mà thôi.
Thử hỏi, bác Trọng, ở tột đỉnh về vị trí cũng như quyền lực chính trị, bác đi xe gì, bác đeo đồng hồ mấy tỉ? Bác ở mấy cái villa? Bác có mấy cái biệt thự "kiến thức - kinh nghiệm - trải nghiệm"?
Tự dưng, tôi như nhận ra rằng, tiền bạc, và những thức vật chất chẳng phải là đích đến của đời người. Tự tôi cũng muốn sống một cuộc đời thẳng thắng, cương trực và liêm khiết.
Trước bác, có rất nhiều người đã ra đi một cách liêm khiết. Nhưng ở thời đại của họ, họ không có sự lựa chọn nào khác, còn với bác, chỉ một chữ ký, một câu nói, có thể đem lại nguồn tiền tài vô tận. Nhưng bác không chọn điều đấy.
Thứ bác để lại, là sự khát vọng về công bằng, khát khao độc lập tự cường, khát khao tự chủ. Chính cuộc đời bác như một tấm gương sáng, quét sạch những nhớt nhát dơ bẩn của những phong trào kỳ quặc mới nổi lên trong giai đoạn gần đây.
Trên đây là những điều tôi cảm nhận, tôi muốn chia sẻ nó tới mọi người, và liệu rằng, trong vài chục năm tới liệu chúng ta có thể gặp những người, mà tự tin nói rằng, chúng ta được thấm nhuần và ảnh hưởng bởi tấm gương Nguyễn Phú Trọng hay không?