Người biểu tình Hàn Quốc đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức, tháng 11/2016. Ảnh: Reuters.
Người biểu tình Hàn Quốc đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức, tháng 11/2016. Ảnh: Reuters.
Honjok, trong tiếng Hàn Quốc, có nghĩa là một bộ lạc cô đơn.
Từ này được dùng để gọi tên giới trẻ Hàn Quốc khi kinh tế nước này vừa hồi phục sau Khủng hoảng tài chính năm 2008.
Honjok mô tả một thế hệ thanh niên thích việc ăn một mình (honbap), uống một mình (honsul), hay đi du lịch hoặc xem phim một mình (honnol). Trên tạp chí Vogue, Monica Kim viết, họ thích dành nhiều thời gian cho bản thân hơn và buông bỏ mọi thứ xung quanh. Áp lực về việc lập gia đình và kiếm tiền đã làm cho họ cảm thấy căng thẳng và không còn muốn quan tâm cái nhìn của người khác về bản thân. Thế hệ honjok này tôn vinh lối sống cá nhân như một cách phản kháng trước các chuẩn mực truyền thống.
Chân dung của thế hệ honjok qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Nina Ahn. Ảnh: Nina Ahn’s&nbsp;<a href="https://www.flickr.com/photos/hjnina/?ref=luatkhoa.com" target="_blank">flickr</a>.
Chân dung của thế hệ honjok qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Nina Ahn. Ảnh: Nina Ahn’s flickr.
Cùng với lối sống cô đơn, giới trẻ tìm nhiều cách để quên đi sự chán nản. Một trong những cách tiêu biểu của thanh niên Hàn Quốc là tiêu xài “không quan tâm ngày mai” (shibai biyong). Thuật ngữ này kết hợp giữa từ shibai (một từ chửi thề) và từ biyong (chi tiêu). Shibai biyong xuất hiện lần đầu trên một dòng tweet vào cuối năm 2016 mô tả cảm giác căng thẳng nếu không thể chi tiền cho các nhu cầu của mình. Nó lập tức gây chú ý và được một số tờ báo Hàn Quốc bình chọn là “từ mới của năm”.
Honjok và Shibai biyong trở thành hai từ khoá quen thuộc cách đây vài năm, bày tỏ sự tuyệt vọng của giới trẻ khi cuộc sống ở Hàn Quốc đang ngày càng trở nên vượt quá sức chịu đựng của họ.
Nỗi thất vọng của họ càng được khắc họa rõ ràng hơn thông qua sự lan truyền trên mạng xã hội của cụm từ Hell Joseon, nghĩa là “địa ngục”. Cụm từ này xuất phát từ việc phân tầng giai cấp trong thời đại Joseon. Trong khi những người thống trị có đầy đặc quyền, những người ở tầng lớp thấp hơn sẽ bị bóc lột và không có tiếng nói.
Thanh niên Hàn Quốc thuộc tầng lớp “thìa đất” (heulgsujeo), những người sinh ra trong gia đình thu nhập thấp và không thể vươn lên trong xã hội, sử dụng tiếng lóng này nhằm châm biếm tầng lớp “thìa vàng” (geumsujeo), những người xuất thân giàu có và được thừa hưởng các đặc quyền từ nhỏ. Họ có lối sống xa hoa, tiến thân nhanh hơn trong công việc và không bao giờ sợ thất nghiệp với sự giúp đỡ về tiền tài và địa vị của cha mẹ.
Ăn một mình, ngủ một mình. Chân dung thế hệ Honjok qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Nina Ahn. Ảnh: CNN.
Ăn một mình, ngủ một mình. Chân dung thế hệ Honjok qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Nina Ahn. Ảnh: CNN.
Mức độ phổ biến và lưu truyền rộng rãi của thuật ngữ này đã đưa đến các cuộc tranh luận công khai trong dân chúng về những khó khăn hiện nay mà xã hội đang đối mặt. Ngay cả các chính trị gia Hàn Quốc cũng liên tục sử dụng hell joseon trong các phiên điều trần tại Quốc hội năm 2015. Thậm chí, nó còn được ưu tiên sử dụng trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Xanh năm 2016.
So với Nhật Bản, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục vào khoảng 12,5% trong tháng 2/2016, cao gấp ba lần tỷ lệ thất nghiệp quốc gia và khoảng một phần ba số thanh niên được tuyển dụng chỉ có công việc tạm thời hay thời vụ.
Ngay cả đối với bộ phận thanh niên có việc làm, tiền lương của họ vẫn không tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế của đất nước, trong khi đó, mức sống ở các thành phố lớn như Seoul, Busan ngày càng trở nên đắt đỏ . Trong vòng 5 năm trở lại đây, tiền lương chỉ tăng trung bình khoảng 1,34%, gần bằng một nửa tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình (2,96%).

Cuộc cách mạng từ một bức tâm thư

Sự bất mãn trong giới trẻ cứ lớn dần lên và bùng nổ với sự xuất hiện của một bức tâm thư. Đầu tháng 12/2013, sinh viên Ju Hyun-u đính hai tờ giấy kín đặc chữ viết tay lên bảng tin của trường Đại học Hàn Quốc danh giá. Bức thư bắt đầu bằng câu hỏi: “Bạn có ổn không?”
Sinh viên Đại học Hàn Quốc trong một cuộc tập trung vào tháng 12/2013. Ảnh: Kim Bong-gyu/Hankyoreh.
Sinh viên Đại học Hàn Quốc trong một cuộc tập trung vào tháng 12/2013. Ảnh: Kim Bong-gyu/Hankyoreh.
Theo Al Jazeera, Ju nêu lên một loạt các vấn đề trong nước, bắt đầu bằng việc sa thải hơn 4.000 công nhân vì họ phản đối quyết định tư nhân hoá công ty đường sắt Hàn Quốc (Korail). Anh lên án việc chính quyền loại bỏ những người bất đồng chính kiến. Anh viết về những người già đã tự tử để phản đối dự án điện hạt nhân ở những ngôi làng phía nam thành phố Miryang.
“Với tất cả những vấn đề đó, bạn vẫn nghĩ là mình có thể thờ ơ sao?”
Bức thư kết thúc bằng việc lặp lại câu hỏi một lần nữa. “Bạn có ổn không?”
Và gần như cả xã hội cùng đồng thanh trả lời “không”.
Chỉ trong vài ngày, các poster tương tự xuất hiện dày đặc trên các bức tường của trường Đại học Hàn Quốc và các trường khác. Một cuộc phản kháng bằng poster đã thành hình với những lời chứng, những yêu cầu của người trẻ trên khắp mọi miền. Thông điệp phản kháng lan truyền đi khắp nơi. Trên trang Facebook mà Ju Hyun-u lập ra có tên “Can’t be okay” (Không Ổn Nổi), số lượng người quan tâm tăng lên gấp đôi, gấp ba theo từng phút.
Người trẻ đồng thanh lên tiếng trước các vấn đề xã hội của Hàn Quốc. Ảnh: Can’tbeokay
Người trẻ đồng thanh lên tiếng trước các vấn đề xã hội của Hàn Quốc. Ảnh: Can’tbeokay
Phong trào này kết nối các thành phần trong xã hội một cách ấn tượng. Đến giữa tháng 12, những người dân làng ở Miryang đến Seoul để phản đối dự án điện hạt nhân bất ngờ thấy hàng trăm người trẻ tuổi bất chấp lạnh giá xuống phố để giúp sức. Những công dân trẻ này cũng cùng tham gia với công nhân trong cuộc biểu tình phản đối tư nhân hoá ngành đường sắt. Sự tham gia đầy tích cực này là lời khẳng định rằng giới trẻ không thờ ơ như mọi người vẫn nghĩ. Họ chỉ cần cơ hội để tham gia.

Giới trẻ vỡ mộng

Phong trào posters của sinh viên thể hiện sự bất mãn khi bị các đảng phái chính trị lãng quên. Họ cảm thấy tiếng nói của mình không được chính phủ lắng nghe, mặc dù các chính sách được đưa ra liên quan trực tiếp đến tương lai của họ.
Hàng loạt sự kiện xảy ra sau đó khiến cho sự bức xúc càng gia tăng. Mùa xuân năm 2014, chính phủ của bà Park Geun-hye đã không kịp xử lý thảm kịch phà Sewol, khiến cho 304/476 người thiệt mạng. Phần lớn nạn nhân là học sinh trung học. Các báo cáo tiết lộ rằng thảm kịch chìm phà xảy ra là do sự dung túng của nhà nước với doanh nghiệp tư nhân hàng hải, dẫn đến lỏng lẻo trong việc áp dụng các quy định an toàn.
Thêm vào đó là sự bùng phát Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) vào đầu năm 2015. Bộ Y tế bị khiển trách vì đã không loan báo kịp thời về thời gian bùng phát dịch MERS, dù đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Công chúng gia tăng áp lực yêu cầu điều tra về hai vấn đề này, cũng như nạn tham nhũng trong chính phủ của bà Park.
Một ban nhạc thiếu niên biểu diễn tưởng niệm thảm hoạ chìm phà Sewol tại Mokpo New Port. Ảnh: Yonhap
Một ban nhạc thiếu niên biểu diễn tưởng niệm thảm hoạ chìm phà Sewol tại Mokpo New Port. Ảnh: Yonhap
Giới trẻ như bị vỡ mộng với các kết quả tệ hại của chính phủ. Kể từ khi Tổng thống Park lên cầm quyền năm 2013, thứ bậc tự do và dân chủ của Hàn Quốc giảm từ 1.5 xuống 2.0 trên bảng xếp hạng của Freedom House. Cụ thể, bảng báo cáo chỉ ra sự gia tăng đàn áp với các đảng phái đối lập và những tiếng nói chỉ trích công khai về hiệu suất làm việc của bà Park sau thảm hoạ chìm phà. Chính phủ nhận nhiều cáo buộc về gian lận bầu cử với sự giúp đỡ của Cơ quan Tình báo Trung ương (NIS).
Ngoài ra, chính quyền của bà bắt đầu sử dụng Luật An ninh Quốc gia (National Security Law), gây ra nhiều tranh cãi khi hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội của người dân. Bộ luật này làm cho nhiều người Hàn Quốc liên hệ đến chính cha bà, Park Chung-hee, người đã viết lại Hiến pháp nhằm hạn chế các giá trị dân chủ. Kí ức về một thời kỳ độc tài đen tối còn được gợi lại khi chính vào thời điểm này, chính phủ bắt buộc các trường dạy lịch sử theo sách của nhà nước, với các nội dung bảo vệ hình tượng độc tài của Park Chung-hee.
Cảm xúc xã hội phản ánh rõ rệt trong cuộc bầu cử năm 2016, các sinh viên đại học và thành phần giới trẻ khác đã cùng nhau vận động đi bầu. Số lượng cử tri gia tăng đến 13% so với cuộc bầu cử 5 năm trước đó. Saenuri, đảng bảo thủ của cựu Tổng thống Park Geun-hye thất bại thảm hại, dù trước đó được dự đoán sẽ chiến thắng áp đảo trước đối thủ là đảng Minjoo của ông Moon Jae-in.

Những ánh nến lật đổ Tổng thống

Cao điểm của làn sóng phản đối bà Park là cuộc Cách mạng Ánh nến (Candlelight Revolution) diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 3/2017. Trước đó, vào tháng Mười, vụ bê bối chính trị của bà Park với người bạn thân Choi Soon-sil bị phanh phui. Khoảng 17 triệu người, chủ yếu là giới trẻ, đã tham gia xuống đường đòi luận tội Tổng thống Park Geun-hye và điều tra các cáo buộc về tham nhũng.
Có khoảng 3 triệu người xuống đường trong cao điểm của cuộc biểu tình vào tháng 12/2016. Ảnh: CRI.
Có khoảng 3 triệu người xuống đường trong cao điểm của cuộc biểu tình vào tháng 12/2016. Ảnh: CRI.
Điểm đặc trưng của phong trào biểu tình này là không có lãnh đạo chính thức – một phương thức được chính giới trẻ Hồng Kông học hỏi và áp dụng trong cuộc biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ năm 2019. Họ liên hệ với nhau qua mạng xã hội và cổ vũ nhau xuống đường một cách có tổ chức, bất bạo động và đầy sáng tạo. Cuộc cách mạng đã trở nên đặc biệt về quy mô và sự kiên trì của giới trẻ cũng như khả năng kiểm soát rất cao mặc dù chỉ là tự phát.
Cách mạng Ánh nến trở thành tâm điểm thế giới khi nó góp phần phế truất Tổng thống đương nhiệm. Từ áp lực của cuộc biểu tình, ba đảng đối lập cùng khởi xướng cuộc luận tội bà Park từ tháng 12/2016. Đề xuất được Quốc hội thông qua với 234/300 số phiếu tán thành, đồng thời đình chỉ quyền lực của Tổng thống Park. Ba tháng sau đó, Toà án Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết phế truất Tổng thống. Bà Park sau đó bị kết án 25 năm tù vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Cuộc luận tội thành công đối với cựu Tổng thống Park Geun-hye được báo chí phương Tây gọi là một ‘phép màu dân chủ’. Ảnh: Reuters.
Cuộc luận tội thành công đối với cựu Tổng thống Park Geun-hye được báo chí phương Tây gọi là một ‘phép màu dân chủ’. Ảnh: Reuters.
Phế truất Tổng thống không phải là thành công duy nhất của cuộc cách mạng. Những gì mà người biểu tình bảo vệ được còn là các giá trị dân chủ và các quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, nhiều lần bị triệt tiêu vì những mưu đồ chính trị dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh bán đảo dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye. Cách mạng Ánh nến cũng đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến chính phủ mới của Moon Jae-in rằng ông ta phải tôn trọng Hiến pháp và tiến hành cải cách chính trị ngay, nếu không muốn nhận một kết quả tương tự.