Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
Trong bài về nhóm nhân vật mang tên anachronaut của Schild’s Ladder ngày hôm trước, mình có bàn rộng thêm về việc chúng ta ngày nay không còn tin tưởng vào tương lai nữa, và coi các viễn cảnh utopia là thiếu thực tế. Điều này làm mình nhớ đến một khái niệm rất căn bản trong nghệ thuật kể chuyện, cũng liên quan đến niềm tin. Nó gần như là nền tảng để mọi người có thể tận hưởng được bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào trên đời, kể cả trong lẫn ngoài SFF. Khái niệm ấy là Suspension of Disbelief.


Suspension of Disbelief, hay đôi khi còn gọi là Willing Suspension of Disbelief, có thể được dịch thô ra là “Tạm gác lại sự hoài nghi.” Nó đề cập đến một giao kèo bất thành văn giữa một tác phẩm nghệ thuật bất kỳ và người thưởng thức cái tác phẩm ấy, với “điều khoản” đại khái là thế này:
- Tác phẩm (tức “Bên A”) hứa sẽ cung cấp cho người thưởng thức (tức “Bên B”) một câu chuyện hay.
- Để câu chuyện đấy có thể tồn tại, Bên A sẽ phải mượn đến những yếu tố phi thực tế trắng trợn, hoặc trong chính nội dung câu chuyện, hoặc trong cách truyền tải nó.
- Để có thể tận hưởng được câu chuyện, Bên B đồng ý sẽ “tắt não” một cách có chủ đích, không dùng tư duy lôgic khắt khe của thực tại để săm soi quá kỹ những yếu tố phi thực trong câu chuyện của Bên A.
Nói cách khác, Bên B sẽ chấp nhận những điều vô lý của Bên A để tập trung thưởng thức câu chuyện.
Để lấy ví dụ nôm na cho dễ hiểu, anh em cứ nhìn sang múa rối nhé. Khi xem một vở kịch múa rối, chẳng khó gì để ta nhìn thấy nó là một thứ giả tạo trắng trợn. Con rối trông rõ là mấy khúc gỗ di động, có khi còn mang tỉ lệ thân người hết sức lệch lạc; tay chân chúng nó được gắn vào mấy cái dây trông lộ liễu thấy rõ, và tùy vào cách dàn dựng của vở kịch, ta có khi còn trông thấy luôn cái người điều khiển toàn bộ lũ rối này.
Tuy nhiên, chẳng có ai lại cứ chăm chú nhìn vào mấy sợi dây để từ đấy phán xanh lè là cái vở kịch này nhảm nhí cả. Tất cả chúng ta đều chấp nhận “mù mắt” trước mớ dây, “điếc đặc” trước việc tất cả các con rối đều phát biểu bằng một cái giọng na ná nhau, phát ra từ cùng một nguồn ở tít trên đầu chúng nó. Chúng ta gác lại tất cả những sự phi lôgic ấy, chấp nhận rằng mớ dây nhợ và các con rối kia là một phần của thực tại, để từ đấy tập trung vào theo dõi câu chuyện của chúng nó. Sự tạm gác việc săm soi để thưởng thức câu chuyện ấy chính là Suspension of Disbelief.


Không chỉ giới hạn trong phương thức truyền tải, Suspension of Disbelief còn có thể áp dụng cho bản thân nội dung câu chuyện nữa. Anh em cứ thử nhìn vào một tác phẩm Sci Fi chiến tranh ngoài hành tinh nhé. Để cái cuộc phiêu lưu trong câu chuyện xảy ra được, một điều ta mặc nhiên phải chấp nhận là người ngoài hành tinh có tồn tại, và họ có trí thông minh. Nếu ta cứ khăng khăng đòi nhìn nhận mọi thứ với con mắt thực tại, bảo rằng người ngoài hành tinh thông minh tính đến nay chưa hề được chứng minh là có tồn tại, câu chuyện sẽ chẳng thể nào bắt đầu nổi. Nếu muốn tận hưởng câu chuyện, ta cần áp dụng Suspension of Disbelief, cho phép một điều tính đến nay là vô lý có thể xảy ra, để từ đó thưởng thức câu chuyện.
Cũng có thể anh em sẽ nói Sci Fi chủ yếu toàn dựa vào những thứ ít nhiều mang tính khả thi, đặc biệt là Hard Sci Fi, thế nên thực ra cũng hơi khó nói đây là một ví dụ rõ rệt về Suspension of Disbelief. Nếu vậy, mọi người có thể nhìn sang Fantasy, nơi rồng rắn thánh thần và đủ thứ siêu năng lực trên đời thò mặt vào. Tất cả chúng ta đều biết rồng (tính mấy con bốn chân có cánh nhé) về cơ bản là một sự bất khả thi về khoa học, và lẽ đương nhiên thần thánh cũng tương tự như thế nốt. Tuy nhiên, cũng như trong trường hợp của Sci Fi, nếu khăng khăng không tin vào rồng rắn hay việc một ông tiên có thể xuống hạ giới lập team đi đốt nhẫn, câu chuyện sẽ chẳng thể bắt đầu. Bởi vậy, ta cần áp dụng Suspension of Disbelief, tạm coi những thứ này tồn tại “thật,” để từ đó khám phá hành trình của các nhân vật trong tác phẩm.
Suspension of Disbelief - một "ốc đảo" trong óc, nơi ta không bị tư duy lôgic ảnh hưởng (quá nhiều)
Suspension of Disbelief lần đầu tiên được khái niệm hóa hồi năm 1817. Thời bấy giờ, thơ ca và tiểu thuyết liên quan đến các hiện tượng siêu nhiên đã không còn được ưa chuộng nữa, một phần do niềm tin vào phù thủy và các tác nhân siêu nhiên khác ngày một sụt giảm mạnh, và việc sử dụng khoa học để nhìn nhận thế giới đang dần trở thành “mốt.” Tuy nhiên, trong cuốn Biographia Literaria, một tác phẩm tự truyện của nhà thơ Samuel Taylor Coleridge, có một đoạn ông cổ vũ việc nên tiếp tục sử dụng các yếu tố siêu nhiên trong thơ ca, bất chấp việc khán giả hiện đại thời bấy giờ đang dần không còn tin vào những điều kỳ ảo nữa. Coleridge bảo rằng để làm được điều này, thi sĩ nên cố gắng truyền “những mối quan tâm của con người và một thứ gì đó tương tự sự thật” vào những thứ mang tính huyền ảo, hoặc chí ít là phi thực, để từ đó thu về được “sự tạm gác lại hoài nghi một cách có chủ đích (nguyên văn: ‘that willing suspension of disbelief for the moment’), thứ cấu thành niềm tin thơ ca” từ độc giả của mình.


Mặc dù Coleridge được coi là người đã khai sinh ra thuật ngữ Suspension of Disbelief, khái niệm này đã tồn tại cực kỳ lâu đời rồi, và nó thậm chí còn chẳng giới hạn cho mỗi các tác phẩm mang tính huyền ảo. Aristotle đã từng đề cập đến khái niệm này trong vấn đề kịch nghệ, nói rằng khán giả chấp nhận một tác phẩm mang tính hư cấu như thực tế để có thể trải nghiệm một cảm giác ông gọi là “katharsis” (tức “carthasis,” chỉ sự giải tỏa các cảm xúc trong lòng) để tâm hồn được thanh lọc. William Shakespeare cũng từng trực tiếp yêu cầu khán giả của mình phải thực hiện một thứ tương tự như Suspension of Disbelief trong phần mở đầu cho vở kịch Henry V, kêu gọi họ hãy “sử dụng sức mạnh của trí tưởng tượng,” bởi vì “giờ đây, chính suy nghĩ của các vị sẽ là thứ nâng đỡ cho các vị vua của chúng ta” và phải “gói gọn thành quả của hàng bao năm vào trong một chiếc đồng hồ cát.”

William Shakespeare trực tiếp yêu cầu khán giả sử dụng Suspension of Disbelief
Anh em lưu ý một chút rằng trong giới phê bình văn học, không phải tất cả các tác giả đều tin khái niệm Suspension of Disbelief thể hiện đầy đủ mối quan hệ giữa người thưởng thức và tác phẩm nghệ thuật. Chẳng hạn như J. R. R. Tolkien từng có một lần chỉ trích nó trong bài tiểu luận “On Fairy-Stories” của mình. Ông bảo rằng người đọc thực chất không tạm gác lại sự hoài nghi để tin rằng câu chuyện có thể xảy ra ở thế giới thật, mà kỳ thực họ đang bước vào một thế giới hư cấu khác hẳn, sở hữu những nhất quán nội tại riêng mà tác giả tạo dựng nên. Sau khi đã đi vào thế giới này rồi, họ tin rằng thứ mình đọc là đúng thật trong thực tại thứ cấp của cái thế giới mới kia. Tolkien khẳng định chỉ khi người đọc không còn đắm chìm trong thế giới của câu chuyện được nữa, họ mới phải tạm gác sự hoài nghi của mình lại để tiếp tục theo đuổi câu chuyện, thay vì bỏ cuộc hoàn toàn.

Phê phán Suspension of Disbelief của Tolkien
Cách nhìn nhận của Tolkien từng bị chỉ trích rằng để chấp nhận được sự tồn tại của một thế giới mới như Tolkien nói thì người đọc cũng cần có sẵn một cái Suspension of Disbelief rồi. Tuy nhiên, bất kể có tin vào quan điểm của Tolkien hay không, điều ông nói, nhất là phần xoay quanh sự nhất quán nội tại của thế giới, cũng đã chỉ ra một yếu tố khác của Suspension of Disbelief: người thưởng thức có thể chấp nhận không dùng lôgic để săm soi quá khắt khe tác phẩm, nhưng điều ấy không có nghĩa là tác phẩm được quyền thích chém gì thì chém. Nếu tác phẩm phá vỡ tính nhất quán nội bộ của chính mình, chẳng hạn đoạn đầu bảo người ngoài hành tinh A kỵ nước, nhưng đoạn sau lại cho xuống nước tắm ầm ầm mà không hề có một lời lý giải hợp lý nào, thế thì không có chuyện người ta sẽ tiếp tục nhắm mắt làm ngơ, mà sẽ lập tức bảo câu chuyện là vớ vẩn ngay.
Bên cạnh đó, kể cả nếu tác phẩm có duy trì được tính nhất quán nội bộ, nhưng lại để xuất hiện những sự kiện với khả năng xảy ra quá thấp, nó cũng có thể sẽ đi quá trớn, và phá vỡ Suspension of Disbelief của người thưởng thức. Như Oscar Wilde đã nói đấy, con người có thể tin vào điều bất khả thi (tức “the impossible”), nhưng còn lâu mới có chuyện họ tin được một điều khó có thể xảy ra (tức “the improbable”). Chẳng hạn, mọi người có thể vui vẻ chấp nhận sự tồn tại của một con rồng to tổ chảng biết phun lửa phì phì; tuy nhiên, nếu đến lúc phản diện sắp giết được nhân vật chính rồi thì lại tự nhiên lên cơn đau tim, lăn đùng ra đất chết, từ đấy giúp nhân vật chính thoát nạn, thì lẽ đương nhiên, người thưởng thức sẽ không khỏi thốt ra câu, “Have pussy daddy believe Italy.” Rồng rắn là điều bất khả thi, và họ có thể chấp nhận bỏ qua không săm soi; nhưng việc phản diện chết lãng xẹt như vậy dù quả đúng hoàn toàn khả thi, và chẳng phá quy luật nội bộ nào của thế giới, nó lại xuất hiện một cách “tình cờ” đến quá khó tin, thế nên chẳng ai có thể chấp nhận nổi.
Ví dụ về Suspension of Disbelief được áp dụng với một số tình tiết của câu chuyện, nhưng lại không được áp dụng với những tình tiết khác
Và điều này dẫn ta về cái lõi đầy xương xẩu của Suspension of Disbelief: niềm tin. Mỗi cá nhân đều có một ngưỡng niềm tin khác nhau, với mức độ chấp nhận những điều bất khả thi/khó xảy ra khác nhau. Chính bởi vậy mà cùng một tác phẩm, cùng một chi tiết, có thể sẽ có người chấp nhận suspend disbelief cho nó được, có người thì không. Bên cạnh đó, niềm tin còn tồn tại độc lập với thực tại, thế nên có nhiều thứ dù đúng là đã xảy ra thật, nó nghe vẫn quá khó tin, và từ đấy hoàn toàn có thể làm ảnh hưởng đến Suspension of Disbelief.

Khi niềm tin bị kéo căng quá ngưỡng
Ví dụ về Suspension of Disbelief thì quả thực nhiều vô vàn, bởi vì cứ dính đến tác phẩm hư cấu nào, kể cả nếu nó không dính dáng tí gì đến SFF, ta cũng cần Suspension of Disbelief thì mới thưởng thức được. Chính thế nên nó cũng như kiểu cái Fourth Wall ấy, thường ta chỉ để ý đến nó một khi nó đã bị phá vỡ, hoặc khi được tác giả chỉ ra việc mình đã cố tình lờ đi một thứ gì đó để giúp cho nó không bị phá vỡ.
Trường hợp Suspension of Disbelief bị phá vỡ trong Sci Fi quen thuộc với anh em nhất có lẽ sẽ là cái game The Last of Us 2. Trong game này, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng Suspension of Disbelief để tin rằng một thứ nấm mốc gì gì đó sẽ biến được con người thành zombie, bởi vì đó là điều bất khả thi. Tuy nhiên, có những sự kiện trong này đòi hỏi phải có quá nhiều trùng hợp tình cờ xảy ra, chẳng hạn nhân vật này nhân vật nọ phải ở quá đúng chỗ, quá đúng thời điểm, một số phỏng đoán vô căn cứ phải tình cờ trúng phóc, và một số nhân vật phải hành động theo kiểu đi ngược lại với bản chất của mình một cách rất random. Chúng nó hoàn toàn khả thi trong đời thực, nhưng cái tỉ lệ để mọi thứ đồng thời xảy ra như thế quá thấp, thế nên đã đập tan Suspension of Disbelief của rất nhiều người.
Cuộc gặp mặt đầy "may mắn" đã phá vỡ Suspension of Disbelief
Một ví dụ khác gần gũi hơn với anh em sẽ là cái meme “thiếu proof với evidence chưa được proved” thỉnh thoảng vẫn được lôi ra khịa trong group. Trong trường hợp có anh em nào chưa biết cụ thể đầu đuôi sự tình ra sao, số là trong một group khác, từng có một người đăng ảnh một thanh niên đọc cuốn Zombie Survival Guide của Max Brooks. Một người đã comment vào đấy rằng cái quyển này là ngụy khoa học, với mọi lập luận trong đấy đều không có bằng chứng bổ trợ, thế nên không thể ngửi nổi nó. Anh em có thể xem đầy đủ ở đây:
Trong vụ này, bạn comment đã không áp dụng Suspension of Disbelief, săm soi một cách quá gắt gao một cuốn truyện Sci Fi như thể nó là sách kỹ năng thật. Tất nhiên, vì toàn bộ quyển Zombie Survival Guide phụ thuộc hoàn toàn vào việc người đọc có thể tạm bỏ qua chuyện zombie không có thật để thưởng thức nội dung, thế nên một người không có Suspension of Disbelief khi đọc quyển này sẽ thấy nó phế ngay từ những dòng đầu tiên.
Trong Fantasy, ta có series The Witcher. Cái bối cảnh thế giới này quả thực là chém tung trời đất, với đủ mọi loại thần tiên ma quỷ tha lôi từ đủ kiểu giai thoại dân gian về, đặc biệt là các giai thoại dân gian Châu Âu. Tất cả những thứ này đều có thể được ta chấp nhận coi như có thật để tiếp tục đọc truyện, nhưng vấn đề là nó rất thích thử thách Suspension of Disbelief của thiên hạ bằng cách tích hợp những thứ quá hiện đại hoặc gây mất tính nhất quán vào câu chuyện. Ví dụ bao gồm việc một số nhân vật tỉnh rụi trước việc tài sản mình bị phá hoại vì đã có bảo hiểm lo hoặc sự xuất hiện của những cái tên thuộc về thần thoại của thế giới thật như Dracul và Pegasus, hay thậm chí cả những thứ từng tồn tại trong lịch sử như “the final solution to the witcher question” hoặc “the war to end all wars.”
Mặc dù việc nhét mấy thứ kiểu Dracul với The Final Solution như thế thực ra cũng không đến nỗi làm tổn hại Suspension of Disbelief đâu, vì Easter Eggs là một thủ pháp được rất nhiều tác phẩm sử dụng. Nhưng vấn đề là trong series, Trái Đất của chúng ta có tồn tại thực, và nó có một lịch sử, văn hóa biệt lập hoàn toàn so với thế giới Witcher. Dù đúng là con người đã di cư từ Trái Đất sang đây, và từ đó có thể cũng mang kèm một số nét văn hóa của mình theo, điều ấy không lý giải được việc từ “Dracul” không hiểu sao lại nằm trong vốn từ vựng của một chủng loài bản địa tại thế giới Witcher, hay việc ngôn ngữ gốc của một số loài tình cờ lại trùng khít với tiếng Ireland hoặc tiếng Welsh. Chính những mâu thuẫn trong nội tại thế giới ấy đã khiến Suspension of Disbelief của series trở nên lung lay.

Từ từ nào, nếu Trái Đất tồn tại thật và biệt lập với thế giới Witcher, vậy thì cái thanh niên này tồn tại ở thế giới nào?
Một trường hợp khác trong Fantasy cũng đáng bàn đến là Game of Thrones, bản chuyển thể chạy từ nổi sang khét tiếng của A Song Of Ice And Fire. Thanh niên này có mấy pha phá Suspension of Disbelief cực kỳ căng, đặc biệt khi về đến các season gần cuối. Vụ đầu tiên là việc nó để Ed Sheeran thò mặt vào đóng cameo. Bởi vì Ed Sheeran là gương mặt quá sức nổi tiếng, đặc biệt lại còn gắn liền với một thứ quá sức hiện đại, ấy là nhạc pop, sự xuất hiện của thanh niên này đập tan Suspension of Disbelief của hàng đống người, kéo tuột họ ra khỏi thế giới đậm sắc Trung Cổ của Game of Thrones. Thú vị một điều là trường hợp của Ed Sheeran cũng đại diện cho việc Suspension of Disbelief phụ thuộc rất nhiều vào ngưỡng niềm tin của thiên hạ, bởi vì trước Ed Sheeran từng có một số nghệ sĩ khác tham gia đóng Game of Thrones rồi (chẳng hạn nhạc sĩ Wilko Johnson đóng vai Ser Ilyn Payne), nhưng chẳng ai làm Suspension of Disbelief nát được đến ngang tầm của Ed Sheeran cả.
Và vụ Ed Sheeran còn chỉ là một tiểu tiết thôi. Ta còn có hàng chục vụ việc khác liên quan đến tính nhất quán nội bộ và những điều với tỉ lệ xảy ra thấp đến gần như không tưởng làm Suspension of Disbelief của Game of Thrones còn tã hơn cầu môn của Indonesia sau khi gặp Việt Nam. Ví dụ bao gồm việc các nhân vật tự nhiên có thể “tele” đi khắp bản đồ, chạy tán loạn trên lục địa với mốc thời gian có khi chỉ tính bằng giờ trong khi hồi trước phải đi cả tháng. Bên cạnh đó, ta còn có cả việc một món vũ khí dùng để diệt rồng có độ hiệu quả hết sức tùy hứng, lúc thì bắn chuẩn còn hơn súng tỉa, khi thì ngu đến mức Stormtrooper cũng phải thấy nhục mặt thay. Vậy chưa hết, còn có những pha giận cá chém thớt xuất hiện một cách ngáo ngơ kinh khủng, nảy sinh từ một tiền đề lỏng lẻo đến độ gần như không có luôn. Và ngoài mấy thanh niên này thì còn rất, rất nhiều thứ ngáo khác trong series làm hỏng Suspension of Disbelief.

Riêng về cái nghịch lý thực tại có thể phá hỏng Suspension of Disbelief, anh em nên nhìn sang các tác phẩm liên quan đến chiến tranh, bởi vì chiến trường là nơi có quá nhiều điều bất hợp lý xảy ra.
Ví dụ như trong bộ phim Hacksaw Ridge, xoay quanh chiến tích đầy kỳ diệu của Desmond Doss, người đã một tay carry (theo đúng nghĩa đen 🐧 ) hàng trăm người đồng đội và thậm chí cả địch về nơi an toàn giữa lằn đạn, đạo diễn Mel Gibson đã phải cắt đi rất nhiều sự kiện thất vì nó nghe… chém quá. Tiêu biểu trong số này bao gồm việc trong mấy lần hạ đồng đội xuống khỏi mỏm đá, Doss đã bị một tay lính bắn tỉa Nhật trông thấy. Nhưng lần nào cũng vậy, cứ mỗi lần tên lính kia nhắm vào ông và bóp cò, súng hắn chẳng hiểu sao kẹt ngắc, và Doss có thể tiếp tục thực hiện công việc của mình.

Vị quân nhân với câu chuyện thừa sức phá vỡ mọi Suspension of Disbelief
Ngoài ra, khi nhắc đến những thứ không ai tin nổi nhưng lại có thật, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua Trận chiến Lâu đài Itter. Đây được coi là vụ việc khó tin nhất Thế Chiến II (đánh bật cả vụ việc của Doss), bởi vì có quá nhiều thứ nói ra nghe sẽ bị bảo là chém ngay. Nói vắn tắt, nó là thế này nhé: 2 ngày trước khi cuộc chiến chính thức kết thúc, một toán chính trị gia Pháp sát cánh cùng 14 lĩnh Mỹ, một “con” Jenny bọc thép, và 10 lính Đức dưới sự lãnh đạo của một sĩ quan Waffen-SS cầm đầu lực lượng phản kháng Áo tại địa phương cố thủ trong một lâu đài Trung Cổ trước cuộc vây hãm của hơn trăm tên lính Phát-xít, trong khi một anh siêu sao quần vợt trèo rào chạy xuyên rừng, băng qua mấy chốt SS liền để mang tin tình báo đến cho lực lượng Mỹ đang trên đường đến cứu viện.
Vâng, nếu cái này mà được dựng thành phim, đây chắc sẽ là phản ứng của khán giả.
Ấy vậy mà bất chấp sự điên rồ của mình, cái trận này hoàn toàn có thật. Anh em có thể tham khao full nó trong thước phim tài liệu bên dưới.
Quả đúng là sự khác biệt giữa các tác phẩm hư cấu và hiện thực là các tác phẩm hư cấu không được phép chém gió láo mà 🐧.
Nếu thấy hứng thú với khái niệm Suspension of Disbelief, anh em có thể tham khảo thêm một số bài có liên quan sau:
- The Tiffany Problem - khi sự thật phải bị bẻ cong cho giống "thật":
- Internal Consistency - sự nhất quán nội tại: 
- Narrative Causality - câu chuyện quyết định sự kiện:
- Deus ex Machina - khi nút thắt được giải quyết bởi "Chúa":
- Hợp đồng Độc giả - những "lời hứa" của một tác phẩm:
- Idiot Plot - xây dựng câu chuyện trên sự ngu xuẩn của nhân vật:
-----
Xem bài viết gốc tại: