Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
Sau bài giải thích về tên tiêu đề của Schild’s Ladder, cuốn Hard Sci Fi của tác giả Greg Egan mình từng review bữa trước, giờ xin phép được quay lại tra tấn anh em với cái thanh niên này tiếp 🐧.
Mặc dù mọi người an tâm, nó không đặc toán như bài trước đâu 🐧.
Trong Schild’s Ladder, bên cạnh khoa học được tận dụng hay ho, nó còn có mấy ý tưởng rất thú vị nữa. Một trong những ý tưởng đáng chú ý nhất của nó là cách nó châm biếm sự ám ảnh của con người với các tương lai đen tối, không tin vào một ngày mai tươi sáng thật sự.


Cụ thể, trong truyện, ta có một nhóm người được gọi là anachronaut, có gốc gác từ tít thế kỷ 23. Vì Schild’s Ladder lấy bối cảnh là mấy chục ngàn năm trong tương lai, thế nên cái thế kỷ 23 ở đây cũng tương tự như thời Trung Cổ của ta vậy đó: hết sức xa xưa và lạc hậu. Đúng với bản chất “cổ lỗ” của mình, dân anachronaut được tô vẽ như những con người mang tư tưởng rất bảo thủ, dứt khoát không chịu chuyển đổi bản thân thành các máy tính lượng tử như toàn thể nền văn minh nhân loại đã làm, mà thay vào đó duy trì thân xác gốc của con người nhằm bảo toàn thứ họ coi là “nhân tính” đích thực.
Tuy nhiên, sự bảo thủ của họ không chỉ dừng ở mỗi việc từ chối chuyển đổi não thành dữ liệu máy tính. Nó còn thể hiện ở cách họ nhìn nhận về “tương lai” nữa.
Chuyện là trong giai đoạn thế kỷ 23, các anachronaut đã lên tàu rời Trái Đất để du hành đến tương lai. Thực ra chẳng phải họ có công nghệ nhảy vọt thời gian hay gì đâu, mà chỉ đơn thuần là sử dụng công nghệ đông lạnh cơ thể để đi “ngủ,” trong khi con tàu của họ ì ạch lê đến một hệ thống sao mới. Vì phải di chuyển theo kiểu vật lý thay vì sử dụng phương thức truyền dữ liệu thuần túy mà nhân loại về sau phát triển ra, mỗi một chuyến đi của họ kéo dài tận mấy thiên niên kỷ. Chính bởi thế mà mỗi lần tỉnh dậy, họ đều bị lệch nhịp rất xa so với phần còn lại của xã hội.
Cuộc tiếp xúc lần đầu của nhóm anachronaut này với xã hội tương lai diễn ra trên một hành tinh mang tên Crane. Lúc bấy giờ, dù mỗi thế giới có một phông văn hóa riêng, cái nền chung của xã hội con người về cơ bản đã khá định hình. Gần như toàn bộ nhân loại đều sống trong một cái utopia, nơi họ có thể trở thành bất cứ ai mình muốn, làm bất cứ điều gì mình thích, không hề bị ai cấm cản cả, và người dân trên Crane cũng không phải là ngoại lệ.
Nhưng cái vấn đề là các anachronaut lại không hề tin rằng một xã hội utopia là khả thi.
Theo quan điểm của các anachronaut, bản chất con người là cố hữu, không thể nào thay đổi được. Bởi thế nên họ đinh ninh mình sẽ được chứng kiến cái lịch sử bẩn thỉu của chính bản thân mình lặp lại ở đây, có điều dưới một lớp áo mới. Họ chắc mẻm rằng thứ duy nhất tiến bộ sẽ chỉ là khoa học, còn đâu con người vẫn trì trệ như cũ. Không có tự do, không có hạnh phúc, không có sự hòa hợp. Luôn luôn phải có xung đột, phải có mất mát, phải có chiến tranh, phải có kỳ thị, phải có áp bức, phải có đủ mọi thứ xấu xa ác độc trên đời tồn tại.

Kỳ vọng của các anachronaut về tương lai
Vì “biết” mấy vết nhơ kiểu này chẳng ai lại muốn đem ra nói cả, thế nên cũng phải mất một thời gian thì bên anachronaut mới đủ thoải mái để hỏi han về cơ cấu xã hội cũng như lịch sử của dân Crane. Đến lúc này, vì đã có một thời gian tiếp xúc khá lâu, người dân tại đây về cơ bản cũng đã hiểu hòm hòm những “du khách” vượt thời gian này mang trong đầu những định kiến như thế nào. Vì thấy các anachronaut đã đánh đổi quá nhiều thứ để đến đây, chẳng ai trên Crane nỡ phá tan ảo tưởng của họ hết.
Thế là họ “chiều ý” các anachronaut bằng cách chém ra một phiên bản đầy bịa đặt về thế giới của mình.
Dân Crane bảo rằng toàn bộ đàn ông đã bị xóa sổ bởi một chủng virút ngay sau khi họ đến đây định cư, và bảo một cuộc xung đột tư tưởng đã bùng nổ từ đấy. Xã hội Crane chia thành hai phe, với một phe chủ trương bằng mọi giá tái tạo lại giới tính đã mất, trong khi phe còn lại dứt khoát muốn xây dựng một xã hội mới dựa trên sự đơn tính. Rốt cuộc, phe đơn tính đã thắng, dẫn đến một xã hội Crane như ngày nay. Dân Crane thậm chí còn giả vờ tổ chức một số nghi lễ văn hóa cũng như diễn kịch tái hiện lịch sử, về cơ bản làm đủ thứ xiếc khỉ để mua vui cho bên anachronaut. Và các anachronaut quả thực đã rất sung sướng với những gì thu nhận được. Họ cứ ố á không ngừng, tấm tắc trầm trồ trước cái lịch sử “màu mè” kia, ghi chép và sao lưu đủ mọi loại hình ảnh để nghiên cứu cũng như lưu truyền hậu thế. Sau khi đã hài lòng rồi, họ lại lên tàu đi đến một hành tinh mới.
Như đã nói đấy, tàu bè anachronaut di chuyển rất chậm, thế nên tin tức về họ cũng như những kỳ vọng bệnh hoạn của họ đã lan truyền đi khắp nơi, lọt đến tai người dân ở những hành tinh khác trước khi họ đến. Và cũng như Crane, không ai nỡ phá vỡ ảo tưởng của mấy “ông cụ” cổ xưa này, thế là họ bắt đầu chuẩn bị sẵn những câu chuyện cũng đầy ly kỳ cho xã hội mình. Nó thậm chí còn dần trở thành một kiểu cuộc thi ngầm giữa các thế giới, xem ai có thể tạo ra được câu chuyện gây được ấn tượng mạnh với bên anachronaut nhất. Họ cứ thế chêm đủ thứ tồi tệ vào lịch sử xã hội của mình, chẳng hạn chiến tranh giữa hai giới, các quy chuẩn đạo đức quái thai, những phong tục tập quán mọi rợ,…
Và mọi lần nghe được một câu chuyện như vậy, dân anachronaut đều tin răm rắp. Bởi vì xét cho cùng, làm gì có chuyện con người sẽ thò chân được ra khỏi cái ao tù u tối đâu?

Bộ mặt "tất yếu" của tương lai
Thông qua câu chuyện về các anachronaut cũng như những mộng tưởng đen ngòm của họ về tương lai, Greg Egan muốn đá đểu cách phần đông các tác phẩm Sci Fi viết về tương lai ngày nay toàn sử dụng cái tiền đồ chị Dậu làm nền tảng. Chẳng mấy khi ta bắt gặp tác phẩm nào ngợi ca tương lai hoặc thể hiện sự tin tưởng rằng con người sẽ có thể trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn cả, mà nó cứ phải đen, phải tối, phải DC thì mới ổn. Một tương lai tươi sáng sẽ bị coi như một ảo ảnh giữa sa mạc, một thứ phi thực tế hay thậm chí còn là bất khả thi.
"Uầy! Chân thực quá! Chính xác quá! Hợp lý quá!"
"Oẹ! Phi thực quá! Viển vông quá! Nhảm nhí quá!"
Hành động chỉ trích cái sự ám ảnh đối với tương lai đen tối của làng SFF trong tác phẩm này làm mình nhớ đến một bài viết khá hay từng đọc trên Polygon, xoay quanh việc liệu Sci Fi có thể kiến tạo một tương lai tích cực mà vẫn duy trì được tính hấp dẫn hay không.
Bài viết khẳng định rằng tương lai tăm tối không phải là hiện tượng gì mới lạ trong Sci Fi cả. Nó vốn dĩ chẳng bao giờ ái ngại chuyện “nhúng chàm,” tự bôi đen bản thân để từ đó khám phá và chiêm nghiệm về những điều chưa biết ở phía trước, về cách công nghệ khoa học sẽ thay đổi xã hội, cũng như giơ lên một tấm gương để chúng ta tự nhận ra những thiếu sót của bản thân. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ trở lại đây, Sci Fi ngày một thêm ám ảnh vào những thứ mang màu sắc dystopia, những câu chuyện tận thế và những xã hội nơi con người như đã xuống đến đáy sâu cùng.
Hiển nhiên rằng trong những câu chuyện đen tối kiểu vậy, tác giả sẽ dễ dàng xây dựng được kịch tính hơn, đẻ ra được nhiều nghịch cảnh cam go để đẻ ra những xung đột hấp dẫn hơn, dồn ép nhân vật theo các kiểu thú vị hơn. Nhưng vấn đề là mọi thứ đang ngày một bị làm quá lên, đến mức sự đen tối bắt đầu trở thành một thứ được tôn thờ như chân lý chứ không còn là một dạng công cụ kể chuyện thuần túy nữa. Sự lạm dụng việc bôi đen tương lai biến viễn cảnh đen tối từ một khả năng trở thành một điều tất yếu trong tâm trí thiên hạ, và từ đó khiến chúng ta có một cái nhìn u ám hơn về tương lai cũng như chính bản thân mình hiện tại, tin rằng con người không thể tốt đẹp hơn được, và ranh giới giữa xã hội hiện thời của ta với một thế giới Mad Max: Fury Road mong manh vô cùng.


Quả đúng là nếu trông vào cái xã hội đầy rẫy xung đột ngày nay, ta sẽ không thể phủ nhận rằng một viễn cảnh tăm tối là điều hoàn toàn khả dĩ. Tuy nhiên, coi nó như phiên bản mặc định của tương lai thì có phần bi quan hơi quá lố. Đã có không ít nghiên cứu chỉ ra rằng trong trường hợp thảm họa xảy ra, con người có xu hướng hình thành các cộng đồng tương thân tương ái để giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn, cho thấy nhân loại không đến nỗi tệ như chúng ta vẫn tưởng. Vậy tại sao không thỉnh thoảng nhìn đời một cách tươi tỉnh, thay vì cứ chui tọt xuống hố và ủ ê than thân trách phận vậy?
May mắn là dạo gần đây Sci Fi bắt đầu đi theo hướng tích cực hơn. Hay nói đúng hơn là các tác phẩm Sci Fi tích cực bắt đầu được thiên hạ lưu tâm đến hơn. Chúng nó không chỉ thuần túy khẳng định tương lai sáng rực rỡ không tì vết, nhưng thứ “thuốc phiện” chúng sử dụng lại là niềm lạc quan chứ không phải vẻ đen tối. Ví dụ điển hình nhất là The Martian của Andy Weir, với một thế giới vẫn còn những đấu đá chính trị và những rủi ro nguy hiểm, nhưng lại nhìn nhận mọi thứ một cách đầy tích cực. Ngoài đó ra thì ta cũng có thể kể đến những cuốn tiểu thuyết trong bộ Wayfarers của Becky Chambers, với thế giới hãy còn rất nhiều bất bình đẳng và khổ đau, nhưng mọi thứ vẫn được khắc họa qua một lăng kính màu hồng, tô vẽ tương lai thành một nơi đáng hướng tới.

Một ví dụ về Sci Fi với cách nhìn đời lạc quan
Nói chung là không ai phủ nhận tính hợp lý của các viễn cảnh u ám cả, song cũng như đại dương bên cạnh những khoảnh khắc đầy giông tố còn là những lúc sóng yên bể lặng êm đềm, tương lai không chỉ cấu thành từ một cái màu đen kịt. Niềm tin ta sẽ có một tương lai tốt đẹp cũng hợp lý chẳng kém gì ai, và có lẽ đã đến lúc chúng ta đẩy cán cân giữa bi quan và tích cực về lại vị trí cân bằng rồi.

"Cân bằng tuyệt đối, thể theo đúng lẽ vạn vật trên đời."
P/S: nếu quan tâm đến đề tài sự tăm tối trong SFF, anh em nên đọc thêm bài về Misery Porn mình từng viết ở đây nhé:
-----
Xem bài viết gốc tại: