Mình vừa dành 1020 phút để đọc cuốn sách "The art of learning"
Và sau đây là những gì mình học được về cách để trở thành người đứng đầu lĩnh vực mà ta yêu thích....
Và sau đây là những gì mình học được về cách để trở thành người đứng đầu lĩnh vực mà ta yêu thích.
1. Về tác giả Josh Waitzkin
Chắc bạn đang tự hỏi “ Ông này là ai mà dám viết một cuốn sách về học tập?”.
Josh Waitzkin là nguyên mẫu cho nhân vật chính của bộ phim nổi tiếng về cờ vua “Searching for Bobby Fisher”. Ông được xem là thần đồng cờ vua khi đạt đến danh hiệu kiện tướng quốc tế khi mới 16 tuổi.
Sau đó, ở tuổi 21, ông ấy chuyển sang luyện tập Thái cực quyền (Tai Chi) - một lĩnh vực khác 360 độ so với cờ vua, nhưng ông ấy vẫn 2 lần đạt danh hiệu vô địch thế giới môn Tai Chi Chuan Push Hand hạng cân của mình. Và ông ấy cũng là một trong những học sinh đầu tiên được trao đai đen (đai cao nhất) trong môn nhu thuật Brazil (Brazillian Jiu Jitsu) bởi Marcelo Garcia - người từng vô địch thế giới chín lần. Vâng, là một môn võ khác đấy ạ.
Ông ấy có thể đạt đến đẳng cấp thế giới trong 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau là cờ vua và võ thuật, trong thời gian rất ngắn so với người khác. Đến đây chắc bạn cũng tin ông ấy đủ thẩm quyền để nói về quy tắc học tập rồi nhỉ.
Nguồn ảnh: The creativity post
2. Lưu ý nhỏ trước khi vào phân tích: Declarative và Procedural knowledge
Có hai dạng kiến thức mà ta thường tiếp xúc khi học, đó là Declarative và Procedural knowledge (mình xin phép không dịch lại tiếng việt vì sợ dịch không thoát nghĩa).
Declarative knowledge là kiến thức về phần “what” - bao gồm định nghĩa, khái niệm, quy luật, v.v. Đa số những kiến thức chúng ta có thể học qua bài giảng và trên trường lớp đều thuộc Declarative knowledge. Procedural knowledge là kiến thức về phần “how” - tức là kỹ năng thực sự thực hành những gì ta được học (ten Berge and van Hezewijk, 1999).
Một kỹ năng thường sẽ là tổng hòa của cả Declarative knowledge và Procedural knowledge. Ví dụ khi bắt đầu chơi cờ vua, ta vừa sẽ phải học cả Declarative knowledge - luật chơi, cách di chuyển của từng quân, một số thế cờ phổ biến,… vừa phải thực sự học Declarative knowledge - bắt tay vào chơi cờ vua để cảm nhận cách chơi. Ta không thể nào học cờ vua bằng cách đọc sách và mường tượng được.
Tuy nhiên, đa số các môn học mà các bạn học sinh phải học trên trường như toán, văn, kể cả tiếng Anh (vì trên trường thường chỉ kiểm tra ngữ pháp và từ vựng) sẽ nặng về Declarative knowledge. Mà đối với những môn nặng về Declarative knowledge, thường sẽ có một quy trình học tương đối khác so với những môn nặng procedural.
Mình nhận thấy cả hai lĩnh vực mà Josh Waitzkin theo đuổi là cờ vua và võ thuật đều nặng về Procedural skill. Ta vẫn cần phải biết các lý thuyết và nguyên tắc, nhưng thực sự áp dụng chúng vào luyện tập là cách duy nhất để trở thành chuyên gia. Thế nên, nếu bạn vào đọc với hy vọng mình sẽ tìm được những nguyên tắc để trở thành học sinh top 1% của trường… khả năng cao bạn sẽ thất vọng.
Còn nếu bạn muốn trở thành một người học suốt đời, một người có thể đi đến đỉnh cao của những kỹ năng mà mình theo đuổi, chúng ta hãy cùng vào bài viết nào!
3. Mình học được gì từ “The Art of Learning”
Để tiện cho các bạn theo dõi, mình sẽ chia những nội dung được chia sẻ trong cuốn sách thành hai phần chính: Tư duy và phương pháp đào luyện kỹ năng (Đây không phải là cấu trúc nguyên gốc trong sách)
3.1 Tư duy
3.1.1 Investment in loss (”đầu tư vào thất bại”)
Có những ngày, Josh phải lết từ võ đường về nhà với thương tích đầy mình.
Đó là bởi thuở mới luyện tập, ông được ghép cặp với một võ sinh lâu năm mà ông gọi là Evan. Hắn ta giống hệt hình mẫu những kẻ bắt nạt hung tợn. Evan cao 1m88, nặng 90 cân, đai đen karate, 8 năm học Aikido, và 8 năm học thái cực quyền…
Mỗi lần luyện tập, Josh đều bị đánh văng vào tường theo đúng nghĩa đen. Đòn tấn công của Evan nhanh đến nỗi Josh không thể theo kịp bằng mắt. Trong trường hợp này, sẽ không ai ý kiến nếu Josh từ chối tập với người vừa mạnh gấp chục lần mình lại vừa hung hăng.
Tuy nhiên, Josh vẫn tiếp tục tập với Evan mỗi ngày, chấp nhận bị đánh nhừ tử, bởi ông biết rằng con đường võ thuật của mình sẽ có biến chuyển lớn nếu ông chế ngự được Evan. Và quả thật, một thời gian sau đó, cán cân đã nghiêng hẳn về phía Josh. Vào một buổi tối (chắc là đẹp trời), sau một thời gian Evan tránh mặt Josh vì thấy ông ngày càng mạnh hơn, hai người được ghép cặp với nhau.
Lần này, dù Evan có hung hăng đến thế nào, Josh cũng dễ dàng vật hắn ta xuống sàn. Cuối cùng, Evan lấy cớ chân có vấn đề nên không muốn tiếp tục nữa. Từ đó về sau hắn luôn tránh đụng độ với Josh.
Trong câu chuyện này, Josh có thể lật ngược ván cờ một cách ngoạn mục như vậy là bởi ông không nản chí trước những thất bại với Evan. Ngược lại, ông xem đó là một cơ hội “đầu tư” để cải thiện bản thân.
Trong khi đó, Evan thì chỉ muốn đấu với những kẻ yếu hơn mình, và khi Josh mạnh lên thì hắn ta lại muốn chạy trốn. Đáng lẽ, Evan cũng đã có thể nâng cấp bản thân nếu hắn ta xem thất bại của mình trước Josh là cơ hội để cải thiện mình. Nhưng hắn không làm vậy.
Bạn có thấy mình ở trong Evan?
Sau thời gian ngắn ngủi luyện tập, Josh không những đánh bại Evan mà còn tranh cúp vô địch thế giới
Mình cũng từng là người né tránh thất bại, không dám đối mặt với điểm yếu và chỉ tập trung vào điểm mạnh của mình. Thời cấp 3, mình luôn tránh học toán, bởi mình nghĩ mình là người chẳng có năng khiếu với số má.
Vả lại, nếu mình lao vào học toán, mình sẽ đối mặt với sự thật rằng “mình không thông minh như mình tưởng”. Còn nếu mình không học toán, mình có thể tự huyễn bản thân rằng “mình không giỏi toán chỉ bởi vì mình không học thôi, chứ nếu học là mình giỏi liền!”. Nghe ngu ngốc nhỉ.
Hệ quả là…
Mình dừng bước tại trận tháng chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia, một phần là vì mình không giải được một câu toán đơn giản. Sau đó, điểm thi trung học phổ thông toán của mình cũng không cao lắm (lúc đó mình lý sự là vì mình được nhận vào trường quốc tế rồi nên không học nữa, cơ mà thực sự do lười học thôi nhóc ạ).
Mãi đến sau này, khi mình được biết về “tư duy phát triển” và thực sự đầu tư để cải thiện điểm yếu của bản thân, mối quan hệ với số má của mình dần biến chuyển.
Năm hai đại học, mình học một môn dù không hẳn liên quan đến toán nhưng cũng đòi hỏi không ít tính toán. Lần này, thay vì tự huyễn bản thân né tránh nó thì mình đối mặt và thực sự nghiêm túc học. Kết quả là mình đạt 91/100, không phải điểm cao nhất khóa nhưng cũng là điểm số mình hài lòng (dù mình biết mình có thể làm tốt hơn).
Thực hiện “Investment in loss” đòi hỏi ta phải vượt qua cái tôi của mình, cái cảm giác không muốn chấp nhận mình có điểm yếu, và cái cảm giác bất lực với điểm yếu của mình.
Mình biết, nó không hề dễ, nhưng trở thành người xuất chúng có bao giờ dễ đâu.
3.1.2 Thematic Interconnectedness
Tại sao Josh Waitzkin lại có thể trở nên xuất chúng trong hai lĩnh vực “có vẻ là” hoàn toàn khác nhau?
Một phần lớn là nhờ ông ấy tìm ra “thematic interconnectedness” - sự liên kết giữa những lĩnh vực mà ông ấy theo đuổi.
Trong lúc luyện tập Thái cực quyền, Josh sử dụng những gì ông ấy học được trong quá trình luyện cờ vua, như cách đọc tâm lý đối thủ, cách chịu áp lực tinh thần, và kể cả tâm lý “investment in loss” để cải thiện bản thân.
Ngược lại, khi trở lại chơi cờ vua sau khi đã luyện Thái cực quyền, Josh miêu tả rằng ông ngỡ như mình đang sử dụng ngôn ngữ của Thái cực quyền để chơi cờ vua - cảm nhận “dòng chảy”, cảm nhận không gian và làn sóng năng lượng của trận đấu. Theo Josh, cờ vua hay thái cực quyền thực chất chỉ là những công cụ trung gian để ta thấu hiểu bản thân và quy luật cuộc sống.
Nghe qua có vẻ hơi “woo woo”, nhưng nó đến từ một người đã đạt đẳng cấp thế giới trong hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nên sẽ không mất mát gì nếu ta khoan phán xét mà suy nghĩ thật kỹ về những lời Josh chia sẻ.
Khi được phỏng vấn trên Huberman Lab podcast (2025), Josh chia sẻ rằng ông ấy có cuộc trò chuyện với một tiền vệ bóng bầu dục nổi tiếng, và nhận ra mặc dù hai người ở hai lĩnh vực khác nhau, nhưng những hiểu biết về cách luyện tập để đạt đến mức độ chuyên gia lại rất giống nhau.
Từ đó, Josh chia sẻ rằng thực chất, tất cả những lĩnh vực trên thế giới đều kết nối ở một mức độ cao, và một trong những sứ mệnh cuộc đời của ông ấy chính là đi tìm sự kết nối đó. Có thể các bạn không biết (và sắp được biết), đó cũng chính là một trong những sứ mệnh cuộc đời của mình.
Mình rất khuyến khích các bạn dành thời gian xem tập Podcast này, hứa hẹn sẽ là 3 tiếng hữu ích nhất trong tuần của bạn.
Thế, áp dụng triết lý này trong học tập như thế nào?
Trong một tập podcast với Tim Ferriss (2020), Josh chia sẻ cách ông ấy tiếp cận việc học: học những nguyên tắc đằng sau một kỹ thuật hiệu quả thay vì chỉ học kỹ thuật thông thường (meta-learning instead of techniques). Khi đã hiểu được "nguyên tắc" của các kỹ thuật hiệu quả của một lĩnh vực, và làm chủ nguyên tắc đó, ta có thể áp dụng nó ngay cả trong những lĩnh vực khác.
Ông lấy ví dụ về sự liên kết giữa cờ vua và lướt sóng. Mọi người có thể không nhận ra nhưng thực chất cảm giác tâm lý của việc đổ dồn sự tập trung vào bàn cờ vua rất giống với cảm giác thả rơi từ đỉnh một ngọn sóng lớn. Cả hai đều đòi hỏi chúng ta phải làm quen với cảm giác căng thẳng. Thế nên, Josh có thể chuyển “nguyên tắc” mình đã học từ cờ vua qua lướt sóng.
Nếu chúng ta học một kỹ thuật cụ thể, ta có thể học được 1 vùng kiến thức mới. Còn nếu ta thấu hiểu được nguyên tắc đứng đằng sau một kỹ thuật, chúng ta có thể cùng lúc học được hàng ngàn vùng kiến thức khác nhau.
Mình nghiệm được điều này thực đúng khi mình học “khoa học về việc học”.
Thay vì học những kỹ thuật cụ thể như “Pomodoro”, hay “Spaced Repetition” rồi cứng nhắc làm theo hướng dẫn của người khác, ta có thể học những nguyên tắc đứng đằng sau chúng: tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi, lợi ích của “sự khó khăn” (Spaced repetition hiệu quả một phần bởi khi ta học ngắt quãng, ta cần phải có nhiều nỗ lực tư duy hơn để gợi nhớ thông tin), hay lợi ích của việc chia nhỏ một tác vụ lớn thành nhiều tác vụ nhỏ khác nhau.
Nếu hiểu được những nguyên tắc này, ta không chỉ áp dụng chúng trong mỗi việc học, mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống.
3.1.3 Ưu tiên việc học hơn là thể hiện cho người khác
Josh Waitzkin đau đớn rời xa cờ vua - tình yêu đầu tiên của mình, khi ông nhận ra sự hứng thú của ông với cờ vua đã mất. Điều này xảy ra một phần là vì từ khi cuộc đời Josh được chuyển thể thành bộ phim “Searching for Bobby Fischer”, ông trở thành nhân vật nổi tiếng và được công chúng quan tâm.
Từ đó, trong mỗi trận cờ vua, thay vì tập trung vào ván đấu, ông lại nghĩ đến việc mình nhìn như thế nào khi đang thi đấu.
Hơn nữa, Josh cũng bị huấn luyện viên bắt theo một phong cách cờ vua không phải thế mạnh của mình. Dần dần, cờ vua trở nên xa lạ với ông.
Có thể nói, Josh đã chấp nhận để cho người khác lấy mất niềm yêu thích cờ vua của mình. Và đây là tình trạng không chỉ xảy ra với Josh, mà với rất nhiều người trong chúng ta (bao gồm cả mình).
Bộ phim đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Josh Waitzkin
Trong Self-determination theory, một trong những lý thuyết nổi tiếng nhất về động lực, có một lý thuyết nhỏ là “Cognitive evaluation theory” (CET). Theo CET (Reeve, 2023), tính chất của phần thưởng/ tác động bên ngoài có thể ảnh hưởng tới động lực nội tại của ta.
Nếu chúng ta liên tục nhận những phần thưởng như vật chất, danh tiếng hay tiền bạc cho những gì ta làm, dần dần ta sẽ làm việc chỉ để theo đuổi những thứ bên ngoài đó.
Thú thật, dù mình chưa phải nổi tiếng gì nhưng cũng may mắn có được kha khá bài viết viral.
Lúc đầu, mình viết lách chủ yếu để có cơ hội ôn lại những gì mình được học. Tuy nhiên, sau khi thấy những con số tăng vùn vụt, đã có thời gian mình viết rất nhiều nội dung tuy mình không quá tự hào nhưng mình nghĩ có thể viral. Mình cũng nghĩ đến việc làm video ngắn và chuyển sang Youtube để tăng độ nhận diện.
Sau đó, mình phải mất rất nhiều thời gian làm công tác tư tưởng mới dần gạt bỏ cám dỗ viral và trở lại tập trung vào việc học để tiếp thu kiến thức. Thực ra không phải mình không muốn viral, nhưng nếu bây giờ mình chỉ tập trung vào viral mà không học kiến thức mới, mình sẽ đánh mất thời gian quý báu mình có thể dành để trau dồi kiến thức khi còn trẻ.
Tất nhiên, nếu bạn thực muốn nổi tiếng, mình không hề đánh giá việc chạy theo trend hay thuật toán để trở nên viral. Tuy nhiên, mình lại đặt thực học quan trọng hơn, nên bây giờ học vẫn là ưu tiên số một, chứ không phải chạy theo những con số.
Ngoài ra, trong tập podcast phỏng vấn với Tim Ferriss (2020), Josh cũng chia sẻ rằng một trong những lợi thế lớn của ông ấy khi tập lướt sóng là không phải biểu diễn cho ai xem.
Có nhiều người sẽ quay lại cảnh mình tập lướt sóng rồi đăng trên Instagram, nên họ muốn mình phải có những động tác thật đẹp.
Trong khi đó, Josh chẳng cần thước phim đẹp, nên ông ấy có thể luyện đi luyện lại một động tác cả trăm lần. Người ngoài nhìn vào sẽ bảo ông ấy bị điên, nhưng thực chất ông ấy đang luyện tập với độ hiệu quả phải gấp chục gấp trăm lần người khác.
Liên hệ với bối cảnh học tập trên giảng đường, nhiều người vì bị lậm Instagram nên ám ảnh với việc phải tạo những ghi chú thật đẹp. Cơ mà trên thực tế, ghi chú đẹp, highlight màu mè này nọ chẳng có tác dụng giúp bạn tư duy là bao.
Nếu nhìn vào mindmap của mình sau một lần học, bạn sẽ thấy nó vừa loằng ngoằng, vừa lộn xộn, vì lúc đó mình vẫn đang tập trung vào việc tiêu hóa và sắp xếp thông tin, chứ mình không viết để đăng Instagram.
Túm cái quần lại, thể hiện cho người khác biết quá trình học không phải là xấu, nhưng thực học vẫn nên là ưu tiên hàng đầu.
3.1.4. The downward spiral
Trong cuốn sách, thuật ngữ “the downward spiral” ám chỉ tình huống: chúng ta mắc sai lầm, nhưng thay vì học từ nó, chúng ta lại mất bình tĩnh và gặp một sai lầm nặng hơn nữa.
Để minh họa cho “The downward spiral”, Josh Waitzkin kể câu chuyện bi thương về một cô gái và chiếc xe đạp.
Hôm đó, Josh đang trên đường đi bộ đến chỗ dạy cờ vua. Trong lúc tận hưởng cảnh vật xung quanh, Josh bắt gặp một cô gái vừa đi bộ vừa đeo tai nghe. Cô bật nhạc to đến nỗi Josh có thể nghe được cả nhịp trống.
Có vẻ vì quá mải mê với âm nhạc, cô bước ngay xuống lòng đường, giữa lòng giao thông nhộn nhịp của New York. Cô đã phải trả giá cho sự bất cẩn của mình khi bị một chiếc xe đạp tông vào. May thay người lái xe đạp đã kịp phanh và điều hướng xe nên cô không bị thương tích nặng.
Tuy nhiên, thay vì cảnh tỉnh trước sự nguy hiểm mà mình đang gặp phải, cô lại mở tai nghe ra và chửi rủa người đi xe đạp. Hệ quả là … một chiếc taxi từ sau lao đến đâm vào cô, khiến cô bị thương tích nặng và phải đi cấp cứu.
…
Mỗi chúng ta, ai cũng có một phiên bản bị xe đạp tông của riêng mình.
Hồi xưa, mình từng mắc một sai lầm rất ngớ ngẩn khi đi thi nghe IELTS. Vì tối hôm trước mình không ngủ được, nên mình đã bị lỡ ngay câu đầu tiên (thường là câu cho điểm). Thay vì hít thở để bản thân bình tĩnh lại, mình rơi vào trạng thái hoảng loạn, nên bị lỡ tiếp 2 câu sau đó …
May mắn thay mình vẫn kịp trấn tĩnh trong phần còn lại và đạt được 8.0 overall cho kỹ năng nghe. Tuy nhiên, nếu mình không mắc phải sai lầm ngớ ngẩn để lỡ 3 câu đầu, khả năng cao mình đã đạt điểm tốt hơn cho phần listening (để kéo hai phần speaking và writing…).
Ngoài ra, trong khoa học hành vi, có một khái niệm liên quan đến “the downward spiral”, đó là Sunk-cost Fallacy (ngụy biện chi phí chìm). Ngụy biện chi phí chìm ám chỉ việc chúng ta thường muốn tiếp tục một hành động mà chúng ta đã đầu tư thời gian, tiền bạc hay công sức vào, mặc dù rõ ràng sẽ hợp lý hơn nếu ta dừng lại đúng lúc (Pilat and Krastev, 2021).
Sunk-cost Fallacy xuất hiện rất nhiều trong quyết định hằng ngày của chúng ta.
Ta thường tiếp tục một mối quan hệ mà rõ ràng cả hai không còn chung chí hướng, chỉ vì đã dành quá nhiều thời gian cho nhau.
Ta cố học xong một lĩnh vực mình ghét cay ghét đắng, chỉ vì ta đã đầu tư quá nhiều tiền bạc và công sức để theo học.
Chúng ta không thể từ bỏ một công việc ta biết chắc không phù hợp, chỉ vì đã làm ở đây quá lâu rồi…
Tuy nhiên, ta không nhận ra rằng, ta không thể lấy lại những gì mình đã bỏ ra. Nên thay vì không dám từ bỏ, không chịu thay đổi, để rồi mất nhiều hơn nữa, ta cần học cách dừng lại.
Nguồn: Prashant Gajjar
Mình biết, nói thì dễ còn làm thì khó hơn nhiều.
Một khi chúng ta đã đầu tư quá nhiều thời gian và công sức vào điều gì đó, nó trở thành một phần nhân dạng của ta. Thế nên, cảm giác bỏ đi một thứ gì ta đã dành thời gian quá lâu thường sẽ đau đớn như cắt đi một phần của chính mình.
Tuy nhiên, giống như con rắn lột da để trưởng thành, chúng ta cũng phải chấp nhận bỏ đi một điều không còn phù hợp để chừa chỗ cho sự phát triển sắp tới.
Nhận thức được ta có “ngụy biện chi phí chìm” cũng đã là một bước tiến rất lớn rồi, còn lại là quá trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “bạn có thực sự muốn trở nên tốt hơn không?”.
3.2 Đào luyện kỹ năng
Trong phần này, mình sẽ tổng hợp những quy tắc ta cần nhớ khi rèn luyện một kỹ năng, từ kiến thức trong sách, và suy nghiệm của cá nhân mình.
3.2.1 Making smaller circle - Tập trung vào những điều cốt lõi
Trong võ thuật, chúng ta thường bị thu hút bởi những đón đánh đẹp mắt của Lý Tiểu Long hay của Kungfu Panda trên điện ảnh. Đó là lý do những người mới bắt đầu thường lao vào tập nhiều đòn thế hoa mỹ, với hy vọng biểu diễn kỹ thuật của mình cho người khác.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Josh Waitzkin lại khác hoàn toàn. Theo Josh, đây chính là lý do khiến ông đạt cấp vô địch quốc gia chỉ sau hai năm bắt đầu luyện tập Thái Cực Quyền.
Cách tiếp cận của Josh là: tập trung vào những thứ căn bản và phát triển nó đến mức độ siêu việt, thay vì luyện những đón đánh đẹp mắt nhưng hoàn toàn không có chiều sâu.
Khi mới bắt đầu, Josh không luyện những tư thế phức tạp. Ông luyện tập tư thế thiền định của Thái Cực Quyền (Tai Chi meditative form) hàng giờ mỗi ngày, trong hàng tháng liền . Ông ấy tập trung vào điều chỉnh tư thế của mình, đôi khi dành hàng giờ chỉ để thay đổi cử động tay. Ông cũng học cách cảm nhận trạng thái thư giãn của tư thế mình thực hiện.
Qua hàng tháng tập luyện, Josh dần nắm vững căn bản về tư thế thiền định của Thái Cực Quyền, từ đó ông ấy mới dần chuyển sang học những kỹ thuật khác. Chính độ hiểu sâu của Josh về những động tác căn bản đã khiến ông chiến thắng những người luyện tập lâu năm hơn ông nhiều.
Có lẽ, nếu ngay từ đầu Josh luyện tập những tư thế đẹp mắt như trong phim, ông đã phải luyện hàng chục động tác cùng lúc và không có thời gian để đào luyện sâu những tư thế căn bản, điều làm ông khác biệt so với đối thủ.
Đây chính là nguyên tắc mà Josh gọi là “Making smaller circle” - tập trung nắm rõ và luyện tập một vài nguyên tắc căn bản, thay vì học rộng rồi cuối cùng chẳng động lại gì.
Nguyên tắc “Making smaller circle” thực chất có liên kết với tư duy “Investment in loss” được nhắc ở phần một. Bởi luyện tập những điều căn bản thường rất lâu và chán. Josh đã mất hàng tháng chỉ để chỉnh sửa tư thế của mình, điều mình nghĩ hầu hết bạn đọc (bao gồm cả mình) không đủ kiên nhẫn để làm. Nhưng, một khi đã nắm chắc căn bản, chúng ta sẽ học một cách nhanh chóng hơn so với việc cứ học lung tung mỗi thứ một ít.
Mình cũng vừa mới ngộ ra điều tương tự đối với việc học. Thường khi bắt đầu một môn học mới, chúng ta sẽ cố gắng học nhiều khái niệm cùng một lúc. Để rồi cuối cùng, ta không hiểu sâu bất kỳ cái gì và cảm thấy muốn bỏ cuộc. Mình từng cảm thấy như thế khi bắt đầu học về Learning Science. Có quá nhiều phương pháp học khác nhau để tìm hiểu.
Mọi thứ dần thay đổi khi mình tập trung tìm hiểu các nguyên tắc đứng đằng sau những kỹ thuật học tập hiệu quả như desirable difficulty (những kỹ thuật học tập hiệu quả thường thử thách não bộ của ta), active learning (những kỹ thuật hiệu quả thường khiến chúng ta chủ động tiếp thu thông tin thay vì bị động), emotional resonance (những điều tạo cảm xúc thường dễ để ghi nhớ), etc. và thử tất cả các phương pháp để đào luyện chúng.
Bây giờ, mình không phụ thuộc vào bất kỳ kỹ thuật học tập nào, mà có thể thay đổi theo nhu cầu, vì mình đã nắm rõ quy tắc đằng sau nó.
3.2.2 Không gian trống.
Đối với Josh Waitzkin, một võ sĩ xuất sắc không chỉ biết cách “bật công tắc” để trở nên dũng mãnh trên võ đài, mà anh ta cũng cần biết cách để cho cơ thể nghỉ ngơi, thả lỏng hoàn toàn. Chỉ khi nghỉ ngơi tốt thì ta mới đủ năng lượng để dồn vào việc ta làm, còn nếu lúc nào cũng căng thẳng thì ta sẽ chỉ biểu diễn được ở mức “Điểm sáu tầm thường” thay vì “Điểm mười chất lượng”.
Trái ngược với nhầm tưởng của nhiều người, Josh không dành quá nhiều thời gian luyện tập mỗi ngày. Ông ấy chỉ dành 4 tiếng rưỡi mỗi ngày tập trung huấn luyện, nhưng 4 tiếng rưỡi đó là 10/10. Còn lại, ông ấy dành nhiều khoảng trống trong ngày để thiền và soi chiếu nội tâm của mình.
Josh Waitzkin gọi những khoảng thời gian chúng ta không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ kích thích nào bên ngoài, để tâm trí yên tĩnh và thư giãn là “không gian trống” (empty space). Một ngày của ông thường có rất nhiều “không gian trống” nơi ông vun trồng những suy nghĩ chất lượng.
Một “chiến thuật” mà Josh thường sử dụng là Most-important question (MIQ) (Andrew Huberman, 2025).
Về căn bản, MIQ chỉ đơn giản là trước khi đi ngủ, hay trước khi làm bất kỳ việc gì không cần sử dụng nhiều tư duy, như đi tiểu, ông ấy sẽ đặt ra một câu hỏi ông ấy đang cần câu trả lời. Sau đó, Josh sẽ để tâm trí thư giãn hoàn toàn, không suy nghĩ hay sao nhãng bản thân, để yên cho tiềm thức của mình xử lý thông tin. Sau khi để đầu óc thư giãn, ông sẽ quay trở lại với MIQ mình đặt ra, và thường thì ông ấy sẽ nhận được những câu trả lời chất lượng, sáng tạo cho câu hỏi của mình.
Thumbnail của video ngắn mà Josh chia sẻ về MIQ trên Huberman Lab Podcast
Quá trình này có thể được giải thích bởi khái niệm “Focused mode” và “Diffused mode” được giới thiệu trong cuốn sách “Learning how to learn” của giáo sư Barbara Oakley. Theo Barbara Oakley, quá trình học thường là sự kết hợp giữa “Focused mode” - khi chúng ta tập trung học bài, và Diffused mode - khi chúng ta để não bộ thư giãn hoàn toàn.
Bởi lẽ, sau quá trình chúng ta tập trung giải quyết vấn đề, việc để não bộ thư giãn sẽ giúp nó có cơ hội kết nối các phần não bộ khác nhau, giúp chúng ta tạo liên kết giữa những gì vừa học với các thông tin khác. Đó là lý do những ý tưởng sáng tạo thường xuất hiện lúc ta đi tắm, đi bộ,… chứ không phải lúc ta tập trung giải quyết vấn đề.
Tiếc thay, rất ít người biết cách để THỰC SỰ cho não bộ nghỉ ngơi. Đầu óc của phần đa chúng ta lúc nào cũng ở trong trạng thái bị kích thích hoặc sao nhãng. Nếu rảnh rỗi thì ta sẽ ngay lập tức lấy điện thoại ra lướt mạng xã hội, nghe nhạc xập xình, hoặc như mình hồi xưa là mở điện thoại ra nghe podcast.
Nếu ta không để cho bản thân thư giãn hoàn toàn, mà luôn cầm điện thoại mọi lúc mọi nơi (mình chứng kiến nhiều người lướt điện thoại khi đi tiểu, how can you even do that :)), ta đang tự tay ném đi cơ hội để tiềm thức “tiêu hóa” những kiến thức ta vừa được học.
Vậy, làm thế nào để “thực sự thư giãn”?
Mình tin rằng những hoạt động mang tính thư giãn chỉ có thể xảy ra bên ngoài màn hình, nơi không có bất kỳ nội dung nào được thiết kế để khêu gợi Dopamine của bạn.
Những hoạt động mình thường làm là:
- Hít thở theo nhịp: Hít sâu vào 4 giây, dừng lại 4 giây, thở ra 4 giây, và lại dừng 4 giây, lặp đi lặp lại trong khoảng 5-10 phút. Đây là bài tập mình thường xuyên sử dụng nhất trong lúc giải lao sau khi học.
- Non-sleep deep rest. Bạn có thể search từ khóa “Non-sleep deep rest Andrew Huberman” ở Youtube và bạn sẽ thấy một vài clip nơi giáo sư Andrew Huberman trực tiếp hướng dẫn bạn làm bài tập này. Về căn bản, đây là môt bài tập mô phỏng trạng thái thư giãn sâu khi chúng ta đang ngủ, giúp ta hồi phục năng lượng và “một phần” khắc phục hệ quả của việc thiếu ngủ
- Vẽ bậy :)) Để não phải có thể chiếm quyền kiểm soát, đưa chúng ta ra khỏi trạng thái phân tích logic
- Nằm ngủ 10-15p nếu bạn tự tin mình sẽ không ngủ luôn
Đây đều là những hoạt động vừa không mất quá nhiều công sức ,vừa giúp chúng ta phục hồi năng lượng của não bộ.
Không cần phải làm quá nhiều, nhưng thật tập trung vào những thứ mình làm; làm cho ra làm, nghỉ cho ra nghỉ; lấy chất lượng làm ưu tiên thay vì số lượng, đó là một trong những nguyên tắc sống của Josh Waitzkin, và của bản thân mình.
3.2.3 Con đường để trở thành chuyên gia
Trước khi kết bài, ta cùng đến với phần mình nghĩ ai cũng mong chờ...
Sau khi đọc cuốn sách, kết hợp với hiểu biết cá nhân, mình rút ra được 3 bước để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực (phần này sẽ tổng hợp những gì mình viết ở hai phần trên và đưa ra một vài kiến thức mới).
Bước 1: Dành thời gian để “giải phẫu” kỹ năng
Đầu tiên, ta cần phải đọc và nghiên cứu thật nhiều về kỹ năng mình muốn học, mục tiêu là tìm được những nguyên tắc cốt lõi để thực hiện kỹ năng đó. Ví dụ, sẽ có rất nhiều người chỉ cho bạn nhiều phương pháp học tập khác nhau, nhưng thực chất nguyên tắc đằng sau những phương pháp học tập hiệu quả chỉ là một số ít, như mình đã nhắc ở trên.
Hay khi bạn bắt đầu tập gym, sẽ có nhiều người chỉ cho bạn các động tác khác nhau và bảo tập như thế này mới giúp to cơ. Nhưng nếu bạn hiểu được một số nguyên tắc cốt lõi ở đằng sau như “muscle tension” (tập phải thấy được áp lực lên cơ), “progressive overload” (tăng mức độ dần dần), hay “mind-muscle connection” (khi tập phải cảm nhận cơ), thì bạn sẽ có thể tự thiết kế phương pháp tập cho mình.
Đây cũng chính là cốt lõi của bước “making smaller circle” Josh Waitzkin bàn đến.
Chúng ta sẽ khó tìm ra được các nguyên tắc nếu cứ lao đầu vào tập luyện mà không hề có sự tìm hiểu. Ta vẫn có thể tự suy ngẫm với đủ nhiều thời gian, nhưng mình thấy việc đọc sách và tham khảo các chuyên gia giúp ta tìm được các nguyên tắc cốt lõi nhanh gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, điểm yếu của những người thích đọc và tìm hiểu như mình là đọc mãi không chán. Điều đó khiến đôi khi mình bị trì hoãn việc thực sự luyện tập. Nói gì thì nói, nếu chỉ học mà không hành thì kiến thức khó có thể trở thành của mình.
Điểm cân bằng ở đây, là vừa đọc sách hoặc xem video để tìm hiểu, nhưng cũng phải đảm bảo dành thời gian luyện tập
Bước 2: Đào sâu có định hướng
Sau khi đã tìm được những nguyên tắc/ động tác cốt lõi cần luyện tập, hãy dành thời gian luyện tập nó liên tục cho đến khi bạn làm chủ được nó.
Khi luyện tập, bạn cần tìm cách biết được mình làm tốt hay làm tệ, để có thể làm tốt hơn sau mỗi lần tập. Đối với những “procedural skill” như cờ vua hay võ thuật, chúng ta thường sẽ biết được, nếu để ý, hành động gì đã dẫn chúng ta đến việc thực hiện động tác thất bại/ thành công, hay nước đi gì đã khiến ta thắng hoặc thua.
Hoặc, đối với những kỹ năng khó nhận biết thành quả hơn như viết lách, hay những kỹ năng có thời gian nhận phản hồi lâu như đầu tư (thường mất hơn 1 năm để ta biết được kết quả đầu tư của mình), ta nên tìm một người hướng dẫn, để họ có thể đưa ra nhận xét giúp ta phát triển. Nếu tìm người hướng dẫn trực tiếp quá khó thì ta có thể thông qua sách vở để tìm ra ví dụ của những người đã thành công, và so sánh phương pháp của ta với họ.
Ngoài ra, mình cũng tự tạo cho bản thân thói quen, đó là bất kỳ khi nào luyện tập một phương pháp học mới, mình sẽ dành ít nhất 30 phút sau buổi học để nhìn lại mình đã làm như thế nào, và mình có thể cải thiện được những gì.
Những buổi suy ngẫm này nghe qua có vẻ lâu và không cần thiết, nhưng nó đã giúp mình rất nhiều trong việc tìm ra điểm mình cần cải thiện, để đảm bảo mình không bị dừng chân tại chỗ.
Dần dần, khi ta đã luyện tập đủ nhiều, ta sẽ tự hình thành “mental chunk” (tạm dịch: lối tắt tư duy) - giúp ta có thể làm kỹ năng này một cách vô thức, không cần nhiều công sức. Đó là lúc ta vừa đắp thêm một viên gạch cho bức tường kiến thức của mình.
Bước 3: Dám rời khỏi vùng an toàn.
Để thực sự phát triển kỹ năng, ta cần thử thách vùng an toàn của mình. Nhiều người có xu hướng chỉ luyện tập những gì họ đã làm được, vì chúng giúp họ thấy thoải mái, và tự tin hơn về bản thân mình.
Họ chỉ dùng đi dùng lại mãi một phương pháp học tập, vì họ sợ rằng nếu đổi qua phương pháp khác thì sẽ mất đi kết quả hiện tại của mình. Nhưng, họ không biết rằng họ cũng đã tước mất cơ hội phát triển của bản thân. Họ thà giữ phương pháp hiện tại, đạt được kết quả trung bình khá, còn hơn là thử thay đổi để trở thành top 1%.
Khi tập gym, họ chỉ luyện đi luyện lại một bài tập mà họ thoải mái khi làm, dù cho nó không còn đưa lại sự phát triển về cơ bắp. Họ luôn tự hỏi tại sao tôi tập mãi không lên, trong khi đó lại không dám tập những bài thử thách bản thân mình.
Chúng ta không thể trở nên giỏi hơn bằng cách luyện tập mãi một thứ mình đã làm được, mà ta phải liên tục luyện những chỗ mình còn yếu, kể cả điều đó làm ta thấy khó chịu. Tư duy này cũng kết nối với tư duy “Investment in loss” mà ta bàn đến ở trên. Bởi để trở nên giỏi hơn thì trước tiên chúng ta phải chấp nhận “đầu tư” vào điểm yếu.
Kết
Nếu đánh giá trên phương diện một cuốn sách dạy kỹ năng học, “The art of learning” có nhiều điểm có thể cải thiện về bố cục. Những phần có nội dung khá giống nhau như “losing to win” và “investment in loss” có thể được kết hợp lại, hoặc ít nhất làm rõ liên kết để độc giả không bị rối.
Ngoài ra, cuốn sách vẫn đang được viết theo dạng mỗi chương đưa một lời khuyên riêng biệt, chưa hề có sự kết nối với nhau. Điều này dễ dẫn đến tình trạng độc giả đọc xong không đọng lại gì nhiều, vì có quá nhiều vùng kiến thức mới cần tiếp thu.
Tuy nhiên, đối với mình, cuốn sách “The art of learning” giống một cuốn tiểu sử hơn là sách dạy kỹ năng, bởi nó chứa rất nhiều câu chuyện cá nhân của Josh. Thế nên, mình vẫn đánh giá đây là một cuốn sách rất hay, vì qua cuốn sách, mình thực sự thấy được cách Josh Waitzkin đã tư duy để đạt đến trình độ cao không chỉ trong một, mà hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau là cờ vua và võ thuật.
Mình hiểu được những điều được nhắc đến trong “The art of learning” không chỉ là lý thuyết suông, mà có người đã thực sự áp dụng và thành công. Và mình cũng hiểu được rằng, đằng sau những “thành công lớn” không chỉ là tài năng, mà luôn luôn có sự nỗ lực không ngừng, có sự can đảm để bước ra vùng an toàn của bản thân, và có sự khiêm nhường để nhận ra mình có thể sai bất kỳ lúc nào.
Be curious,
The learning enthusiast.
Nguồn tham khảo:
Andrew Huberman (2025). The Art of Learning & Living Life | Josh Waitzkin. [online] YouTube. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=wAnDWfEIwoE [Accessed 22 Mar. 2025].
Oakley, B. (2018). Learning How to Learn: How to Succeed in School without Spending All Your Time Studying: a Guide for Kids and Teens. J.P. Tarcher, U.S./Perigee Bks., U.S.
Pilat, D. and Krastev, S. (2021). The Sunk Cost Fallacy. [online] The Decision Lab. Available at: https://thedecisionlab.com/biases/the-sunk-cost-fallacy.
Reeve, J. (2023). Cognitive Evaluation Theory. Oxford University Press eBooks, pp.33-C2P117. doi:https://doi.org/10.1093/oxfordhb/9780197600047.013.3.
ten Berge, T. and van Hezewijk, R. (1999). Procedural and Declarative Knowledge. Theory & Psychology, 9(5), pp.605–624. doi:https://doi.org/10.1177/0959354399095002.
Tim Ferriss (2020). Josh Waitzkin on Beginner’s Mind, Self Actualization and More | The Tim Ferriss Show. [online] YouTube. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=ZXjKNFD9cvo [Accessed 5 Apr. 2025].
Waitzkin, J. (2008). The art of learning : an inner journey to optimal performance. New York: Free Press.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Chuottrepitpay
Hay qué💜
- Báo cáo

Cò lùi
Bài viết hay, cảm ơn bro nhé!
- Báo cáo
HienLuong
Bài viết hay quá ạ, hi vọng anh sẽ ra tiếp những nội dung như vậy
- Báo cáo
cuongphi
A viết đỉnh quá, mong chờ các bài tiếp theo của a.
- Báo cáo