Khắc lên mai rùa có làm nó đau không??
Một số người cho rằng khắc lên mai rùa cũng chỉ như cắt móng tay, nó không có cảm giác tiếp xúc ở mai.
Một số người cho rằng khắc lên mai rùa cũng chỉ như cắt móng tay, nó không có cảm giác tiếp xúc ở mai.
(Lưu ý: bài này chỉ nói về khoa học, không chọn phe để cãi nhau với cái dramam trên)

Nếu định nghĩa cơn đau theo kiểu sinh học, hay còn gọi là “đau thực thể” (nociception) thì nói nhanh cho nó vuông là CÓ.
Có đau đấy. Mai rùa cũng có cấu tạo mạch máu, dây thần kinh, nên nó vẫn có 1 độ nhạy cảm nhất định, và bị xước mẻ thì não sẽ cảm nhận được, vẫn có tín hiệu nociception.
Một số nguồn tham khảo:
[1]
https://www.turtleholic.com/can-turtles-feel-their-shell/#:~:text=Turtle%20shell%20nerve%20endings,which%20are%20much%20more%20sensitive.
[2] https://quantrimang.com/ben-trong-mai-rua-co-gi-177606?mode=amp
Quan điểm cho rằng khắc lên mai rùa cũng giống như cắt móng tay, cắt tóc là sai.
Thread này có thể khép lại, mình muốn chúng ta đi sâu hơn vào định nghĩa về “cơn đau”.
Đau được Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế định nghĩa "là cảm giác khó chịu và là trải nghiệm cảm xúc xuất hiện cùng với tổn thương mô thực thể hay tiềm tàng, hoặc được mô tả giống như có tổn thương."
Đau bao gồm hai thành phần là đau thực thể (nociception) và đau cảm giác (suffering). Đau thực thể giúp cơ thể phát hiện các kích thích có hại và đưa ra những hành động phản xạ để tránh xa hoặc loại bỏ nguồn kích thích đó. Khái niệm về đau thực thể không ngụ ý tới 'cảm giác' chủ quan - mà là một hành động phản xạ, ví dụ như cách mà con người nhanh chóng rời ngón tay khỏi cái đĩa nóng, mặc dù không thực sự cảm thấy đau. (Wikipedia)
Hãy nghĩ về cơn đau, khi bạn bị đứt tay, bạn sẽ cảm thấy khó chịu, đúng không? Cơn đau mà bạn cảm thấy, tác động đến tinh thần và cảm xúc của bạn, khiến bạn nhăn nhó, khó chịu. Đó là cơn đau kiểu suffering.
Đau nociception có thể được kiểm tra bằng đo đạc, bằng thực nghiệm. Chẳng hạn bạn đứt tay, thì chắc chắn là chỗ vết thương sẽ gửi một tín hiệu về não, khiến bộ não nhận thức được rằng “chỗ này đang bị thương”. Y học có thể kiểm tra được sự đau về mặt nociception bằng nhiều cách, như là dùng điện não đồ ghi lại hoạt động của não, chứng minh rằng não có sự tiếp nhận tín hiệu của vết thương. Như thế là có thể chứng minh rằng bộ não đó biết về sự tổn thương đó => có sự đau nociception.
Còn não có cảm thấy khó chịu hay không? Có trải nghiệm đau đớn, không mong muốn đối với tín hiệu tổn thương đó hay không? Có giống cảm xúc của chúng ta hay không? - thì chẳng có phương pháp sinh học nào đo đạc được hết. Ở con người thì chúng ta còn có cách miêu tả cơn đau bằng ngôn ngữ, đi khám bác sĩ sẽ hỏi bạn đau thế nào, miêu tả lại nó. Nhưng cơn đau đó sẽ chỉ mỗi nhận thức của người bị đau biết, không ai có thể hình dung được cơn đau của người khác.
Ở các loài động vật bậc cao, mặc dù chúng không thể nói như con người, nhưng chúng ta có thể dùng đến phép ‘đối chứng tương tự’ (argument-by-analogy). Phương pháp này dựa trên nguyên tắc nếu một con vật đáp ứng với một kích thích theo một cách tương tự như với chính bản thân chúng ta, thì có khả năng chúng đã có một trải nghiệm tương tự như chúng ta.
Chẳng hạn, bạn đánh con chó, nó cũng sợ hãi, quằn quại, rên “ăng ẳng”, chống trả. Thì ta có thể suy ra là con chó cũng có trải nghiệm đau đớn giống chúng ta. Con nai bị đàn sói săn đuổi và chạy tới bờ sông, nó thà chọn cách chết vì cá sấu thay vì bị sói xé xác, vì nó biết sói ăn thịt lâu hơn, rỉa xác lâu hơn, đau đớn hơn. Hành vi này có thể khiến chúng ta kết luận được rằng mấy con nai đó có trải nghiệm đau giống con người, sợ sệt như người.
Phương pháp đối chứng này là đánh giá con nào biết đau dựa trên việc so sánh phản ứng hành vi của nó với con người, phản ứng càng giống người thì có thể kết luận là nó “biết đau”.
Sự hạn chế của phương pháp đối chứng là các phản ứng sinh lý thì không thể xác định cũng như được thúc đẩy bởi trạng thái tinh thần, và cách tiếp cận này cũng bị chỉ trích là một sự diễn giải theo thuyết nhân cách hoá.(anthropomorphism).
Ví dụ, một sinh vật đơn bào như amip cũng quằn quại sau khi được tiếp xúc với các kích thích độc hại, nhưng nó lại không tồn tại cơ chế đau theo kiểu nociception, song theo phép đối chứng như trên thì ta lại có thể kết luận là sinh vật đơn bào amip biết đau kiểu suffering.
Hay ta có thể thiết kế và lập trình cho một con rô bốt có thể phản ứng quằn quại khi bị đánh đập, thì liệu có thể xác nhận là con robot đó cũng trải qua cảm giác đau đớn giống hệt chúng ta không?
Một ví dụ khác nữa để chúng ta hiểu hơn về đau nociception và đau suffering nhé:
Giả sử tôi và bạn cùng bị đạn bắn vào chân, đúng một vị trí, cùng 1 loại đạn, vết thương giống hệt nhau, và tín hiệu từ vết thương gửi về não là y hệt nhau. Có thể nói tôi và bạn đều có cùng mức độ đau nociception. Nhưng khác cái là tôi lại quằn quại hơn, tôi cảm giác khủng khiếp hơn, rên to hơn. Bạn thì bình tĩnh hơn, cảm thấy không khó chịu lắm với vết thương đó. Vậy thì có thể nói tôi đau hơn bạn về mặt suffering chứ?
Đau suffering là cảm giác, trải nghiệm cá nhân, trải nghiệm ý thức, không thể đo đạc được, chỉ thể hiện qua phản ứng, sự quằn quại. Đây là sự không mong muốn, sự khó chịu đối với trải nghiệm của vết thương.
Cùng một tín hiệu đau nociception như nhau, nhưng nhận thức về nó sẽ khác nhau, ai mà biết được chủ thể ý thức sẽ mong muốn thể nào, khó chịu thế nào với tín hiệu đó.
Hay một số kẻ ưa thích khổ dâm lại không thấy đau, mà lại thấy phê, thấy sướng với cùng 1 loại vết thương mà mình cho là đau.
Nociception và suffering khác nhau như vậy đó.
Ở động vật bậc cao, chúng ta dễ dạng xác nhận rằng, chó, nai, khỉ, bò,…..vv có trải nghiệm đau đớn giống con người dựa vào phép đối chứng, nhưng ở động vật bậc thấp thì việc đó lại khó khăn hơn nhiều. Như con rùa thì khác, việc xác định nó có trải nghiệm đau đớn kiểu suffering hay không là rất khó, vì nó đâu phản ứng như con người đâu, ta cũng ko thấy nó quằn quại, tỏ ra khó chịu, hay có những hành vi có thể đánh giá được. Ta chỉ biết là khắc lên mai rùa thì nó bị tổn thương, bị đau nociception, còn đau cảm giác hay không thì chịu, rùa có các giác đau không thì chỉ mỗi mình nó biết, ta không nói chuyện được với nó nên ta không thể biết.. Biết đâu nó đau vch, khó chịu vch, nhưng biết đâu nó thấy chả sao cả, bình thường.
Đây cũng là vấn đề tranh cãi từ lâu trong chuyện luộc tôm hùm và cua. Phe phản đối cho rằng luộc tôm sẽ làm nó đau khủng khiếp, nhưng là đau nociception, họ gặp vấn đề khi chứng minh về cơn đau trải nghiệm của ý thức.
Quay lại chuyện con rùa.
Tóm lại, ta chỉ không kết luận được nó có cảm giác đau hay không, song ta vẫn khẳng định được là việc khắc lên mai rùa sẽ làm nó tổn thương, ít nhiều là ảnh hưởng tới sức khoẻ của nó.
Nhưng đổi lại thì nó cũng mang ý nghĩa nhân văn (tránh bị người khác bắt). Còn đây có phải là “hành hạ” khiến tổn thương tới tinh thần, trải nghiệm đau đớn trong ý thức của rùa hay không thì không kết luận được.
Nên vấn đề chỉ quy về 2 trường phái:
1. Tổn thương sức khoẻ của nó một chút để đổi lại là tránh nguy cơ bị bắt
2. Có nguy cơ bị bắt nhưng bảo toàn 100% sức khoẻ.