Hệ thống phân phối thu nhập của thế kỷ 20 đã sụp đổ và sẽ không trở lại. Điều này đã tạo ra một cấu trúc giai cấp toàn cầu mới với sự nổi lên của giai cấp “Vô sản Bấp bênh” – Precariat.
Bài viết thể hiện quan điểm của Giáo sư Guy Standing, hiện là cộng tác viên nghiên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS), Đại học London. Ông là tác giả của cuốn sách “best seller” có tựa đề “Precariat – Giai cấp mới nguy hiểm” [1]
Chúng ta đang ở giữa sự chuyển hóa toàn cầu, sự phát triển đau đớn của một nền kinh tế thị trường đã toàn cầu hóa. Đây là một thời khắc mong manh khi những bất ổn và bất công đang đe dọa các giá trị được nuôi dưỡng lâu nay.
Người lao động không còn được chia sẻ lợi nhuận từ sự phát triển kinh tế. Chiến lược kinh tế đã theo đuổi kể từ thời Thatcher-Reagan để lại một hệ thống “chủ nghĩa tư bản cho thuê” (rentier capitalism), hệ thống mà trong đó một thị phần thu nhập gia tăng sẽ trở thành tư bản, còn một phần khác đang tăng nhanh hơn sẽ đi vào túi những người sở hữu tài sản vật chất, tài chính và chất xám. Những chuyển đổi này trao ít cơ hội hơn cho những ai còn phụ thuộc vào lao động.
Hệ thống phân phối thu nhập của thế kỷ 20 đã sụp đổ và sẽ không trở lại. Điều này đã tạo ra một cấu trúc giai cấp toàn cầu mới. Mỗi giai đoạn phát triển sản sinh ra cấu trúc giai cấp độc đáo của nó. Cấu trúc giai cấp độc đáo hôm nay được đặc trưng bởi một chính quyền tài phiệt gồm các tỉ phú đa ngành nắm những quyền lực phi lý, một giai cấp “công nhân cổ trắng hưởng lương” có sự an toàn công việc nhưng đang thu hẹp về số lượng, một giai cấp “vô sản” công nghiệp truyền thống đang suy giảm và một giai cấp mới, giai cấp “Precariat”/“Vô sản Bấp bênh”, đang gia tăng nhanh chóng về số lượng.
Thuật ngữ “Precariat” là sự tích hợp giữa hai từ “Precarious” (bấp bênh) với “Proletariat” (vô sản).
Trong xã hội học và kinh tế học, Precariat là một giai tầng xã hội gồm những người luôn sống trong tình cảnh bấp bênh, không được bảo đảm về một việc làm ổn định và an sinh xã hội.
Nếu như giai cấp vô sản của các công nhân công nghiệp trong thế kỷ 20 là những người thiếu phương tiện sản xuất và phải bán sức lao động để sống, thì các thành viên thuộc giai cấp Precariat thế kỷ 21 chỉ tham gia một phần trong chuỗi lao động với những công việc mang tính thời vụ, thường xuyên gián đoạn và thay đổi.

Theo nghiên cứu của các nhà chính trị và nhà bình luận, những người thuộc giai cấp Precariat có trải nghiệm và quan điểm khác biệt sâu sắc so với giai cấp vô sản đã chiếm ưu thế lâu nay. Hệ quả của toàn cầu hóa, các cải cách và cách mạng công nghiệp đã thúc đẩy “sự linh hoạt lao động”, khiến giới Precariat phải chịu đựng sự bất ổn ngày càng tràn lan, làm cho họ trở thành một giai cấp nguy hiểm.
Trong một quyển sách xuất bản lần đầu năm 2011, tôi đã viết rằng, trừ khi sự bất ổn của Precariat được giải quyết ngay, một con “quái vật chính trị” sẽ nổi dậy. Đối với ai đó thì đây là một cảnh báo sớm: Kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, tôi đã nhận được vô số email nói rằng “con quái vật chính trị của ông” đã đến. Những người chịu đời sống bất ổn có khuynh hướng bỏ phiếu theo cảm tính chứ không làm theo lý tính.

Giai cấp Precariat có ba chiều hướng.

Đầu tiên, họ phải đối diện với một khuôn mẫu việc làm khác biệt. Họ đang tập cho mình quen với một cuộc sống bất ổn, không an toàn về lao động. Tính thời vụ, tạm thời, lao động theo yêu cầu, lao động trên nền tảng đám mây v.v… là những hình thức lao động đang phổ biến. Quan trọng hơn là, giai cấp Precariat thiếu những cái như bản sắc nghề nghiệp, thiếu những câu chuyện đáng để kể về cuộc sống của họ hay bất kỳ cuộc sống có tổ chức nào.
Lao động của Precariat hầu như không được tính vào các thống kê chính thức hay các bài diễn văn chính trị hoa mỹ, trong khi họ vẫn phải bỏ ra các khoản chi phí liên quan đến công việc, ví dụ như tái đào tạo, kết nối xã hội, hoàn thành các bộ hồ sơ và chờ đợi giữa các công việc. Và thông thường họ chỉ có được những công việc thấp hơn học vấn hay năng lực của mình, những công việc với tính thăng tiến thấp. Tất cả những điều đó tạo nên sự lo âu, bất ổn và căng thẳng.
Chiều hướng thứ hai là giai cấp Precariat có mức thu nhập xã hội khác biệt. Cuộc sống của họ gần như phải dựa hoàn toàn vào số tiền họ kiếm được, không được hưởng những phúc lợi ngoài lương mà kể cả giai cấp vô sản truyền thống cũng có được, ví dụ như những ngày nghỉ phép, nghỉ ốm hưởng lương và triển vọng tiền lương hưu đủ sống.
Nếu các công nhân cổ trắng có được nhiều phúc lợi thì Precariat thậm chí còn mất đi cả những thứ mà họ đã từng có. Điều đó có nghĩa là sự gia tăng của bất công đã vượt quá những con số được thể hiện trong các thống kê thu nhập.
Tiền lương thực tế của Precariat bị chững lại hoặc thấp đi, và trở nên “dễ bốc hơi” hơn, nghĩa là sự bất ổn ngày càng tăng lên. Điều đó dẫn tới một bi kịch, đó là họ phải sống bên một bờ vực của sự không chắc chắn, và việc họ bị ốm, tai nạn hay vi phạm pháp luật có thể khiến họ rơi xuống vực thẳm phá sản tài chính.
Chiều hướng thứ ba là một mối quan hệ khác biệt với chính phủ. Precariat đang mất đi các quyền công dân mà họ thường không nhận ra điều đó cho đến khi họ cần chúng. Điều đó đang diễn ra một cách tàn ác, không chỉ với người nhập cư ngày càng gia tăng số lượng mà còn với nhiều người khác đang mất đi các quyền về chính trị, kinh tế, xã hội, dân sự, văn hóa.
Họ cảm thấy mình đứng bên lề những cộng đồng trao cho họ bản sắc và sự đoàn kết. Họ bị các quan chức từ chối các quyền lợi pháp lý của một công dân. Họ không thể thực hành những gì họ đủ tiêu chuẩn thực hiện. Và họ không có mặt trong bài diễn văn của những chính khách đại diện cho nhu cầu và ý muốn của họ.
Ba chiều hướng trên dẫn tới đặc điểm tệ hại nhất, đó là giai cấp Precariat về bản chất chỉ là những người ăn xin. Họ buộc phải làm hài lòng các quan chức, chủ sở hữu lao động, họ hàng, bạn bè hay hàng xóm và yêu cầu sự giúp đỡ của họ hay nài nỉ họ đưa ra một quyết định thuận lợi.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều tiêu cực. Không phải ai cũng xem họ là nạn nhân hay sự thất bại. Nhiều người không muốn những công việc dài hạn nhàm chán. Họ đang tìm kiếm công việc và sự nghỉ ngơi theo những cách mới. Nhưng đó là những bất ổn gây ra sự tức giận.
Như tất cả những nhóm mới nổi khác, giai cấp Precariat cũng được chia thành những bộ phận khác nhau bên trong mình.
Nhóm đầu tiên là “Atavists” (Phản kháng). Bị rơi xuống đáy từ những cộng đồng công nhân, Atavists cảm thấy họ có một quá khứ mất mát. Nhóm này về cơ bản không có trình độ học vấn và sẵn sàng nghe theo sự quyến rũ của chủ nghĩa dân túy tân phát-xít. Họ bỏ phiếu cho Trump, Marine Le Pen (lãnh đạo phe cực hữu ở Pháp), Viktor Orban (thủ tướng Hungary đương nhiệm, lãnh đạo đảng bảo thủ quốc gia Fidesz), Brexit và phe cực hữu ở Đức, Italia cùng nhiều nơi khác.
Nhóm thứ hai được tôi gọi là “Nostalgics” (Hoài niệm), bao gồm những người nhập cư và thiểu số cảm thấy mái ấm và sự hiện diện của mình đã bị đánh cắp. Họ đang mất đi các quyền công dân và trở nên thù địch. Nguy cơ ở chỗ, họ là một nhóm khổng lồ tách rời khỏi xã hội. Nhiều người rất tức giận.
Nhóm thứ ba là “Progressives” (Cấp tiến), hầu hết là các thanh niên vào các trường đại học vì lời hứa hẹn cho họ một “sự nghiệp”, nhưng cuối cùng chỉ khiến họ trỗi dậy cảm giác tương lai bị đánh cắp. Họ nguy hiểm theo cách tích cực. Họ không muốn quay lại một quá khứ xám xịt, nhưng cũng không thấy những khát vọng của mình được quan tâm bởi các chính trị gia chính thống. Họ muốn phá vỡ khuôn mẫu, hồi sinh các giá trị phổ quát và đặt sự ổn định trở lại vị trí trung tâm của các chính sách xã hội.
Ở điểm này, có cả tin tốt và tin xấu.
Tin xấu là nhiều người thuộc nhóm Hoài niệm và Cấp tiến đã rút khỏi chính trị dân chủ trong sự vỡ mộng, để lại chỗ trống cho các nhà dân túy tân phát-xít trở nên mạnh mẽ hơn. Hai nhóm này xem các nhà dân chủ xã hội là “những xác chết biết đi”.
Tin tốt là có một sự tái hòa hợp đang diễn ra và quy mô của nhóm Phản kháng đã lên tới đỉnh điểm. Họ đang trở nên già đi như một di sản của sự phi công nghiệp hóa. Trong khi đó, nhóm Hoài niệm đang tìm thấy tiếng nói của mình, còn nhóm Cấp tiến đang gia tăng và vận động trong những phong trào mới. Cần thời gian cho việc định hình một tiến trình chính trị mới, với một số sai lẫm đang bắt đầu bộc lộ. Nền chính trị tương lai sẽ có bộ mặt ra sao thì lại là một câu chuyện khác. Tuy nhiên, một sự tái thiết lập xã hội sắp diễn ra.
Nguồn: Who are ‘The Precariat’ and why do they threaten our society? / Guy Standing / Euronews / 2018/05/01.
__________
Chú thích:
[1]