"Tôi cũng không biết nữa, tự dưng nước mắt cứ chảy tự bao giờ", " "Không hiểu sao nước mắt mình lại rơi". Tôi cho rằng chẳng có chuyện tự dưng ở đây được. Chuyện gì xảy ra cũng đều có lý do. Kể cả khóc.
Đã lâu lắm rồi tôi không khóc, tôi tự cho rằng bản thân quá chai lì cảm xúc hoặc trở thành người trưởng thành nên muốn khóc được chắc cần điều gì đó hardcore hơn. Lần gần nhất tôi khóc khi xem bộ phim hoạt hình "Onward”  của Pixar. Tôi khóc ngay cảnh cuối cùng của phim khi Ian- người em yêu tinh không thể nhìn thấy bố. Ờ thì lúc ấy tôi khóc. Tôi biết sao bản thân mình khóc. Vì cảnh phim ấy khắc hoạ về sợi dây liên hệ giữa người bố cùng con trai và tôi là con người luôn hướng về điều đó - tình cảm gia đình. Lúc ấy khóc là nước mắt chảy nhẹ nhàng xuống đôi gò má mà thôi.
Nhưng cũng đã lâu từ khi bộ phim ấy công chiếu từ 2020. Ba năm trôi qua cho đến khi tôi xem được đoạn clip này. Tôi đã khóc tức tưởi - đúng nghĩa luôn.
Bộ phim ngắn Don't judge! (Đừng phán xét)
Bộ phim này chỉ dài 3 phút 56 giây, được làm trong có 30 phút. Bộ phim ngắn này được lan truyền là đoạt giải Oscar về hạng mục phim ngắn 2020 nhưng tôi tìm hiểu thì không phải vậy. Có lẽ vì nó khiến nhiều người khóc nên tự dưng được gắn thêm Oscar vào.
Nội dung của bộ phim này đơn giản. Đó là sự hiểu lầm của người thầy với cậu học trò của mình và cách hành xử của thầy khi thầy phát hiện ra sai lầm của mình.
Tôi đã khóc khi xem bộ phim ngắn này. Tôi đã vỡ oà, khóc tức tưởi trong phòng một mình, kéo dài khéo phải 10 phút sụt sùi khi đến phân đoạn người thầy cúi xuống hôn đôi bàn tay cậu học trò nhỏ. Tại thời điểm đó, tôi nghĩ là nội dung cảm động, chạm đến được lòng người. Chỉ đơn giản là vậy và tôi nghĩ bất cứ ai cũng sẽ khóc. Tôi đã đọc comment của những người xem. Ai cũng khóc. Nhưng khi đưa cho bạn gái tôi xem, cô ấy bình thản. Không hề khóc cũng không có quá nhiều cảm xúc. Cô ấy nội dung này quá dễ đoán.
Đó chính là khi tôi thấy mâu thuẫn. Tôi đã nghĩ là do mình quá cảm xúc hay do bạn gái mình quá vô cảm. Tôi đã không hiểu vì sao tại sao lại có sự khác nhau đến thế. Câu hỏi ấy luôn vòng vòng trong đầu tôi nhưng không có câu trả lời.
Cho đến khi tôi đọc được bài "Đàn ông - ta nói nhiều nhưng chẳng bao giờ nói về mình" của Nguyễn Bảo Trung.
Trong bài viết đó có đoạn: Kể cả những người trong câu chuyện của anh, chính họ cũng chưa bao giờ từng kể về những đau khổ diễn ra trong cuộc đời của mình cả. Ngay cả anh cũng chỉ nghe từ những người đàn ông khác, những người có vẻ là dùng câu chuyện của người khác để nói lên nỗi khổ của mình.
Đó chính là khi tôi loé sáng ra câu trả lời cho câu hỏi về chiếc phim ngắn trên. Liệu rằng cái khoảnh khắc "Thầy giáo cúi xuống hôn đôi bàn tay cậu học trò để xin lỗi" phản ánh điều gì đó chôn kín trong bản thân tôi. Điều gì đó tôi mong muốn nhưng không có được hoặc điều gì đó vượt qua cả sự giới hạn tưởng tượng của tôi và giờ mới nhận ra.
Câu trả lời là . Vì điều đó chạm đến điều thầm kín sâu thẳm nhất trong ngõ ngách tâm hồn tôi. Đó là sự đối xử. Tôi không được đối xử trân quý như thế. Hành động ấy chạm đến tâm can tôi vì tôi chưa bao giờ được đối xử như vậy khi bị hiểu lầm, khi bị làm sai, khi làm chưa đúng và khi phạm lỗi.
Nếu tôi rơi vào trường hợp như cậu học trò kia thì sẽ đơn giản là nhận lại một lời xin lỗi, "xin lỗi vì đã hiểu lầm", "xin lỗi vì quá khắt khe", "xin lỗi vì đã nghiêm khắc" , "xin lỗi nhưng cũng là vì tốt cho bạn" hoặc là một lời đổ lỗi "Tại không nói", "Tại không cố gắng", "tại này và tại kia". Khi tôi xem phim, các bạn cũng sẽ thấy là nội dung dễ đoán. Tôi đoán cái kết phim cũng sẽ như những điều tôi kể ở bên trên thôi vì trải nghiệm của tôi cũng chỉ đến vậy. Nhưng ngược lại với những suy nghĩ vốn là trải nghiệm của bản thân thì tôi thấy người thầy đã làm hành động mà tôi không bao giờ ngờ được và cũng không bao giờ nghĩ ra.
Tôi khóc vì những tổn thương đó. Vì vốn dĩ tôi không được quan tâm đến thế, tôi không được trân quý đến như vậy. Cái tôi nhận được là những sự đối xử bình thường và sự đổ lỗi.
Điều này cũng lý giải cho việc sao bạn gái tôi lại thấy bình thường khi xem bộ phim trên. Trải nghiệm cuộc sống cá nhân của chúng tôi là khác nhau vậy nên không có điều gì mâu thuẫn ở đây nữa.
Giờ tôi đã chạm ngưỡng 30 tuổi, tự nghĩ đã có nhiều thay đổi trong tư duy, tinh thần nhưng sau chuyện này tôi nhận ra. Có những nỗi đau vẫn còn ẩn nấp ở đâu đó trong tâm hồn mà tôi không nhận ra hoặc lãng quên nó. Chỉ khi nào những nỗi đau ấy bị chạm đến bởi một bộ phim, một khúc nhạc, một hình ảnh hay một lời nói thì tôi mới nhận ra: "à, hoá ra là nó vẫn ở đấy, vẫn chưa thể mất đi".
Và con đường để tự healing bản thân mình vẫn sẽ còn tiếp tục dài.