#24/12/2017
maxresdefault

1. Một vài facts về Giáng Sinh có thể bạn không [bao giờ] biết?
– Chúa Jesus “chưa chắc” đã sinh vào ngày 25/12
Có rất nhiều người hoài nghi về việc Chúa Jesus được sinh ra vào ngày 25/12 và quan điểm này hoàn toàn dựa trên cơ sở Kinh Thánh. Thứ nhất, Kinh Thánh chưa một lần đề cập đến ngày sinh cụ thể của Chúa Jesus cả. Thứ hai, theo Tân Ước, sau khi Đức Mẹ Mary hạ sinh Chúa Jesus và đặt Ngài vào trong một máng cỏ thì ngoài trời, những người chăn cừu đang cho đàn gia súc của mình đi ăn trên đồng. Tại thành Bethlehem, xứ Judah, vào cuối tháng 12, trời đang đông rất lạnh, cừu lúc đó đang ở trong chuồng chứ không có ai đi chăn cừu buổi tối cả. Nếu đúng như được miêu tả trong Tân Ước thì ngày Giáng Sinh phải rơi vào mùa hạ hoặc đầu thu chứ không thể là mùa đông được.
Christmas 25/12 lần đầu tiên được tổ chức vào năm 336 tại Đế quốc La Mã dưới thời trị vì của Constantinus Đại Đế. Một vài năm sau, Giáng Hoàng Julius chính thức công bố ngày sinh của Chúa Jesus sẽ được kỷ niệm hàng năm vào ngày 25/12.
Một số ý kiến cho rằng, quyết định của Giáo hội dưới thời Constantinus và Giáo Hoàng Julius nhằm gây được nhiều thiện cảm hơn với người dân bản xứ. Phần lớn người La Mã thời kỳ bấy giờ tin theo đa thần giáo, bái hỏa giáo, thờ thần mặt trời và ngày lễ của họ thường rơi vào cuối tháng 12. Ấn định ngày Giáo Sinh vào khoảng thời gian này có tác dụng thay đổi nhận thức của những người cải đạo nhanh và dễ dàng hơn, người dân không phải thay đổi thói quen cũ mà vẫn có thể thực hiện được những nghi thức tôn giáo mới. Ngoài ra, khoảng thời gian này người Do Thái cũng đang tổ chức Lễ hội Ánh sáng Hanukkah.
– Thừa nhận Giáng Sinh là 25/12 nhưng là theo lịch nào?
Thế giới hiện nay sử dụng bộ lịch Gregorian được Giáo Hoàng Gregory XIII đưa vào thực hành từ năm 1582. Trước đó, bộ lịch Julian được sử dụng. Lịch Gregorian được ưa chuộng vì có độ chính xác cao hơn. Theo lịch Julian, một năm sẽ có 365,25 ngày, trong khi đó, một năm lịch Gregorian có 365,2425 ngày. Sau khi chuyển sang lịch Gregorian thì lịch mới so với lịch Julian cũ bị hụt mất 10 ngày. Tức là ngày 4/10/1582 có quyết định đổi sang lịch mới thì ngày tiếp theo là ngày 15/10/1582. Tuy nhiên, để “cạnh tranh” với lịch Gregorian, một chương trình cải cách lịch Julian đã được công bố vào năm 1923.
Tạm thời đồng ý Chúa Jesus sinh ra vào ngày 25/12, nhưng những Tòa Thánh khác nhau (đặc biệt là Chính Thống giáo phương Đông) sử dụng những bộ lịch khác nhau để tính những ngày lễ tôn giáo quan trọng. Phần lớn thế giới sử dụng hoàn toàn bộ lịch Gregorian theo Công giáo La Mã. Tuy nhiên, vì có Tòa Thánh sử dụng bộ lịch Julian cũ, có bên lại sử dụng Julian mới nên ngày Giáng Sinh tại nhiều nước không rơi vào 25/12 như ta thường biết. Giáng Sinh là một ngày lễ quốc gia vào 6/1 tại Armenia; vào ngày 7/1 tại Belaru, Ai Cập, Ethiopia, Gruzia, Kazakhstan, Macedonia, Moldova, Montenegro, Serbia, Nga và Ukraine. Ở nhiều nơi khác, 6-7/1 vẫn được tổ chức nhẹ vì được xem là “Old Christmas”.
2. Chúa Jesus Christ – Con Đức Chúa Trời
Chúa Jesus là nhân vật trung tâm của Cơ Đốc giáo, được tín đồ tin là con của Đức Chúa Trời Jehova - Đấng Sáng Tạo.
Trinh nữ Mary được thiên thần Gabriel báo tin rằng bà đã được lựa chọn để mang thai đấng Christ – con của Thiên Chúa, cũng như đến gặp vị hôn thê của bà là Joseph để thuyết phục ông cưới và chăm sóc mẹ con Mary. Jesus được sinh ra nơi thành Bethlehem và có tuổi thơ chạy trốn lệnh chém giết của vua Herod vì tin lời chiêm tinh rằng vị vua thực sự của dân Do Thái đã xuất hiện. Jesus theo cha mẹ chạy từ Nazareth sang Ai Cập để lánh nạn. Đến năm 12 tuổi, Jesus được cha mẹ dẫn tới đền thờ Chúa tại thành Jerusalem nhân ngày lễ Vượt Qua thường niên của người Do Thái và bắt đầu từ đây tuyên bố tính thần thánh của mình, đi giao giảng tin mừng khắp xứ.
Vào thời điểm đó, người dân Do Thái đang rất tuyệt vọng vì phải sống dưới sự cai trị hà khắc nên đang rất kỳ vọng vào sự xuất hiện của Đấng Messiah – Đấng Cứu Thế đã được tiên tri trong Kinh Torah (Cựu Ước) trước đó. Jesus xuất hiện và tuyên bố mình chính là Messiah thực hiện những lời tiên tri và đồng thời tuyên bố mình chính là con của Thiên Chúa Tạo hóa, là ngôi thứ hai trong 3 ngôi của Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa Duy Nhất.
Một số lời tiên tri điển hình mà Chúa Jesus đã thực hiện để chứng minh tính thần thánh của mình:
– Đấng Messiah được sinh ra tại thành Bethlehem bởi một sinh ra bởi một trinh nữ;
– Đấng Messiah là hậu duệ của vua David – vị vua vĩ đại nhất của người Do Thái. Theo Phúc Âm, từ Abraham đến David là 14 đời, từ David đến thời kỳ thành Jerusalem sụp đổ là 14 đời, từ đó tới Joseph là 13 đời, Jesus là cháu đời thứ 28 của vua David;
– Đấng Messiah sẽ bị hành hạ như và cùng những kẻ phạm tội. Khi Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự, Ngài bị hành hình bên cạnh 2 kẻ trộm khác. Một kẻ sau đó đã tin theo lời Jesus ngay trong lúc bị hành hình và được Jesus hứa sẽ được lên thiên đàng;
– Đấng Messiah có phép thuật. Theo Tân Ước, Chúa Jesus đã rất nhiều lần thể hiện sức mạnh siêu nhiên của mình thông qua những việc như làm sáng mắt người mù, làm sống dậy người chết…
Sau khi chết trên cây thập tự, Chúa Jesus đã Phục Sinh và đi nhiều nơi chứng minh tính thần thánh của mình trước khi trở về nước thiên đàng cùng với Chúa Cha.
Tín đồ Cơ Đốc giáo tin vào thuyết Thiên Chúa 3 ngôi. Thiên Chúa là duy nhất nhưng hiện hữu trong 3 ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con (Jesus) và Chúa Thánh Thần. Ba ngôi vị bình đẳng, tồn tại vĩnh cửu và quyền năng. Ba ngôi tuy riêng biệt nhưng chỉ cùng là một bản thể và một quyền năng như nhau nên cũng chỉ là một Thiên Chúa mà thôi.
3. Rabbi Yeshu trong Do Thái giáo
Nhân vật Jesus lịch sử có thật hay không đối với Do Thái giáo không hề có chứng cứ ghi lại. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến hiện nay đều cho rằng Jesus có thật và đó chính là nhân vật Rabbi (người giảng kinh) có tên Yeshu nên phần dưới dây sẽ dựa vào ý kiến này để triển khai.
————————
Jesus là một người Do Thái, dành trọng vẹn cuộc đời của mình để giao giảng kinh Do Thái. Mặc dù Jesus được coi là người sáng lập ra Cơ Đốc giáo nhưng ban đầu Ngài không hề có ý định tạo ra một tôn giáo mới. Cơ Đốc giáo chỉ được hình thành sau khi tách ra khỏi Do Thái giáo một vài thế kỷ sau khi Jesus qua đời.
Nhắc lại vào thời điểm Jesus, người dân Do Thái đang rất tuyệt vọng và mong chờ vào sự xuất hiện của Đấng Messiah. Jesus xuất hiện và đã thực sự nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người và phần lớn vẫn là dân Do Thái. Bằng chứng là những môn đồ đầu tiên đều là người Do Thái, chưa kể sau này chính những người Do thái tin theo giao ước mới đã tách ra khỏi cộng đồng Do Thái gốc để lập nên Cơ Đốc giáo. Một Rabbi chính thống như Paul cũng đã tin theo Jesus và sự phục sinh của Ngài.
Tuy nhiên, cũng có nhiều dân Do Thái không tin vào Jesus ngay từ đầu, rất bất mãn với việc Jesus tự xưng là con của Thiên Chúa nên được cho là đã ám hại Jesus với quan binh, dẫn tới sự việc Jesus bị hành hình. Chính vì lý do này mà Ki-tô hữu 2000 năm qua, đặc biệt là dưới thời Đức Quốc xã đều không có thiện cảm với người Do Thái vì họ cho rằng chính dân tộc này đã giết chết Chúa Jesus.
Cũng có những người Do Thái ban đầu tin vào lời giao giảng của Jesus nhưng sau khi Jesus chết trên cây thập tự, họ đã quay trở lại tôn giáo nguyên bản của mình vì cho rằng Jesus đã không thực hiện được lời tiên tri cơ bản nhất của một Messiah đó chính là đưa dân tộc Do Thái trở lại vị trí làm chủ thật sự mảnh đất Israel mà Thiên Chúa đã hứa dành cho họ. Jesus chết và họ vẫn phải lưu lạc thêm đến gần 2000 năm, đến tận năm 1948, Nhà nước Israel của người Do Thái mơi được thành lập trên mảnh đất quê hương. Người Do Thái tin rằng Jesus đã chết, mà người có thể chết như vậy không thể là Messiah mà họ đang chờ đợi được. Jesus chỉ là một trong những kẻ giả mạo Đấng Messiah như nhiều kẻ trước đó. Họ vẫn đang chờ đợi đấng Messiah chân chính sẽ đến với họ trong tương lai.
Ngoài ra, người Do Thái sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ ai tự xưng là Thiên Chúa, kể cả người được xem là Đấng Messiah sau này. Thiên Chúa là duy nhất và không có thuyết lý nào như Thiên Chúa 3 ngôi được chấp nhận trong Do Thái giáo. Không ai được phép so sánh với Thiên Chúa nên trong rất nhiều trường hợp họ coi Cơ Đốc giáo là một tôn giáo đa thần.
4. Nhà Tiên tri Isa trong Hồi giáo
Mặc dù Do Thái giáo hoàn toàn phủ nhận Jesus, Jesus chỉ là một người Do Thái bình thường nếu có của lịch sử, còn tín đồ Hồi giáo lại vô cùng kính trọng Người. Nguyên nhân có thể là vì Mohammed được cho là đã tiếp xúc với Cơ Đốc giáo trong một thời gian dài trước Hồi giáo được thành lập.
———————-
Trong Hồi giáo, Jesus với cái tên Ả Rập là Isa, là một trong những Nhà Tiên Tri vĩ đại nhất lịch sử loài người, tương xứng với Moses và là người tiền nhiệm cả Mohammed. Nhưng tuyệt nhiên Jesus chỉ là một người trần mắt thịt được Thiên Chúa ấn định nhiệm vụ Tiên tri cho dân Do Thái và sẽ trở lại trong Ngày Tận Thế chứ không phải là con của Chúa hay là Thiên Chúa cả. Điều này cực kì được nhấn mạnh trong Kinh Qur’an.
Tín đồ Hồi giáo cũng tin vào việc Jesus được sinh ra bởi Trinh nữ Mary. Câu chuyện Jesus giáng sinh cũng gần tương tự với Tân Ước, cũng là Thiên thần Gabriel nhân danh Thiên Chúa xuống báo tin cho Mary để việc bà là trinh nữ nhưng đã mang thai Jesus Christ. Jesus Christ chính là Messiah của dân Do Thái, được Thiên Chúa mặc khải để cứu rỗi người Do Thái thời kỳ đó với những bộ Phúc Âm. Nhưng dù có là gì thì cũng là Jesus – son of Mary chứ không phải Son of God. Ngoài ra, Mary cũng có riêng một chương trong Kinh Qur’an đặc đặt theo tên mình. Bà là người phụ nữ duy nhất được nhắc tới với danh tính đầu đủ trong Kinh Qur’an và trên thực tế, Mary được nhắc trong Kinh Qur’an nhiều hơn trong Tân Ước.
Cũng giống như đối với các Nhà Tiên Tri khác, bao gồm cả Mohammed, tín đồ Hồi giáo mỗi lần nhắc tới tên Jesus đều tuyên xưng “Peace be upon him”. Jesus cũng được miêu tả trong Kinh Qur’an là nhiều lần biểu diễn phép thuật như làm sáng mắt người mù, dựng dậy người chết… nhưng tuyệt nhiên đó là sức mạnh của Thiên Chúa gửi cho Jesus chứ bản thân một người trần như Jesus không hề có phép thuật. Sự việc này cũng giống với câu chuyện Moses cầm chiếc gậy của Thiên Chúa và đã thực hiện nhiều quyền năng với Pharaoh và đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập.
Một điểm khác biệt nữa là Hồi giáo không có ngày Phục Sinh vì cơ bản là đối với họ Jesus chưa bao giờ chết. Một người khác có tướng mạo giống với Jesus đã bị hành hìn, tín đồ Hồi giáo tin rằng Jesus đã được Thiên Chúa cứu thoát và đưa lên trời sống với Ngài. Jesus chưa bao giờ chết nên sẽ không bao giờ có chuyện Phục sinh.
Đặc biệt, Hồi giáo không tin vào tội lỗi nguyên thủy mà con người phải gánh chịu từ nững tội lỗi của Adam và Eva trên vườn Địa Đàng Eden. Họ tin rằng Thiên Chúa đã tha tội cho Adam và Eva cũng như loài người nên con người không cần phải chịu tội đó nữa. Ngoài ra, Mohammed cũng dạy rằng khi một người phạm tội thì không có một ai có thể chịu tội thay được. Họ sẽ được chính Thiên Chúa “đánh giá” vào Ngày Tận Thế dựa trên những việc làm của mình.