(Bài viết mang mục đích tâm sự mỏng giữa đàn ông đàn a với nhau)
1. Người ta thường nói: Con trai trở thành đàn ông là do tuổi tác, còn trở thành quý ông lại là một sự lựa chọn. Chúng ta chọn cách mình hành xử, chọn tha thứ, chọn hy sinh mới làm nên một đấng nam nhi có khí chất. Ngày còn làm phục vụ ở nhà hàng trên sông, mình từng thấy một ông khách tay đeo đồng hồ Rolex, chân mang giày Oxford, mình mặc Tuxedo lịch lãm, trông vô cùng giàu sang, phóng khoáng. Ông ta không tiếc vung tiền chi trả cho bữa ăn sang chảnh, thuê cả nhạc sĩ kéo đàn violin làm người phụ nữ đi cạnh cũng cảm thấy mình được nâng niu mà có vẻ xiêu lòng. Không may, một chị đồng nghiệp của mình trong lúc phục vụ đã vô ý làm bắn giọt cà phê nhỏ lên chiếc áo sơ mi trắng của ông ta. Mình định bước đến đỡ lời giúp nhưng không kịp, ông ta thịnh nộ vung tay làm ly tách rơi vỡ cả ra sàn. Chị ấy lập tức khúm núm, cuống quýt khom người lau dọn các mảnh ly sắc bén, vỡ vụn. Ông ta đưa tay ngăn mình và các phục vụ khác đến giúp chị, muốn để chị tự thân thu dọn. Mình tức lắm mà không thể làm bừa vì cũng chỉ là chân nhân viên quèn. Lúc đó có một cậu bé ăn mặc lịch thiệp, ước chừng 10 tuổi (có vẻ là con của một thực khách khác trong nhà hàng) nhẹ nhàng bước tới, cúi người đặt chiếc khăn vào tay chị ấy rồi quỳ một gối, bắt đầu thu dọn. Cả quá trình đó cậu không nói bất kỳ một lời nào, toàn đại sảnh cũng lặng im phăng phắc, mọi đôi mắt đều đổ dồn về thân hình nhỏ bé kia. Dọn xong, cậu bé nhìn chị mỉm cười rồi nói: “Bố em bảo đàn ông chân chính sẽ không bao giờ để phụ nữ phải chạm vào những sắc nhọn của thế gian đâu!”. Câu nói ấy khiến tất cả mọi thứ xung quanh dường như lặng thinh một nhịp. Ông khách đứng cạnh nghe xong mặt biến sắc, lặng thinh buông mình xuống ghế, trầm mặc. Không ai bảo ai, nhưng tất cả đàn ông trong nhà hàng hôm ấy đều khắc sâu hình ảnh này trong lòng: một người đàn ông cư xử tùy tiện chẳng khác gì một đứa trẻ và một đứa trẻ đĩnh đạc hệt như một quý ông!
Chiếc áo cà sa không thể làm nên thầy tu, người khoác lên vẻ sang trọng xa hoa của âu phục chưa chắc mang cốt cách quý phái. Nếu người đàn ông kia không đeo đồng hồ Rolex đắt tiền, không diện bộ cánh hào nhoáng, không đi Mercedes danh tiếng thì ông ta sẽ là ai hay chỉ là kẻ phàm phu thô lỗ với phụ nữ?! Mình cũng nhớ là sau việc đó, người phụ nữ đi cùng ông ta đã ra về trước, bước đi dứt khoát mà không thèm quay đầu nhìn lại. Hóa ra so với đôi giày da nhẵn nhụi, mui xe sáng bóng thì tâm hồn và nhân cách mới là thứ cần được rèn giũa, trau chuốt mỗi ngày. Cho nên khi muốn giới thiệu bản thân, đàn ông sẽ nhờ tài năng và đức độ lên tiếng. Tài năng có thể xem xét qua nhiều mặt, còn đức độ chỉ biểu hiện ở một khía cạnh duy nhất: thần thái và cử chỉ của anh ta với những người yếu thế hơn mình. Xe sang, đồng hồ đẹp, veston chỉn chu thì cũng chuẩn chỉnh đấy, hào hoa đấy nhưng không đủ để nói lên nhân phẩm của một người. BỘ TRANG PHỤC ĐẮT TIỀN NÀO RỒI CŨNG PHẢI CỞI RA, CHỈ RIÊNG NHÂN CÁCH TỐT ĐẸP MỚI LÀ BỘ VESTON CHUẨN MỰC MÀ TA CÓ THỂ MANG THEO ĐẾN CUỐI ĐỜI. Và những gã đàn ông thực thụ sẽ không nhờ tới mấy món phụ kiện xa xỉ mới định hình được mình. Hiệp sĩ thì muôn đời vẫn là hiệp sĩ, dù mang giáp hay cởi trần. Thứ cốt lõi luôn nằm ở ý chí, không phải giáp trụ.
2. Từ ngày còn bé, Daniel đã là một fan cứng chân chính của các bộ phim điện ảnh về điệp viên. Dòng phim về những tay mật vụ ngầm luôn khiến người xem trầm trồ, phấn khích qua những pha hành động mãn nhãn cùng bao phen đấu trí đến hói cả tóc giữa các thế lực. Mình thì cực hâm mộ series King’s Man được phát hành bởi hãng phim 20th Century Fox danh tiếng. Phim nói về một tổ chức chuyên đào tạo ra các điệp viên siêu hạng nhằm giữ gìn hòa bình cho thế giới. Trong phim có ông chú Harry- một lão điệp viên cừ khôi, thông minh và lịch lãm đến từng cọng tóc đã để lại ấn tượng khó phai cho rất nhiều khán giả mặc dù ông không phải vai chính. Và có lẽ khoảnh khắc mà ông ấy điềm đạm nói: “MANNERS MAKETH MAN- nhân cách tạc nên dáng hình người đàn ông!” đã trở thành câu thoại kinh điển nhất phim. Mình đã bị câu nói giàu cảm hứng ấy ám ảnh hàng tháng trời. Thật khó để hiểu rằng nhân cách- mà không phải tiền bạc, danh vọng hay quyền lực- mới là thứ tạo nên một người đàn ông chuẩn mực! Để thẩm thấu triết lý đó không phải là điều dễ dàng ngay cả với người đã trải qua gió sương cuộc đời. Còn mình chỉ là một thằng nhóc hai mấy tuổi đầu, đi chưa quá xa, trải chưa quá nhiều nên để hiểu thôi cũng đã khó nhằn rồi chứ nhắc chi đến việc thông suốt. Nhưng may mắn là sau này khi bản thân có cơ hội va vấp nhiều hơn, trải qua vài biến cố, lại được bậc tiền bối chỉ dạy, mình dần hiểu ra một khía cạnh nhỏ của triết lý đó- CHỨ KHÔNG PHẢI TOÀN BỘ. Tuy vậy thì đối với một thằng oắt con “vắt mũi chưa sạch” như mình, chừng đó đã là quá đủ để hiên ngang tiến về phía có sông dài, biển rộng. Người ấy đã nói rằng: “Trước khi mày trở thành ông này bà nọ, quyền cao chức trọng, tài lực dồi dào… hay trước khi mày trở thành bất kỳ ai, hãy trở thành đàn ông cái đã. Mà đàn ông phải biết rộng lượng, bao dung và che chở cho những ai yếu thế, lép vế hơn mình, bao gồm cả phụ nữ, người già, trẻ em và tính luôn mấy con thú cưng nữa! Thử làm một phép so sánh nhỏ, đàn ông có phẩm cách sẽ được ví như một kỵ sĩ. Còn tiền bạc, danh vọng, địa vị sẽ như thanh gươm giắt ngang hông, là vũ khí để chàng kỵ sĩ hành hiệp trượng nghĩa. Thanh bảo kiếm ấy vung ra chỉ để bảo vệ người cô thế chứ không bao giờ hướng về bạn bè, người thân. Nếu một chàng trai mang gươm và có một trái tim nhân hậu, anh ta chính là hiệp sĩ trong những câu chuyện truyền kỳ. Còn nếu một người cầm trên tay thanh đao bén nhưng lại thiếu lòng nhân đức, hắn ta chỉ là một tên đạo tặc tầm thường bị người đời căm ghét… Một người đàn ông trải đời sẽ hiểu rằng tiền tài, danh tiếng, quyền lực chỉ nên là mục tiêu để phấn đấu, là công cụ để anh ta thực hiện lý tưởng của mình chứ không bao giờ là đích đến mà anh ta phải đánh đổi mọi thứ để đạt được!”. Lúc đó, lời nói của người tiền bối ấy mình nghe chỉ hiểu được mấy phần nhưng vẫn luôn khắc ghi trong đầu không dám quên, trở thành hành trang mang theo trên những con đường mình sải bước sau này.
Ngày tháng trôi đi, mình có cơ hội gặp thêm nhiều người, nghe thêm không ít chuyện và cũng trải qua vài lần muốn kêu than trời ơi đất hỡi! Nhưng cứ mỗi lần như vậy, bản thân lại thấu hiểu hơn thế nào là hình tượng một đại trượng phu đạp đất đội trời. Tháng năm như dòng thác tuôn, phả vào sự trưởng thành của bản thân, tự nhiên mình hiểu được phần nào câu nói của người tiền bối ngày xưa. Không có ai sinh ra đã là một quý ông hoàn hảo cả. Rượu nhờ ủ lâu mới thành mỹ tửu. Con trai phải kinh qua hai chữ “hồng trần” thì mới thành đàn ông chững chạc, đường hoàng được. Những chuyện đã qua dù ngọt ngào hay cay đắng thì cũng sẽ như con dao bén, từng nhát từng nhát đẽo gọt nên nhân cách một con người...
Từ xưa tới nay, hình tượng người đàn ông “vai năm thước rộng, thân mười thước cao” như Từ Hải được mặc định là chuẩn men, là nam tính. Mình ngày trước cũng tin theo sái cổ nên bỏ công ngày ngày hít đất, đu xà mệt muốn lè lưỡi để bản thân cao to vạm vỡ. Tập đến khi ngực nở bằng mông, mông… tròn như ngực thì thấy thôi thôi không ổn, mình liền chuyển hướng gấp sang tập cho cơ thể rắn chắc, dẻo dai. Coi bộ như vậy thích hợp hơn! Thực ra, độ nam tính chưa bao giờ được đo bằng khối lượng cơ bắp hay mật độ râu ria trên khuôn hàm của phái mạnh cả. Chúng ta hay nghe rằng đàn ông phải mạnh mẽ thế này, phải bá đạo thế kia thì mới men lỳ. Nhưng trên đời có người này người kia, đâu phải đàn ông mà tính tình mềm mại, nhỏ nhẹ thì không được “thẳng” đâu. Đàn ông dù oai hùng hay nhỏ nhẹ, dù giàu sang hay bình dị đều có chung một đặc quyền, đó chính là sự rộng lượng và bao dung. Giống như dại dương bao la dung nạp trăm suối ngàn sông từ muôn phương đổ về. Dù là suối trong tinh khiết hay sông nặng phù sa, biển cả đều thu vào lòng không chút nhỏ nhen, nghi kỵ. Đàn ông chân chính là người hào sảng, phóng khoáng không vì chút lợi ích cá nhân mà so đo tính toán. Đấng nam nhi thực thụ sẽ hiểu rằng chúng ta không cần phải oai thét ra lửa, khua tay múa chân làm hùm làm hổ để tỏ uy phong. Trong mắt phái đẹp, hình ảnh người đàn ông chơi đùa với cún cưng hay bế một đứa bé còn nam tính hơn gấp trăm lần so với lúc anh ta đi xe phân khối lớn, mặc áo khoác da, miệng nhả khói thuốc. Đàn ông nên co được giãn được, giống như nước vậy. Lúc anh ta ở bên người thân thương sẽ hiền hòa như dòng sông êm ả, dịu dàng và nhẫn nại. Khi anh ta ra ngoài đối nhân xử thế, đôi lúc sẽ giống như thác cao tuôn trào dữ dội. Không phải để de dọa hay tổn thương ai, chỉ là nhất mực bảo vệ cho lý tưởng, nguyên tắc của bản thân và những người mình thương yêu. Đàn ông như vậy chính là cực phẩm! Không cần gào mây thét gió nhưng lại sâu xa như biển cả. Và chẳng có ai đủ can đảm để thử độ sâu thăm thẳm của biển bao giờ.
Nói thì hay như hát nhưng cuộc đời lắm lúc giông tố đầy trời, đôi khi phải đánh đổi, phải thỏa hiệp, phải buông xuôi. Tất cả đều là lựa chọn. Trở thành quý ông là lựa chọn, ngược lại cũng vậy. Chỉ hy vọng khi bước qua qua bãi bể nương dâu, tâm hồn vẫn là thiếu niên sạch sẽ tinh thuần. Nhìn rõ những điều không tốt đẹp nhưng vẫn tin vào những điều tốt đẹp, trải qua đớn đau rồi trưởng thành nhưng vẫn giữ con tim lương thiện.
Một đời gió thổi mây bay, mình không mơ thành “đường đường bảy thước nam nhi” mà chọc trời khuấy nước, hô phong hoán vũ. Chỉ mong làm người bình thường nhưng không tầm thường, không mang danh “mặc váy” là được. Đàn ông thành công nhất không hẳn là nhà 3 tầng, xe 4 bánh, giàu sang tột bậc hay danh vọng lẫy lừng. Thành tựu trọn đời của nam nhi chính là sau bao bão giông, tan hợp, đi qua trần thế phồn hoa, băng qua sông sâu biển rộng, trong tâm vẫn nguyên vẹn một lý tưởng như thuở ban đầu- không bị bào mòn, chưa từng phai nhạt.
Nguyện để năm tháng đi qua, đến cuối cùng chỉ còn lại một người, một chấp niệm, thẳng lưng ngẩng đầu ngạo nghễ cùng trời xanh.