Gần đây, tôi tham gia một buổi cà phê cuối tuần nơi mọi người cùng nhau ngồi vòng tròn, thiền ngắn và chia sẻ những câu chuyện của mình. Chủ đề của buổi hôm đó là về tình bạn.
Trong phần trò chuyện theo nhóm nhỏ, chúng tôi được mời chia sẻ về những mối quan hệ bạn bè đang khiến mình gặp khó khăn và chưa biết giải quyết thế nào. Mỗi người chúng tôi chia sẻ về câu chuyện của riêng mình và cùng động viên nhau hoặc cho nhau góp ý nếu được hỏi.
Một chị trong nhóm kể về việc chị đang cố gắng duy trì mối quan hệ với một người bạn từ thuở nhỏ. Hai người từng là hàng xóm và chơi với nhau từ cấp 1. Nhưng sau khi cả hai lớn lên và kết hôn, người bạn kia thường xuyên vay tiền của chị, mong đợi chị hỗ trợ về tài chính vì chị là người có điều kiện kinh tế hơn trong hai người.
Chị cảm thấy rất khó xử nhưng lại không muốn mất đi người bạn này vì rất trân quý tình bạn từ nhỏ của cả hai. Vì vậy, chị rụt rè hỏi chúng tôi có lời khuyên nào cho chị không, và tôi nhận ra giọng chị hơi run run.
Một anh trong nhóm chia sẻ quan điểm của anh rằng bản chất các mối quan hệ nói riêng và cuộc sống nói chung là vô thường. Có những lúc ta phải chấp nhận những người ta yêu thương đã thay đổi. Họ không còn là người mà ta vốn quen biết nữa, và hình ảnh của họ trong ta chỉ còn là ảo ảnh của quá khứ. Khi đó, ta phải học cách buông tay để người đó đi. Đó cũng là cơ hội để chào đón những mối quan hệ mới phù hợp hơn với ta trong hiện tại.
Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của anh bạn tôi. Khi đến lượt tôi đưa ý kiến, tôi nói với chị rằng tôi không nắm rõ câu chuyện cụ thể giữa hai chị ra sao. Có lẽ người trong cuộc là bản thân chị sẽ hiểu hơn hết và biết cần phải làm gì. Tôi chỉ chia sẻ trải nghiệm cá nhân của tôi mà có thể có điểm tương đồng với câu chuyện của chị.
Tôi kể với chị một bài học rất quan trọng về mối quan hệ với người khác mà tôi học được trong những năm gần đây - đó là boundaries (tạm dịch là ranh giới) của mỗi người. Boundaries - ranh giới cá nhân là một điều cực kỳ quan trọng, nhưng đáng tiếc là ít khi được dạy trong các gia đình hay nhà trường của Việt Nam.
Tôi đoán chị cũng giống tôi và không ít đứa trẻ Việt Nam khác - lớn lên hoàn toàn mù mờ về ranh giới của chính mình. Chúng ta quen với việc nghe theo mọi sắp đặt của người lớn mà không có quyền ý kiến khác. Chúng ta luôn được dặn trong nhà thì phải "vâng lời", phải "ngoan", không được cãi cha mẹ, ra ngoài thì phải "hoà đồng với tất cả mọi người" và không bao giờ làm mếch lòng ai.
Điều đó dẫn tới hệ quả là chúng ta không biết cách từ chối người khác vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ với họ. Chúng ta có thói quen đặt người khác lên trên bản thân một cách vô thức. Chúng ta chạy theo nhu cầu của người khác mà quên đi nhu cầu của chính mình, kể cả khi điều đó khiến chúng ta khổ sở và mệt mỏi.
Với câu chuyện của chị bạn trong nhóm, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chị quay trở lại và đặt câu hỏi về ranh giới của chính mình. Khi đứng trước yêu cầu của người bạn kia, điều gì chị có thể chấp nhận và điều gì chị không thể chấp nhận, đến mức nào thì chị sẵn lòng giúp đỡ, quá mức nào thì chị không thấy thoải mái nữa.
Việc giúp đỡ bạn bè, người xung quanh là tốt, nhưng nếu nó đi quá giới hạn và làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng cũng như sức khoẻ tinh thần của bản thân thì cần phải xem lại. Chúng ta nên xác định rõ ranh giới với những người khác để bảo vệ bản thân đồng thời giữ mối quan hệ ở mức lành mạnh. Một mối quan hệ trong đó mình luôn phải hi sinh vì người kia và cảm thấy bị lợi dụng mà không dám lên tiếng thì không lành mạnh chút nào.
Trong nhiều khoá tập huấn về chữa lành tôi từng tham gia, có một nguyên tắc mà tôi rất thích, đó là "ask for what you need, offer what you can" - hãy mạnh dạn hỏi những gì bạn cần và cho đi những gì bạn có. Để làm được như vậy, chúng ta cần biết mình cần cái gì, có thể cho người khác cái gì, và chúng ta chỉ có thể cho người khác cái chúng ta có. Trong câu chuyện của chị bạn tôi, khi người khác đòi hỏi ở mình những thứ mình không có hoặc không thể cho, đó là quá giới hạn.
Và một khi đã đặt ra ranh giới rõ ràng thì bước tiếp theo là truyền đạt nó lại cho đối phương để họ hiểu về ranh giới đó. Nếu họ biết cách tôn trọng ranh giới của mình thì mối quan hệ dần sẽ được cải thiện. Nhưng nếu họ vẫn tiếp tục xâm phạm ranh giới và có những đòi hỏi quá đáng, thì đó là lúc cần buông tay để họ ra đi. Không có lý do gì để giữ những người như vậy bên cạnh mình cả.
Tôi nhìn thẳng vào mắt chị bạn tôi và nói tôi hiểu chị có rất nhiều nỗi sợ bên trong, sợ mất lòng người khác, sợ bị bạn bỏ rơi, sợ sẽ cô độc một mình. Đó là những nỗi sợ rất tự nhiên, nhưng nó chỉ là nỗi sợ thôi. Khi chị mạnh mẽ lên tiếng vì bản thân, thậm chí nếu có chấm dứt quan hệ bạn bè với người kia, điều đó không có nghĩa chị sẽ cô đơn. Vẫn còn rất nhiều người tốt khác quan tâm, yêu thương và tôn trọng chị hơn. Chị sẽ tìm được họ.
Tôi nói đến đó thì thấy chị bạn tôi bắt đầu khóc. Chị bảo đúng là từ bé chị đã rất yếu đuối và thường không dám từ chối người khác, dù là người bạn này hay bất cứ ai khác vì chị sợ làm mất lòng họ. Tôi nắm lấy tay chị và nói đó là vì cách chúng ta được nuôi dạy thôi. Chúng ta phải nhận thức về nó để bảo vệ bản thân tốt hơn và có những mối quan hệ lành mạnh hơn. Chúng ta xứng đáng với điều đó.
Tôi biết không chỉ có chị bạn này của tôi mà còn rất nhiều những người trẻ khác nữa đang loay hoay trong các mối quan hệ với người thân bạn bè xung quanh vì họ không biết có một thứ gọi là boundary tồn tại trên đời.
Rất hi vọng nếu bạn nào đọc được bài viết này mà rơi vào trường hợp đó, bạn có thể suy nghĩ lại về ranh giới của bản thân với những người bên cạnh và tìm ra cho mình một công thức phù hợp để cân bằng giữa nhu cầu của chính mình và nhu cầu của người khác.
Tuyệt đối đừng vì chạy theo người khác mà hi sinh bản thân một cách vô lý. Bạn phải biết cách tự bảo vệ mình, và trước hết hãy bắt đầu từ việc xác định rõ ranh giới của bản thân với những người bên cạnh.