Dạo gần đây tôi luôn thấy mình vô thức so sánh bản thân với các cô gái có nét đẹp tự nhiên kiểu cao, da trắng, tóc đen dài và không bị cận.
Với tôi, họ giống như một tiêu chuẩn của cái đẹp và là tất cả những gì tôi không có. Một tiêu chuẩn mà tôi không bao giờ có thể với đến.
Mỗi lần gặp một cô gái như vậy ngoài đường hay trên internet, tôi đều không khỏi cảm thấy tệ hại về bản thân và bắt đầu thấy mình nhỏ bé, xấu xí và thua kém. Cảm giác mình không đủ xinh, không đủ tốt bắt đầu sẽ quay lại chiếm ngự và khiến tôi khổ sở.
Tôi đọc nhiều sách và biết rằng không nên có một tiêu chuẩn ngoại hình nào cả. Tất cả những "tiêu chuẩn" mà người ta đặt ra đó là để quảng cáo sản phẩm. Họ muốn làm phụ nữ cảm thấy mình không đủ và cần mua thêm các sản phẩm làm đẹp để thay đổi đến khi đạt được cái được coi là "tiêu chuẩn" kia.
Nhưng cái "tiêu chuẩn" đó là vô thức giết chết sự tự tin và hình ảnh bản thân của rất nhiều cô gái giống như tôi. Nó khiến tôi nhìn vào gương và không thấy chính mình như mình vốn là, mà chỉ thấy những khuyết điểm cần sửa và những gì mình muốn trở thành - là cao hơn, là da trắng hơn, là mắt to hơn, về cơ bản là phải khác đi.
Tôi hoàn toàn hiểu những điều đó là không nên, nhưng vì cái ý thức về "tiêu chuẩn" đẹp đó đã ăn rất sâu vào tâm trí tôi từ nhỏ nên việc thoát khỏi ám ảnh về nó thực sự không dễ dàng.
Tôi còn nhận ra một lý do nữa khiến tôi gặp khó khăn trong việc ngừng so sánh mình với các cô gái khác, đặc biệt những cô gái đúng "chuẩn" xinh đẹp tôi có trong đầu là vì tôi có một inferiority complex - mặc cảm thua kém được di truyền từ mẹ tôi.
Suốt thời thơ ấu, tôi luôn thấy mình bị mẹ so sánh với những người xung quanh để làm "động lực" thúc đẩy tôi tốt lên.
"Con nhìn bạn TA, bạn Y nhà hàng xóm đi. Bạn được 10 điểm bài kiểm tra hôm nay mà con được có 9,5 thôi đấy. Con cố học chăm chỉ tí nữa thì mới được như bạn."
"Con với bạn G cùng học như nhau rồi cùng đi thi, sao bạn vẫn được giải Nhất mà con bị tụt xuống giải Ba? Con nghĩ xem có phải tại con chểnh mảng học hành không? Mẹ rất thất vọng về con"
"Hôm nay mẹ đi dự đám cưới con bé H em họ con. Lúc đầu nó không xinh lắm đâu, nhưng vì biết trang điểm, biết ăn mặc nữ tính nên giờ nó xinh như thế, lấy được chồng rồi đấy. Con xem lại mình xem."
"Con xem mấy cô MC trên truyền hình này. Họ mặc váy như thế rõ là xinh, nữ tính. Hay mẹ mua cho con cái váy như thế mà mặc nhé? Gì? Con bảo không thích á? Con thì suốt ngày lôi thôi, không chịu mặc váy trang điểm gì. Con phải nghe mẹ, tin gu thẩm mỹ của mẹ chứ. Mẹ chỉ muốn tốt cho con thôi."
"Mẹ thấy hay là con đi xăm lông mày đi. Lông mày con nhìn như thằng đàn ông, gớm lắm... Cả đi xăm môi lên cho đỏ nữa, mẹ thấy cô đồng nghiệp làm đẹp lắm. Hay con đi cắt mí cho mắt 2 mí giống người ta luôn?"
...
Giờ đây tôi ngồi nhớ lại tất cả những lời nói vô thức của mẹ tôi từ nhỏ này và nhận ra khi mẹ thốt ra chúng, tôi không cảm thấy gì đặc biệt. Nhưng mỗi lời nói so sánh đó của mẹ - tưởng chừng là sẽ nâng tôi lên, biến tôi thành một phiên bản tốt hơn, hoàn hảo hơn trong mắt mẹ, nhưng thực chất lại dìm tôi xuống sâu hơn, bóp nghẹt dần tự tôn của tôi và khiến mặc cảm tự ti trong tôi lớn dần lên.
Tôi luôn vô thức sẽ nhìn những người xung quanh như những chuẩn mực mà tôi cần vươn tới, cần cố gắng để học theo. Ngược lại, những gì tôi có, những gì tôi là, thực tại của tôi sẽ luôn là không đủ. Nếu tôi có thể thay đổi để giống những người kia hơn một chút thì sẽ không sao, nhưng nếu tôi cố gắng thế nào cũng không theo được họ, tôi rơi vào trạng thái bất lực, thấy mình vô dụng và kém cỏi.
Tôi dần căm ghét chính mình. Căm ghét ngoại hình mình. Căm ghét mái tóc xoăn của mình. Căm ghét đôi mắt 1 mí bị cận của mình. Căm ghét dáng dấp của mình. Căm ghét mình vì mình là mình mà không phải là một người khác - không giống "người ta".
Và đến thời điểm này, khi tôi đã quá mệt mỏi với việc so sánh mình với người khác và căm ghét chính mình như thế, tôi nhìn lại để hiểu rõ nguyên nhân đằng sau tất cả chuyện này.
Cách dạy con mà mẹ tôi cho là đúng - dùng tấm gương người khác để con mình noi theo - thực sự không đúng đến thế. Nếu có bậc cha mẹ nào ngoài kia đang tiếp tục dùng cách thức này để dạy con, tôi mong họ sớm nhận ra và dừng lại trước khi quá muộn.
Việc thúc đẩy con bằng cách bảo con phải noi theo người khác có mục đích tốt, nhưng hậu quả nó để lại cho đứa con là cực kỳ khủng khiếp. Những đứa trẻ như tôi đã lớn lên trong một mặc cảm mình không bao giờ là đủ - rằng bố mẹ luôn muốn hơn như thế, mình phải cố nữa, cố mãi, cố đến khi không thể cố được nữa thì thôi.
Những đứa trẻ như tôi đã lớn lên trở thành người có lòng tự tôn cực thấp và luôn sợ hãi nhìn vào sự "hoàn hảo" không tì vết của người xung quanh mà ghen tỵ hoặc tự ti về bản thân.
Những đứa trẻ như tôi đã lớn lên mà không thể yêu thương chính mình, không thể chấp nhận con người mình như nó vốn là, và sống trong cuộc đời này mà không thể nhìn mình như một cá thể toàn vẹn, đủ đầy.
Cảm giác thiếu thốn, thiếu toàn vẹn, thiếu đủ đầy đó đi theo chúng tôi suốt cuộc đời và khiến chúng tôi đau đớn, chao đảo và dễ gục ngã. Và tôi biết, bất cứ bậc cha mẹ nào sinh con ra cũng không mong muốn đó là tương lai của con mình.
Dù sao, giờ nhìn lại, tôi thấy mình còn may mắn vì đủ hiểu biết để nhận thức được vấn đề của mình và tìm ra nguyên nhân đằng sau nó. Tôi không đổ lỗi hoàn toàn cho bố mẹ hay cách nuôi dạy của họ. Nhưng tôi dám chắc nó chiếm một phần khá lớn trong việc gây ra vấn đề của tôi.
Và tôi sẽ học cách re-parent bản thân - tức là tự làm cha mẹ lại cho chính mình. Tôi sẽ học cách tự ôm lấy đứa trẻ bên trong mình và nói "Con không cần phải bị so sánh với người khác như vậy. Con không cần phải cảm thấy tệ hại về bản thân như vậy. Con là con, con là đủ, là duy nhất. Con là một đứa bé ngoan ngoãn, xinh xắn, tốt bụng và có trái tim chân thành. Con có thể sống và làm những gì con thích, những gì con muốn. Con có thể cống hiến cho cuộc đời này mà không cần thay đổi, không cần trở thành 1 ai khác. Con có thể là con thôi. Thế là đủ."
Giống như tấm gương thần trong câu chuyện Harry Potter tập 1, khi người ta đứng trước nó thì sẽ thấy điều khao khát thầm kín nhất của chính mình. Có người sẽ thấy mình cao lớn hơn, đẹp trai hơn, giành nhiều huy chương giải thưởng này kia, vv... Thầy Dumbledore có nói - người nhìn vào gương mà thấy mình vẫn là mình chính là người hạnh phúc nhất thế giới.
Tôi cũng hi vọng tôi, và cả những người có inferiority complex như tôi, có thể nhìn vào bất cứ tấm gương nào và thấy chính mình như hiện tại, không hơn, không kém. Và quan trọng hơn, có thể hài lòng và yêu thương chính phiên bản đó của mình, không đòi hỏi nó phải thay đổi, phải khác đi dưới bất cứ hình thức nào.
Tôi biết điều đó là không hề dễ, nhưng nó là một hành trình dài, trong đó mình phải nhắc nhở bản thân liên tục, rằng mình là đủ, rằng mình không cần so sánh mình với người khác, rằng mình là một cá thể riêng biệt, độc lập và hoàn chỉnh. Tôi sẽ tiếp tục đi trên hành trình đó, và mong các bạn cũng có hành trình của riêng mình, và chúng ta sẽ tìm được cảm giác cân bằng, bình an tự tại mà mình khao khát.