KINH ĐÔ NGỘP THỞ
Mấy hôm nay Hà Nội bụi tối đen cả bầu trời, đi đường thiếu cặp kính với khẩu trang thì không chịu nổi. Không khí ở chỗ chúng ta ô nhiễm...
Mấy hôm nay Hà Nội bụi tối đen cả bầu trời, đi đường thiếu cặp kính với khẩu trang thì không chịu nổi. Không khí ở chỗ chúng ta ô nhiễm thậm tệ, nhưng đã phải tệ nhất chưa?
Hồi trước dịch, cả thế giới nói về ô nhiễm không khí. Tôi còn nhớ 2018 là thời điểm tranh cãi rất nóng về độ chính xác của mấy cái app đo chất lượng không khí. Nhưng cuối năm đó tôi ở Bangkok, không khí còn tệ hơn Hà Nội nhiều. Người đi bộ thưa hẳn vì không khí đặc quánh rất khó thở, hàng ăn uống vỉa hè gần như biến mất. Chính phủ Thái phải điều vòi rồng đi rửa đường khắp thủ đô, có hôm thấy cả máy bay tạo mưa nữa. Người ta chán đến mức chẳng thèm thông báo hay chặn đường, cứ phun ướt hết cả người qua lại.
Một tháng tiếp theo tôi sống ở Ấn Độ. Mức ô nhiễm ở Hà Nội chưa ăn thua. Ở Benares, mỗi chiều có hàng nghìn người chết được thiêu trên 88 ghat dọc bờ sông Hằng. Dàn thiêu đều được dựng thủ công và khi chúng đồng loạt cháy lên, thành phố 3000 năm tuổi này ngập ngụa mùi thịt người, mùi mỡ và mùi gỗ cháy dở. Người đi tàu qua chắc tưởng đây là một nhà máy sản xuất thịt BBQ!
Ở New Delhi không khí bẩn đến mức bạn không thể nhìn rõ cái gì nằm ngoài ba chục bước chân. Tất cả đều chìm trong sương mù. Cái áo khoác đen tôi mặc ra đường luôn bị phủ một lớp màu trắng bên trên. Lạ là tuy bẩn như vậy nhưng người Ấn không đeo khẩu trang. Khi tôi xuống đến Jodhpur và Jaipur, không khí còn xấu hơn nữa. Bẩn đến mức lúc nào cũng có sạn trong mồm và tôi không dám thở mạnh. Dù ngồi trong các nhà hàng cửa kính, không khí vẫn ngột ngạt như đang ngồi ăn giữa một công trường đang trộn xi măng.
Mumbai dễ thở hơn một chút vì gần biển, đây là thành phố đầu tiên mà tôi dám hít thở sâu sau 2 tuần ở Ấn. Nhưng đến Bangalore lại tệ: ban đêm người ta đồng loạt đốt rác, mùi khét và hôi thối bay khắp thành phố không thể trốn đi đâu được. Cả Bangalore như cái lò hơi ngạt trong phim Đức Quốc Xã.
Nhưng kể chuyện xấu ở nước khác ra để làm gì? Không phải để bào chữa cho Hà Nội, mà để cho chúng ta thức tỉnh. Vì nếu không tỉnh ra bây giờ và giảm khí thải, một ngày tỉnh dậy chúng ta sẽ thấy thủ đô tắc thở như Delhi hay Bangalore mất. Đến lúc ấy còn ai dám ra vỉa hè ăn uống hay đi lượn hồ mùa thu?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất