Học giỏi hơn nhờ ... sống thật?
Hai khái niệm tưởng không liên quan nhưng lại liên quan không tưởng
Chuyện là, hai tháng trước, mình vừa nhận được lời mời làm diễn giả tại TEDxUEB với chủ đề Authenticity (sống thật). Để tự làm khó mình, và chiều theo ý thích của bản thân, mình đã thử liên kết Authenticity với chủ đề mà mình yêu thích nhất - Learning Science (Khoa học về học tập).

Ảnh mình hai tháng trước tại TEDxUEB
Lúc đầu, mình cứ ngỡ hai chủ đề này không liên quan, nhưng hóa ra chúng rất kết nối với nhau.
Cụ thể là như nào?
Bạn có tin không nếu mình bảo rằng “các quy tắc sống thật cũng có thể giúp bạn trở thành người học tốt hơn”?
Cùng nhau, chúng ta sẽ khám phá câu trả lời thông qua 3 khái niệm: Growth Mindset (Tư duy Phát triển), Cognitive Load theory (Thuyết tải nhận thức), và Deep Processing (Xử lý thông tin sâu).
Nghe phức tạp đúng không? Bạn sẽ hiểu rõ trong vài phút nữa thôi.
1. Tư duy phát triển (Growth mindset)
Được phổ biến rộng rãi qua cuốn sách “Mindset” của giáo sư Carol Dweck, “Growth Mindset” được định nghĩa là niềm tin rằng trí thông minh của chúng ta không cố định, mà có thể được phát triển thông qua nỗ lực luyện tập (Stanford University, 2024).
Ngược lại với tư duy phát triển sẽ là tư duy cố định (Fixed Mindset). Những người có dạng tư duy này thường sẽ mặc định rằng họ không thể thay đổi dù có cố gắng đến mấy (Pilat and Krastev, 2023).

Nguồn ảnh: (Lu, 2017)
Ví dụ, khi gặp một bài toán khó, một học sinh có tư duy cố định sẽ nghĩ rằng “tôi sẽ không bao giờ làm được bài toán này, vì tôi học dốt toán bẩm sinh”. Trong khi đó, một học sinh có tư duy phát triển sẽ có niềm tin rằng: “tôi chỉ chưa giải được bài toán này trong thời điểm hiện tại thôi, nếu có thêm thời gian luyện tập, chắc chắn tôi sẽ giải được!”.
…
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng , trong dài hạn, những học sinh có tư duy phát triển hầu như luôn đạt kết quả học tập tốt hơn những học sinh có tư duy cố định (Claro, Paunesku and Dweck, 2016), (Zintz, 2018).
Tại sao?
Một trong những nguyên do chính, theo mình, là bởi thái độ của họ đối với thất bại.
Những người có tư duy phát triển xem thất bại như nguồn động lực để họ phát triển. Phạm lỗi cũng được, thất bại cũng được, miễn sao họ vẫn học được từ trải nghiệm của mình.
Ngược lại, những học sinh có tư duy cố định sẽ xem thất bại là thứ quyết định giá trị của họ. Họ nghĩ rằng nếu họ thất bại trong một bài kiểm tra thì họ cũng sẽ là một kẻ thất bại trong cuộc đời. Thế nên, họ sẽ cố gắng né tránh thất bại bằng mọi giá.
Mà cách tốt nhất để tránh thất bại là gì? Là không làm gì cả. Về lâu dài, trong khi những người có tư duy cố định né tránh thất bại, những người có tư duy phát triển tiếp tục luyện tập, trải qua quá trình thử và sai, từ đó trở nên vượt trội hơn.
…
Vậy, Growth Mindset có gì liên quan đến Authenticity?
Mình tin rằng, để sống một cuộc đời chân thực, chúng ta cần phải trở thành người có tư duy phát triển.
Nếu bạn không dám theo đuổi cuộc đời bạn mong muốn chỉ vì sợ sự thất bại, ngay từ đầu bạn đã không có cơ hội để sống cuộc đời mình muốn.
Kết quả là bạn sẽ luôn cảm thấy bất hạnh, so với những người dám sống thật với bản thân mình.
…
Thuở nhỏ, mình luôn được khen là một đứa trẻ thông minh. Điều này giúp mình có niềm tin vào bản thân hơn, nhưng nó cũng khiến sự thông minh trở thành danh tính cố định của mình. Mình làm tất cả mọi thứ để bảo vệ danh tiếng đó, thậm chí mình đã gian lận trong bài kiểm tra, hay nói dối bố mẹ về điểm số của mình.

Dậy thì không thành công
Mọi việc chỉ bắt đầu thay đổi khi vào cuối những năm cấp 3, sau khi bị đời vả cho nhiều cú, mình chuyển sự chú ý từ “tỏ ra thông minh” thành “trở nên thông minh”.
Thay vì nghĩ về điểm số và giải thưởng, mình tập trung hơn vào việc “mình có thể học được gì qua các trải nghiệm”.
Điều quan trọng nhất trong đầu mình từ đó cho đến tận bây giờ là: “làm sao để phát triển hơn 1% mỗi ngày”.
Oái ăm thay, khi mình không quan trọng kết quả mà chỉ để tâm đến thực học, những thành tích lại tự động tìm đến mình.
…
Túm cái quần lại, bí kíp đầu tiên để học tốt và sống cuộc đời chân thực là: Thất bại là điều chấp nhận được, trong cả học tập lẫn cuộc sống, miễn sao bạn vẫn có thể tiếp tục phát triển sau thất bại đó.
2. Cognitive load theory (Thuyết tải nhận thức)
Nghe phức tạp đúng không? Đúng là khái niệm này phức tạp thật … nhưng mình sẽ cố gắng đơn giản hóa nó cho mọi người.
Về căn bản, “tải nhận thức” (cognitive load) biểu trưng cho sức xử lý thông tin của não bộ.
Bạn có nhớ cảm giác lúc học các môn khó (hoặc giáo viên dạy “chờ án”), đầu bạn chẳng thể tiếp thu nổi kiến thức mới mặc kệ nỗ lực của bạn không? Đó là lúc “cognitive load” của bạn bị quá tải.
Thuyết tải nhận thức, được nghiên cứu bởi John Sweller, được xây dựng trên một tiền đề là “trí nhớ làm việc của người học chỉ xử lý được một số lượng thông tin nhất định, và người dạy học nên tìm cách thiết kế quá trình dạy học sao cho người học không cảm thấy bị quá tải” (de Jong, 2010).

…
Đáng buồn thay, hệ thống giáo dục hiện tại, và ngay cả chính bản thân ta, đang có rất nhiều hành động làm hại đến tải nhận thức. Mình của quá khứ là một ví dụ điển hình
Trong quá khứ, thời gian học của mình cực kỳ kém hiệu quả. Mình thường bật một tập Anime để vừa xem vừa học. Kết cục là … tất cả những gì mình nhớ sau khi học là nội dung của bộ Anime.
Ngoài ra, bởi vì mình rất tự tin mình là người thông mình, mình luôn chọn một tư liệu rất khó để đọc, chỉ để thấy bản thân bỏ cuộc sau 30 phút.
Rõ ràng, những hành động trên không tối ưu cho tải nhận thức.
…
Lại đến câu hỏi quan trọng,
“Cognitive load theory liên quan quái gì đến Authenticity?”
Mình nhận thấy rằng, không chỉ trong học tập, mà chúng ta cũng thường thêm “tải nhận thức” không cần thiết vào cuộc sống của mình.
Cụ thể, chúng ta theo đuổi những “phiên bản lý tưởng” không phải chính chúng ta. Ta cố gắng trở thành một "Alpha male" vì nghĩ rằng các cô gái sẽ thích. Ta phấn đấu trở thành học sinh xuất sắc nhất để làm cha mẹ và thầy cô tự hào, dù chúng ta không quá phù hợp với trường lớp.
Bạn có thể làm vậy trong một thời gian, nhưng mình cá rằng bạn không thể giả vờ là phiên bản không phải bạn suốt đời, mà không hủy hoại sức khỏe tinh thần.
Nếu muốn được sống thật, bạn cần bỏ đi chiếc mặt nạ năm tấn mà xã hội ép bạn phải đeo, và theo đuổi điều mình thật sự muốn làm. Nói cách khác, bạn cần “tối ưu tải nhận thức”.

Nguồn ảnh: Rj trên Pinterest
…
Quay trở lại chủ đề học tập, làm thế nào để tối ưu “tải nhận thức”?
Mình có 3 mẹo nhỏ cho bạn:
- Sử dụng “Multimedia Presentation” (trình bày đa phương tiện). Thay vì chỉ tập trung vào một phương tiện, bạn có thể kết hợp cả văn bản, âm thanh và hình ảnh cho một trải nghiệm học tối ưu.
Trong bài báo “Nine Ways to Reduce Cognitive Load in Multimedia Learning” (9 cách để giảm tải nhận thức trong học tập đa phương tiện), Mayer và Moreno (2003) đã chỉ ra rằng, tiếp thu thông tin bằng hình ảnh và âm thanh cùng một lúc sẽ giúp ta tiếp thu thông tin dễ dàng hơn, bởi thay ta được giảm gánh nặng phải tự tư duy bằng một trong hai hình thức trên.
Đó cũng là lý do mà video trên Youtube thường dễ hiểu hơn sách giáo khoa và bài giảng trên lớp. Hiện mình thấy một số ứng dụng đọc sách như Kortext có cả tính năng đọc văn bản, khá phù hợp để ứng dụng “Multimedia Presentation”
- Tránh sự sao nhãng: Điều này nghe khá hiển nhiên, nhưng nó rất quan trọng nên mình vẫn sẽ nhắc lại. Hãy TRÁNH XA ĐIỆN THOẠI của bạn trong lúc học, hoặc ít nhất bật chế độ “không làm phiền”. Bạn không thể nào tập trung tư duy nếu cứ 10 phút lại nghe tiếng thông báo. Ngoài ra, nếu bạn bắt buộc phải học trên một thiết bị điện tử, hãy tải ứng dụng khóa mạng xã hội (social media blocking app). Hiện tại trên máy tính mình đang dùng “Chrome extension” là Work Mode.
- Chọn tài liệu phù hợp trình độ: Đôi khi, vì quá tự tin vào bản thân, chúng ta thường chọn những tài liệu quá khó để học. Rõ ràng, bạn không thể hiểu thấu đáo một bài báo khoa học nếu bạn chưa có kiến thức nền. Điều ngược lại cũng đúng. Nếu bạn đã có đủ kiến thức nền, tất cả các tài liệu nhập môn sẽ trở nên nhàm chán và không cần thiết. Bởi vậy, “sống thật” trong học tập và chấp nhận trình độ của bạn cũng sẽ giúp ích cho quá trình tiếp thu kiến thức.
3. Deep Processing (xử lý sâu)
Deep Processing (xử lý sâu) là quá trình tiếp thu thông tin dựa trên ý nghĩa của nó (Mcleod, 2023). Ngược lại với Deep Processing là Shallow Processing (xử lý nông), hay trong tiếng Việt còn có cách gọi thân thương hơn là “học vẹt”.

Nguồn ảnh: (eksporaddhuha, 2017)
Ví dụ, khi học lịch sử, phần đa học sinh sẽ chọn cách “xử lý nông”; cố gắng đọc đi đọc lại ngày tháng và chi tiết sự kiện, rồi hy vọng bằng một cách thần kỳ nào đó nó sẽ tự vào đầu mình.
Trong khi đó, cách “xử lý sâu” mình thường áp dụng là tập trung vào tầm quan trọng của sự kiện đó với bức tranh toàn cảnh của lịch sử, và bài học cá nhân mà mình rút ra được. Đây là lý do dù không dành quá nhiều thời gian học, điểm tổng kết lịch sử của mình năm cấp 3 hầu như luôn trên 9.
Vậy sự khác biệt chính giữa “Deep Processing” và “Shallow Processing” là gì?
Câu trả lời nằm ở từ khóa:
“Sự liên kết” (connection)
Lý do chúng ta không thể nhớ nổi một đơn vị kiến thức dù ta có đọc đi đọc lại hàng trăm lần là bởi kiến thức đó không có bất kỳ liên kết gì với những điều mà ta đã biết. Nó không gợi cho ta bất kỳ liên tưởng hay cảm xúc nào cả.
Ngược lại, nếu một thông tin mới liên quan đến một điều trước đó ta đã biết (VD: một người có tên trùng với tên NYC của bạn), ta sẽ có xu hướng nhớ sâu và nhớ lâu hơn.
Các vận động viên trí nhớ cũng thường sử dụng sự liên kết để ghi nhớ thông tin. Cụ thể, mỗi lần gặp một thông tin mới, họ sẽ cố gắng liên kết nó với một dữ liệu hay một hình ảnh thân thuộc. Đây cũng là bản chất của những kỹ thuật ghi nhớ nổi tiếng như cung điện ký ức (memory palace).
Túm lại, để ghi nhớ tốt một thông tin, ta cần phải tìm thấy sự liên kết giữa nó với bản thân chúng ta.
…
Tiếp tục đến câu hỏi quan trọng, thế nãy giờ bàn về Deep Processing thì có liên quan gì đến Authenticity không?
Một cuộc đời “chân thực” cần được liên kết với giá trị cốt lõi của bạn, nếu không bạn sẽ luôn thấy mình đang sống cuộc đời của người khác, chứ không phải của chính mình.
Trong cuốn sách “Top five regrets of the dying”, y tá Brownie Ware phỏng vấn những người đang hấp hối để tìm những điều mà họ thấy hối tiếc nhất trong cuộc sống, và một câu trả lời được lặp đi lặp lại là:
“ I wish I'd had the courage to live a life true to myself, not the life others expected of me.”
(Tạm dịch: Tôi ước tôi có can đảm để sống một cuộc đời đúng với bản thân, chứ không phải cuộc đời mà người khác kỳ vọng)
Vậy nên, nếu muốn sống một cuộc đời đáng sống, một cuộc đời ta không hối hận khi nhìn lại, ta buộc phải theo đuổi những điều mà ta thích, những điều “liên kết” với bản thân ta nhất.

Nguồn: Instagram của bà Brownie Ware
…
Quay trở lại với chủ đề học tập.
Để ứng dụng “xử lý sâu” trong quá trình học, bạn có thể tự hỏi bản thân 3 câu hỏi này mỗi khi gặp một kiến thức mới:
Hãy nhớ từ khóa RAC.
R: Relevant - Why is this information relevant to me?
Tại sao thông tin này lại quan trọng đối với bạn? (ý nghĩa thực tiễn, tầm quan trọng của khái niệm này so với các khái niệm khác,…)
A: Apply - How can I apply this information in real life?
Bạn có thể áp dụng thông tin này vào thực tế như thế nào? Bạn có thể nghĩ đến viễn cảnh bạn sẽ áp dụng những gì mình đã học, có thể là trong một dự án tương lai, hoặc tưởng tượng nếu bạn viết một bài chia sẻ về nó thì nội dung của bài viết đó sẽ là gì.
C: Connect: How can I connect this concept with other concepts that I know?
Làm sao để kết nối khái niệm này với các khái niệm khác ta đã được học? Như đã viết ở trên, sự liên kết giúp ta nhớ thông tin lâu hơn so với việc chỉ học nó một cách riêng lẻ.
Điểm chung của tất cả những câu hỏi này là chúng đều buộc bạn tìm cách liên kết kiến thức mới với bản thân mình, chứ không học chúng một cách rời rạc.
Kết
Vậy, bằng cách nào sự chân thực (authenticity) đã giúp mình trở thành một học sinh xuất sắc, và một con người hoàn thiện hơn?
Từ khi lọt lòng cho đến nửa đầu cấp 3, mình là một học sinh có tư duy cố định. Như mình kể ở trên, mình thường gian lận trong thi cử (các cô cấp 2 và cấp 3 đọc được thì bỏ qua cho em nhé :)) Mình cũng từng nói dối bố mẹ về điểm số chỉ để khiến họ nghĩ là mình thông minh.
Và không chỉ trong học tập, khi nói chuyện với bạn bè, mình cũng cố gắng tỏ ra mình là một người hiểu biết, nhà giàu, tài năng,… tất cả chỉ để thỏa mãn cái tôi nhỏ bé của mình.
Lúc đó mình không nhận ra, nhưng càng cố gian lận, càng cố khoe mẽ thì mình lại càng bỏ qua thực học, từ đó mọi thứ cứ thế trượt dốc.
Mình chỉ bắt đầu thật sự phát triển khi mình chấp nhận:
“Mình là một người không hoàn hảo, và sẽ không bao giờ hoàn hảo. Nhưng không sao, miễn là mình chấp nhận thất bại và chuyển hóa nó thành sự phát triển (growth mindset), bỏ qua những thứ không quan trọng (cognitive load theory) và theo đuổi con đường khiến mình thật sự hứng thú (Deep Processing)”

Dù chưa quá hoàn hảo, mình vẫn tự hào về chặng đường phát triển mình đã trải qua
Đó là cách mà mình đã thay đổi, từ một học sinh có tư duy cố định, trở thành một người học suốt đời.
Be curious,
Triet
Nguồn tham khảo:
Bronnie Ware (2019). The top five regrets of the dying : a life transformed by the dearly departing. Alexandria, Nsw: Hay House Australia.
Claro, S., Paunesku, D. and Dweck, C.S. (2016). Growth mindset tempers the effects of poverty on academic achievement. Proceedings of the National Academy of Sciences, [online] 113(31), pp.8664–8668. doi:https://doi.org/10.1073/pnas.1608207113.
de Jong, T. (2010). Cognitive load theory, educational research, and instructional design: some food for thought. Instructional Science, [online] 38(2), pp.105–134. doi:https://doi.org/10.1007/s11251-009-9110-0.
eksporaddhuha (2017). Theory Level Of Processing. [online] Judul Situs. Available at: https://levelofprocessingumb.wordpress.com/2017/12/31/theory-level-of-processing/.
Lu, J. (2017). Understanding the Growth Mindset – Academic Skills Center Blog. [online] sites.dartmouth.edu. Available at: https://sites.dartmouth.edu/learning/2017/05/18/understanding-the-growth-mindset/.
Mayer, R.E. and Moreno, R. (2003). Nine ways to reduce cognitive load in multimedia learning. Educational Psychologist, 38(1), pp.43–52. doi:https://doi.org/10.1207/s15326985ep3801_6.
Mcleod, S. (2023). Levels of Processing. [online] Simplypsychology.org. Available at: https://www.simplypsychology.org/levelsofprocessing.html.
Pilat, D. and Krastev, S. (2023). Fixed Mindset. [online] The Decision Lab. Available at: https://thedecisionlab.com/reference-guide/psychology/fixed-mindset.
Stanford University (2024). Growth Mindset and Enhanced Learning | Teaching Commons. [online] teachingcommons.stanford.edu. Available at: https://teachingcommons.stanford.edu/teaching-guides/foundations-course-design/learning-activities/growth-mindset-and-enhanced-learning.
Zintz, S. (2018). Effectiveness of a growth mindset in education. [online] Available at: https://api.semanticscholar.org/CorpusID:56002859.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
Ngoài ra, một người không cố định với Fixed Mindset hay Growth Mindset. Một võ sĩ có thể có Fixed Mindset khi làm toán nhưng lại có Growth Mindset khi luyện tập. (Mình đọc được điều này ở một bài viết Spiderum nhưng giờ không tìm thấy nữa, ai có link gửi giúp mình với 😭.)