“Thật sự thì mình muốn làm gì?”
Đây là câu hỏi mình khá đau đầu vào 6 năm trước đây vì:
+ Mình tin rằng việc chọn ngành học quan trọng giống việc kết hôn.
+ Ở thời điểm đó mình chưa rõ bản thân mình là ai, sứ mệnh của mình ở cuộc đời này là gì.
+ Có nhiều yếu tố tác động khác như: việc mình quan tâm đến danh tiếng của trường, việc nghĩ mình học vì gia đình, tác động từ chính gia đình và thầy cô,...
Cuối cùng, mình nhắm mắt đặt nguyện vọng vào Đại học Luật TP.HCM.
Chào bạn, 
Mình là sinh viên Khóa 42 ngành Luật, Khoa Luật Hình sự của trường Đại học Luật TP.HCM (hay còn gọi là ULAW). Mình đang làm việc trái ngành, nhưng việc học luật đã giúp ích khá nhiều cho cuộc sống hiện tại của mình. 
Bài viết này mình muốn viết cho các bạn:
+ Chưa biết chọn theo ngành nào: Đọc bài này bạn sẽ có thêm 1 nguồn tham khảo về việc chọn ngành nghề phù hợp với mình.
+ Quan tâm đến việc chọn học Luật (đặc biệt là ở trường Đại học Luật TP.HCM): Bạn muốn tìm hiểu về trải nghiệm người thật việc thật tại trường.
+ Cơ bản là bạn tò mò “làm sinh viên Luật là làm gì?” 
Hi vọng bạn sẽ có thêm nguồn tham khảo, góc nhìn về việc học luật của một người từng học tại ULAW. 

Vậy học luật là làm gì?

Cách dạy

Ở ULAW, ngoài học cách áp dụng luật từ văn bản đến thực tế, tụi mình được học thiên về lý luận, cụ thể hơn là học vì sao điều luật ấy được ban hành ra (nhiều anh chị nói đây là điểm khác biệt giữa cách dạy của trường mình và các trường dạy ngành luật khác). 
Ở tất cả những môn luật và phần lớn các môn khác (không phải tất cả), tụi mình sẽ có những buổi thảo luận. Hình thức là thầy cô sẽ giao bài tập về một tình huống thực tế nào đó (ví dụ như đề bài là 1 tình huống / một bản án /…) và các câu hỏi để mình tự tìm hiểu luật, cũng như kiến thức của môn học đó trong quá trình làm bài tập.

Nên chọn khoa nào khi vào trường L?

“Muốn điểm cao, vô hành chính. Muốn thoải mái, vô hình sự. Muốn cục bộ, vô dân sự. Muốn quảng giao rần rần, vô quốc tế. Muốn giỏi và kỷ luật, vô thương mại”
Đây là cảm nhận của một chị khóa trên nói với mình về các khoa trong trường L.
Vì tính chất và yêu cầu của mỗi khoa khác nhau, nên “văn hóa và con người” của mỗi khoa cũng có những đặc điểm riêng. Bạn cũng có thể tham khảo thêm bằng cách đi hỏi những anh chị khác trong trường.
Nhưng dù chọn khoa nào thì thời của mình (không biết sau này có thay đổi gì không), nội dung học của các khoa thuộc ngành Luật đều gần như nhau, chỉ khác 6 tín chỉ bắt buộc; đề thi của các khoa Thương mại, Dân sự, Quốc tế đa phần khó hơn Hình sự và Hành chính.
Bài học đầu tiên khi vào trường L :) (Nguồn ảnh: The EPIC Club - Hội Sinh viên Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh)
Bài học đầu tiên khi vào trường L :) (Nguồn ảnh: The EPIC Club - Hội Sinh viên Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh)

Cách học luật

1, Trước khi học luật, mình từng lầm tưởng là: Học luật là mở sách luật ra và học thuộc từng điều luật. Đi thi thì phải thuộc luật để làm bài.
Thực tế thì không phải vậy. Với những môn thuần là luật (ví dụ: Luật kinh doanh, Luật thuế, Luật dân sự, Luật Hình sự,...), để theo kịp bài học, tụi mình phải có những văn bản luật liên quan, giáo trình thì không bắt buộc. Khi đi thi mình thì được mang văn bản luật vào phòng thi. Trường quy định là tụi mình chỉ không được viết gì thêm vào văn bản luật, nhưng cách sinh viên luật thường làm là dùng highlight để thuận tiện cho việc đọc luật hơn.
2, Vì học luật quan trọng là làm sao để hiểu luật và biết cách vận dụng luật từ văn bản ra thực tế, nên mình nghĩ đã học luật thì nên chú trọng việc làm bài tập từ thầy cô hay bài tập thảo luận. Chú trọng ở đây không có nghĩa bạn phải dành cả ngày để làm bài tập. Tùy theo mức độ ưu tiên của bạn dành cho việc học, bạn có thể phân bổ thời gian và chọn cách làm phù hợp cho mình.

Kinh nghiệm học Luật của mình

Nguồn ảnh: Sinh viên trường Luật
Nguồn ảnh: Sinh viên trường Luật
Vì vào phòng thi sẽ được mang văn bản luật vào, nên bên cạnh việc hiểu mặt lý luận của Luật thì mình cần lật đúng văn bản, tìm đúng điều luật cần tìm.
Khi còn là sinh viên năm nhất, môn làm mình ấn tượng vì môn học rất gần gũi trong cuộc sống và thầy dạy hay là môn Luật dân sự. Điều mình nhớ nhất là tụi mình phải học tình tiết của hơn 50 bản án để đi thi. Thời đó mình chưa tham gia nhiều các CLB, đội nhóm,...mình vẫn dành ưu tiên cho việc học. Cách làm bài tập của mình là dựa vào từ khóa, mình dò tìm xem phần nào liên quan đến bài tập thì mình sẽ đọc để suy nghĩ và tìm ra câu trả lời. 
Từ năm 2 về sau, khi mình xác định không tập trung vào việc học luật nữa, mà tập trung vào việc tìm ra đam mê và phát triển bản thân, cách làm bài tập của mình là sẽ tìm trên Google cho các câu hỏi. Tuy vậy, mình không “copy paste” tất cả nội dung có sẵn để đối phó, mà chủ yếu để tìm ra cơ sở pháp lý nhanh hơn và từ đó mình sẽ làm bài tập nhanh hơn.
Đến gần ngày thi, mình thường dùng giấy note highlight đánh dấu trang để vào phòng thi “lật” cho nhanh (chỉ ghi lại tên các chương, phần trong văn bản, không ghi các nội dung khác)

Khó khăn khi học tại trường L?

Khó khăn lớn nhất của mình ở ULAW chắc là khi mình xác định sẽ không theo ngành Luật từ học kì 2 năm 2. Đâu đó khoảng 3-4 lần mình đã nghiêm túc nghĩ đến chuyện bảo lưu. Nhưng cuối cùng mình đã quyết định học cho xong, phần lớn vì gia đình hỗ trợ tiền học phí cho mình, nhiều người đặt kì vọng vào mình và mình không muốn làm họ thất vọng, vậy nên mình không cho phép bản thân được quyền dừng lại. 

Vậy thì mình đã lấy động lực nào vượt qua khó khăn này? 

Nếu bạn bè mình muốn tốt nghiệp đúng hạn là để làm đúng đam mê của mình, thì mình muốn tốt nghiệp đúng hạn là để đi tìm đam mê của mình. Trong quá trình học, mình có nợ 1 môn, nhưng vẫn cố “trả nợ” vào năm 3 và tốt nghiệp đúng hạn. 

Quá trình đi học ở trường L dạy mình điều gì?

1, kỹ năng đọc luật
“Ủa đọc luật là mở văn bản ra đọc thôi chứ cần gì kỹ năng?“
Nếu mà đọc và hiểu luật dễ như vậy thì hoặc ai cũng thành luật sư hoặc trường luật đã không có người học rồi.
2, tư duy phản biện
Mình nhớ mỗi lần mình nhận định về 1 điều gì đó mà chưa có cơ sở, thì câu hỏi của thầy cô luôn luôn là: “Cơ sở pháp lý đâu? Luật nào quy định?”. Vậy nên trước khi phát biểu hay nhận định 1 điều gì đó, tụi mình luôn luôn phải tìm các điều khoản trong luật liên quan đến điều tụi mình sắp nói. Hay mỗi lần làm việc nhóm, có thể đây là tính chất của ngành, bạn mình sẽ luôn phản biện mỗi khi nhóm có ý kiến trái chiều.
Vậy nên, điều thứ hai mà Đại học L dạy cho mình là tư duy phản biện.

Đặc điểm nào thường thấy ở người học luật?

Theo mình, đó là thường xuyên đọc và phân tích những gì mình đọc.
Dù không muốn thì trong quá trình học, chương trình học được thiết kế để sinh viên được vận dụng luật hoặc giải quyết tình huống thực tế rất nhiều (qua các buổi thảo luận). Và trải nghiệm học luật sẽ thú vị hơn nếu bạn thường xuyên đọc tin tức để bạn tự liên hệ với bài học, đặt câu hỏi cho thầy cô hoặc hiểu bài hơn thông qua những tin tức được thầy cô liên hệ trong quá trình học.

Kết

Nhiều người bảo: “Học luật để lách luật”. 
Câu này chưa đúng lắm, vì để lách được luật thì bắt buộc bạn phải hiểu luật và sử dụng luật thường xuyên, bạn mới phát hiện ra những “khe hở” của luật thì lúc đó mới lách được. 
Mình chỉ nghĩ học luật để hiểu luật và hỗ trợ cho cuộc sống của mình. Dù bây giờ không làm luật, nhưng mình có thể tự “review” hợp đồng lao động, mình biết cách tra cứu hoặc chỗ để hỏi thêm về thuế TNCN dù mình không tiếp xúc với nó thường xuyên,...Điều này giúp mình đánh giá được mức độ minh bạch và đảm bảo quyền lợi của người lao động ở công ty.
Vậy nên mình thấy học luật “không bổ chiều ngang cũng bổ chiều dọc”. Nếu bạn hoàn toàn chưa biết mình muốn làm gì hoặc muốn học thêm 1 bằng nào đó để bổ trợ cho công việc, thì học luật cũng không phải là một lựa chọn tồi.
(Nhưng đã chọn luật rồi thì nên chọn Đại học Luật TP.HCM hoặc Đại học Luật Hà Nội nhen, vì không biết bên ngoài người ta nghĩ thế nào chứ mình thấy tin tuyển dụng công việc trong ngành luật toàn ưu tiên sinh viên 2 trường này thôi :)) )