Chiều chủ nhật đầu tiên của năm mới, khi đang ngồi thư giãn bên ly cafe và thưởng thức chút ánh nắng ấm áp, tôi vô tình đọc được câu này: "Bạn chính là vạch xuất phát của con bạn". Dường như ngay lập tức trong đầu tôi nảy sinh một suy nghĩ: Câu này sai, vớ vẩn. Nhưng khi kiềm lại cái suy nghĩ ấy để có thể nghĩ sâu hơn, hay còn gọi là "Tư duy phản biện", tôi đã thử vạch ra tất cả những chiều xuôi, ngược mà mình có thể nghĩ ra để suy ngẫm về nó. Và kết quả là nó cũng khá thú vị nên tôi muốn kể với các bạn qua bài viết này.
nguồn: unsplash.com
nguồn: unsplash.com

1. Về vật chất

Suy nghĩ ban đầu tôi hiểu với câu này là:
Mình làm ra bao nhiêu, khi chết đi không mang theo được và thừa kế hết lại cho con cái. Do đó vật chất tích lũy được của mình chính là điểm xuất phát của con cái mình.
Với quan điểm hơi khác một chút, tôi lại không khoái cái suy nghĩ "thừa kế hết tài sản". Tôi thích cái cách "người giàu dạy con" trong những cuốn sách, bài viết mình từng đọc, đó là họ chỉ chu cấp "đủ" chứ không "bừa bãi, tràn lan". Thế nào là "đủ"? Câu này không khó như tôi vẫn nghĩ trước đây. Khi tìm hiểu về "Quản lý tài chính cá nhân", tôi phải liệt kê, đánh giá một cách nghiêm túc về những mức chi phí tối thiểu cho cuộc sống của mình. Dựa trên mức "Chi tiêu tối thiểu" này, tôi có thể biết bao nhiêu tiền là đủ cho mình mỗi tháng, mỗi năm. Khi kiểm soát được chi tiêu ở mức này, tôi thấy đây chính là ngưỡng "đủ". Vậy nên tôi đồng tình với quan điểm: "cho con mình một mốc tài chính vừa đủ". Tất nhiên mức chi tiêu theo từng độ tuổi, từng giai đoạn cuộc đời sẽ khác nhau. Do đó tôi cũng cần tìm hiểu thêm mức đủ của các giai đoạn nữa.
nguồn: unsplash.com
nguồn: unsplash.com
Do đó về vật chất, tôi cho rằng: "Bạn tạo ra vạch xuất phát cho con của bạn". Bạn có quyền chủ động (hoặc bị động khi bỏ qua quyền này) trong việc xác định vạch xuất phát của con cái. Thật khó để đánh giá vạch xuất phát nào thì tốt, bởi góc nhìn của mỗi người, điều kiện mỗi người khác nhau. Nhưng ít nhất thì chủ động xác định vạch xuất phát sẽ tốt hơn là bị động, bởi khi đã đặt đúng điểm xuất phát, ta sẽ có thể chủ động trong nhiều thứ khác để chuẩn bị cho chặng đường phía trước, mà việc này mới là thứ quan trọng hơn.

2. Về tinh thần, tri thức, suy nghĩ

nguồn: unsplash.com
nguồn: unsplash.com
Suy nghĩ ban đầu của tôi là:
Không thể "thừa kế" những thứ trong đầu mình được, bởi nó là vô hình. Cũng không thể bắt ép con cái phải học, phải tìm hiểu những thứ mình cho là đúng (bởi chắc gì đã đúng với nó). Đầy gia đình cha mẹ rất giỏi về tri thức nhưng con cái lại không kế thừa được chút xíu nào tinh hoa này. Kiến thức phải là thứ tự học, tự lĩnh hội mà thôi.
Đến khi nghĩ kỹ hơn thì tôi lại hướng sang một lối như thế này:
Có rất nhiều người đã thành công trong việc đem kiến thức của họ, kinh nghiệm của họ ra dạy cho con cái. Vấn đề là không phải "ép buộc" con cái học nó, mà là "thao túng tâm lý" của con để nó thích học, muốn học và họ luôn sẵn sàng khi nó tìm đến, khi nó hỏi đến.
Những người có kinh nghiệm, có sự chủ động, có được chút thành công trong cuộc sống thì tôi khá chắc chắn là họ phải làm tốt việc kiểm soát tâm lý của chính mình và có khả năng đọc, hiểu cảm xúc của người khác. Gọi là "thao túng tâm lý" thì đúng về bản chất nhưng sẽ dễ bị hiểu sang nghĩa tiêu cực. Ở đây sự thao túng sẽ mang ý tích cực, đó là chủ động hướng suy nghĩ, sự tò mò của đối phương sang con đường mà mình muốn họ đi vào. Ví dụ như muốn con cái học ngành công an, nó sẽ cần được tiếp xúc với những tấm gương công an tốt, nhận thức được sự nguy hiểm của tội phạm tới bản thân nó, gia đình nó, những gì nó yêu thương, trui rèn lòng dũng cảm cho nó... Không phải nói trực tiếp với nó rằng "nó phải theo học ngành này", mà là tạo các điều kiện tốt nhất để phát huy những phẩm chất phù hợp với ngành nghề, khơi gợi sự yêu thích và quan tâm tới ngành nghề đó. Khi đã "gieo mầm" thành công thì có thể sẽ có kết quả như ý muốn.
Tôi có tìm hiểu và được biết: mọi hành vi của chúng ta không phải tự nhiên, mà nó theo một chu trình gọi là "nhân-quả". Có một câu nói khá phổ biến: "Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt số phận". Vậy nên việc tạo ra một vạch xuất phát về kiến thức, về suy nghĩ cho con cái là hoàn toàn có thể được. Vấn đề là ta phải chủ động và kiểm soát những thứ ta gieo, bởi vì mọi lúc, mọi nơi, mọi người nó gặp đều sẽ gieo vào đầu nó một thứ gì đó. Vậy nên việc chuẩn bị môi trường sống (an toàn, hàng xóm tốt, không khí tốt, an sinh xã hội tốt, bạn bè tốt, thầy tốt...), chuẩn bị không gian sống (gia đình hòa thuận, tình cảm, gần gũi, yêu thương, tôn trọng...) là điều rất cần thiết. Nó không phải ngày một ngày hai mà có được, cũng không đơn giản là chỉ dùng tiền mà mua được. Nó đòi hỏi chính người làm cha mẹ phải hướng tới những điều đó (tức là họ cũng phải nhận thức được cái vạch xuất phát trong tư tưởng thế nào là tốt), phải luôn hành động liên tục trong thời gian dài và hành động thật tâm (không phải đối phó theo kiểu thấy người này nói hay thì làm theo, mà phải là thứ họ thật sự hiểu).
Tuy nhiên đây lại là thứ khó làm được nhất. Nó đòi hỏi cả điều kiện vật chất, tinh thần và xã hội nữa. Có rất nhiều thứ khó để kiểm soát nên không thể chủ động hoàn toàn được. Nhưng tôi lại tin vào một thứ: "Cha mẹ làm gương cho con cái". Vậy nên nếu không thể chủ động thay đổi được môi trường, xã hội thì ta chủ động ở hai mặt: Bản thân ta và cách ta hành xử với môi trường và xã hội. Dạy con cách đối phó với những thứ độc hại cũng là một điều tốt chứ không hẳn là giữ nó tránh xa cái xấu. Bản thân ta không biết cách đối phó, vượt qua những thứ đó thì sao mà dạy con, chuẩn bị cho con được? Cho nên có thể nói: "Chính những gì ta đang làm, đang sống là vạch xuất phát của con - về mặt tinh thần".

3. Sự ảnh hưởng

nguồn: unsplash.com
nguồn: unsplash.com
Có một thứ mà tôi thấy ngày càng nhiều, đó là sự ảnh hưởng của cha mẹ tới xã hội sẽ tác động tới con cái. Cách cha mẹ kiếm tiền, cách họ đối nhân xử thế, cách họ tiêu xài, cách người khác nhìn nhận và đánh giá về họ sẽ gieo vào đầu con cái họ. Nó đến trong vô thức và không thể kiểm soát. Trong phần này thì tôi sẽ nói về những sự ảnh hưởng từ bên ngoài vào là chính (bởi sự ảnh hưởng chủ động đã nói ở mục 2 rồi).
Có rất nhiều thứ mà ta làm không có kết quả ngay lập tức, mà nó sẽ đến chậm, kiểu "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Câu này thường hiểu theo nghĩa tiêu cực, nhưng tôi thấy nên hiểu cả theo nghĩa tích cực nữa để cân bằng, đó là "Cái gì ta làm hôm nay có thể tác động tới con cái ta ngày sau". Mà cái kết quả này khó để biết được là nó sẽ tác động tích cực hay tiêu cực.
Ví dụ nhé: bạn nghĩ bạn làm 1 điều tốt, tạo ra ảnh hưởng lớn cho xã hội (như kiểu 1 vị chủ tịch đi) => bạn nghĩ con cái sẽ tự hào, sẽ có vạch xuất phát mà ảnh hưởng tới nhiều người, được mọi người kỳ vọng đúng không? Vấn đề chính là ở "sự kỳ vọng" này. Bạn càng thành công, càng có sức ảnh hưởng lớn, thì người ta lại càng kỳ vọng con của bạn sẽ còn làm được hơn thế nữa, bởi nó có vạch xuất phát chính là bạn rồi cơ mà? Và khi bạn biết con của bạn không đáp ứng được sự kỳ vọng đó thì nó sẽ thế nào không? Áp lực phải thành công (như hoặc hơn) một điều gì đó là một thứ có thể g:i:ế:t c:h:ế:t người ta ngay ở điểm xuất phát (mình xin thêm dấu hai chấm vào từ khóa để tránh nó trở thành từ khóa xấu cho bài viết).
Bản thân tôi đã có lần rơi vào trạng thái này khi tập tành sáng tác truyện. Phần 1 của truyện khá thành công nên nhiều người kỳ vọng ở phần 2, và bản thân tôi cũng kỳ vọng nữa. Đến khi xong phần 2 thì không thỏa mãn kỳ vọng đó (dù bản thân tôi có tự thỏa mãn thì cũng vẫn không đủ bù đắp cho sự thật là vẫn có thất vọng). Vậy nên tôi hiểu ra rằng sự ảnh hưởng, sự thành công của người đi trước tác động lớn tới người đi sau như thế nào.
Do đó, trong trường hợp này thì tôi không muốn "Bạn chính là vạch xuất phát của con bạn". Tôi muốn con cái tôi có thể tránh được sự ảnh hưởng của tôi tới xã hội, mà muốn nó có 1 con đường riêng của chính nó. Tôi không xác định cái vạch xuất phát này. Nhưng có một điều khó khăn đó là "Nếu muốn thành công, bạn cần tạo được sự ảnh hưởng tới xã hội". Kiểu gì thì kiểu, bạn vẫn tác động tới vạch xuất phát của con bởi sự ảnh hưởng của bạn. Vấn đề là bạn phải dạy nó, cho nó làm quen, đối thoại với nó, để giúp nó hiểu rằng thành công của bạn không phải là xuất phát của nó. Nó có con đường khác và nó không phải bước tiếp trên con đường bạn đã (hay đang) đi. Thậm chí nó có thể sẽ phải đi lại từ đầu nếu nó muốn bước vào con đường đó, và bạn sẽ phải phủ nhận thành công của mình để tránh tác động tới bước chân của nó, khiến nó không đủ tự tin hoặc đi sai hướng.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về điều này? Bạn đã chuẩn bị gì cho vạch xuất phát của con bạn chưa? Hay bạn đã biết cha mẹ bạn cho bạn vạch xuất phát như thế nào chưa? Hãy cùng kể cho nhau nghe nào.
29/01/2023
duongAQ