Ngày xửa ngày xưa, xưa thiệt là xưa, cụ thể là những năm 2000 (cười), khi đó đất nước còn đang bước đầu phát triển, đa phần người dân ở nông thôn vẫn dùng bếp lò đun bằng củi khô để nấu nướng chứ chưa dùng gas hay bếp điện từ hiện đại như bây giờ. Ngày ấy nhà mình cũng dùng bếp lò như ai thôi, chiều chiều thổi lửa nấu cơm, khói bếp lãng đãng quấn quanh một làng quê thanh bình. Lũ trẻ con trong xóm mải chơi cách mấy mà thấy khói bếp bay lên từ mái nhà mình thì cũng biết tự giác mà xách đít về nhà ăn cơm, vì đứa nào cũng sợ “chổi chà đại pháp” của các bậc mẫu thân. Mình nhớ bên mâm cơm ngày đó bếp lửa vẫn còn đỏ than hồng, trên bàn có rau cà dưa mắm, có cá thịt rau măng, mẹ một tay xới cơm cho mình, miệng thì luôn rầy la thằng con nghịch ngợm chỉ mải rong chơi mà mồ hôi nhễ nhại, quần áo lấm lem, lát mẹ lại phải giặt đồ mày riêng nữa rồi đó ông nhõi con. Không bữa cơm nào mà mình không bị la, nói chung lần nào ăn cơm nhà mình cũng rất “rộn ràng”, nhiều khi nghĩ lại cứ thấy tự hào vì mình là nhân tố chính mang sự sôi động đến cả nhà 3 người, không có mình thì mẹ la ai?! Lần nào cũng vậy, mẹ vừa mắng mình lì lợm vừa gắp đồ ăn cho mình, còn mình tay nhanh nhẹn lùa cơm mà mồm vừa nhai vừa chối tội. Cảnh tượng ồn ào lại buồn cười, cũng giản dị, yên bình đến nao lòng.
Một bếp lửa, hai bữa cơm, ba người ngồi, bốn mùa trôi.
Mẹ luôn nghiêm khắc, ba thì… luôn theo phe mẹ. Nhưng may là còn ông bà nội ở sát nhà mình, lại rất cưng chiều mình (dù sao thì hồi nhỏ mình nhìn cưng lắm chứ bộ, nhìn hình chụp hồi thôi nôi hồi xưa là thấy có tố chất tài tử rồi, à còn cả chất… ba xạo nữa). Nhờ tình yêu cháu của ông bà nên có vẻ phe mình và phe mẹ đã “cân kèo” hơn. Dù sao lúc mẹ cầm roi rượt thì vẫn có thể an toàn núp sau lưng ông bà, đố mẹ dám đánh đấy!
Lúc ba mẹ đi dạy thì mình hay ở nhà ông bà, sáng đi café với ông nội xong về chơi tới trưa, ăn trưa xong ngủ tới xế, thức dậy thì ra ngoài hiên ngồi với bà nội, chờ thím bán bánh cam bánh bò đi ngang qua là nhìn nội, nhẹ nhàng và tiêu sái buông một câu: “Nội ơi, con đóiiiiiiiii!”. Nói chung cuộc sống của mình ngày bé vô âu vô lo, nếu có phiền muộn thì chỉ do duy nhất một chuyện là không- bao- giờ được phân vai Siêu nhân Đen trong lúc bọn nít ranh cùng xóm chơi trò anh hùng diệt uruku (còn vì sao là siêu nhân Đen hả, tại mình thấy ảnh ngầu hơn siêu nhân Đỏ, được hông? Hết thắc mắc chưa?)
Còn ai thắc mắc vậy mình được phân vai gì thì mình nói luôn, mình bị tụi nó đóng đinh cho vai uruku. Ừa, là vai yêu quái đấy. Cuộc sống mà…
Ngày đó, mẹ ban ngày thì lên bục giảng dạy, tối thì nhận thêm đồ về may cho người ta lấy tiền công. Trước khi mẹ học sư phạm mẹ có học nghề may, mà mẹ mình may khéo lắm! Thời đó nhiều người biết tiếng nên hay gửi vải ở nhà mình đặt hàng trước, có khi vải xếp đầy một bên tủ gỗ ngoài phòng khách, chật ních. Tuy vất vả nhưng mẹ chưa bao giờ than vãn câu nào. Tiền kiếm được từ may đồ mẹ hay để dành một phần, còn lại thì lấy mua trái cây này nọ cho mình ăn. Chỉ cần không phải bánh kẹo đầy phẩm màu hóa học (như mẹ thường bảo) thì mình thèm gì mẹ cũng mua. Mỗi độ chiều lên, khi chơi đã rồi thì mình sẽ cầm một chùm nho mẹ mua ngồi trước nhà, vừa ăn, vừa nhả hột, vừa chờ ba mẹ về nấu cơm chiều. Tối tối, sau khi học bài xong, mình lại đung đưa trên chiếc võng, tay cầm quyển truyện cổ tích đọc say sưa rồi từ từ chìm vào giấc ngủ, bên tai vẫn là tiếng chân mẹ đạp bàn máy may cạch cạch vang lên đều đặn.
Giờ ngồi nhớ lại, có một khoảnh khắc mình cảm thấy tiếng máy may giống với tiếng ru nôi ngày xưa của mẹ. Giống ở chỗ cả hai đều là âm thanh của tình yêu…
Mẹ kể ngày xưa từng có đoạn thời gian mẹ phải tạm ngưng việc học, ở nhà phụ ông bà ngoại buôn gánh bán bưng. Ở cái thời mới giải phóng đó, nhà ngoại nghèo, con cái lại đông, ông bà tất bật lắm mới lo được cho cả nhà đủ ăn. Năm ấy mẹ học đến lớp 10, nhà còn 2 cậu cũng đang đi học, kinh tế trong nhà đã sắp không chống nổi con đường khoa cử của 3 người cùng một lúc. Mẹ thương ông bà vất vả, đành dặn lòng buông tay con đường học vấn, ở nhà phụ giúp ông bà bươn chảy, lo cho 2 cậu học hành. Lúc đó có thầy và bạn bè lặn lội đến nhà vận động mẹ đi học lại mà mẹ trốn miết sau vườn, không dám ra gặp. Sau đó chừng một năm, ông ngoại gây dựng được một nền tảng vững chắc hơn, nhà bắt đầu dư giả, ông ngoại liền đốc thúc mẹ mặc áo dài nữ sinh mà quay lại trường lớp. Cuối cùng mẹ cũng được đi học lại, sau đó thi vào sư phạm và trở thành cô giáo. Sau này mình có hỏi mẹ ngày đó sao mẹ lại quyết định hy sinh như vậy. Mẹ ngồi may đồ, tay cầm phấn kẻ lai, không nhanh không chậm trả lời: “Tuy nghỉ học mẹ rất buồn, nhưng mẹ là chị, mẹ phải lo cho các em. Dù sao mẹ là đàn bà, các cậu con là đàn ông. Thời đó, đàn ông mà không có sự nghiệp thì chả khác gì bỏ lỡ một đời!”. Mình hỏi vặn lại vậy còn cuộc đời mẹ thì sao, sự nghiệp của mẹ ai lo cho? Mẹ nhìn mình rồi bảo: “ Sự nghiệp lớn nhất của người phụ nữ là che chở cho người thân bên cạnh, thành công lớn nhất của người phụ nữ là bao dung cho người họ yêu thương. Mai này con sẽ hiểu thôi.”
Năm tháng cứ thong dong luân chuyển, bốn bể bụi trần, chân mây góc biển, con trai càng trưởng thành, mỗi bước đi lại càng xa nhà. Rồi sẽ có lúc cha mẹ không còn hiểu được phương hướng của con, lý tưởng của con, chỉ có thể đứng tựa bên cửa nhà, ngóng trông con quay về. Rồi con sẽ dọn chén, ba lau bàn, mẹ cầm đũa, cả nhà lại cùng ăn bữa cơm gia đình.
Còn nhớ ngày vừa lên thành phố học, lần đầu tiên thực sự bước chân ra khỏi cửa nhà, nhìn thấy thế gian rực rỡ, cứ nghĩ bản thân đã trưởng thành. Trước khi đi mẹ còn dúi cho cả núi đồ, mình nhăn nhó bảo trên thành phố cái gì cũng có, mẹ bắt con mang nhiều đồ như thế làm gì, nặng chết con rồi. Mẹ chỉ buộc chặt mấy keo dưa mắm vào giỏ đồ rồi nói mẹ bảo thì nghe đi, trứng mà đòi khôn hơn vịt, đường đường bảy thước nam nhi mà mới mang vác tí chút đã than lên than xuống. Mình đành tặc lưỡi nghe lời, khệ nệ mang theo đống đồ to như chú rùa vác theo mai rùa lên Sài Gòn.
Tháng đầu tiên, thằng sinh viên ngu ngơ chân ướt chân ráo mới lên thành phố lớn thấy gì cũng ham, thấy gì cũng mua, rất nhanh đã tiêu gần hết tiền tháng của cha mẹ cho. Lúc đó lạ nước lạ cái, cũng chưa biết chỗ đi làm thêm, tiền trong túi thì như vé xe bus một chiều, một đi không quay đầu. Hậu quả là nửa tháng còn lại chỉ ăn toàn cơm chay với mì gói qua ngày chứ không dám gọi cha mẹ xin thêm, dù sao cũng phải giữa lại sĩ diện của nam nhi trưởng thành chứ. Đến những ngày cuối tháng, tiền sót lại trong ví thậm chí còn ít hơn số lần người ta nhìn thấy UFO, mình hết nhìn cái ví ốm eo gầy mòn trong túi , lại nhìn đến cái bụng mình. A ha! Cả hai thứ đều giống nhau, xẹp lép. Lúc này mình đã ăn mì đến nỗi ngán không thể nhìn bao bì rồi chứ đừng nói đến việc đun nước nấu mì. Chợt nhớ ra keo dưa mắm của mẹ lâu nay vẫn để trên đầu tủ, mình bật dậy với tay lên lấy xuống. Mở nắp ra, có dưa xanh đã ủ, xen lẫn ớt đỏ sắt nhỏ, mùi vị mằn mặn quen thuộc. Mua một hộp cơm trắng 5000 đồng, một bịch canh rau 3000 đồng. Chan canh vào cơm, để dưa mắm lên mặt, từng muỗng từng muỗng cho vào miệng, canh ngon rau ngọt, dưa mắm mặn vừa, cay nhẹ, thêm vị chát của mấy giọt nước từ mắt lăn xuống, hương vị ấy suốt đời này mình cũng không bao giờ quên.
Mẹ à, hôm ấy con đường đường bảy thước nam nhi nhưng lại thấy mình nhỏ bé hơn cả hủ dưa mẹ làm.
Lớp trẻ ở thời đại này, ai cũng điên cuồng lao về phía trước, hối hả chạy về nơi thành đô ngập tràn ánh sáng. Ở đó có công danh sự nghiệp, có ước vọng, có khát khao. Núi non trập trùng, chỉ có thiên hạ rộng lớn thành toàn cho sự ngông cuồng của tuổi trẻ. Nhưng dù là trời Nam mạn Bắc, bờ Tây biển Đông, dù ta có đứng ở tọa độ nào trên quả địa cầu này, cha mẹ vẫn mãi mãi dõi theo, nguyện cầu ta một đời bình an. Giống như Tôn Ngộ Không lộn 10 vạn 8 ngàn dặm không thoát khỏi lòng bàn tay của đức Như Lai, con dù lớn vẫn là con của mẹ. Vẫn sẽ thèm cơm thịt kho tàu, canh chua cá lóc, thèm nghe mẹ la, thèm được mẹ mắng. Con không biết nên so sánh thế nào, hình dung ra sao. Chỉ biết rằng cơm mẹ nấu ngon hơn sơn hào mỹ vị, cả nhà quây quần vui hơn tranh đấu giữa đời.
Nhưng mẹ ơi làm người không thể buông xuôi, không thể không phấn đấu, không thể sống làn nhàn. Nhưng con sẽ luôn nhớ lời mẹ nói, tiền bạc đủ xài một đời là được, chỉ cầu tâm an. Những lúc nhớ nhà, con cũng không thể biểu hiện ra mình đang yếu đuối, lớn rồi nên không có quyền bé lại, con chỉ dám gọi về nhà, đầu dây bên kia có mẹ nhấc máy. Con lại chậm rãi ghẹọ mẹ của con: "Mẹ ơi, đồ ăn ở đây chán quá, hình như con hơi thèm cơm thịt kho tàu của mẹ rồi nè..."
Khói lửa nhân gian phồn hoa tựa bức họa, nhưng phồn hoa cách mấy cũng không thể sánh bằng khói bếp quê nhà.
Đời này, mình chưa ăn hủ tiếu ở đâu ngon bằng hủ tiếu Sa Đéc. Cũng chưa ăn bữa cơm nào ngon như cơm mẹ nấu.
Có bao nhiêu người cả đời truy cầu danh vọng lẫy lừng, hào quang tột bậc, chỉ muốn phất tay lung lay thiên hạ. Lại có bao nhiêu người tìm thấy đại đạo trong những thứ mộc mạc, đơn sơ, từ đó mà họa ra được dáng vẻ thuần khiết nhất của bản thân mình.
Món ăn ngon nhất trên đời là món ăn mà bất cứ lúc nào- dù lúc bạn đắc chí hay nản lòng, thành công hay thất bại, giàu sang hay nghèo khổ, chỉ cần bạn trở về- luôn bày sẵn trên bàn, nóng hổi và bốc khói nghi ngút, đợi bạn ngồi vào cầm đũa, cả nhà sum vầy. Đó là món ăn mẹ làm, là cơm mẹ nấu, giản dị mà vĩ đại, bình thường mà lớn lao.
“Ngang qua núi thấy ngập ngừng sợi khói
Bếp nhà người giờ chắc đã sôi cơm
Mảnh trăng nhạt đã từ từ trở sáng
Để nghe mình nức nở chuyện ly hương.”
Thơ: Nguyễn Thiên Ngân