Bạn có bao giờ từng xem lại một bộ phim mà mình rất yêu thích, háo hức mỗi khi phim chiếu và dành cả mấy ngày trời để cày hết nó, để rồi hiện tại bạn cảm nhận bộ phim mình coi đầy sạn và nhiều lỗ hổng hay không? Bạn có từng nghĩ nhân vật bản thân cho là ngầu đời, hoàn hảo và đáng học hỏi giờ đây trông như một kẻngười dở hơi và khó hiểu hay không? Nếu có thì mình sẽ chọn Kamen Rider Kabuto là minh chứng thích hợp cho trường hợp trên. Tại sao lại như vậy? Hãy tìm hiểu trong Video này của Spiderum Toku nhé. Hãy lưu ý, tất cả đều là cảm nhận của cá nhân mình, nên nếu có sai xót hay không đồng tình, các bạn hãy để lại Comment ở dưới, mình sẽ đọc hết đó. Giờ thì chúng ta bắt đầu thôi.
Về bối cảnh: 7 năm trước, một thiên thạch rơi xuống Shibuya gây ra vụ nổ lớn thiệt hại đến con người và vật chất. Song, đó chỉ là khởi đầu cho một hiểm họa mới đến từ vũ trụ mang tên WORM, những sinh vật có khả năng sao chép mọi thứ liên quan đến vật chủ từ ngoại hình, ký ức và tính cách. Tổ chức ZECT được thành lập để loại trừ tất cả WORM khỏi Trái Đất thông qua các Kamen Rider được Zecter lựa chọn. Tendou Souji, “kẻ bước trên thiên đạo” đã dành cả 7 năm ròng rã luyện tập và chuẩn bị kỹ càng để có thể đương đầu với WORM. Cuộc hành trình của anh chính thức bắt đầu với danh xưng Kamen Rider Kabuto.
Ưu điểm: Là Series kỷ niệm 35 năm Franchise Kamen Rider, Kabuto mang trong mình nhiều nét gợi nhắc về những Series tiền nhiệm chẳng hạn như mỗi Rider mang motif côn trùng, đọc tên chiêu thức trước khi ra đòn, điều thường thấy ở các Showa Rider, các mốc thời gian có quan hệ đến những cột mốc thực tế của Franchise,… Dựa trên cơ chế biến thái hoàn toàn của côn trùng mà Rider ở trong phim có 2 dạng gồm Masked Form (dạng kén) và Rider Form (dạng trưởng thành). Một số trường hợp cá biệt chỉ có 1 dạng do côn trùng mà Rider đó dựa trên quá trình biến thái không hoàn toàn, ví dụ như Punch Hopper và Kick Hopper.
Bên cạnh đó, những người bảo vệ của chúng ta còn sỡ hữu cơ chế chiến đấu ấn tượng mang tên Clock Up, được sử dụng ở Rider Form. Đây là khả năng cho phép người sử dụng gia tốc thời gian của chính họ. Ví dụ: mọi người được giao cho 30 phút để làm bài thế nhưng với cơ chế Clock Up bạn được gia tăng khoảng thời gian làm bài lên tới 90 phút, đồng nghĩa với việc bạn có thể làm được nhiều câu, độ chính xác cao hơn những người còn lại do bạn có nhiều thời gian để xem xét. Cơ chế này khác với Speed Up, khả năng gia tăng tốc độ người sử dụng.
Ngoài ra, thế lực phản diện cũng là điểm sáng của phim. Dựa vào hiện tượng song trùng Doppelganger, WORM liên tục gây khó dễ cho các nhân vật trong việc truy tìm thân phận, phận biệt thật giả, thậm chí bọn chúng còn xâm nhập vào nội bộ của ZECT và không ít lần gây xích mích mâu thuẫn. Đúng như tên gọi, những kẻ ngoại lai này sinh sản rất nhiều và thường tấn công với số lượng áp đảo dẫn đến phe con người liên tục thất thủ, đồng thời bọn chúng có thể lột xác và chiến đấu với tốc độ cao buộc những người hùng của chúng ta phải chiến đấu bằng Clock Up.
Vậy với những điểm nổi trội nêu trên, tại sao Kabuto lại bị nhiều người cho rằng nó Overrated và lãng phí tiềm năng của nó? Câu trả lời sẽ nằm ở phần sau đó.
Điểm dở:
Triển khai cốt truyện kém hiệu quả:
Mặc cho dòng phim Rider thường hay đi theo phong cách khai thác cốt truyện tuyến tính gắn liền với từng sự kiện lớn, thế nhưng Kabuto lại được kể theo phong cách 2 tập 1 sự việc. Để dễ hiểu thì đây là cách dẫn dắt cốt truyện với nhiều sự kiện nhỏ lại với nhau thông qua 2 tập liền kề, ưu điểm của việc này là sẽ giúp người xem dễ nắm bắt thông tin và theo kịp được nhịp phim. Tuy nhiên hậu quả của cách kể chuyện trên là sẽ khiến nội dung dễ bị loãng, không liền mạch và thậm chí là sẽ bị thừa thãi nếu không biết cách tận dụng, tạo sự liên kết giữa các tập phim. Thật không may, Kabuto lại rơi vào trường hợp xấu kể trên. Mặc cho đây là một bộ phim có nền tảng giàu tiềm năng, phù hợp để đi theo một cốt truyện xuyên suốt nhưng với cách triển khai được nêu trên mà có rất nhiều tập phim thật sự rất không cần thiết.
Mình có thể lấy ví dụ như sau, trong 10 tập đầu của phim, cốt truyện cho ta biết cách vận hành tổ chức ZECT, hậu quả của việc WORM xuống Trái Đất ảnh hưởng đến con người ra sao, công cuộc truy bắt của Kabuto và sự xuất hiện của The Bee cùng với team Shadow của anh ta. Đây cũng là khoảng thời gian này mà biên kịch khai thác nhân vật thứ chính – Kagami Arata và mối liên hệ của anh với nội bộ tổ chức ZECT. Nhìn chung đây có thể là khởi đầu tương đối ổn để triển khai cốt truyện về sau. THẾ NHƯNG, từ tập 11 đến tập 18 là cốt truyện chuyển qua hướng filler không cần thiết nào là việc thi tán gái giữa các Rider, tìm hiểu sự nghiệp của một ông bác sĩ nào đó, truy tìm người thân cho trẻ lạc, thứ duy nhất tôi thấy quan trọng ở giai đoạn này chính là sự xuất hiện của Drake và nội bộ Shadow của The Bee, nếu loại bỏ các tập trên, bạn cũng không gặp vấn đề gì để coi các tập sau đó vì nó gần như không ảnh hưởng lớn là bao.
Không chỉ các tập filler làm loãng mạch phim, mà bản thân các tập phim quan trọng cũng có vấn đề khi để cho những tình huống hài của phim bị lạm dụng quá mức, làm giảm đi thời lượng cho việc khai thác bí ẩn và phát triển nhân vật. Người xem sẽ dễ nản do họ bỏ nhiều thời gian mà không nắm bắt được tình tiết quan trọng, thay vào đó chỉ là những tình huống hài hước không đáng có gây nhàm chán.
Cũng từ cách dẫn dắt trên mà về cuối, những tình tiết của nội bộ ZECT bị đẩy nhanh quá mức mà không được dẫn dắt trọn vẹn, khiến cho những âm mưu tưởng chừng nguy hiểm như lại bị rút ngắn và đáng quên, biến phim về cuối như những câu chuyện đánh quái tuần thay vì giải quyết Boss.
Phát triển nhân vật hời hợt, dẫn đến thừa thãi không cần thiết:
Bạn còn nhớ ví dụ ở trên vừa được kể chứ, mình sẽ cho bạn biết nhân vật gây nên những câu chuyện trên. Kazama Daisuke, anh là một thợ make up chuyên nghiệp và cũng là người được chọn để làm Kamen Rider Drake. Tuy vậy, có vẻ sự tồn tại của anh cùng với cô bé Gon là không cần thiết khi mà cả hai liên tục đẩy cốt truyện sang một chỗ xó xỉn nào đó và dẫn dàn chính diện vô những tình huống dở khóc dở cười mà chính anh ta gây ra. Loại anh ta ra khỏi cốt truyện thì phim vẫn có thể triển khai như bình thường, có khi là tốt hơn đó chứ. Giá mà anh đối xử tốt với cốt truyện như cách anh nói chuyện với phụ nữ trong phim thì hay biết mấy.
Kế đến là hai anh em địa ngục, Yaguruma aka Kick Hopper và Kageyama aka Punch Hopper. Hai người này trước đó là Kamen Rider The Bee nhưng về sau lại bị chối bỏ và được chọn trở thành hai Kamen Rider đến từ địa ngục. Ban đầu cả hai gây khó dễ cho hai nhân vật chính cùa phim là Kabuto và Gattack, được xem như là đối trọng của hai người bọn họ. TUY NHIÊN, bằng một cách giời ơi đất hỡi nào đó mà từ đối trọng mà họ trở thành những chú hề trong phim. Liên tục hành động như những tên dở người, anti xã hội và nói những câu đạo lý tưởng nghe ngầu mà thực chất lại sáo rỗng, “thùng rỗng kêu to”. Thiết nghĩ biên kịch nên đối xử tốt với hai người này hơn vì họ hoàn toàn có tiềm năng để phát triển tốt hơn.
Tendou Souji, Kamen Rider Kabuto, kẻ bước trên thiên đạo, ông hoàng hoàn hảo, kẻ sẽ thống trị mọi thứ, người theo chủ nghĩa “Bà tôi”,…. Quá nhiều mỹ từ để diễn tả sự toàn diện của anh… hoặc đó là biên kịch phim nghĩ thế? Có thể nói anh là người chủ động gây chuyện kích động mọi nhân vật khác trong phim mà không nể nang một ai, một kẻ kiêu ngạo không màng đến hậu quả, cho rằng mọi thứ xoay quanh mình, là một kẻ có cái tôi quá mức. Tendou liên tục dạy đời mọi người và cho rằng bọn họ đều sai dù nhiều hành động của anh gây khó hiểu, không vì mục đích gì cả. Đáng nói ở đây là anh gần như không có sự chuyển biến hay phát triển gì nổi trội, sự hoàn hảo của anh cũng vô lý khó tả vì phim không cho thấy anh đã chuẩn bị nó như thế nào, cách thức anh đạt được nó ra sao mà thay vào đó được thể hiện chỉ qua vài câu nói: “Bà tôi” không rõ nguồn gốc từ đâu mà ra. Một điều vô lý nữa là người như anh ta đối nhân xử thế kiểu trịch thượng và hạ thấp người khác như vậy lại có thể sống yên ổn mà không ai căm thù hay oán trách gì, thậm chí còn cả một đám người nghe theo và thừa nhận, cho rằng anh luôn đúng. Kiểu nhân vật chính kiểu mẫu, hoàn hảo này xây dựng quá một chiều và cho thấy được sự hời hợt của biên kịch khi không tạo ra nhiều tình huống gây khó dễ để người xem có thể đồng cảm với anh ta hoặc khiến mọi người trầm trồ trước những hướng đi táo bạo có chủ đích, được xây dựng kỹ càng. Mọi thử thách trong phim đều chỉ như làm nền để tôn lên sự toàn diện của Tendou hoặc là dìm đi giá trị của nhiều nhân vật khác dù thực tế anh khá là mờ nhạt so với sự trưởng thành của Kagami aka Gattack hay là câu chuyện bi kịch của Tsurugi – Sasword. Mang danh nhân vật chính ở tiêu đề phim mà lại không để lại nhiều bài học quý giá cho người xem hoặc gây ấn tượng thuyết phục thì nhân vật Tendou rõ là có nhiều vấn đề.
Hiyori, nhân vật nữ chính của phim, tuy sở hữu vai trò quan trọng có liên quan đến câu chuyện quá khứ nhưng đất diễn của cô lại quá ít, cộng thêm với việc cô quá bị động cho nhiều tình huống cũng như không phát triển về nhân vật nên cô mờ nhạt đến mức khán giả không nhớ được gì về nhân vật, thậm chí là lãng quên
Mặc cho phe phản diện có sức hút riêng, có một mức độ nguy hiểm nhất định, song vào lúc cuối phim, có vẻ do hậu quả từ việc đẩy nhanh kịch bản mà những tên chủ mưu - Native Worm thật sự mờ nhạt, không đủ thuyết phục để người xem tin vào, khiến họ chả khác gì những tên quái tuần trước đó. Kế hoạch biến con người thành Native Worm không tồi nhưng nên được thiết lập rõ ràng, tận dụng tài nguyên mà phim có và cần nhiều thời gian hơn thay vì chỉ ném gọn vào 4 tập phim. Đáng tiếc nhất là nhân vật Masato Mishima, người trợ lý của ông Riku Kagami, anh ban đầu được xây dựng với nhiều bí ẩn, ngay cả những hint về Native Worm cũng được đặt vào anh từ những tập đầu của phim, thế nhưng ngoài việc thông báo, cấp hàng cho các Rider rồi sau đấy là liên tục tức giận thì anh gần như bị lãng quên. Mãi tới giai đoạn cuối phim, anh lập tức hóa thành boss cuối mặc cho anh không hề hiện biểu hiện gì hay phong thái rõ ràng để xứng với vai trò trên, thay vào đó anh chỉ bộc phát cơn tức giận vì phải làm tay sai con người rồi hết.
Dark Kabuto, kẻ có nhiều bí ẩn liên quan đến những kẻ nêu trên cũng chỉ được khai thác một cách nông cạn, làm bao cát để cho Tendou Souji thể hiện sự bá đạo của anh mà không có giá trị gì ảnh hưởng đến mạch phim. Nếu biên kịch biết cách móc nối anh với kế hoạch biến thành Native Worm trên thay vì chỉ giải thích hời hợt, kèm với đó là tương tác nhiều hơn với dàn nhân vật chính thì mình tin đây sẽ là một quả twist hay, đủ để đẩy mạch phim lên cao trào và kế hoạch một mình chống lại Native của Tendou sẽ thuyết phục hơn.
Nhiều tình tiết bị bỏ ngõ, chưa được giải đáp:
Do sự phân bố tình tiết không được hợp lý nêu trên dẫn đến hệ quả là nhiều sự kiện chỉ được nhắc qua một lần nhưng không còn được triển khai về sau hoặc thậm chí là lờ đi luôn. Thay vào đó, nếu bạn muốn tìm hiểu hiểu sâu ngọn nguồn của vấn đề, bạn phải đọc novel của Kabuto thì mới hiểu được mọi thứ.
Một chi tiết quan trọng mà phim nhắc tới đó là công tắc mất tự chủ được đặt riêng cho Kabuto, đây sẽ là một chi tiết hay để gây khó dễ, kìm hãm cho những hành động của nhân vật chính, một lời cảnh cáo đe dọa, khiến anh có sự thay đổi về tính cách và tìm cách vượt qua nó. Đáng tiếc thay lần đầu tiên nó xuất hiện cũng là lần cuối nó được đề cập đến, bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của nó, bạn phải đọc novel, nơi trình bày những điều mà TV Series còn thiếu sót.
Bên cạnh đó mặc cho nguồn gốc thắt lưng của Tendou trong Movie God Speed Love có được do anh được chính bản thân từ tương lai trao cho nhưng điều này lại không áp dụng với Tv Series mà chúng ta nhắc đến, chính NSX đã công nhận là phần Movie và TV Series tách biệt nhau. Thay vào đó, nguồn gốc chiếc thắt lưng của anh phải đến khi Novel phát hành ta mới biết rõ, ở đây chính những tên WORM đã giả dạng ba mẹ Tendou trao cho anh chiếc thắt lưng. Một phần vì anh là người được chọn duy nhất, điều còn lại là những tên WORM muốn sửa lỗi vì lỡ tước đi mạng sống của người thân của anh.
Với những dẫn chứng trên, mọi người có thể thấy là những tình tiết quan trọng và ảnh hưởng lớn đến cốt truyện mà lại được quyết trong Novel, một công cụ kể chuyện kém hiệu quả hơn phim ảnh cho thấy biên kịch đã thiếu cẩn trọng và thất bại trong việc xây dựng tình tiết của phim và diễn giải nó ra một cách sơ sài. Đã vậy biên kịch còn chèn vào trong phim những tình huống không thừa thãi, gây loãng mạch phim vốn có.
Không chỉ phần cốt truyện, phim còn nhiều điều bí ẩn về các vật phẩm mà đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp về nguồn gốc và nguyên nhân vì sao nó xuất hiện. Chẳng hạn như Perfect Zecter, món vũ khí của Hyper Kabuto, chỉ cần vài lời đạo lý của Tendou về tiến hóa, ngay lập tức vật phẩm bay tới và anh xài nó rất chuyên nghiệp dù đây là lần đầu anh xài. Cách giải thích phù hợp cho trường hợp trên là vì anh hoàn hảo, anh là nhân vật chính,...
Và đây chính là những luận điểm tụi mình nêu ra về phim, còn các bạn suy nghĩ như thế nào, hãy comment ở bên dưới cho tụi mình biết và đừng ngại subscribe, nhấn like để nhận được thông báo mới của kênh sắp tới.