Crazy Rich Asians – Châu Á ghét Tây không cay bằng châu Á ghét nhau
Nhân dịp Crazy Rich Asians phát hành trên Netflix, mình chia sẻ lại bài cảm nhận về bộ phim rom-com mà mình tâm đắc nhất của năm 2018....
Nhân dịp Crazy Rich Asians phát hành trên Netflix, mình chia sẻ lại bài cảm nhận về bộ phim rom-com mà mình tâm đắc nhất của năm 2018. Dù chuyện tình (nhạt thếch) của cặp đôi chính, cùng với đời sống xa hoa (và diêm dúa) của hội rich kids trong phim được đem ra quảng bá nhiều nhất, nhưng với riêng mình, cái hay của phim lại nằm hết ở dàn nhân vật phụ, với những thông điệp về văn hóa và nhân sinh quan đáng suy ngẫm, nhất là giữa bối cảnh thế giới ngày càng phẳng.
Nếu trở nên giàu có, bạn sẽ làm gì? Còn mình, mình sẽ làm phách.
Giỡn thôi lah! Chừng nào còn giữ cái tư tưởng làm phách đó, thì chừng đó sẽ không bao giờ giàu nổi. Nếu thật sự đã tới mức gọi là siêu giàu như trong phim, ngày nào cũng bận làm ăn, làm việc, làm đẹp, làm gương... chắc không ai còn thời gian ở không để mà làm phách.

Khi da trắng bị "nghiệp quật"
Cả nhà ma cà rồng của Twilight có thể chào đón một con bé mặt đơ lạ huơ lạ hoắc vào nhà. Gia đình tỷ phú bạo dâm trong Fifty Shades of Grey có thể quý mến một em sinh viên tỉnh lẻ. Nhưng danh gia vọng tộc châu Á thì không! Xin lỗi chủng loài da trắng thượng đẳng, tinh thần bình đẳng bác ái của các bạn có văn minh đến mấy, cũng không cứu nổi một chị giảng viên thông minh hoạt bát thoát khỏi định kiến hà khắc đâu.

Lớp lang trật tự trong xã hội phương Đông vốn dĩ đã kiên cố như vậy, giá trị có thể thay đổi một chút để tiếp thu cái mới, nhưng chắc chắn không thể bị thay thế hoàn toàn chỉ sau một đêm. Tây lông thấy không hợp thì hãy tìm cách hòa nhập, giống như dân da vàng học cách uống rượu vang, ăn bít-tết, đừng dè bĩu và cố gắng cải tạo văn hoá phương Đông. Vì khi đó, phần thiệt sẽ thuộc về bạn. Nhà hàng Âu thì ở đâu cũng có, nhưng hoành thánh với há cảo ngon nhất thì chỉ có ở phố Tàu thôi lah!
Trở lại với phim, tuy do người Mỹ làm, nhưng vui ở chỗ là phim không chỉ thể hiện nếp nghĩ của dân châu Á, mà còn thẳng tay bài xích, đâm chọt cá tính Mỹ. Rất nhiều lần, ông bố vui tính của Peik Lin và bà mẹ khó tính của Nick đã chê bai nước Mỹ, người Mỹ và văn hóa Mỹ thậm tệ, từ dăm ba câu mỉa mai gần xa, cho tới những màn đả kích thẳng thừng. Thậm chí, với bà Eleanor, dù con dâu tương lai có là người gốc Hoa, nhưng chỉ cần sống và nghĩ theo kiểu Mỹ, đã là cái tội đáng bị khinh khi và không thể chấp nhận.

Lạ đời chưa? Dân châu Á mà chê Mỹ kìa! Tưởng phải mê lắm chứ, mê như kiểu Việt kiều mà về nước cho được cục xà bông Coast, chai dầu gió Con Ó với mấy gói M&M duty-free thôi là người nhà đã khen lấy khen để, hít hà cho đã "mùi nước ngoài" đó. Thôi thì mấy chục năm trời người Mỹ toàn đi dìm hàng, kỳ thị người ta rồi, lần này lên phim để biết cảm giác bị người khác khinh miệt gay gắt là như thế nào đi hén.
Nữ quyền this, nữ quyền that
Nhân vật mình thích nhất là Astrid. Dù so với tiểu thuyết gốc, tuyến truyện của người chị họ vừa giàu vừa tốt bụng đã bị lược bỏ đi khá nhiều, nhưng vẫn đủ ấn tượng và làm lu mờ luôn cả nữ chính. Đọc qua tiểu sử của Gemma Chan – diễn viên đóng vai Astrid, mình lại càng thích Astrid hơn. Mình luôn quan niệm trên đời có hai loại giàu: giàu sang và giàu có. Nếu không có Astrid, chắc thế hệ con cháu nhà họ Young chỉ toàn loại giàu có. Giàu sang thường đi kèm có học. Có học lại hay đi chung với có thần thái. Có thần thái rồi thì làm gì cũng đẹp, cũng sang.

Astrid cũng là hình mẫu mới cho tinh thần nữ quyền đang chiếm lĩnh Hollywood suốt thời gian qua. Không phải cứ nhìn nghèo nghèo, khổ khổ, đổ mồ hôi, sôi nước mắt gào thét đấu tranh thì mới thể hiện được nữ quyền. Đôi khi, nữ quyền chỉ là bình thản chốt một câu phải trái đầy thuyết phục với thứ chồng không có gì chỉ có múi, nhẹ nhàng rút đôi bông tai ngọc trai Miến Điện 1,2 triệu đô đeo lên tai, rồi khoan thai bước ra khỏi 1 trong 14 cái penthouse chính chủ không màng đem theo hành lý. Ừ thì... dẫu biết nhà giàu thường khổ tâm lắm, chẳng sướng vui gì đâu, nhưng thà như Astrid ngồi khóc trên xe hơi vẫn hơn ngồi chơi trên xe đạp mà ha!

Trong dàn bạn bè thân quyến của danh gia vọng tộc nhà Young, Oliver và Amanda cũng là hai nhân vật phụ khá thú vị. Oliver là "black sheep of the family" – đứa trẻ duy nhất trong gia đình không hề giàu có, nhưng lúc nào cũng bị vây quanh bởi nhà giàu và phải phục tùng họ trong sự mỉa mai ngán ngẩm đến chán chường. Amanda – bạn gái cũ của nam chính, một cô gái có nhan sắc, có học thức, có gia thế không hề xoàng xĩnh, nhưng vì đời đưa duyên đẩy nên vẫn sân si tạo nghiệp. Chẳng để làm gì, và cũng chẳng được gì, lỡ thua rồi nên sân si cho bõ ghét vậy thôi.
Kể ra, giữa cục diện thượng lưu của phim, thì cục chán của Oliver, cục tức của Amanda và cả cục tưng tửng của Peik Lin lại gần gũi với tâm lý của những người bình thường đang ngắm nhìn thế giới người giàu hơn cả.
Châu Á ghét Tây không cay bằng châu Á ghét nhau
Phim làm mình phấn khích nhưng không có nghĩa là mình thích hoàn toàn. Lấy đề tài siêu giàu châu Á, đặt bối cảnh ở Singapore, nhưng người xem vẫn dễ dàng ngửi thấy mùi Trung Quốc can thiệp vào nhiều thứ. Nghe đâu phim chiếu ở Việt Nam trễ hơn nước khác cũng là vì chuyện biển đảo và bản đồ trong phim. Bà mẹ! Dám để tên nước tao là An Nam, không bị cắt cũng uổng.
Có đi rồi mới thấy, ở khu vực Malaysia – Singapore, đồng ý rằng giai cấp lẫn vai trò xã hội của người gốc Hoa với gốc Ấn khác nhau. Nhưng đặt tựa là Crazy Rich Asians rồi cho người giàu trong phim 100% gốc Hoa, để dành vai cảnh vệ, lễ tân, người hầu, lái tàu, lobby boy cho người Ấn, người Mã Lai xuất hiện thì... quá đáng lắm luôn á! Không công bằng như vậy, cộng đồng châu Á nhưng không phải người Hoa đi coi phim về viết tâm thư phẫn nộ âu cũng phải.

Ngay cả Hoa ngữ sử dụng trong phim cũng vậy. Nữ chính nói vanh vách tiếng Quan thoại, nhưng lại lắc đầu khi được hỏi có biết tiếng Quảng Đông hay không và chơi mạt chược cùng hai người Phúc Kiến khiếm thính, theo mình là một chi tiết mang nhiều thâm ý.

Người châu Á không có gì cả, chỉ có tiền thôi!
Black Panther là niềm tự hào của cộng đồng người da đen, vì đã củng cố chỗ đứng của người gốc Phi trước chủ nghĩa da trắng, chủ yếu bằng hình ảnh phô trương về sức mạnh, tài nguyên và quyền lực.

Ở châu Á không có Tâm Hình Thảo uống vào là thành vua, mà chỉ trồng mấy cái hoa quỳnh mỗi lần nở là mỗi lần mở yến tiệc ăn mừng.
Người châu Á cũng không lo tìm vibranium để dựng xây đế chế, chỉ lo làm ăn buôn bán nuôi mộng giàu sang phú quý.
Nói chung, người châu Á không có gì cả, chỉ có tiền thôi.
Nếu trở nên giàu sang, bạn sẽ làm gì? Hãy làm từ thiện, để mấy đứa làm phách có dịp nói bạn làm màu lah!


Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất