Thi thoảng, tôi đọc blog một cô gái trẻ chưa từng gặp mà thấy đau. Cô gái sống như đã chờ được sống cả trăm năm, từng chữ đòi được sống, từng dòng như hơi thở phập phồng ngực áo đòi được  xiết  chặt yêu đương, hồn nhiên, bồng bột, tự do mà cô độc quá. Dạo này báo nói người mình vô cảm, chắc tại trời vơ hết cảm xúc của những người ít dùng, thổi vào người những kẻ thèm sống như cô, đến nỗi từng mạch máu, từng sợi tóc trên người cũng căng cứng nhức nhối vì cảm xúc, chỉ muốn vỡ bung, được yêu bao nhiêu cũng không đủ, đi bao nhiêu vẫn thấy cuồng chân, sống ngày đêm không ngủ vẫn thấy thiếu,khóc cười nghiêng ngả vẫn chưa đã chưa no. Cũng có thể, ai đó đã cầm dao đâm vào tim cô rất mạnh, để lại lỗ thủng ngoác miệng rỉ máu,  thế  nên mọi yêu thương cô góp nhặt đổ vào trái tim thủng đáy ấy đều trôi đi mất, chỉ còn lại những khoang lấp lửng máu đủ để sống, không đủ để làm cô hạnh phúc.
Ngồi ngó đường phố qua khung cửa quán cà phê tối mù,  thấy nhiều đâu những khuôn mặt phấn son hoàn hảo, tự nhiên nhớ tới chị giáo viên có thói quen sáng dậy lăn xuống giường là trang điểm, ngủ với chồng vẫn trang điểm. Tự nhiên nhớ chuyện bà vợ trốn chồng đi nâng ngực sút eo đến mức chết uổng đời. Có phải đời phù phiếm đến mức giờ người ta sợ luôn cái mặt thật của mình, cái thân phì mập tự nhiên của mình, đến độ hy sinh đủ thứ, làm đủ việc điên rồ chỉ để được coi là hoàn hảo. Hay bởi vì bản thân mỗi người chất chứa nhiều quá những bí mật, những ẩn ức tăm tối, những vết thương không liền nổi sẹo, đến độ phải chất lên người đủ năm tầng áo xống, ba tầng phấn son, cả ngàn lời nói dối như rào thép gai ngăn cách cái tôi giấu kín với cái ta xét nét quanh mình. Những người đàn bà ấy, lúc đối diện với khuôn mặt nhợt nhạt của mình trong gương, liệu có thấy đau?
Sớm mai, gặp những bà những chị ba giờ sáng đi lấy rau lấy thịt ở chợ đầu mối về bán nơi chợ xép, tóc rối bù xù, ủng rách, trong áo cánh ngoài áo công nhân phanh ngực, từng kẽ móng tay vàng ố nhựa rau lưu cữu lâu ngày, từng đường chỉ tay ngoằn nghèo đứt quãng đen đúa, mắt sụp da bủng vì thiếu ngủ. Họ buôn buôn bán bán, chanh chua điêu ngoa, chỉ để cuối ngày ngồi đếm từng đồng tiền lẻ gửi về quê nuôi ông chồng nát rượu với đàn con năm đứa dở tuổi ăn chưa đến tuổi làm. Những người đàn ông của họ, lúc cầm tiền mua rượu, đánh bạc, liệu có thấy đau?
Status trên facebook của chị bạn chạy những dòng nhấp nháy “Anh nhậu cách trường con 2 cây số mà không nỡ bỏ dở cuộc vui để đón con khi vợ đi công tác. Con bé 10 tuổi đi xe buýt từ bốn rưỡi chiều đến bẩy giờ tối mới về được đến nhà.” Tôi bỗng nhớ những bà mẹ Hà Nội phóng xe như đuổi cướp để kịp đón con chiều tan học, về đến nhà lại cuống cuồng lao vào bếp cho bữa tối kịp giờ. Họ hẳn đã phóng qua nhiều quán bia hơi chật ních đàn ông đang ồn ào khoe khoang chiến tích, hùng hồn bình luận nghị trường, hăng hái hồ hởi với những chuyến offline bất tận. Không biết khi trở về nhà, những người đàn ông ấy có thấy đau khi nhìn vào mắt vợ?
Có lần, đi ngược một phụ nữ, ánh mắt chị nhìn cay đắng đến quặn lòng. Tôi tự hỏi, không biết chị có cái mai rùa rêu phủ nào để có thể chui vào,thụt đầu rụt cổ, ngủ một giấc thật say, cho qua đi những cơn bĩ cực. Những giấc ngủ yên trong cái mai rùa bé nhỏ cũ kỹ làm sống lại từng tế bào đã chết, làm tươi mới những cảm xúc đã hao mòn, làm dịu lại những vết chém, cho chị đủ thời gian để chán tới tận ót cái cảm giác chán trường, chìa cho chị một quãng lùi mà lấy đà đi tiếp. Bởi cái gì rơi thấu đáy sẽ lại trồi lên, nếu nó còn sống, phải không? Hay ngay cả chốn ẩn mình cũ kĩ bấp bênh ấy cũng bị lấy mất đi rồi. Cũng có thể, chị đã tự tay vứt nó đi, để trơ trọi cái tôi trần trụi khô khát giữa nắng chói trắng toát, giữa những vòng người hiếu kỳ bao quanh, chờ xem màn bi kịch. Sao họ chẳng thấy đau?
Thi thoảng, nhìn lại mình, bạn có thấy đau?
Phạm Việt Hà
Tháng 10 năm 2013