Với mong muốn giúp cộng đồng nhà Nhện tìm ra lời giải cho những vấn đề của bản thân, bớt đi những hoang mang và bất an trong quá trình trưởng thành, Spiderum đã kết hợp cùng tiến sĩ Lê Nguyên Phương, Chuyên gia Tâm lý và Giáo dục tại Hoa Kỳ để thực hiện Podcast series “Để Tâm lý học dẫn đường”
Số đầu tiên của series “Định hướng ngành nghề tương lai” lên sóng khi chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPTQG. Trong thời gian đấy, chúng mình cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ như nên học trường nào, chọn ngành nào, làm sao biết mình thích gì, giỏi gì,... Hãy cùng chúng mình giải đáp những băn khoăn trên thông qua những chia sẻ từ host Quang Bách và thầy Phương trong Podcast nhé. 
*      *
*
Bách: Nếu chỉ có một tháng để chọn ngành học thì thầy sẽ có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ? Vì với các bạn học sinh cuối cấp thì đúng là chỉ còn một tháng nữa là các bạn sẽ bắt đầu kỳ thi THPTQG và sau đó lựa chọn hướng đi cho mình.
Thầy Phương: Việc chọn ngành chọn nghề trong thời đại mới là thách thức đối với tất cả chúng ta, nó là dấu hỏi lớn không chỉ với các em học sinh mà còn bố mẹ nữa. Thời xưa, chúng ta chỉ có một vài lộ trình nhất định như bác sĩ, kỹ sư,.. Miền Bắc còn có câu “Nhất Y nhì Dược tạm được Bách khoa” hay “Chuột chạy đầu sào mới vào Sư phạm”, nghe rất tội nghiệp cho ngành giáo dục. Nhưng bây giờ thời đại đã đổi khác, bây giờ các bạn chỉ đi khắp nơi viết về các món ăn địa phương đã có thể rất nổi tiếng, giàu có và quan trọng nhất là sống hạnh phúc. Mỗi ngày đi làm không phải toát mồ hôi, khổ sở, các bạn tìm được niềm hạnh phúc. Chính vì vậy, chúng ta cần có một cái nhìn cởi mở hơn về việc chọn ngành nghề. 
Còn một tháng nữa các bạn làm gì, tôi sẽ trêu các bạn một chút, nghỉ 3 ngày, đi chơi, thoải mái, gặp bạn bè nói chuyện để hết tất cả những sự lo âu, hỗn loạn, căng thẳng của áp lực học tập, thi cử, chọn ngành chọn nghề. Với một tâm thái bình yên như vậy chúng ta sẽ bắt đầu một hành trình đi tìm lại bản thân mình, xem bản thân mình mơ ước điều gì. Khi nói chuyện với các bạn trẻ trong chương trình tư vấn, tôi thường có ái ngại là các bạn trẻ không biết mình muốn gì. Ở mỹ có khái niệm là aspiration, tạm dịch là lý tưởng sống, tôi muốn trở thành bác sĩ cứu nhân độ thế, tôi muốn là nhà văn có thể giáo dục con người,.. Những điều ấy các bậc bố mẹ đừng xem là ảo tưởng, vì mình vẫn có mong ước được gặp một người bác sĩ chữa bệnh với cả tấm lòng, mình vẫn mơ ước được đọc tác phẩm hay, chuyển hóa, làm rung động đến những tế bào sâu thẳm. Những người như vậy đều có vị trí trong xã hội. Nếu con có ước mơ hãy để con thực hiện ước mơ. Ước mơ đó sẽ là suối nguồn động lực đưa các con vượt qua khó khăn. 
Tiếp đến là yếu tố về năng lực, em ấy cũng phải nhìn lại xem năng lực của mình là gì. Có điều thú vị năng lực không phải thứ sinh ra đã có mà do sự rèn luyện, học hỏi. Nên khi chưa thấy có năng lực trong lĩnh vực gì, đừng sợ hãi, đừng bảo tôi kém cái này quá. Nhất là khi chúng ta sống trong thời đại bây giờ với bao cách học hỏi từ các kênh online, kém cái gì bạn có thể học cái đó. Theo nghiên cứu của giáo sư Carol Dweck, đại học Stanford cho thấy rằng những học sinh có tư duy fixed mindset - tư duy cố định nghĩ rằng trí thông minh là do trời cho, thiên phú thì sẽ không thành công bằng những trẻ có growth mindset - tư duy tăng trưởng với não trạng tin rằng trí thông minh có thể phát triển được. Cho nên đừng để những kỹ năng và năng lực giới hạn chúng ta. Còn một hướng nữa là khát khao cái lý tưởng sống, cái niềm mơ ước của mình. Cái niềm mơ ước đó, tại vì chúng ta đọc một cuốn truyện nào đó, xem một cuốn phim nào đó, nó hun đúc lại, nó trở thành nguồn động lực. Cá nhân tôi là chuyên gia tâm lý, tôi ghét nhất việc cho rằng cảm xúc là cản trở của trí tuệ. Không đúng, cảm xúc chính là động lực để đẩy con người đạt những đỉnh cao nhất trong cuộc sống. 
Bách: Thời đại bây giờ, công nghệ đã thay đổi khá nhiều cách người ta suy nghĩ chuyện chọn ngành, chọn nghề. Có rất nhiều bạn trẻ đã lựa chọn những con đường nghề nghiệp không hề giống với bố mẹ ngày xưa. Vậy bố mẹ có cần update, cập nhật công nghệ để chuẩn bị cho con trong tương lai không? 
Thầy Phương: Chắc chắn là ba mẹ muốn đồng hành cùng con cái, đó là câu cửa miệng khi tôi nói chuyện với phụ huynh ở Việt Nam. Muốn đồng hành thì ba mẹ phải biết định hướng, hướng đi như thế nào và điều đó mới quan trọng. Điều thứ hai là cha mẹ không chỉ cầm bản đồ để biết hành trình mà còn hỗ trợ con cái trên hành trình ấy. Ba mẹ là người đem theo cái khăn mát khi con nóng nực, đem theo chai nước khi con khát và sẽ động viên con để tiếp tục hành trình. Có một điều chắc chắn là ta không thể đi thay nó được, ta không thể học thay được. Ngày xưa toán lớp 4, lớp 5 nhiều khi bố mẹ phải dạy kèm, nhưng khi học đến vi phân, tích phân, bố mẹ nào có khả năng mà dạy kèm nữa. Bố mẹ chỉ hiểu định hướng của con, cung cấp phương tiện của con, hỗ trợ tinh thần cho con, tin con, để dần dần giao cho con cái quyền tự chủ, tự quyết thì con sẽ tự lập. Tự quyết là tự quyết định những việc trong đời sống chứ không phải bố mẹ quyết định giùm. Ví dụ như buổi sáng này con ăn gì, bánh mỳ hay mì gòi. Sau đấy con lớn lên, mình có sự chọn lựa multiple choice A B C,.. dần dần con sẽ tự quyết định những điều trong cuộc sống. Khi quyết định được rồi thì nó mới tự chủ được, nó sẽ làm chủ cuộc sống. Mà làm chủ, đầu tiên là làm chủ bản thân, sau đến làm chủ thế giới xung quanh mình, sau đấy tiến đến tự lập. Tự lập mình thường chỉ nghĩ về khía cạnh tài chính nhưng còn vấn đề sự nghiệp: Sự nghiệp không đơn thuần chỉ là bằng cấp mà sự nghiệp như cá nhân viết sách, đi giảng dạy, để mình thấy một phần di sản của bản thân để lại cho thế hệ mai sau. Đó mới là sự nghiệp, đó mới là ý nghĩa nhất của sự tự lập.
Bách: Em cũng có suy nghĩ như vậy. Khi dạy cho con cái, em cũng muốn hướng dẫn các bạn độc lập, tự do, hạnh phúc. Các bạn phải luôn độc lập trong suy nghĩ, hành động, quyết định của mình, hiểu được rõ ràng nguyên nhân và kết quả của mỗi hành động đó, tự do về suy nghĩ của mình, tự do về tài chính của mình. Và như thế mới dẫn đến đâu đó là hạnh phúc. Vì em nghĩ mỗi người sẽ có định nghĩa về hạnh phúc khác nhau. Nhưng sự tự do mà mình cố gắng đạt được thì một phần nào đó nó sẽ dẫn cho mình những điều khiến mình hạnh phúc. 
Và trong phần thầy chia sẻ với các bạn học lớp 12 cần chuẩn bị gì thì em thấy phần các bạn hãy dành ra 3, 4 ngày để đi chơi, gặp gỡ bạn bè, trò chuyện, phần đấy rất hay. 
Thầy Phương: Sau đấy, chúng ta tự tìm hiểu chính mình. Đó là một nỗ lực tự phân tích và đánh giá bản thân, để xem thật sự mình muốn điều gì trong cuộc sống, aspiration, giá trị sống của mình là gì. Ví dụ như bây giờ tôi không muốn làm hại người khác, nhưng tôi lại muốn làm điều chế độc dược hay điều chế thuốc lá thì có phải làm hại người khác không? Cho nên mô hình Ikigai còn thiếu core value - giá trị cốt lõi nữa. Và điều thứ hai, chúng ta thường nghĩ chọn ngành chọn nghề là nhìn vào tương lai, nhưng cái điều quan trọng là biết nhìn về quá khứ. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng em cần phân tích đánh giá con đường em đi qua để hiểu được giá trị cốt lõi, hiểu được những khát vọng, ước mơ của em. Em cần nhìn lại quá khứ để biết em đã có giấc mơ gì và giấc mơ đấy vì một điều gì đấy đã bị lụi tàn, như lời hắt hủi của bố mẹ hay chê bai từ thầy cô để rồi mình tự nghi ngờ chính mình. Xem lại quá khứ cũng để biết mình làm gì thành công và mình làm gì thất bại. Cho nên hành trình chọn nghề nghiệp là hành trình nhìn vào quá khứ chứ không phải nhìn vào tương lai. Chỉ khi mình làm giỏi cái đó thì mình mới thành công. 
Và nên nhớ trái đất bây giờ rất là nhỏ, có những ngành nghề mà như mô hình Ikigai nói đến là nhu cầu xã hội nhưng chúng ta đừng chỉ nghĩ đến đất nước Việt Nam thôi. Không, các bạn trẻ bây giờ, với ngành nghề đó, có khi phải đi học, đi làm ở quốc gia khác, đâu sợ xa cách bố mẹ. Mỗi tháng vẫn có thể về thăm nhà một lần. Cho nên đừng nghĩ cái sở dục của chúng ta là phải học trường gần nhà, kiếm việc gần nhà, hãy nghĩ rằng trái đất này là hành tinh của chúng ta.
Bách: Trước khi đi sâu thêm vào chủ đề chính, em muốn hỏi nhanh thầy một vài câu hỏi: Nên chọn ngành theo tính cách hay theo năng lực? Nên chọn ngành theo nhu cầu tiềm năng phát triển hay theo mong muốn của bản thân? Một phẩm chất mà ngành nghề nào cũng cần có? 
Thầy Phương: Có một lối tư duy, gọi là tư duy biện chứng, cái nhìn tổng hợp vượt lên trên tất cả những sự đối lập giữa hai thái cực. Bây giờ các bạn hỏi dựa vào tính cách hay năng lực, tại sao không phải cả hai? Quan trọng hiểu năng lực của mình là gì, tính cách của mình là gì. Năng lực bao hàm cả tiềm năng và nhiều khi có những năng lực tiềm tàng mà chúng ta gặp môi trường chúng ta mới phát huy ra. Cho nên đừng ngại những ngành nghề mình thấy có những năng lực, kỹ năng mình chưa có. 
Về tính cách thì không đơn giản để nói tôi tính cách này, tôi tính cách kia. Vì cần thời gian để tìm hiểu chính mình, cọ sát chính mình để tìm hiểu bản thân. Tính cách tôi thích làm việc với máy móc nhưng mỗi lần nghe bạn bè nói chuyện tôi thấy hào hứng, hăng say, nhiệt huyết thì chưa chắc đã là tính cách hướng nội, chưa phải làm việc với máy mà đôi khi là làm việc với con người. Có những bài trắc nghiệm tính cách xem tôi thích làm việc với máy, với một người, với nhiều người,... Câu hỏi thứ hai cũng như vậy. Nó cũng đưa ra 2 thái cực. Hãy suy xét ở mỗi thái cực cho kỹ để có cái nhìn tổng hợp. 
Còn câu hỏi cuối cùng, có một đặc trưng gì để chúng ta có thể thành công trong mọi nghề. Thứ nhất là đam mê về một vấn đề gì đấy. Không có đam mê thì đừng nói việc học hay việc làm vì không có đam mê thì chuyện gì mình làm cũng là một gánh nặng. Khi đam mê thì mình thấy mỗi ngày thức đậy đều có hứng thú làm việc. Thứ hai, ba chữ tôi sẽ gộp chung lại là ý chí - nghị lực - kiên trì. Cuộc sống không phải là đơn giản. Nhất là những gia đình điều kiện vật chất quá dễ dàng thì sẽ có hiện tượng rằng chúng ta muốn gì thì chỉ cần nhíu mày nhăn mặt thì bố mẹ sẽ đưa đến chúng ta. Nhưng cuộc đời không dễ dàng như vậy, khi đi làm chúng ta sẽ gặp những người sếp khó chịu, công việc thách thức vượt quá khả năng của ta và ngay cả việc tự xây dựng công ty Startup của mình cũng rất khó khăn. Nếu không có ý chị, nghị lực, kiên trì thì sẽ không đi xa được. 
Bách: Em thấy bây giờ các bạn học sinh hoặc là kể cả sinh viên, thậm chí là lớn tuổi như em cũng luôn luôn hoang mang, không biết mình thích gì, cần gì. Trong trường hợp này, thầy có lời khuyên nào cho những người như thế không ạ? 
Thầy Phương: Trước tiên nói về nguyên do, không biết gì, không thích gì là vì chúng ta đang có một thế hệ mà bố mẹ về vật chất cho đủ thứ còn về tinh thần không cho gì cả. Về vật chất cho hết tất cả, về tinh thần không cho gì cả. Về tinh thần trong đó quyền tự quyết, tự chủ, tự lập, con phải thế này con phải thế kia, đều phải có quyết định từ bố mẹ, không dám cho con tự chủ, tự quyết. Từ nhỏ mọi quyết định đều là của bố mẹ. Trong khi vật chất rất là đầy đủ nhưng tinh thần vẫn cứ thế. Mà em cứ nghĩ thử xem, một đứa bé đi học từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm thì có thời gian để suy ngẫm về bản thân, để biết về chính mình - tự tri không. Biết về mình thì mới chọn được con đường mình đi chứ.
Bách: Em thấy cũng một phần vì áp lực phải hoàn thành kỳ thi này rất lớn. Các em vừa phải học từ sáng đến tối, đi học thêm và sống trong áp lực, những kỳ vọng của cha mẹ về một người con có thể thi đỗ, có thể làm được việc này việc kia,.. Cho nên em nghĩ các bạn trẻ như em cũng khá là tội nghiệp, một số bạn bị áp lực bủa vây kinh khủng. Theo thầy thì các bạn nên làm gì để giải tỏa bớt căng thẳng? Và một lời khuyên cho các bậc cha mẹ, cha mẹ nên làm gì trong giai đoạn các bạn chuẩn bị thi cử như thế này? 
Thầy Phương: Nếu mà nói bây giờ 1 tháng nữa thi rồi thì có lẽ sự thay đổi ở bậc cha mẹ cực kỳ khó khăn. Tất cả mọi chuyện phải được chuẩn bị từ trước. Đây có lẽ là thông điệp gửi ra cho các bậc cha mẹ ngoài kia: Hãy chuẩn bị ngay từ giây phút con biết nói Không. Đó là một giai đoạn đứa trẻ đang hình thành quyền tự chủ của nó, và nếu chúng ta không biết về tâm lý, chúng ta sẽ thích những đứa con ngoan hiền. Xin thưa, cái nguy hiểm của những đứa con ngoan là những đứa con đã đánh mất chính mình. Nó sẽ là một thỏi sáp mềm dẻo để bố mẹ nặn theo ý muốn của mình. Mà ý muốn của mình đôi khi lại là kết quả, hay đúng hơn là hậu quả của những chấn thương, mặc cảm của mình thời xưa. 
Tôi năm nay 60, tôi có thể nói thẳng với bố mẹ những điều này, không kiêng nể. Có phải chúng ta hồi xưa mặc cảm nghèo nên bây giờ chúng ta sợ hãi rằng con sẽ nghèo nên bắt con phải học cái này, cái kia, đẩy con vào những trường vượt qua sức học để của con để bắt nó phải cố gắng hết mình. Còn có cả những nhà để piano, cho nó sang, con phải học piano để sắp tới con phải trình diễn, gây ấn tượng với bà con. Nói như vậy thì hơi tàn nhẫn quá, không phải bố mẹ nào cũng vậy. Nhưng tôi muốn đẩy lên như vậy để bố mẹ suy nghĩ là chúng ta sống cho con hay muốn con sống tiếp giấc mơ dang dở của mình. Giấc mơ đó xuất phát từ sự mặc cảm và sợ hãi về một thời đói nghèo. Hãy suy nghĩ chuyện đó cho thật sâu sắc. 
Có thể nó hơi xúc phạm nhưng đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn, tại vì chúng ta không muốn con có những hành vi tự bại, hành vi tự hại và chắc chắn có một tự khác chúng ta không muốn là tự tử hay tự sát. Tự bại là có những hành vi để dẫn đến những thất bại trong cuộc sống, tự hại là làm tổn thương về tinh thần hay thể xác. Tự bại như là trì hoãn, tự hại chẳng hạn như nghiệp ngập, cắt tay cắt chân và cuối cùng, mình chắc chắn không muốn con mình tự sát. Nếu vậy mình phải để cho con ba tự khác là tự quyết - tự chủ - tự lập thì đó cũng chính là tự do của con. 
Khám phá ngay Số Podcast đầu tiên “Định hướng ngành nghề trong tương lai” từ series “Để Tâm lý học dẫn đường” TẠI ĐÂY nhé: https://b.link/Huong-nghiep-tuong-lai
Bạn có thể gửi những thắc mắc, băn khoăn mình gặp phải để được thầy Phương giải đáp trong Podcast tại đây: https://b.link/Tam-ly-hoc-CFS