Cái chông chênh của tuổi 27
"Hãy cứ học cách yêu mình, yêu người. Chuyện đâu sẽ có đó."
Trước đây tôi từng nghe nói tuổi 27 là một tuổi đặc biệt. Thậm chí có cả một Club 27 của những ca sĩ ra đi mãi mãi vào năm 27 tuổi.
Mẹ tôi kể năm 27 tuổi là năm mẹ sinh tôi và cũng là một trong những năm sóng gió nhất trong thời tuổi trẻ của mẹ. Mẹ tôi ốm và đi viện liên tục, rồi phát hiện đã mang thai tôi mà không hề có kế hoạch ngay lúc mẹ đang dùng thuốc điều trị 1 bệnh hiểm nghèo. Mẹ bảo đó thực sự là một năm khủng khiếp và mẹ thấy rất may mắn vì đã vượt qua được.
Tôi cũng đọc thấy nhiều sách vở nói về tuổi 27, có những cuốn đặt tên tiêu đề là tuổi 27 hoặc viết dành riêng cho người 27 tuổi. Khi đó, tôi cũng không hiểu tại sao 27 tuổi lại là một cột mốc có vẻ quan trọng, thậm chí là đáng sợ như vậy. Nhưng bây giờ, khi đang ở tuổi 27, tôi bắt đầu hiểu ra nhiều điều.
Ở tuổi 27 này, có lẽ giống như vô vàn người khác đã từng trải qua, tôi gặp khủng hoảng kép - cả career crisis (khủng hoảng công việc) và identity crisis (khủng hoảng nhân dạng).
Tôi đã đi làm 5 năm. Công việc giảng viên đại học có thể gọi là mơ ước của nhiều người. Bố mẹ và họ hàng ở quê mỗi lần nhắc đến công việc giảng viên của tôi đều xuýt xoa "Thế là quá mỹ mãn rồi con ạ. Bao nhiêu người chỉ mong được như con thôi!" Theo cách họ nói thì tôi đã đạt đến cái đỉnh cao của đỉnh cao trong cuộc đời tôi rồi, và tôi nên biết hài lòng với nó.
Nhưng càng ngày tôi càng chật vật và không thể hài lòng với cái công việc "đáng mơ ước" này. Tôi thừa nhận công việc và môi trường làm việc hiện tại của tôi có cực kỳ nhiều lợi thế, thu nhập ổn định, không quá nhiều áp lực, được xã hội coi trọng và thời gian linh hoạt. Nhưng chính những lợi thế đó lại trở thành một bất lợi với tôi.
Vì môi trường làm việc 5 năm không có gì thay đổi cả. Tôi vẫn đi dạy Tiếng Anh với những kiến thức, bài giảng tôi đã dạy trong nhiều năm trời. Tôi rất cố gắng thay đổi cách dạy và tiếp cận bài giảng của mình, nhưng suy cho cùng vẫn là bình mới rượu cũ.
Ở ngoài, tôi đi dạy thêm, nhưng không dạy kỹ năng tiếng Anh thì cũng dạy luyện thi IELTS - điều làm tôi phát ngấy. Bạn nào quan tâm tại sao tôi phát ngấy có thể tham khảo thử bài viết Tại sao tôi ghét IELTS mà tôi viết khi mới tham gia Spiderum.
Điều tôi sợ nhất là thấy mình đang chững lại, sống một cuộc đời lập lờ chầm chậm và không có gì để mong đợi mỗi ngày. Tôi đi dạy và đi làm như một nghĩa vụ. Tôi vẫn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình, học sinh và sinh viên đều thích lớp của tôi. Nhưng tôi lại không thích công việc dạy của tôi. Nó luôn thiếu cảm giác được thách thức.
Nếu tôi tiếp tục sống như vậy, tôi biết mình sẽ vẫn "ổn" - ổn về thu nhập và nhiều mặt khác trong cuộc sống. Nhưng tôi cảm thấy mình sẽ chán ghét chính mình nếu tiếp tục sống vật vờ như vậy trong hàng chục năm tới nếu tôi tiếp tục gắn bó với công việc đi dạy như rất nhiều giáo viên lớn tuổi khác.
Khi tôi kể về việc mình bị lạc hướng, đứa bạn thân của tôi đã trích dẫn một câu của Mark Manson mà tôi thấy rất đúng: trong chuyện tình cảm hay trong công việc cũng vậy, if it's not fucking yes then it's a no!
Vì vậy, trong mùa hè năm nay tôi hạn chế nhận lớp, liên tục thử hướng đi mới để tìm cái fucking yes của mình. Tôi chạy chương trình trại hè cho trẻ em, tôi đi phụ việc và chạy marketing cho một tiệm váy cưới, tôi đi làm podcast, thậm chí tôi tính sẽ thử đi chạy bàn cho quán cafe của chị họ. Tôi luôn trong trạng thái phải làm cái gì đó để không thấy chán ghét chính mình.
Tuy nhiên, những việc tôi làm đều cho tôi cảm giác vui vẻ nhất thời. Có cái hợp, có cái không hợp, cộng thêm thể trạng sức khoẻ không tốt và rối loạn lo âu tái phát, tôi ngày càng mông lung về con đường đi của mình. Rốt cục tôi phải dừng lại, xin nghỉ bớt các lớp và công việc để phục hồi sức khoẻ, cho mình thời gian suy nghĩ hướng đi. Và tạm thời tôi vẫn đang trong thời kỳ nghỉ ngơi trong mông lung này.
Đó là khủng hoảng trong sự nghiệp, còn một khủng hoảng nữa đang ám ảnh tôi của năm 27 tuổi này chính là khủng hoảng nhân dạng. Tôi là ai? Có lẽ tạm thời là một cô gái 27 tuổi chưa thể kết hôn. Hồi nhỏ, khi tưởng tượng về tương lai, tôi luôn nghĩ năm 24-25 tuổi kiểu gì cũng gặp đúng đối tượng, năm 27 tuổi yên kiểu gì cũng bề gia thất. Đúng là một suy nghĩ quá ngây thơ.
Mọi chuyện không dễ dàng như vậy, ít nhất là với tôi. Ở tuổi 27, những cô gái vẫn chưa tìm được đối tượng như tôi trở thành cái gai trong mắt phụ huynh và nhiều người lớn tuổi. Tôi mệt mỏi và sợ mỗi lần phải về quê, chỉ để trả lời những chất vấn liên tục của họ hàng "Tại sao chưa lấy chồng? Tại sao lại kén cá chọn canh thế? Định ế luôn hay sao?"
Ban đầu tôi sẽ chỉ cố cười xoà và trả lời chung chung "Dạ sắp rồi ạ." "Dạ cháu đang cố gắng ạ." Nhưng đến giai đoạn này thì tôi đơn giản là chẳng muốn về quê nữa để tránh bị tra tấn bởi những câu hỏi của họ.
Tôi rất muốn giải thích cho mọi người hiểu rằng tôi chưa sẵn sàng. Đúng là tôi 27 tuổi, nhưng đó chỉ là tuổi tác về năm sinh mà thôi. Còn có 1 độ tuổi quan trọng hơn, đó là tuổi trưởng thành về tâm lý. Về mặt đó thì tôi thấy mình vẫn còn rất trẻ dại và chẳng hiểu gì về chính bản thân mình chứ đừng nói hiểu người xung quanh.
Tôi chưa dám nghĩ đến chuyện gắn kết cuộc đời mình với 1 người khác hay chịu trách nhiệm của một cuộc đời của một đứa bé. Không phải tôi không muốn kết hôn hay có con, nhưng tạm thời thì chưa đến lúc thôi. Tôi biết mình cần thêm thời gian.
Nhưng bố mẹ và họ hàng tôi không cho tôi thời gian. Họ ra sức thúc giục, nhắc nhở tôi rằng tôi đã 27 rồi, như thể sợ tôi sẽ quên mất tuổi của chính tôi. Đâu đó, tôi hiểu được cảm giác của Lọ Lem trong câu chuyện cổ tích khi chuông sắp điểm 12 giờ. Nếu không chạy cho kịp thì tất cả mọi thứ tốt đẹp, xa hoa lộng lẫy sẽ vụt tan biến vào giờ khắc đồng hồ chỉ 12 giờ - tức khi tôi bước qua ngưỡng cửa tuổi 27.
Sau một thời gian dài đấu tranh với chính mình và căn bệnh rối loạn lo âu, tôi học cách tự cho mình thời gian. Tôi không coi 27 tuổi là cái deadline như mọi người đặt ra cho tôi nữa. Tôi có cả cuộc đời này để sống và để tìm ra đáp án cho mình. Nếu không phải là 27 tuổi, thì có thể là 28 tuổi, 29, 30 hoặc 35, 39.
Tôi không muốn phải chạy theo một cái lịch trình đặt sẵn của người lớn để rồi tự dày vò mình. Một bài học tôi học được trong cái khủng hoảng tuổi 27 này là mỗi người có lịch trình của riêng mình. Tôi không muốn nhìn những bạn bè đồng trang lứa xung quanh để chạy theo lịch trình của họ. Tôi có lịch trình của riêng mình và từ chối so sánh bản thân với họ.
Mỗi chúng tôi có con đường riêng. Tôi tôn trọng con đường họ cũng như chính con đường của tôi, vì vậy tôi cho mình thời gian để làm những việc cần làm trong hiện tại. Đó chính là thực sự chữa lành đứa bé tổn thương bên trong, học cách yêu thương chính mình, tìm kiếm hướng đi phù hợp trong công việc, và học cách xây dựng những mối quan hệ lành mạnh không độc hại (cả trong quan hệ lãng mạn và quan hệ bạn bè khác).
Những việc này cần thời gian, và tôi sẽ tự cho mình thời gian đó. Tôi luôn nhớ 1 câu cô mentor nói với tôi, câu nói đã cho tôi thêm sức mạnh và cảm thấy bớt chênh vênh hơn giữa khủng hoảng tuổi 27 này "Không ai nói trước được tương lai. Em hãy cứ học cách yêu mình và yêu người. Mọi chuyện đâu sẽ có đó."
Đúng rồi, mọi chuyện đâu sẽ có đó. Que sera, sera. What will be, will be. Đó là điều an ủi lớn nhất mà hiện tại tôi có thể nói với chính mình và những người bạn 27 tuổi khác nếu có đang gặp khủng hoảng giống tôi.
Xin cầu chúc cho bất kỳ ai ngoài kia, đặc biệt những người 27 tuổi, sẽ tìm được cho mình một lối đi cho tương lai và bình an trong hiện tại.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất