Illusory Truth Effect Và Tại Sao Người Ta Tin Ăn Cà Rốt Giúp Sáng Mắt
Illusory Truth Effect hay hiệu ứng chân lý ảo tưởng là xu hướng tin vào một thông tin sai lệch (hoặc một thông tin chưa được kiểm chứng...
Illusory Truth Effect hay hiệu ứng chân lý ảo tưởng là xu hướng tin vào một thông tin sai lệch (hoặc một thông tin chưa được kiểm chứng nào đó) sau khi đã nghe nó lặp đi lặp lại quá nhiều lần. Đây là hiệu ứng được sử dụng rất nhiều trong quảng cáo, truyền thông, bầu cử hay tuyên truyền chính trị.
Sự nhầm lẫn hay ảo tưởng này nằm ở các nguyên nhân như người nghe khó xác thực đúng sai, thông điệp được truyền bởi những nguồn tin cậy, và được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Để hiểu rõ cách hiệu ứng này đã lừa bịp chúng ta như thế nào ta hãy đọc qua một câu chuyện xưa cũ sau.
Chuyện củ cà rốt
Vào chiến tranh thế giới thứ hai, nước Anh rơi vào tình trạng thiếu thốn lương thực nặng nề. Khẩu phần ăn của người dân phần nhiều là rau củ, trong đó cà rốt chiếm đa số. Lý do là vì nó là loại củ dễ trồng và dễ thu hoạch với môi trường nước Anh thời điểm đó, nên chính phủ đã cho sản xuất cà rốt với số lượng lớn để cứu đói. Nhưng mà người dân không phải ai cũng thích ăn cà rốt và cũng vì đấy mà một chiến dịch marketing thành công nhất lịch sử ra đời.
Khi quân đội Đức tổ chức những đợt không kích vào nước Anh, để tránh thiệt hai, các thành phố đã tắt điện hoàn toàn vào buổi tối để gây cản trở tầm nhìn. Đồng thời với hệ thống radar tiên tiến, các phi công Anh đã bắn hạ rất nhiều máy bay Đức. Tuy nhiên công nghệ radar này là tối mật, nên chính phủ Anh phải giấu nhẹm chúng đi nhưng không chỉ dừng lại ở giấu mà họ còn đổi trắng thay đen rằng những phi công Anh nhờ ăn cà rốt nên có thể nhìn thấy rõ trong đêm, nhờ đó mà hạ được máy bay của Đức.
Với sự phát động của chính phủ, các tờ báo, đài phát thanh và băng rôn quảng cáo đều thay phiên nhau nói về công dụng thần thánh của cà rốt để người dân tin và tiêu thụ nhiều cà rốt hơn nhằm giải quyết vấn đề lương thực. Các hoạt động tuyên truyền này đem về thành quả là người nào cũng muốn ăn cà rốt, nhà nào cũng cố trồng cà rốt, cả xã hội ai cũng tin vào công dụng thần kỳ của việc ăn cà rốt như một chân lý tự nhiên. Chiến dịch marketing này còn thành công đến mức cả chính quyền nước Đức cũng tin và yêu cầu phi công của mình ăn thật nhiều cà rốt để giúp sáng mắt hơn.
Sự thật
Ở hiện tại, nếu bạn đang hoài nghi về việc cà rốt có thần kỳ vậy không thì thực tế là trong cà rốt chứa nhiều đường, vitamin và muối khoáng, đặc biệt là vitamin C và carotene. Khi vào cơ thể, hai chất này sẽ chuyển hóa thành vitamin A có tác dụng giúp tăng thị lực và cải thiện tầm nhìn của mắt. Có thể nói cà rốt là một thực phẩm giúp duy trì đôi mắt khỏe mạnh và tốt hơn chứ không hoàn toàn giúp sáng mắt một cách nhanh chóng hay thậm chí là nhìn rõ trong bóng đêm.
Bên cạnh đó, dù vitamin A là một thành phần quan trọng của đôi mắt nhưng nếu vấn đề thị lực của bạn không nằm ở vitamin A thì dù bạn có bổ sung vào cơ thể bao nhiêu lượng cà rốt cũng không giúp mắt sáng hơn.
Mọi người có thể xem thêm video này để biết chi tiết
Những nghiên cứu đầu tiên
Gác câu chuyện về củ cà rốt qua một bên, thì câu hỏi đặt câu ra ở đây là con người có ngu ngốc và dễ lừa bịp như vậy không ?
Để trả lời điều này năm 1977, một thí nghiệm được tiến hành tại Đại học Villanova và Đại học Temple, Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu cho một nhóm sinh viên đại học xem lần lượt ba danh sách: mỗi danh sách gồm sáu mươi mệnh đề đúng hoặc sai, nhưng đều trông khá hợp lý.
Lần lượt hai và bốn tuần sau khi xem danh sách đầu, nhóm thí nghiệm tiếp tục đưa danh sách thứ hai và thứ ba. Có hai mươi mệnh đề đã xuất hiện trong cả ba danh sách, còn những mệnh đề khác chỉ được liệt kê một lần duy nhất. Những người tham gia có nhiệm vụ đánh giá mức độ tin tưởng vào tính xác thực của các mệnh đề trên thang điểm từ 1 đến 7. Nội dung của những mệnh đề này là những chủ đề mà các đối tượng gần như không có hiểu biết gì, như "Căn cứ không quân đầu tiên được thành lập ở New Mexico" hoặc "Bóng rổ trở thành một bộ môn thi đấu chính thức tại Thế vận hội vào năm 1925".
Kết quả cho thấy mức độ tin tưởng của họ vào những mệnh đề không lặp lại sẽ không đổi, nhưng lại tăng dần từ 4,2 đến 4,6 rồi 4,7 với những mệnh đề lặp lại. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc lặp lại một tuyên bố sẽ khiến nó có vẻ thật hơn. Có thể xem chi tiết nghiên cứu tại đây.
Năm 1989, Catherine Hackett và Larry Boehm đã tái hiện lại nghiên cứu, nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Kết luận được đưa ra vẫn là:
Khi thông tin được lặp đi lặp lại nhiều lần thì niềm tin về độ chính xác cũng tăng lên nhiều lần.
Tại sao lại như vậy ?
Những giả định đầu tiên về nguyên nhân của hiệu ứng được đưa ra là do người nghe không có hiểu biết, đấy là một thông tin xa lạ và họ không có cách nào để xác thực nên buộc phải tin vào số đông nhất. Điều này khá hợp lý, vì như ở câu chuyện cà rốt những người bác sĩ và có chuyên môn y học cao, khó mà buộc họ sẽ tin vào điều hoang đường đó.
Tuy nhiên đến năm 2015, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Experimental Psychology đã thách thức giả định đấy. Trong nghiên cứu này thì dù người tham gia đã có kiến thức về một vấn đề nào đó thì họ cũng bị hiệu ứng ảnh hưởng và dần thay đổi niềm tin vì nó. Ví dụ như dù người tham gia đã biết kilt là chiếc váy sọc cổ truyền của người Scottland, nhưng khi mệnh đề "Sari là tên của chiếc váy kẻ sọc ngắn của người Scotland" được lặp đi lặp lại rất nhiều lần thì một số người đã tin rằng đấy là sự thật.
Trước đó trong các nghiên cứu 1981 và 1983 đưa ra kết luận rằng việc lặp lại thông tin khiến cho ta dễ nhớ và quen thuộc với thông tin đấy hơn, và vì nó nằm sẵn trong trí nhớ nên ta tin tưởng nó hơn những thứ mới mẻ khác. Năm 2011, nghiên cứu của Jason D. Ozubko và Jonathan Fugelsang đã củng cố kết luận trên. Khi một mệnh đề được lặp lại hai lần, rồi ba lần, bốn lần càng nhiều lần hiệu ứng càng trở nên rõ rệt.
Một nghiên cứu khác diễn ra vào năm 2014, yêu cầu những người tham gia đánh giá mức độ xác thực những bài phát biểu của nhiều người. Một số người trong số này có tên dễ phát âm hơn so với những người khác. Kết luận được đưa ra là những người có tên dễ phát âm hơn cũng được đánh giá cao hơn. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những điều chủ quan, ngoài lề lại có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình đánh giá thông tin.
Rõ ràng những thông tin thuận lợi cho ghi nhớ hoặc được lặp lại đủ nhiều khiến người ta cảm thấy nó đáng tin cậy hơn.
Ứng dụng
Dù được nghiên cứu khá trễ, song sự xuất hiện của hiệu ứng chân lý ảo tưởng trong xã hội là khá sớm. Ví dụ như các chính khách người La Mã Cato luôn kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời kêu gọi tiêu diệt Carthage ("Ceterum censeo Carthaginem esse Deletendam") vì biết rằng việc lặp lại sẽ khiến người nghe thêm đồng thuận, thành ngữ "tam nhân thành hổ" của Trung Quốc cũng đề cập đến việc một lời đồn được nói bởi nhiều người sẽ trở thành sự thât. Hay như Adolf Hitler đã viết trong Mein Kampf rằng "Khẩu hiệu nên được lặp lại liên tục cho đến khi cá nhân cuối cùng nắm bắt được ý tưởng." Nó còn từng được dùng cho các chiến dịch tranh cử bởi các tổng thống như Ronald Reagan, Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama hay Donald Trump.[Link]
Bên cạnh các tuyên truyền chính trị, thì nó còn được dùng nhiều cho quảng cáo, marketing các thương hiệu lớn. Điển hình là hình thức seeding trong thời kỳ mạng xã hội.
Việc xuất hiện nhiều bình luận tích cực về một bộ phim hay một sản phẩm sẽ đem lại lòng tin cho phần đông khán giả chưa thưởng thức sản phẩm. Hoặc cũng có thể lặp đi lặp lại những câu slogan nhiều lần gắn liền với tên thương hiệu. Ví dụ hãy thử trả lời các câu hỏi dưới đây:
- Nếu muốn mua tivi, máy lạnh sẽ đến đâu mua ?
- Nóng trong người thì uống gì ?
- Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam là gì ?
Rõ ràng việc lặp đi lặp lại nhiều lần không chỉ giúp nhiều người biết đến mà còn khiến độ tin cậy của họ tăng lên dù họ chưa trực tiếp trải nghiệm sản phẩm.
Hệ quả
Có thể nói hiệu ứng chân lý ảo tưởng như một lời nói dối lớn có thể lừa bịp tất cả mọi người. Nhưng mà nói dối không phải lúc nào cũng xấu. Như ở câu chuyện cà rốt, lời nói dối của chính phủ Anh như một mũi tên trúng hai con nhạn, vừa bảo mật được công nghệ radar vừa giải quyết được vấn đề lương thực trong nước. Đấy là một lời nói dối tốt đẹp, tuy nhiên không phải lúc nào mọi thứ cũng màu hồng như vậy. Có một câu chuyện đau lòng diễn ra ở Ấn độ như sau:
Vào ngày 13 tháng 7 năm 2018, năm người đàn ông, Salham al-Kubassi, Mohammed Salman, Mohammed Azam, Mohammed Afroz và Noor Mohammad, đã đến ngoại ô thị trấn để đi dã ngoại. Họ chở những đứa trẻ ra khỏi trường và tặng chúng sôcôla. Kubassi đến từ Qatar và đã mang theo một số sôcôla trong chuyến thăm Ấn Độ.
Cùng thời điểm đó tin đồn về các vụ bắt cóc trẻ em đã lan truyền khắp Ấn Độ trong nhiều tháng qua WhatsApp và các nền tảng mạng xã hội khác. Những câu chuyện làm tăng sự nghi ngờ của cha mẹ đối với người ngoài trong các cộng đồng nhỏ ở nông thôn. Những người lớn khi nhìn thấy du khách đưa sôcôla cho trẻ em họ bắt đầu tin rằng chúng là những kẻ bắt cóc. Mâu thuẫn bắt đầu diễn ra, lo sợ điều xấu nhóm 5 người đã lên xe bỏ đi. Tuy nhiên dân làng kế bên đã lập rào chặn họ lại, một đám đông hàng trăm người đã lôi những người đàn ông ra khỏi xe và bắt đầu đánh đập họ. Cảnh sát cuối cùng đã được gọi đến, nhưng đám đông quá đông nên không thể kiểm soát được. Kết quả là cuộc tấn công bạo lực đã giết chết một người và làm bị thương hai người khác.
Tổng quát
Khách quan mà nói hiệu ứng chân lý ảo tưởng là một con dao hai lưỡi, không phải lúc nào nó này cũng đem lại kết quả xấu nếu người ta có thể cân nhắc tới những hậu quả và dùng nó trong một chừng mực nhất định thì nó sẽ đem về những trái ngọt. Nhưng nếu không cẩn thận thì hậu quả sẽ rất kinh khủng.
Nguồn tham khảo
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất