Chúng ta đều đã biết đến một Hàn Quốc tươi đẹp, hào nhoáng và đầy lãng mạn qua những bộ phim truyền hình, những chương trình ca nhạc đa sắc màu. Chúng ta đều đã biết đến một Seoul hoa lệ vốn là niềm tin, là giấc mơ của không ít người trẻ tuổi. Nhưng ít ai trong số chúng ta biết đến một Seoul trần trụi hơn, một Seoul của thế kỉ hai mươi mốt tuy hiện đại mà vẫn u ám, buồn tẻ, một Seoul của những kẻ cô độc, trống rỗng. Có một Hàn Quốc như thế, có một Seoul như thế trong trang viết của nhà văn Kim Young Ha – cuốn sách “Tôi có quyền hủy hoại bản thân”.


Đọc những dòng đầu, mình những tưởng sẽ không thể ngấm nổi cuốn sách này. Mọi thứ có vẻ gì thật rời rạc, chắp vá, không logic. Nhưng càng đọc, mình càng bị cuốn vào cuốn sách, vào sự liên kết theo một cách ngẫu hứng và mềm mại không ngờ: toàn bộ cuốn sách là tập hợp của nhiều mảnh đời khác biệt. Nhân vật “tôi”, C, K, cô gái tên Se Yeon (thường được gọi là Judith), cô gái người Hồng Kông, Mimi; họ đều là đại diện của tuổi trẻ - cái tuổi vốn dĩ rất tươi mới. Vậy mà ở họ lại tỏa ra thứ mùi cũ kĩ và dường như quá đỗi già nua, mục ruỗng. Mỗi kẻ mang một số phận riêng: nàng Judith bất cần, phù phiếm, kẻ đã đi về phía ngược hướng quê hương trong ngày sinh nhật của chính mình, Mimi xinh đẹp, thành đạt, kẻ có một sự nghiệp rực rỡ. Cô gái người Hồng Kông mang nỗi ám ảnh kì lạ để rồi mỗi khi uống nước khoáng Evian thì đều nôn thốc nôn tháo. C và K, hai anh em, một gã chán đời lúc nào cũng sống dưới cái bóng người anh, còn một gã đã chẳng còn gì trong tâm hồn nữa ngoài những nỗi sợ hãi. Cuối cùng, “tôi”, nhân vật bí ẩn dẫn dắt tất cả họ và dẫn dắt cả độc giả, có thể gọi anh là một kẻ tâm thần, nhưng cũng có thể coi anh như một người nghệ sĩ. Sáu người họ hòa vào một, vẽ nên bức tranh chân thực nhất về xã hội Hàn Quốc hiện đại với đầy đủ những nỗi đau buồn, những niềm ám ảnh.


Niềm ám ảnh lớn nhất xuyên suốt câu chuyện đương nhiên là cái chết. Cái chết tỏa mùi hương quyến rũ ngay từ nhan đề tác phẩm. Cái chết len lỏi vào từng câu chữ, từng hình ảnh, cái chết hiện hữu trên từng số phận, nhẹ nhàng như không khí và đôi lúc không thể nhận ra. “Tôi” làm một công việc kì lạ - đánh thức đam mê với cái chết trong khách hàng của mình, trợ giúp họ, viết lại câu chuyện về họ. Có thật rằng “tôi” chỉ đang kiếm tìm cảm hứng sáng tác không, hay thực ra cái anh ta kiếm tìm chính là thứ khoái cảm méo mó khi nhìn khách hàng tự tử bằng con mắt lãnh đạm? Anh ta dường như đang cố gắng trở thành vị vua Sardanapalus trong bức tranh của họa sĩ Eugène Delacroix – người đang điềm nhiên ngắm nhìn cuộc tàn sát đẫm máu do chính mình ra lệnh sau khi quân đội của ông thất bại.


Bức họa “Cái chết của Sardanapalus” (Eugène Delacroix)


Dù thế nào, cái chết trong tác phẩm cũng đã được đề cập đến một cách quá đỗi bình thản. Không ai phủ nhận được sự nguy hiểm của cái chết, nhưng bản thân nó cũng có nét quyến rũ riêng. Trên thế gian này, có ai sống mà chưa từng nghĩ đến chuyện chết đi? Cái chết, suy cho cùng cũng chỉ là một sự lựa chọn. Judith và Mimi là hai cô gái xinh đẹp đã tìm đến với cái chết. C, K và cô gái Hồng Kông thì không, họ cũng bị cái chết mê hoặc phần nào, nhưng họ chọn cách dung hòa trái tim họ, nỗi đau của họ với cuộc sống. Ai mới thực sự là kẻ may mắn hơn – kẻ đã dũng cảm tìm đến cái chết, hay kẻ ở lại chống chọi với cuộc đời? Tác giả Kim Young Ha đã cố ý để cho hai cô gái chọn cách tự tử có hai cái tên riêng, trong khi những kẻ còn lại thì không. Phải chăng bởi cái tên là biểu hiện rõ nét nhất của sự tồn tại? Đối với Judith cũng như Mimi, khi họ cứ sống mãi trên thế giới như vậy, duy trì một sự tồn tại đều đặn, nhàm chán, ngày qua ngày lặp lại và kéo dài vô tận, thì cuối cùng họ cũng sẽ héo mòn. Bởi vậy cái chết sẽ là minh chứng thiêng liêng cho sức sống trong họ. Cái chết sẽ là lời tuyên bố hùng hồn với cả thế giới rằng họ đang thực sự sống, họ vẫn ở đây, mãi mãi ở đây. Hãy thử nhìn lại mà xem – Judith và Mimi chưa thể chết được, còn C, K, cô gái Hồng Kông, ngay cả “tôi” nữa, cũng chưa hẳn đã đang sống. Đọc cuốn sách, bạn sẽ phải nhìn lại mình và ngỡ ngàng tự hỏi: liệu mình có đang sống hay không?



Bức họa “Cái chết của Marat” (Jacques-Louis David)


“Tôi có quyền hủy hoại bản thân” còn rất đặc biệt ở chỗ ngồn ngộn chất nghệ thuật tạo hình. Mình vốn là người say mê nghệ thuật, đặc biệt là hội họa, bởi vậy nên cách tác giả lột tả rất tinh tế vẻ đẹp của những kiệt tác hội họa nổi tiếng thế giới như “Cái chết của Marat” (Jacques-Louis David), “Judith” (Gustas Klimt) hay “Cái chết của Sardanapalus” (Eugène Delacroix) đã khiến mình hoàn toàn say sưa. Mình đã phải đi tìm đọc các bài phân tích về những bức tranh trên, bài nào cũng sâu sắc và hoàn hảo, nhưng dường như chỉ ở cuốn sách nhỏ mình đang cầm trên tay đây, những bức tranh đó mới thực sự được khám phá trọn vẹn vậy. Chúng được đặt vào một bối cảnh thật – Seoul thế kỉ hai mươi mốt, được trao cho một mối dây liên kết với các nhân vật và với cuộc đời thật, trở thành những ẩn dụ sâu xa.


Dĩ nhiên cái chết luôn đáng sợ, và tìm đến cái chết vẫn là một suy nghĩ cực đoan. Tuy vậy Kim Young Ha đã đem đến cho chúng ta một góc nhìn khác về cái chết, cốt cũng để tất cả những kẻ đang sống phải ngẫm nghĩ về sự sống của chính mình, về cách mình tồn tại, khẳng định bản thân với cuộc đời, cách mình đối mặt với sự đe dọa ngọt ngào của cái chết. Cuốn sách này không đem đến nỗi tuyệt vọng, dù bản thân cuốn sách được nhào nặn từ chất liệu tuyệt vọng – đó chính là điều hay nhất.