Năm 1884, chàng thanh niên trẻ Nikola Tesla xuống tàu ở bờ biển Hoa Kỳ. Hành lý chỉ có vỏn vẹn 4 cents, một vài thiết bị tính toán, một vài bản vẽ ý tưởng, và quan trọng nhất, lá thư giới thiệu từ Charles Batchelor - một trong những đối tác làm ăn của Thomas Edison tại châu Âu. Còn Edison ở trong khoảng thời gian đó đã là một nhà phát minh được mệnh danh là “thầy phù thủy Menlo Park”, người thương mại hóa thành công các phát minh và giúp đưa ánh sáng tới mọi nơi trên thế giới. 
Bóng đèn dây tóc là một trong những thành tựu vĩ đại nhất đối với lịch sử loài người. Nhưng vào thời điểm khi nó mới được phát triển, nguồn điện DC của Edison chưa hề ổn định để đưa các phát minh sử dụng điện năng ra tầm quy mô lớn. Edison giao cho cậu trai Nikola Tesla một thử thách không tưởng, “thiết kế 24 mẫu máy để khắc phục tính bất ổn của nguồn điện DC” với “khoản thưởng trị giá 50.000 đô”. Tesla bằng sự thiên tài của mình đã hoàn thành công việc đó, để rồi nhận ra khoản thưởng đáng ra mình phải được nhận chỉ là một “trò đùa kiểu Mỹ”. 
59 năm sau, nhà phát minh thiên tài ấy qua đời trong cô đơn và nợ nần, bất chấp việc có cho mình hơn 300 sáng chế khác nhau. Vậy có thật Thomas Edison là kẻ ăn cắp và đẩy cuộc đời của Tesla vào vực sâu? 
Thomas Edison và con đường trở thành “Nhà phát minh vĩ đại nhất thời điểm ấy”
Hãy khoan chưa nói về những gì Edison đã làm với Tesla, chúng ta nên nhìn lại những gì mà ông đã thực sự làm được trước và sau khi Tesla xuất hiện.
Xuất phát điểm chỉ là một cậu nhóc bán kẹo và bán báo dạo, kiếm 50 đô mỗi tuần. Thomas Edison trong một lần cứu sống một đứa bé 3 tuổi tên là Jimmie Mackenzie khỏi lao vào tàu hỏa, ông được cha của đứa bé này bảo trợ và dạy trở thành một điện tín viên. Vừa bán báo, vừa làm điện tín, vừa thực hiện các thí nghiệm khác nhau. Tuy nhiên không lâu sau đó, ông nghỉ công việc này sau khi suýt chút nữa gây ra một vụ đâm giữa 2 chiếc tàu hỏa. 
Sau khi nghỉ việc, ông được bán báo độc quyền trên đường, và với sự giúp đỡ của 4 trợ lý khác, Edison tự tạo và in tờ báo của riêng mình có tên “Grand Trunk Herald”, sau đó bán cùng với các tờ báo khác. Từ đó mà bắt đầu chuỗi ngày kinh doanh mạo hiểm của mình, cũng như khám phá tài năng kinh doanh thiên bẩm của bản thân. Ở tuổi 19, Edison chuyển tới Kentucky và làm việc cho Western Union, nhưng cũng bị đuổi việc không lâu sau khi làm đổ sulfuric acid ra sàn bởi không cẩn thận khi làm thí nghiệm tại công ty. 
Ông là người ham tìm tòi và luôn muốn đào sâu vào gốc rễ của sự việc, bởi vậy mà Edison luôn tìm cách tạo ra những cỗ máy để tối ưu công việc của bản thân. Kèm theo đó là sự ra đời của chiếc máy ghi điện phiếu, hay chiếc máy điện báo kép có khả năng phát đi cùng lúc 2 tin, sau này được cải tiến thành máy tải ba, tải tư, rồi đa tải. Chiếc máy tải tư được bán lại cho chính công ty Western Union với giá không tưởng khi đó là 10.000 đô. Phát minh này là thành công tài chính lớn đầu tiên của Edison.
Sau khi chuyển tới New York, ông cùng người thầy của mình khi ấy là Franklin Leonard Pope khởi lập công ty chuyên về điện và điện báo. Cũng tại đây, ông cải tiến chiếc máy điện báo đa tải thành “hệ thống điện báo nhận các tin tức hối đoái ngân hàng”. Chiếc máy này đem về cho Edison số tiền khổng lồ, sau đó cũng để trút hết vào các thí nghiệm cho các phát minh về sau, bao gồm chiếc máy hát quay đĩa năm 1877. Công chúng coi phát minh này là một điều không tưởng, đem lại cho Edison biệt hiệu “thầy phù thủy của Menlo Park”. 
Nhân cơ hội, Edison mở luôn một phòng thí nghiệm và sáng chế riêng ở chính New Jersey, quê hương của ông, lấy tên là “Menlo Park”. Đây là viện nghiên cứu đầu tiên được thành lập với mục đích chuyên biệt nhằm tạo ra các cải tiến và cách tân trong công nghệ. Và đa số các phát minh được đưa vào thực tiễn cũng được tạo ra ở đây, bao gồm thực nghiệm điện thoại, máy quay đĩa, tàu điện, máy phân tích quặng, và quan trọng nhất, là đèn điện. 
Đa số các bằng sáng chế của Edison là những bằng sáng chế hữu ích, nhưng chỉ khoảng hơn mười là bằng sáng chế thiết kế. Nhiều phát minh của ông không hoàn toàn là ý tưởng ban đầu do tự ông nghĩ ra, nhưng những cái tiến giúp nó có thể sản xuất hàng loạt và thương mại hóa là của ông. Ví dụ, bóng đèn không phải là phát minh của Edison như nhiều người vẫn lầm tưởng. Có rất nhiều thiết kế đã được phát triển lại bởi các nhà phát minh từ trước đó, bao gồm cả bằng sáng chế ông mua lại từ Henry Woodland, Matthew Evans và rất nhiều người khác nữa. Ông lấy đặc tính từ các thiết kế này và giao công việc cho các công nhân để có thể tạo ra những chiếc bóng đèn có tuổi thọ cao hơn. Tới năm 1879, ông sản xuất ra một ý tưởng mới, một chiếc đèn có sức chịu đựng cao trong môi trường chân không lớn, và nó sẽ cháy sáng hàng trăm giờ, nhằm có thể thương mại hóa sản phẩm tới mọi gia đình và các cửa hàng. Đồng thời, tạo ra một hệ thống phát và cung cấp điện. Đó là khi Edison sử dụng dòng điện một chiều (DC) để cung điện cho các sản phẩm sử dụng điện năng của mình. Nhưng tất nhiên là nó không hề ổn định. Người giải quyết được vấn đề đó chính là Nikola Tesla, cũng là người phát minh ra dòng điện xoay chiều (AC) về sau. 
Tesla và cú Scam 50K đô của Edison
Tesla được thuê để làm việc cho Edison Machine Works bởi sự giúp đỡ của Charles Batchelor. Công việc của anh chỉ là kỹ thuật điện đơn giản, nhưng sau đó nhanh chóng tiến triển lên bộ phận giải quyết những vấn đề khó khăn nhất của công ty. Số lần mà Tesla trực tiếp gặp mặt và nói chuyện với Edison chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một trong số đó đã được ghi lại trong hồi ký của Tesla. Trong một lần thâu đêm để sửa chữa chiếc máy phát điện bị hỏng của con tàu viễn dương SS Oregon, Tesla đụng mặt với Batchelor và Edison. Sau khi biết rằng anh thâu đêm chỉ để làm việc, Edison đã nói với Batchelor rằng “this is a damned good man”. 
Tesla thời mới làm việc tại nhà máy của Edison
Tesla thời mới làm việc tại nhà máy của Edison
Quay lại câu chuyện về những chiếc máy phát điện một chiều DC bất ổn của Edison, Tesla có thể thiết kế lại nó, nâng cao cả hiệu quả kinh tế lẫn chất lượng. Edison nói “nếu anh có thể làm được điều đó, chúng tôi sẽ trả cho anh hẳn 50 ngàn đô (tương đương hơn 1.4 triệu đô bây giờ)”. Đây rõ ràng là một tuyên bố vô cùng khó tin của Edison, bởi ông vốn được biết tới là một kẻ trả lương vô cùng bủn xỉn, và công ty cũng chẳng có đủ từng nấy tiền. Sau nhiều tháng làm việc, Tesla hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tự tin tới phòng của sếp để yêu cầu giữ đúng lời hứa. Nhưng Edison đáp lại rằng “Anh bạn à, đó chỉ là một trò đùa thôi. Anh đang không hiểu khiếu hài hước kiểu Mỹ. Kèm theo đó, Tesla chỉ nhận được quyết định tăng lương từ 10 đô lên 18 đô/tuần. 
Tesla chỉ làm việc tại Edison Machine Work trong vòng 6 tháng rồi bỏ việc. Tới nay, lý do dẫn tới quyết định này vẫn chưa từng được làm rõ. Nhật ký của Tesla chỉ có duy nhất một ghi chú nguệch ngoạc trên 2 trang từ ngày 7/12/1884 cho tới 4/1/1885, nói rằng “Tạm biệt Edison Machine Works”. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng đây là hệ quả sau vụ scam của Edison đối với Tesla, cảm thấy bị phản bội của người sếp, và công sức của mình bỏ ra không được đền đáp xứng đáng. Nhưng bên cạnh đó, là còn cả bất đồng trong việc sử dụng dòng điện xoay chiều nữa. 
Ngay sau khi rời khỏi công ty, Tesla nghiên cứu một hệ thống chiếu sáng hồ quang, và sau đó gặp Lemuel W. Serrell để có được sự giúp đỡ trong việc đăng ký bằng sáng chế. Sau đó, Serrell giới thiệu Tesla tới Robert Lane và Benjamin Vail để có được sự tài trợ cho công ty sản xuất riêng của Tesla, “Tesla Electric Light & Manufacturing”. Tesla làm việc trong suốt cả năm 1885 để sáng chế máy phát điện một chiều DC cải tiến, thu hút sự chú ý của báo chí và diễn đàn kỹ thuật về các tính năng tiên tiến của nó. Nhưng sau rồi, Tesla muốn phát triển các ý tưởng về dòng điện xoay chiều AC, trong khi các nhà đầu tư tỏ ra không có hứng thú đến nó. Cực chẳng đã, họ quyết định sẽ chỉ sử dụng điện một chiều, thành lập công ty mới, sa thải và tư bỏ công ty của Tesla, chẳng để lại cho ông dù chỉ là một xu. Tesla mất quyền kiểm soát các bằng sáng chế mà ông đã tạo ra, bởi ông đã giao chúng cho công ty để đổi lấy cổ phiếu. Ông phải đi làm thợ điện và thậm chí phải đào mương để kiếm sống qua ngày. Ông kể lại, giai đoạn mùa đông năm 1886-1887 là thời gian của “những cơn đau đầu khủng khiếp và những giọt nước mắt cay đắng”. Ông tự hỏi rằng mình đi học để làm gì, “trình độ giáo dục cao trong ngành khoa học, cơ học và văn học, đối với tôi, giống như một sự nhạo báng”. 
Nhưng trong cái rủi lại có cái may, cuối năm 1886, Tesla gặp Alfred S. Brown, một giám đốc của Western Union và luật sư Charles F. Peck. Đây là những người có kinh nghiệm trong việc thành lập các công ty và thúc đẩy phát minh tạo ra lợi nhuận về tài chính. Dựa trên các ý tưởng mới của Tesla cho thiết bị điện, họ đồng ý tài trợ cho nhà phát minh và xử lý các bằng sáng chế của ông. Công ty mới “Tesla Electric Company” ra đời vào tháng 4/1887, trong đó lợi nhuận từ các bằng sáng chế sẽ được chia 3, 1 phần cho Tesla, 1 phần cho Peck và Brown, 1 phần để tài trợ phát triển. Phòng thí nghiệm của Tesla được thành lập tại Manhattan, góp phần giúp ông phát triển động cơ không đồng bộ chạy bằng dòng điện xoay chiều AC. Cái ngày mà động cơ này được công khai đi vào hoạt động, cũng là lúc bắt đầu cơn ác mộng của Thomas Edison. 
Động cơ cảm ứng của Tesla được trình diễn và được hỗ trợ bởi George Westinghouse, khi đó đã là một tỷ phú, đã tạo nên cuộc chiến trên cả thị trường và giới khoa học kỹ thuật. Phía công ty Westinghouse cùng với Tesla sử dụng dòng điện xoay chiều, và phía Edison Electric sử dụng dòng điện một chiều. Khi ấy, Edison biết mình đã thất bại, và ông trở nên cực kỳ giận dữ. Edison làm hẳn một chiến dịch để cố gắng chứng minh rằng dòng điện xoay chiều là nguy hiểm và không phù hợp để được sử dụng rộng rãi. Thậm chí còn chích điện động vật như chó, ngựa, thậm chí đưa một con voi ra giữa đường phố New York rồi giật điện. Quá đà hơn, Edison cổ súy việc sử dụng dòng điện xoay chiều để xử tử phạm nhân bằng ghế điện để tạo sự sợ hãi trong công chúng với dòng điện xoay chiều của Tesla. Nhưng những cố gắng ấy chẳng thể phủ nhận được sự thiên tài của Nikola Tesla. Ông vẫn đưa điện năng và thắp sáng cả nước Mỹ cùng với công ty Westinghouse. Để làm được điều đó, Tesla đã nghĩ ra một cách, đó là khai thác thủy điện tại thác Niagara. Cũng chính ông đã cố vấn cho Edward Dean Adams, giám đốc nhà máy thủy điện trong việc lựa chọn hệ thống khi đang trong quá trình xây dựng nhà máy. 
Nhưng tham vọng của Tesla không chỉ dừng lại ở đó. Khát vọng tối thượng của ông là để có thể cung cấp điện miễn phí cho tất cả mọi người. Không như Edison, Tesla chẳng phải là một doanh nhân đại tài. Ông tin những thành tựu của mình là để phục vụ cho sự phát triển của khoa học. Cũng chính bởi những phát minh của Tesla, thế giới mới có thể hoạt động như ngày nay. Bao gồm cả những hệ thống truyền tải không dây như cuộn dây Tesla, sau này được sử dụng trong radio, điện thoại và cả TV. Tuy nhiên, sự tồn tại của những nhà đầu tư, những nhà tài trợ, hay cả những doanh nhân tối ưu vào lợi nhuận như Edison đã khiến những giấc mơ của Tesla chẳng thể trở thành hiện thực. Như nhiều người từng nói về cuộc chiến của Tesla và Edison: “Edison không lấy gì từ Tesla cả, ông chỉ cướp Tesla khỏi nhân loại mà thôi”
07/01/1943, Nikola Tesla qua đời trong cô độc và nợ nần, ở tầng thứ 33 của khách sạn New Yorker, hưởng dương 86 tuổi vì trụy tim. Ông đã sống tại đây cả một thập kỷ, xa lánh với xã hội. Ở thời điểm này, ông đã thua cuộc trước Guglielmo Marconi trong cuộc đua sáng chế ra đài Radio vào năm 1901, và nguồn tài trợ từ J.P. Morgan cũng đã cạn kiệt. Ông bầu bạn với những chú bồ câu cho tới khi qua đời. Cho tới nay, vào năm 2016, FBI vẫn tìm ra được hàng trăm trang tài liệu của Tesla, và trong đó vẫn có những ý tưởng để phát triển và khiến cho khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ. Sự thiên tài của ông vẫn còn sống mãi kể cả khi ông không còn trên thế giới nữa.